Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 27, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếChuyện đó đâyĐiều bất ngờ lộ ra sau khi xe cẩu đứt dây làm...

    Điều bất ngờ lộ ra sau khi xe cẩu đứt dây làm bức tượng Phật 5,5 tấn rơi xuống đất

    Xe cẩu đứt dây làm bức tượng Phật 5,5 tấn rơi xuống đất và không ai ngờ rằng vụ tai nạn này đã giúp phát hiện ra giá trị thật sự của bức tượng Phật.

    Phật Vàng (Golden Buddha) có tên chính thức trong tiếng Thái là “Phra Phuttha Maha Suwana Patimakon”. Đây là pho tượng bằng vàng nặng 5,5 tấn, nằm trong đền thờ Wat Traimit, Bangkok, Thái Lan. Các học giả vẫn chưa chắc chắn về nguồn gốc của pho tượng, theo Vitange News. Đầu tượng hình quả trứng, chỉ ra pho tượng có thể ra đời dưới triều Sukhothai vào thế kỷ 13 – 14.

    Do nghệ thuật thời Sukhothai chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ và tượng Phật bằng kim loại sản xuất ở nước này được đưa tới nhiều quốc gia khác để lắp ráp, nhiều khả năng thợ chế tác đúc riêng từng phần tượng Phật Vàng tại Ấn Độ. Sau đó, pho tượng có thể được dời từ thành phố Sukhothai đến Ayutthaya năm 1403. Một số học giả cho rằng bia đá Ram Khamhaeng nhắc tới pho tượng. Ở dòng 23 – 27 của tấm bia đá đầu tiên có đề cập đến “hình ảnh Phật bằng vàng” nằm ở “trung tâm thành phố Sukhothai”.

    Trong quá khứ, pho tượng được trát bằng thạch cao để ngăn trộm cắp. Lớp thạch cao dày phủ kín tượng và nạm đầy viên thủy tinh màu. Theo giới nghiên cứu, quá trình trát thạch cao diễn ra trước khi vương quốc Ayutthaya bị quân xâm lược Miến Điện phá hủy vào năm 1767. Bức tượng nằm giữa đống đổ nát của Ayutthaya và rơi vào lãng quên.

    Xe cẩu đứt dây làm bức tượng Phật 5,5 tấn rơi xuống đất - Điều bất ngờ lộ ra khiến người chứng kiến kinh ngạc

    Xe cẩu đứt dây làm bức tượng Phật 5,5 tấn rơi xuống đất – Điều bất ngờ lộ ra khiến người chứng kiến kinh ngạc

    - Advertisement -

    Năm 1801, sau khi lập Bangkok làm thủ đô và chỉ đạo xây dựng nhiều đền thờ ở đây, vua Thái Lan Buddha Yodfa Chulaloke (Rama I), lệnh đưa về Bangkok nhiều tượng Phật cũ từ những ngôi đền bị tàn phá trên khắp cả nước. Vào thời gian vua Rama III trị vì (1824 – 1851), bức tượng vẫn phủ thạch cao được đặt làm tượng Phật chính ở tòa nhà trung tâm của khu đền Wat Chotanaram.

    Khi ngôi chùa cũ phải đóng cửa vì xuống cấp, hư hỏng nặng, bức tượng Phật đã được chuyển vào ngôi chùa nhỏ Wat Traimit cùng thành phố và dường như bị rơi vào quên lãng trong suốt một thời gian dài.

    Chỉ tới tháng 5/1955, khi một tòa nhà mới vừa khánh thành trong khuôn viên chùa Wat Traimit, người ta mới tiến hành di chuyển bức tượng sang địa điểm mới. Việc di chuyển một pho tượng khổng lồ với trọng lượng 5,5 tấn chắc hẳn không phải điều dễ dàng gì.

    Điều kỳ diệu xuất hiện

    Đội công nhân đã phải sử dụng tới xe cẩu để nhấc bổng bức tượng từ bệ thờ, tuy nhiên do trọng lượng quá nặng, những sợi dây thừng đã bất ngờ đứt tung khiến bức tượng rơi mạnh xuống đất.

    Không ai ngờ rằng vụ tai nạn đó đã giúp phát hiện ra giá trị thật sự của bức tượng Phật: Cú va chạm mạnh khiến một phần vỏ thạch cao nứt ra, để lộ phần kim loại ánh vàng sáng bóng.

    Vụ tai nạn đã giúp phát hiện ra giá trị thật sự của bức tượng Phật. Ảnh: Steemit

    Vụ tai nạn đã giúp phát hiện ra giá trị thật sự của bức tượng Phật. Ảnh: Steemit

    Lúc này, những người có mặt tại hiện trường mới sững sờ nhận ra pho tượng Phật khổng lồ vốn dĩ không phải tượng thạch cao mà làm từ 5,5 tấn vàng nguyên khối.

    Các nhà sư và đội công nhân đã cẩn thận gỡ bỏ lớp thạch cao bên ngoài, kết quả là phần thân vàng của bức tượng hiện nguyên hình với những chi tiết chạm khắc uyển chuyển, tinh xảo hơn bề mặt cũ rất nhiều. Thì ra trong quá khứ, pho tượng này được phủ thạch cao để che giấu giá trị thật nhằm ngăn chặn nạn trộm cắp.

    Bức tượng vàng được phát hiện rất gần với dịp lễ kỷ niệm 2.500 năm “Ngày Đức Phật nhập Niết bàn” nên nhiều Phật tử coi đây là một điều kỳ diệu. Bức tượng vàng diễn tả cảnh Phật ngồi thẳng, chiều cao 3 mét, hai đầu gối xếp bằng cách nhau 3 mét, toàn thân tỏa ra ánh sáng rực rỡ, uy nghiêm.

    Tượng thực tế bao gồm nhiều phần riêng rẽ được ghép nối cực kỳ ăn khớp với nhau. Người ta cũng tìm thấy một chiếc chìa khóa được bọc bằng thạch cao đặt ở chân tượng, có thể dùng để tháo rời các phần giúp vận chuyển dễ dàng hơn.

    Chưa có chuyên gia nào đưa ra nhận định chính xác về nguồn gốc pho tượng nhưng nhìn vào những chi tiết phần đầu hình quả trứng, có thể phán đoán đây là tác phẩm dưới thời kỳ Sukhothai vào thế kỷ 13, 14 – một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Thái Lan.

    Khi triều đại này rơi vào suy tàn, đất nước hỗn loạn, những người dân đã phủ thạch cao lên bức tượng Phật để giữ cho tượng được an toàn. Sau đó, pho tượng quý còn được chôn sâu xuống đất suốt 300 năm trước khi được một nhóm công nhân khai quật bên bờ sông Mekong.

    Hiện nay, bức tượng Phật vàng vô cùng uy nghiêm được đặt trong chánh điện chùa Wat Traimit, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Kushal Das

    Hiện nay, bức tượng Phật vàng vô cùng uy nghiêm được đặt trong chánh điện chùa Wat Traimit, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Kushal Das

    Các chuyên gia nhận định pho tượng này chứa khoảng 60% hàm lượng vàng, ngoài ra còn có một số kim loại khác.

    Tờ Culture Trip cho biết, bức tượng Phật tại chùa Wat Traimit chính là tượng Phật vàng nguyên khối lớn nhất thế giới. Giá trị ước lượng khoảng 250 triệu đô la Mỹ (số liệu từ Sohu), còn giá trị về mặt văn hóa của tượng thì không thể nào đong đếm được.

    Người dân địa phương tin tưởng vào sự thiêng liêng của bức tượng này và cho rằng bức tượng quý báu chính là biểu tượng của sức mạnh và quyền năng tối cao của Đức Phật, giúp che chở cho những người dân lành.

    Bản thân ngôi chùa Wat Traimit cũng được biết đến nhiều hơn với cái tên chùa Phật Vàng, mỗi năm đón tiếp hàng triệu lượt khách tới chiêm bái tượng Phật và chiêm ngưỡng cả những mảnh thạch cao bọc tượng khi xưa.

    Bài viết tham khảo từ Sohu

    TAMMY

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều