Đông qua xuân lại đến, trăng tròn rồi lại khuyết bao lần, cái rét của mùa đông dần ấm để chuẩn bị một mùa xuân tràn đầy sức sống, tươi vui lại về. Mùi thơm của hoa cỏ lan tỏa trong bầu không khí ẩm ướt, ngọt thanh ấm áp. Ngoài kia hoa mai, hoa đào đang nở rộ, người người kéo nhau đi xem.
Tết là một năm đã qua, ta chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống. Ngẫm lại những chuyện còn dang dở ta chưa thực hiện, vô số việc còn chưa kịp làm, vô số người còn chưa kịp bày tỏ lòng yêu thương, đã già mất rồi.
Ngoại năm nay vừa bước sang tuổi tám mươi, tuổi mà chiều về được vui chơi cùng đàn con cháu. Cả đời ngoại sống giản dị lương thiện, không thích phô trương, lãng phí. Mỗi tết đến, đàn con cháu sắm sửa cho ngoại rất nhiều bộ đồ mới, nhưng ngoại thường nói, gia tài đồ sộ đến đâu cũng có lúc hết, những đồ vật một đời của con người để lại không nhiều, thế nên phải biết quý phúc. Tính ngoại là vậy, mỗi lúc các con ở xa về, đều cho ngoại chút quà, ít tiền, nhưng ngoại hay gói ghém những phần đó dành cho mấy đứa cháu trong nhà.
Tiền của một đời dành dụm, lúc về già bà chia cho con cái, giữ lại những đồ dùng thường nhật, không nỡ bỏ đi, vì chúng đã làm bạn với bà đi qua hết những ấm lạnh của hồng trần. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ lưng đeo gùi tre, thường cùng ngoại lên đồng hái sắn, gió xuân nắng ấm, vẻ đẹp của thiên nhiên còn hơn hết thảy phồn hoa trên thế gian này.
Ngày trước, việc đón Tết cổ truyền được ngoại chuẩn bị rất sớm vì là một sự kiện lớn trong gia đình, họ hàng. Những ngày này, mọi người vội vàng hơn trong phiên chợ cuối năm nên ngoại thường dậy từ tờ mờ sớm, đi chợ sắm sửa chút ít, để cho gia đình có một cái Tết ấm no.
Vui nhất là khoảng thời gian trước Tết. Nhà nhà lo sắm sửa, dọn dẹp. Ngoài đường, từng chuyến xe chở cây mai, cây quất,…nặng trĩu, làm tươi sắc cho chốn phố thị. Dòng người qua lại đầu ngõ, ai cũng tất bật. Đầu trên xóm dưới ca hát với những buổi tiệc tất niên thịnh soạn.
Mấy đứa cháu được lớn lên dưới vòng tay ngoại, những ngày đầu tháng Chạp đã nóng lòng trông đợi, mong ngóng đến ngày quay về, lại ngồi dưới song cửa sổ chạm hoa, nhìn ngoại khâu vá áo. Được cùng cha sơn lại mái hiên đã cũ qua một mùa mưa nắng, được ăn món ăn mà mẹ tự tay chuẩn bị, cùng bạn bè tụ tập uống tách trà nóng giữa cái lạnh giao mùa Và ngồi dưới thềm củi ở dưới bếp lò, nướng khoai lang, rồi uống một bát nước giếng ngọt mát, nuôi dưỡng tâm tình. Tất cả mọi phù hoa đều bị nhốt bên ngoài cánh cửa, chỉ còn lại ta và người thân quây quần. Tết để thấy rằng những điều giản dị trong cuộc sống mà hằng ngày mình đã bỏ qua.
Ngày còn bé, Tết đến, mang lại vô số niềm vui cho tụi nhỏ trong nhà. Mấy đứa nhỏ những ngày này cũng lăng xăng phụ giúp cho ngoại lau dọn bàn thờ gia tiên, lau mấy tàu lá chuối để ngoại gói bánh. Lâu lâu lại tụm năm tụm bảy kể lại những chuyện trường lớp. Ngoại thường nói chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hóa của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng ngày Tết. Những ngày Tết ở được ở bên ngoại gắn liền với niềm vui trong cái ngát hương của đất trời.
Thời gian sau này, mấy đứa cháu trong nhà ngày càng ít dần, mỗi đứa đều có tương lai của mình, xa rời cố hương. Có đứa duy chỉ trong mơ, vẫn giữ lại vô vàn nỗi sầu nhớ quê.
Bao năm ngoại lênh đênh trôi dạt như cánh bèo, trãi qua bao độ sương gió, trãi qua biết bao thời cuộc, nay lại về với dì Tư. Dù vậy, với những đồ vật cũ như cái túi vải đã cũ mèm, ngoại vẫn thường ghim trong chiếc áo, vẫn không nỡ chia cắt tình cảm.
Mấy ngày cuối năm, ngoại thường gặp mấy bà trong xóm, kể dăm câu chuyện, cảm khái thế sự lênh đênh, cuộc sống khó khăn. Hình ảnh ngoại giẫm lên ánh hoàng hôn quay về, gương mặt đầy nếp nhăn đang mỉm cười, mang theo mấy đòn bánh chưng dán giấy đỏ, mãi mãi không quên. Lễ đưa ông Táo, mấy đứa cháu tụ tập về nhà, ngoại thường lụi cụi dưới bếp, nhóm bếp lò, nấu mấy món giản đơn, dùng để đãi mấy đứa nhỏ nơi xa về. Mấy món ngoại nấu, sao ngon miệng đến lạ kỳ. Nó thơm lẫn mùi khói khi nấu củi, mùi của đồng quê, mùi mà nơi chốn phố thị phồn hoa chẳng bao giờ có được. Cảnh gia đình sum họp mấy ngày cuối năm này, có thể khiến ngoại hạnh phúc cảm động đến như vậy.
Sắc xuân mê hồn, vạn vật tươi mới. Mấy năm trở lại đây, sức khỏe ngoại ngày một yếu đi, mây mù sâu khuất, chỉ còn lại bếp củi lạnh ngắt, mãi chẳng còn ai ngó ngàng dến. Cây liềm chẻ củi bị thời gian ăn mòn, sớm đã đánh mắt sự sắc bén và khí thế năm nào. Một giỏ cơm, một bầu nước, ở nhà tranh, đợi chờ mấy đứa cháu quay về.
Ngoại ăn chay niệm Phật đã mấy mươi năm nay, chưa từng cầu gì cho riêng mình, duy chỉ mong có đủ sức khỏe, để thấy mấy đứa cháu trưởng thành. Khoảng thời gian cận Tết, núi sông đẹp đẽ, trời đất thong thả, ai nấy cũng đều ung dung bất tận. Ngày ngày gia đình sum vầy bên nhau, chỉ mong năm tháng tĩnh lặng, cả đời an ổn.
“Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”, Tết là dịp để gia đình sum họp và báo cáo với ông bà tổ tiên về công việc trong suốt một năm qua nên phải “thỉnh” ông bà về cùng ăn tết với con cháu. Dù nay lưng có khòm, mắt đã mờ đi nhiều, tết năm nào, ngoại vẫn luôn chưng dọn bàn thờ cho tươm tất, mâm ngũ quả, cành mai, cành đào, chẳng năm nào ngoại để thiếu thứ gì. Đêm giao thừa, nhìn lên bàn thờ tổ tiên, phảng phất trầm hương quyện tỏa trong không gian ấm cúng. Tuy mơ hồ nhưng nó gởi gắm cho con cháu thế hệ sau động lực để bước tiếp qua những giông tố của cuộc đời. Dù sống trong quê hương hay bất cứ nơi nào trên thế gian này, Tết của dân tộc Việt là lúc để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, nhớ về nguồn cội, ngoại thường hay nhắc như vậy.
Những ngày Tết đến, khắp mọi miền đất nước, nơi đâu cũng có những lễ hội, hoạt động lễ nghi, tín ngưỡng, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong mấy ngày Tết, những ngõ hẹp bình thường vốn vội vàng, ồn ã, nay lại bình yên đến lạ thường. Khi Tết đến, ở bên ngoại sống những ngày nhàn nhã, tĩnh lặng, đó chính là cảnh giới bình yên của mấy đứa cháu. Ngày Tết, khắp đầu trên xóm dưới vẫn còn giữ nguyên phong tục là chúc nhau câu bình an. Bên tách trà ấm ngày mùng một, các con cháu cùng tụ họp về nhà, tung tăng trong bộ quần áo mới tinh, chúc những lời ước nguyện tốt đẹp nhất đến với ngoại, sau đó được ngoại lì xì cho những phong bì đỏ thắm thể hiện sự chân tình. Các anh chị em trong nhà dịp này thường ngồi lại, thể hiện tình cảm với nhau.
Những người con tha hương, mỗi cái Tết trở về nhà, họ không quên đi một vòng qua các ngõ nhỏ, cho dù cỏ dại mọc um tùm, tường đổ vách nát nhưng rốt cuộc vẫn cảm thấy thân thiết. Phong tục cổ truyền ngày Tết vì thế mà thêm phần linh thiêng, đậm đà bản sắc.
Cả năm phiêu bạt, rong ruổi qua bao phố thị, đủ khiến cho con người nếm đủ mùi vị của kiếp người. Khi trưởng thành, bất cứ ai đi xa đến đâu khi đến những này cuối năm vẫn có những bồi hồi khi nhớ về cố hương. Tết là cơ hội để cho tất cả mọi người, từ già đến trẻ soi lại chính mình, rũ bỏ gió bụi nơi phố thị xôn xao, về nhà đoàn viên sum họp. Đôi khi Tết là khi người con xa xứ lại một lần nữa lỗi hẹn trở về quê hương.
Ngoại thường nói, mỗi người sống trên đời đều có sứ mệnh của riêng mình, dù là cao quý hay là bình thường, thì đều xứng đáng được khâm phục. Năm tháng tưởng chừng như lâu dài, nháy mắt đã trôi qua, bi hoan ly hợp, chẳng qua cũng là một đời. Vì vậy, dịp Tết chính là lúc mọi người sum vầy, không có sự phân biệt, cùng chúc nhau câu bình an.
Thời gian đang trôi đi một cách phẳng lặng trong ánh dương rạng rỡ như hoa, muôn vật biến chuyển theo năm tháng, nhưng ngoại vẫn vậy, phủi đi bụi bặm, rong chơi giữa đời. Trong mỗi thời đại, truyền thống đón Tết của người Việt đều có sự thay đổi và phát triển, nhưng tựu trung lại, những nét văn hóa tinh hoa của con người đều được ngoại lưu giữ và phát huy. Tất cả mọi người cùng tạo nên một cái Tết rộn ràng mà ấm áp. Tết còn ngoại, tết chưa bao giờ hết đẹp.