Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024
Khác
    HomeẨm Thực- Sức KhỏeHạ đường huyết nguy hiểm như thế nào?

    Hạ đường huyết nguy hiểm như thế nào?

    Hạ đường huyết có thể gây ra tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.

    Bác sĩ Trần Văn Lượng, Khoa Nội Tiết – Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết thông thường hạ đường huyết nhẹ sẽ chỉ thoáng qua, người bệnh ít chú ý. Tình trạng nặng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nặng hơn nữa, có thể tử vong hoặc những hậu quả sa sút trí tuệ về sau. Nếu nhận biết và xử lý cơn hạ đường huyết kịp thời, khoảng 15 phút sau bệnh nhân khỏe, chậm phát hiện sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

    “Đặc biệt, hạ đường huyết khi ngủ sẽ khó nhận ra được triệu chứng nên một số người ngủ rồi đột tử, hôm sau người nhà mới phát hiện được”, bác sĩ Lượng chia sẻ.

    Hạ đường huyết nguy hiểm như thế nào? ảnh 1
    Đo đường huyết

    Nguyên nhân tụt đường huyết thường gặp là do ăn uống kém, mệt biếng ăn, bị nôn ói, ăn không đúng giờ, vận động quá mức, dùng thuốc có nguy cơ gây hạ đường huyết. Người suy gan, suy thận, lớn tuổi, uống rượu bia, có bệnh lý đi kèm, nguy cơ hạ đường huyết cao hơn.

    Theo bác sĩ, triệu chứng hạ đường huyết tương tự với đói. Người bệnh sẽ cảm thấy vã mồ hôi, đói, run, hồi hộp, lo lắng. Hạ thấp hơn nữa, sẽ có các triệu chứng về thần kinh như lú lẫn, lơ mơ, hôn mê, tử vong. Người bệnh tiểu đường nếu cảm thấy khó chịu trong người, có triệu chứng bất thường nên kiểm tra đường huyết ngay.

    Hạ đường huyết trong lúc ngủ, bạn có thể mơ thấy ác mộng, hôm sau ga giường ướt mồ hôi rất nhiều, ngủ dậy thấy mệt mỏi đau đầu, đường huyết sáng hôm sau cao bất thường hơn so với tối trước.

    - Advertisement -

    Bác sĩ Lượng lưu ý các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn và không rõ ràng. Do đó sau khi nhận biết, cần xác định lại bằng máy đo đường huyết. Nếu chỉ số đường huyết nhỏ hơn 70mg/dL hoặc 4mmol/L, là bạn đang bị hạ đường huyết.

    Ghi nhớ “quy tắc 15” khi bị hạ đường huyết, đối với người bệnh còn tỉnh táo, ăn uống được. Đó là cần bổ sung vào cơ thể 15 gam đường, tương đương với 3 muỗng cà phê đường cát pha nước, hoặc 3-4 cái bánh ngọt, nửa lon nước ngọt. Đang ở ngoài đường, có thể ngậm vài viên kẹo. Sau 15 phút cần kiểm tra lại đường huyết, nếu chỉ số vẫn còn thấp thì bổ sung thêm 15 gam đường. Trường hợp chỉ số đường huyết đã đủ, có thể ăn một chén cơm hoặc tô cháo để ngăn ngừa tụt đường huyết tiếp tục.

    Trong trường hợp người bệnh lơ mơ, hôn mê không ăn được, nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được truyền đường.

    “Để tránh tình trạng hạ đường huyết, cần ăn uống đúng giờ, khi làm việc vận động quá sức hoặc công việc bận rộn không thể ăn đúng giờ thì cần ăn thêm bữa phụ”, bác sĩ Lượng khuyên.

    Lê Cầm
    – Nguồn VnExpress

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều