Những ngày cuối năm là thời điểm mọi người đều rất bận rộn với những dự định cuối cùng trong năm để có thể về quê đón Tết với gia đình. Đối với những người sống và làm việc xa nhà, những ngày cuối năm luôn mang lại rất nhiều cảm xúc khó tả.
Nhớ nhà, nơi có ông bà, ba mẹ, anh chị em. Nhà là nơi chất chứa những kỷ niệm của mỗi người từ tấm bé thơ. Ở nhà cho ta tất cả, từ tình yêu thương đến những nụ cười rạng rỡ, từ lời động viên an ủi đến những bữa cơm chan chứa tình thương, nhớ những món ăn thơm phức do mẹ nấu, nhớ hương vị bia Hà Nội cay nồng ba mua ngoài tiệm tạp hóa. Nhà là nơi để về sau những tháng ngày chông chênh. Có nhà để về đã là hạnh phúc lớn lao của mỗi người. Nhà, ở trong tim mỗi người trẻ là một định nghĩa khác nhau, nhưng dù với ai, nó cũng là nơi người ta muốn được quay về.
Thật ra có lẽ nhiều người sẽ thấy, những ngày giáp Tết lại đáng nhớ, đáng chờ mong hơn mấy ngày Tết nhiều. Những ngày giáp Tết, nhà nào cũng tất tả ngược xuôi. Người đi buôn đi bán kiếm tiền sắm Tết, người thao thức chờ mong giây phút được trở về quê nhà.
Tết là cả một sự kiện lớn mà từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức mong chờ. Những ngày giáp Tết, là những ngày cuối đông giá rét, cánh đồng làng vẫn tấp nập gồng gánh mạ non chuẩn bị xuống giống. Dù rét nhưng người nông dân vẫn phải lội xuống ruộng đi cấy. Rồi chiều cuối năm, nước sông lên trong vắt, bố sai con cắt lá dong, mang ra bến rửa. Đôi bờ nhộn nhịp tiếng người chào hỏi nhau vang khắp xóm cùng thôn, hương trầm bay thơm ngát. Trên bến dưới thuyền người trong làng í ới hỏi nhau xem năm nay gói bao nhiêu bánh chưng, thằng Tí thằng Tèo khi nào về ăn Tết.
Những ngày giáp Tết, Mẹ sẵn sàng từ những hôm trời còn đang rét. 19, 20 xuân còn ở đâu ngoài ngõ, mẹ đã khệ nệ những rau hành, những hoa quả để chuẩn bị Tết. Căn bếp của mẹ những ngày lạnh, má đứa nào đứa ấy hồng rực bên bếp lửa mẹ đun. Nhớ không khí cả nhà quây quần, có tiếng trẻ con í ới, tiếng người lớn quát vang nhà, lộn xộn nhưng lúc nào cũng thật vui.
Giáp Tết, người đi chợ tết đông lắm, hàng chen hàng, người chen người, tiếng nói ồn ã, tiếng mặc cả bán mua trộn lẫn với những tiếng cãi vã không phân biệt được gần hay xa. Thỉnh thoảng lại giật mình vì một tiếng gọi của ai bất chợt. Mấy đứa trẻ tìm cách len vào chợ, ngó chỗ này một tý, nhìn chỗ kia một tẹo, trong người lâng lâng một tình cảm khó tả, vui vui ngây ngất.
Chợ Tết quê vẫn nghèo như thế, có chăng là đến dịp này những người nông dân mới có dịp sắm sanh thêm một chút. Mấy anh chị nam thanh nữ tú sửa soạn cho mình đôi dép quai hậu, vài bà cụ mua thêm chút cau tươi, người mẹ tảo tần năm tháng dắt đứa con nhỏ mua cho manh áo mới để diện mấy ngày Tết… Tết quê nghèo nhưng rộn rã những niềm vui.
Chợ phiên ngày Tết nhiều sắc màu hơn bởi sắc thắm của hoa đào, bởi màu vàng của quả quất lấp ló sau vòm lá xanh, bởi những phong giấy hồng điều có nét bút mực tầu của ông đồ già ngồi viết câu đối, hay những bức tranh gà, tranh chuột tươi tắn và cả bởi những nụ cười rạng rỡ trên môi mọi người. Người chở bố đi mua hoa, người được mẹ cho theo ra chợ, sắm sửa cho những ngày trọng đại sắp tới.
Đường phố đông thật đông, quất đào bung mình trên mọi ngóc ngách. Đâu đó là thanh âm của chị bán rau: “Úi cha con lớn nhà chị đây á, lớn gần bằng mẹ rồi!”, đâu đó là lời hỏi thăm của bác bán đồ vàng mã: “Hai mẹ con đi chợ đấy, đã sắm Tết được nhiều chưa?”. Vậy mới là không khí Tết, vậy mới chính là những ngày đáng chờ mong nhất năm chứ.
Nhớ, nhớ bữa cơm mẹ nấu, nhớ đến chỉ muốn bỏ lại tất cả mà chạy về nhà thôi. Tầm này chẳng dám mong tiền tài vật chất, chỉ mong dịch có thể biến tan, để ai nấy đều được trở về nhà, bên bếp lửa thân thương, bên gia đình đầm ấm, cùng đón một cái Tết bên nhau, thế là đủ.
Tết về, người đi đường chào nhau: “Bà đi chơi Tết ạ!”, “Cháu chào ông! Mừng tuổi ông ạ!”, “Cụ đi đâu đấy ạ? Đã đi lễ chùa chưa cụ? ”… Tết là như thế. Đơn giản, ấy vậy lại nhớ lâu…
Tết quê nhà nghe chừng tất bật mà sao thật giản đơn!