Vì sao chúng ta lại phải đầu thai? Bởi vì do những vọng tưởng của chúng ta liên tục không chấm dứt, chúng ta cứ mãi chấp chặt vào những ý niệm hơn thua, được mất, những tranh đua danh lợi… mà không bao giờ dừng nghỉ, vì thế chúng ta nhất định sẽ bị đầu thai trở lại.
Sự tham đắm cũng có rất nhiều thứ. Có người thì đam mê đối với tiền bạc, có người thì đam mê nữ sắc, có người lại suốt ngày chỉ biết có ăn và ngủ, có người thì chạy theo danh vọng, địa vị, lợi dưỡng… Người nào tham ăn, tham ngủ thì kiếp sau nhất định sẽ là bà con thân quyến của loài heo. Ở đây, chúng ta phải hiểu cũng có thể sẽ trực tiếp đầu thai làm heo, nhưng có thể sẽ đầu thai làm người nhưng lại mang đầy đủ bản chất của loài heo. Đối với người đam mê theo sắc đẹp thì kiếp sau sẽ đầu thai làm loài chim oanh vũ. Loài chim oanh vũ này có bộ lông rất đẹp, và chúng rất yêu thích bộ lông tuyệt đẹp của mình. Đó chính là do những hạt giống của sự đam mê tham đắm tạo nên.
Ngược lại, với các bậc Thánh nhân thì khác, họ không bao giờ tham đắm đối với sắc đẹp, lợi danh… bởi vì các bậc Thánh với trí tuệ của sự tu tập, các Ngài thấy rõ được thế gian này từ con người cho đến tất cả mọi sự, mọi vật đều chuyển biến vô thường, tất cả đều do nhân duyên mà sinh, mà đã có sinh, đã vô thường thì nhất định chúng sẽ không tồn tại mãi mãi. Nếu chúng ta cứ tham đắm, chấp trước vào sắc thân của ta, sắc thân của người, tham đắm vào danh lợi hơn thua… thì nhất định chúng ta sẽ bị khổ đau. Vì thế mà nói: “Người đã ngộ so với người chưa ngộ khác nhau rất lớn; người có tu tập so với người không tu tập khác nhau rất nhiều”.
Tại Đài Loan, tôi thường đến thuyết giảng ở các trường đại học, có khi ở lại cũng mấy ngày. Có một lần tôi bị mất một vạn đồng. Các vị đồng học rất lo lắng, họ cứ băn khoăn rằng: thỉnh Thầy đến thuyết giảng mà lại có người lấy cắp tiền của Thầy, thật là một điều xấu hổ. Sư phụ đã từ bi, tự lo tiền đi máy bay đến đây thuyết pháp dù cho thời tiết ở đây rất lạnh, sư phụ cũng không quản ngại khó nhọc, vậy mà có kẻ còn lấy trộm tiền của sư phụ. Rất nhiều bạn sinh viên bàn luận tìm xem ai đã lấy trộm và đang cất giấu ở chỗ nào. Thế nhưng các bạn sinh viên ấy cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy sư phụ không hề lo lắng khẩn trương chút nào, mà còn rất vui vẻ thuyết giảng nữa. Thế rồi có người nhịn không được bèn đến hỏi tôi: “Thưa Thầy, không phải Thầy đã mất một vạn đồng sao?”.
Tôi trả lời: “Không có, chỉ là người khác lấy đi dùng mà thôi, không có mất. Khi tiền còn ở trong tay của chúng ta thì chúng ta sử dụng, khi tiền ở trong tay người khác thì người khác sử dụng. Dù cho ai sử dụng thì cũng tạm thời mà thôi, khi thì trong tay người này, lúc thì trong tay người khác”. Vì thế, khi một người đã hiểu đạo thì trong cuộc sống hằng ngày, người này rất an lạc, vui vẻ, hạnh phúc, họ không bị phiền não, tức giận và sự tham đắm chấp trước chi phối.
Hôm nay, quý vị đến đây nghe Phật pháp thì so với những người làm ra nhiều tiền, quý vị còn kiếm được nhiều tiền hơn. Vì sao vậy? Bởi vì quý vị đến nghe pháp là quý vị có được một thứ tài sản vô cùng quý báu mà cho dù có tiền, quý vị cũng không thể mua được. Tài sản đó là trí tuệ. Bởi vì đạo Phật là đạo trí tuệ, là đạo của tình thương và sự hiểu biết. Cho nên quý vị đi nghe pháp chính là quý vị đã học tập, hiểu rõ và thực hành những lời đức Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày. Đó chính là quý vị thực hành khai mở trí tuệ từ nội tâm của chính mình, là quý vị đang khơi dậy những hạt giống của lòng thương yêu và sự hiểu biết. Chúng ta tu tập và áp dụng Phật pháp vào cuộc sống hằng ngày, chính là chúng ta đang tưới tẩm và vun xới những hạt giống trí tuệ và tình thương của chúng ta ngày càng lớn dần lên. Và như thế những mầm mống, những chất liệu của sự phiền não, giận hờn và ngu dốt sẽ được diệt trừ và hạnh phúc, an lạc sẽ đến với ta và mọi người xung quanh ta. Nếu trong cuộc sống hiện tại chúng ta có an lạc và hạnh phúc, chúng ta lại còn đem lại an lạc và hạnh phúc ấy cho mọi người thì nhất định tương lai, chúng ta sẽ không phải chịu những quả báo, những khổ đau đến với chúng ta. Đó chính là chúng ta tin tưởng vào nhân quả nghiệp báo.