Mỗi năm Tết đến, khi những làn mưa xuân nhè nhẹ, gió xuân mơn man ùa về trên những vườn mai vàng, những cành đào thắm, cây cối đâm chồi nảy lộc, là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đang về trên quê hương đất Việt.
Tết đến, xuân về là lúc lòng người hân hoan vui đón những điều mới mẻ, xua đi những vất vả trong suốt một năm.
Tết nghĩa là Tiết, tức tiết trời đầu năm theo Âm lịch. Văn hóa Á Đông thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau, trong đó quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác là Tiết Nguyên đán. Sau này được biết đến là Tết Nguyên đán, cũng gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết.
Theo truyền thống, người Việt Nam thường nói ba ngày Tết, bảy ngày Xuân. Dân gian thì cho rằng tháng Giêng là tháng ăn chơi. Vậy thời gian ăn Tết chính thức là bao nhiêu ngày? Ở nông thôn ngày trước, người ta chỉ ăn Tết ba ngày từ ngày ba mươi cúng Tất niên đón giao thừa đến mùng ba cúng Đưa là hết Tết. Những người làm việc công chức nhà nước thì tùy theo lịch nghỉ Tết của Chính phủ.
Theo sách Chiêm Tuế Thư và Kinh Sở Tuế, mùng một là ngày con Gà, mùng hai là ngày con Chó, mùng ba là ngày con Lợn, mùng bốn là ngày con Dê, mùng năm là ngày con Trâu, mùng sáu là ngày con Ngựa, mùng bảy là ngày con Người, mùng tám là ngày của Lúa. Vì vậy, ngày chính thức hết Tết là mùng bảy. Cho nên, người xưa ngày 30 Tết dựng cây nêu và đến ngày mùng bảy thì hạ nêu.
Năm mới là dịp để mọi người thể hiện những gì thiêng liêng, cao quý nhất. Có những phong tục tập quán của người dân khắp nơi trên thế giới trong dịp đón năm mới chẳng hạn như ở Đan Mạch có phong tục thú vị, những người hàng xóm sẽ qua nhà nhau, đứng trước nhà và ném bát đĩa. Nhà nào càng nhiều bát đĩa vỡ sẽ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới, chứng minh họ có nhiều bạn bè và được mọi người yêu mến.
Còn ở Thái Lan, mọi người sẽ xuống đường cầm xô nước tạt vào nhau, vì nước sẽ mang lại điều may mắn trong một năm. Một trong những phong tục không thể thiếu trong năm mới của ngư?i ??ời Ý là ăn nho, bánh và tổ chức nhiều cuộc vui rồi xuất hành với quan niệm nếu gặp người già thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại sẽ xui xẻo nếu gặp trẻ con. Lễ đón năm mới của nước Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm họ đều nhảy khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới…
Còn ở Việt Nam, khi Tết đến, những phong tục tập quán của dân tộc được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: Chúc Tết, Đi chùa lễ Phật đầu năm và khai bút ngày xuân.
Trước Tết một tuần, 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Táo về trời, rồi đến ngày 30 mọi người đều dựng cây nêu ngày Tết. Đêm ba mươi, mọi công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đã trọn vẹn, nhà cửa trang hoàng, bàn Phật tươm tất, bàn thờ tổ tiên được lau dọn, bày biện mâm ngũ quả, bánh chưng – bánh tét đủ đầy, mâm cỗ cúng tất niên đã hoàn tất. Nhà nào cũng có cây mai hay cành đào chơi Tết. Lúc này, các thành viên gia đình họp mặt đông đủ, gác lại những bận rộn, lo lắng của năm cũ, bố mẹ hoặc người lớn trang trọng thắp hương dâng lên tổ tiên ông bà cha mẹ, chờ đón giây phút giao thừa thiêng liêng, cùng gửi gắm những tình cảm yêu thương tới những người thân qua lời chúc mừng năm mới.
Chúc mừng năm mới đã trở thành nét đẹp thông lệ đầu năm. Trong gia đình, con cháu chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Các bậc cao niên chúc Tết con cháu và không quên chuẩn bị những bao lì xì để mừng tuổi lấy may. Rồi hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu đến nhà chúc Tết. Mọi người chúc nhau những điều tốt lành nhất, ai cũng hy vọng một năm mới nhiều sức khoẻ, trẻ con học hành tấn tới, người lớn làm ăn thịnh vượng, thành đạt hơn năm trước. Những lời chúc tuy khác nhau nhưng xuất phát từ tấm lòng chân thành được mọi người coi trọng.
Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng, thiêng liêng nhất, cũng là dịp để mọi người dù ở gần hay xa, đến thăm hỏi, chúc tụng nhau cho tình cảm thêm đậm đà, gắn bó. “Mùng một Tết cha/ Mùng hai Tết mẹ/ Mùng ba Tết thầy”. Trong tiềm thức mọi người, sau cha mẹ thì thầy giáo chính là người được tôn vinh, nhớ ơn và chúc tụng. Tết thầy không rườm rà, câu nệ, chỉ đôi bánh chưng xanh, tượng trưng cho trời đất và sự sống, với lá trầu tượng trưng cho chất men và sắc màu của cuộc đời giàu ân nghĩa cùng lời chúc chân thành: chúc thầy trường thọ. Chúc Tết là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt, thể hiện thái độ ứng xử có tình, có nghĩa, sự quan tâm đến nhau trong cuộc sống, được nhân dân ta coi trọng và lưu giữ hàng bao năm qua.
Bên cạnh phong tục chúc Tết, thì đi lễ chùa đầu năm cũng trở thành tập tục văn hóa đẹp. Tất cả mọi người từ già trẻ, gái trai đều đi chùa lễ Phật đầu năm. Với nhiều người Việt Nam không đơn giản đi chùa lễ Phật đầu năm là để cầu mong những điều tốt lành mà còn là thời gian cho mọi người tìm về chốn tâm linh sau những bộn bề của cuộc sống mưu sinh. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm khói hương làm cho tâm hồn con người trở nên thanh tịnh, bình yên, cảm nhận phút giao hòa mênh mang của trời đất.
Dịp đầu năm, người Việt thường hay chọn hướng để xuất hành. Xuất hành năm mới, có người chọn đến chùa gần, có gia đình chọn những địa điểm xa hơn, vừa để lễ Phật cầu an, vừa du ngoạn sơn thủy. Đầu năm hành hương về cõi Phật đã trở thành thói quen, một nét văn hóa truyền thống, lâu đời và đậm tính nhân văn, được dân tộc ta giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể nói, trong tâm thức người Việt, chùa là chốn bình yên luôn mang lại những điều may mắn. Vì vậy, ngôi chùa trở nên gần gũi thân quen từ bao giờ. Đi chùa đầu năm, họ không bị kiêng cử bất cứ điều gì. Nhiều gia đình có tang ma thường kiêng cử đến nhà hàng xóm đầu năm mà chỉ đi chùa lễ Phật. Bởi cửa chùa luôn rộng mở, yêu thương, ôm ấp tất cả mọi người. Thành ra, đi chùa lễ Phật đầu năm, nhận lộc chùa là nép đẹp truyền thống tâm linh lâu đời.
Một nép đẹp trong dịp đầu xuân là khai bút đầu năm. Khai bút không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ bao đời nay, nó vẫn được mọi người nhớ đến, nhắc nhau thực hiện như một cách thể hiện tinh thần đề cao sự học, lấy may đầu năm.
Ngày xưa, ông đồ cho chữ là một nép đẹp không thể thiếu trong những ngày Tết. Ngày nay, truyền thống cho chữ không còn như xưa, nhưng người ta vẫn thích, nên những ông đồ trẻ cũng bày biện cho chữ. Những nhà chùa cũng thường có thông lệ khai bút đầu năm. Mỗi năm chỉ có một lần khai bút, lại đúng vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng hay sáng sớm mùng một, nên đối với những người mang nghiệp “chữ nghĩa”, khai bút trở thành một nghi thức được thực hiện với tất cả sự thành tâm. Trong không gian tĩnh lặng, thắp nén hương thơm, bút nghiên, giấy đỏ, rồi cung kính nâng bút, thả hồn vào nét chữ, gửi gắm những mong ước, dự định cho mình. Người lớn chọn chữ để khai bút mong cho công việc hanh thông thuận lợi, học trò khai bút mong cho cả năm học hành tấn tới, đỗ đạt, mai sau công thành danh toại…
Bên cạnh tục khai bút, có một nét đẹp xưa đang quay trở lại trong đời sống văn hoá Việt, đề cao tinh thần quý chữ là tục xin chữ đầu xuân. Người xin chữ thường tìm đến những ông thầy đồ hay chữ để xin chữ mang về lấy may. Người cho chữ không chỉ đơn giản là người đưa những đường bút phóng khoáng, viết nên những nét tinh tế mà còn có sự rung cảm nghệ thuật, có trình độ am hiểu vốn sống nhất định để tư vấn cho người xin chữ. Những chữ thường hay được chọn là: “Phúc”, “Đức”, “An”, “Khang”, “Thọ”, “Đạt”… hay cả câu đối để treo nơi trang trọng trong nhà. Với nhiều người, xin chữ không chỉ thể hiện mong muốn điều tốt đẹp cho mình và những người thân, xin chữ còn thể hiện mục tiêu phấn đấu trong một năm mới. Cái chữ để mình nhìn vào để làm việc và phấn đấu. Mặt khác, khi làm những việc không đúng thì nhìn vào chữ đấy mà tự sửa mình.
Có thể nói, ngày Tết vô cùng ý nghĩa với tất cả mọi người. Người Việt ăn Tết với niềm tin thiêng liêng: Tết là ngày đoàn tụ và là ngày của hy vọng. Đây là sự mong mỏi của tất cả các thành viên trong gia đình. Người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết để gặp mặt và quây quần. Tết cũng là ngày đoàn tụ với người đã khuất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên về ăn cơm Tết với con cháu. Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Theo quan niệm người Việt, dịp Tết, mọi người thường vui vẻ, không giận hờn, không tranh cãi. Người giàu kẻ nghèo đều vui Tết như ngày hội. Đặc biệt, ngày Tết người ta không đòi nợ nhau, ai có nợ nần thì cố gắng giải quyết trước những ngày Tết.
Nhân dân ta có nhiều phong tục đẹp. Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, những nét đẹp đầu Xuân như: chúc Tết, đi chùa, khai bút, xin chữ… đã trở thành thuần phong mỹ tục, mang đậm ý nghĩa văn hóa, thể hiện khát khao hướng tới chân, thiện, mỹ. Tết trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa thiêng liêng của người Việt lưu truyền từ xưa đến nay.