Cần tôn trọng ước nguyện của người sắp qua đời cũng như cần để cho họ được nằm yên và giữ im lặng càng nhiều càng tốt. Vì giây phút lâm chung sắp đến tâm linh họ cần được mở ra.
Tâm tư, tình cảm của người sắp qua đời
Ngoài vấn đề đau đớn thân xác, người sắp qua đời còn mang nặng một nổi niềm luyến tiếc, bịn rịn vì chưa hoàn tất một công việc, một ước vọng hoặc chờ mong việc gì đó. Ngoài ra về mặt tình cảm, ngoài bịn rịn gia đình, cha mẹ, vợ con, đôi khi họ còn phiền muộn lo âu về những điều họ đã phạm phải tội lỗi, những mối căm thù, những món nợ vân vân mà họ chưa giải quyết xong…
Đây là sự thật và cũng là điều đáng ngạc nhiên – phải chăng lúc lâm chung con người sắp ra đi, họ thường tỏ ra thánh thiện? Phần lớn người sắp qua đã thường tha thứ những gì mà người khác đã gây hại cho họ, kể cả kẻ thù mà lúc còn sống họ rất căm giận. Ngay cả nợ nần họ cũng nhớ và muốn giải quyết dứt khoát.
Anh Trần H Loan là một quân nhân đã kể rằng: trong một cuộc đụng độ xảy ra vào năm 1966, người bạn thân của anh là Nguyễn V Lễ bị đạn trọng thương lúc hấp hối đã nhờ anh nhắn gởi với gia đình những lời trăn trối và còn bảo:” ‘tôi còn nợ thằng Sáu trong đại đội 350 đồng nhớ trả giùm..”
Những điều vừa trình bày trên cho thấy ở phút lâm chung, con người tự nhiên tốt lành hơn, cởi mở hơn, thánh thiện hơn, tất cả như buông xả nên họ dễ dàng tha thứ. Ngay cả tử tội, trước khi thọ hình cũng thường tỏ ra ăn năn hối cải những lỗi lầm mà mình đã phạm phải.
Tôn trọng ước nguyện của người cận tử
Tại một số bệnh viện ở Luân Đôn – Anh quốc, khi thuyết giảng về những giây phút trước lúc lâm chung cho bệnh nhân, Đại đức Soyal Rinpoche đã lưu ý rằng: “Các bệnh viện cần tôn trọng ước nguyện của người sắp qua đời cũng như cần để cho họ được nằm yên và giữ im lặng càng nhiều càng tốt”.
Vì giây phút lâm chung sắp đến tâm linh họ cần được mở ra. Do đó khi biết được người bệnh không thể nào qua khỏi thì tốt nhất là gở bỏ những gì gài, cắm vào cơ thể người bệnh như các dây nhợ, kim tiêm, máy đo, thuốc truyền vào cơ thể vân vân để thân thể người sắp qua đời được tự nhiên, tâm trí thanh thản…. Đồng thời người thân túc trực bên thường nói lời tốt đẹp hay cầu nguyện cho người sắp mất và săn sóc tâm linh cho họ . . .Có thế sự ra đi của họ mới mong được an bình.
Ngày thứ 49 sau khi mất rất quan trọng – vì đó là thời hạn lâu nhất mà thân trung ấm chuyển đi vào một kiếp đời khác (đầu thai) Giai đoạn này nên có Sư hay Linh mục hoặc bạn bè bổn đạo, khuôn hội tới đọc kinh, tụng ít kinh giúp hương linh siêu độ. Đây là việc nên làm nhất: Một thời điểm khác cũng rất quan trọng là hai tuần sau khi mất tức là khoảng nửa tháng, thời gian ấy nên đọc kinh, tụng kinh cầu nguyện cho hương linh được vãng sanh cực lạc hay thiên đường tùy theo tôn giáo họ.
Trong hai thời điểm ấy nếu thân nhân làm việc nhân đức thiện nguyện bố thí với ý hướng làm thay người mới qua đời cũng phần nào giúp lợi lạc cho họ về mặt tâm linh, chuyển kiếp…
Đối với người Tây Tạng thì việc làm phước thiện nhân danh người chết là một việc làm có ý nghĩa nhất – Đó là cách trả ơn, tỏ lòng thương mến và hổ trở người đã mất hay nhất chớ không phải cứ ủ rũ than khóc tiếc nuối sầu thương cũng chẳng ích gì. Cho vong linh người quá vãng…