Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếChuyện đó đâyĐạo lý "lúa chín cúi đầu": Là người trưởng thành hãy nói...

    Đạo lý “lúa chín cúi đầu”: Là người trưởng thành hãy nói ít đi, làm nhiều hơn, tạo ra giá trị chứ đừng buông lời sáo rỗng

    Bao đời nay, người Nhật Bản truyền dạy cho thế hệ con cháu rằng, một cây lúa khi được mùa, trĩu hạt, thì nó biết cúi đầu. Khi con người sung túc, thịnh vượng, không được vênh mặt lên trời kiêu căng, tự mãn.

    Khi vợ tôi đang mang thai bé thứ hai được 6 tháng thì gia đình tôi xuất cảnh đi Mỹ. Chuyến đi có vợ chồng tôi và cả đứa con đầu của tôi đi cùng. Vì vợ tôi đang mang thai, IOM (cơ quan di dân quốc tế) thu xếp cho gia đình tôi đi đường bay quá cảnh phi trường Kyoto Nhật Bản thay vì đường ghé Hàn Quốc như thông thường. Nhờ đó, chuyến đi của chúng tôi được rút ngắn gần nửa ngày.

    Với một người dân xa lạ như tôi thì sự tử tế chu đáo đầy bất ngờ này của một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc khiến tôi vô cùng cảm động. Đặc biệt, tiền mua vé máy bay cho tất cả những di dân diện tị nạn đều do IOM cho vay trước. Chúng tôi sẽ được trả góp khi đã định cư an toàn ở quốc gia mới.

    Khi đến phi trường Nhật Bản, chúng tôi vô cùng mệt mỏi, trông bộ dạng lếch tha lếch thếch, khác biệt hoàn toàn với những hành khách sang trọng trên chuyến bay. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối, cũng tự biết thân phận của mình nên chờ mọi người ra hết rồi mới ra sau cùng.

    Điều khiến tôi bất ngờ đó là ngay khi vừa bước ra khỏi cửa máy bay, một tình nguyện viên của IOM là sinh viên người Nhật Bản với bộ dạng cao ráo sáng sủa trong trang phục vest chỉnh tề, đứng sẵn đó, thấy chúng tôi là gập người chào cung kính. Dù trên tay anh ta cầm tấm giấy lớn ghi tên chúng tôi nhưng thực ra chẳng khó để nhận ra cái gia đình nghèo vừa rồi khỏi đất nước nghèo này.

    - Advertisement -
    nguoi-nhat-ban-voi-dao-ly-bong-lua-chin-la-bong-lua-cui-dau-1

    Trước hành động cúi chào lịch sự của anh ta, chúng tôi sững người, vẻ lúng túng ngượng nghịu. Đây là cái cúi chào đặc biệt của người Nhật Bản mà lần đầu tiên trên đời tôi được nhận. Sau đó, anh ta kính cẩn ân cần, cố đi thật chậm để bà xã tôi không phải bước vội. Đôi chân của anh ta chỉ cần một bước là bằng chúng tôi đi ba bước nhưng anh ta vẫn luôn chậm rãi trong từng bước đi để chờ chúng tôi.

    Anh chàng này còn dùng tiếng Anh và cố chọn những từ ngữ đơn giản để một người dốt ngoại ngữ như tôi cũng hiểu. Ngay cả cái cách anh ta tế nhị đưa chúng tôi đến nhà vệ sinh rồi kiên nhẫn chờ ở ngoài làm tôi thực sự thán phục. Tôi tự hỏi nước Nhật Bản giáo dục kiểu gì mà người trẻ của họ tuyệt vời đến thế?

    Chúng tôi được anh chàng này dẫn đi dọc các hành lang sân bay quốc tế rộng mênh mông để đến cổng chờ chuyến bay đi Mỹ. Thời gian chúng tôi đi bộ phải mất khoảng nửa tiếng. Cung cách của anh chàng không khác gì đang hộ tống những nhân vật quan trọng. Sự tiếp đón đầy tình cảm ấm áp trìu mến như dành cho người thân thiết. Thậm chí, tôi nghĩ rằng nếu là người thân ruột thịt cũng chưa chắc được ân cần như vậy. Khi đến nơi, anh chàng tỏ vẻ áy náy xin lỗi chúng tôi vì có việc bận phải đi gấp. Anh ta nói sẽ gọi điện nhờ một người bạn đến đồng hành cùng chúng tôi trong 8 tiếng chờ đợi.

    Người mà anh chàng gọi nhờ đến hỗ trợ chúng tôi chính là cô người yêu. Cô ấy cũng là sinh viên, vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương, hiền dịu. Cô xuất hiện cùng bữa cơm đắt tiền mua ở nhà hàng và một giỏ trái cây. Khi gặp chúng tôi, cô ấy cũng cúi gập người chào rất lễ phép, khiến tôi ấn tượng vô cùng. Đặc biệt, khi hiểu ra IOM có đặt sẵn suất ăn nhanh ở phi trường cho chúng tôi nhưng đôi bạn trẻ này đã tự bỏ tiền túi ra vì muốn chiêu đãi bà bầu và em bé bữa ăn chu đáo hơn.

    nguoi-nhat-ban-voi-dao-ly-bong-lua-chin-la-bong-lua-cui-dau-2

    Chứng kiến vẻ dịu dàng của cô gái Nhật Bản khi dọn bữa ăn còn nóng ra chiếc ghế ở phi trường, mời chúng tôi, ngồi bên cạnh với nụ cười luôn nở trên khuôn mặt dễ mến, ân cần hỏi han, tôi không còn biết nói gì hơn.

    Những suy nghĩ xáo trộn trong đầu khiến tôi không còn tâm trí đâu mà tận hưởng đồ ăn nữa. Tôi cảm thấy mình không xứng đáng với sự tiếp đãi của cô bé nên đã tìm cách đi lòng vòng ngắm cái phi trường hiện đại này.

    Từ trong thâm tâm mình, suốt cuộc đời còn lại này, chúng tôi không thể nào quên được sự tử tế của hai người bạn trẻ Nhật Bản mà mình từng gặp. Con gái đầu của chúng tôi khi đó mới 8 tuổi, đã nói rằng, quốc gia đầu tiên phải đi thăm trước khi về thăm quê hương Việt Nam chắc chắn là nước Nhật Bản.

    Cho đến gần đây, tôi mới biết đến câu thành ngữ cổ xưa của người Nhật Bản: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Và, bao đời người Nhật Bản truyền dạy cho thế hệ con cháu rằng, một cây lúa khi được mùa, trĩu hạt, thì nó biết cúi đầu. Khi con người sung túc, thịnh vượng, không được vênh mặt lên trời kiêu căng, tự mãn. Hãy biết cúi mình để kính trọng và yêu thương người khác.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều