Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 21, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànBạn đọc- Góc nhìnHoằng pháp để lợi sinh hay chia rẽ Tăng đoàn?

    Hoằng pháp để lợi sinh hay chia rẽ Tăng đoàn?

    Gần đây, có một số nhà sư Nguyên Thuỷ, chủ trương rằng kinh Đại Thừa là kinh ngụy tạo. Kêu gọi Phật tử quay về đạo Phật gốc bằng lý luận thiển cận. Chính những thành phần này sẽ làm suy yếu Phật giáo và gây chia rẽ Tăng đoàn vì kiến chấp của họ.

    Nếu quý sư tự cho mình là đạo Phật gốc và xem Phật giáo Đại Thừa là ngoại đạo, truyền bá tư tưởng đó cho tín đồ Phật tử, mục đích cải đạo lại những Phật tử tu theo truyền thống Phật giáo Bắc Truyền, thì đó là hành động ích kỷ. Tại sao không chịu đem sở học của mình ra giáo hoá và cải đạo tín đồ ngoại đạo, lại tự gây ra họa “ nồi da xáo thịt”? Khiến cho hàng Phật tử ngày càng sanh tâm ngạo mạn, chỉ cung kính “ chư Tăng hệ phái Phật giáo gốc”, còn lại xem trời bằng vung. Nếu muốn hoằng pháp lợi sanh, tại sao không chịu dấn thân phụng sự vào các vùng sâu, vùng xa có các đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Nguyên, Tây Bắc hoặc Miền Tây Nam Bộ vì văn hoá tương thích. Trong khi ngoại đạo đã bành trướng khắp các điểm trọng yếu của đất nước, tại các vùng dân tộc thiểu số, thì Phật giáo thâm nhập còn rất ít.

    Đừng lên trên mạng nhân danh giảng kinh, thuyết pháp bài bác kinh điển Đại Thừa hay xuyên tạc việc xây chùa, xúc phạm các đường lối thực hành Phật giáo khác mình, làm lung lạc niềm tin của quần chúng, tạo cơ hội cho ngoại đạo xuyên tạc Phật giáo, trong khi bản ngã chưa trừ. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 từng dạy rằng: ”Người khác không đi chung đường với mình, chẳng có nghĩa là họ đi lạc”. Nói như quý sư, thì chẳng lẽ chỉ nên công nhận Phật giáo Nam Truyền còn Phật giáo Đại Thừa và Kim Cang Thừa là ngoại đạo? Tại sao lại cao ngạo xé lẻ ra cho manh mún Phật giáo?

    Đứng về góc độ lịch sử truyền thừa, thì Phật giáo tới đâu gắn liền với văn hoá Dân tộc của nước ấy. Cho nên, nếu không hiểu về truyền thống văn hoá của Dân tộc mình cũng như lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam trong lòng Dân tộc thì chủ trương bài xích Phật giáo Đại Thừa chính là phá hoại văn hoá của tổ tiên và đe dọa sự tồn vong của cả Dân tộc. Bởi đó là phủ định cả lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam.

    - Advertisement -

    Không bỗng dưng mà Phật giáo đã trở thành cái nôi của văn hoá Dân tộc, miễn dịch với sự đồng hoá của phương Bắc. Chứ không phải Phật giáo Đại Thừa là do các Tổ Trung Hoa bịa đặt, trong khi các nhà phiên dịch và sớ giải kinh điển đại thừa như ngài Cưu Ma La Thập, Huyền Trang… đều là những vị cao Tăng thực chứng và chuyển dịch kinh điển sang Hán Tạng đều có nguồn gốc từ Phạn Tạng. Ngay cả Kinh A Di Đà, thuộc Tịnh Độ Tông cũng vậy. Sự tự thiêu của Đại Sư Đàm Hoằng tại Viêt Nam, đã chứng minh giáo nghĩa chân thật của pháp môn Niệm Phật ngay từ buổi đạo Phật du nhập vào nước ta song song với Thiền tông.

    Tại sao Phật Giáo Nguyên Thuỷ cổ xuý nghiên cứu, tụng đọc kinh điển Pali, trong khi Phật giáo Đại Thừa do ảnh hưởng của nền văn hoá Đồng Văn sử dụng kinh điển chữ Nho lại bị một số chư Tăng và Cư Sĩ Phật giáo Nam Tông bài xích. Chẳng lẽ học và sử dụng chữ Nho là vọng ngoại còn Pali thì không? Dù tất cả thư tịch của cha ông ta để lại đều viết bằng chữ Hán Nôm. Tại sao lại chủ trương cắt đứt Dân tộc với văn hoá truyền thống thêm một lần nữa? Tại sao không nghiên cứu để tìm lấy sự đồng nhất xuyên suốt từ tư tưởng vô ngã trong kinh Nguyên Thuỷ đến Tánh Không của Đại thừa? Nhất là cổ xuý và bảo vệ các truyền thống Phật giáo một cách bình đẳng vì lợi ích chúng sanh. Mượn cớ thoát Trung để bài xích Phật giáo Bắc Truyền là phá hoại văn hoá Dân tộc, thử hỏi một Dân tộc sẽ tồn tại ra sao, khi không còn văn hoá?

    Theo lịch sử, Phật giáo được truyền vào nước ta từ thế kỷ 2 – 3 TCN, qua sự phản biện của Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đã đề cập đến việc ăn chay. Đủ thấy Phật giáo Đại Thừa đã hình thành và phát triển rất sớm trong lòng Dân tộc, vì văn hoá tương thích.

    Nếu không có sự hy sinh của chư tiền bối Phật giáo Bắc Tông trong suốt chiều dài lịch sử Dân tộc, thì lấy cơ sở gì để Phật giáo Nam Tông Kinh đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất quê hương Việt Nam vào năm 1938 do Hoà Thượng Hộ Tông sáng lập? Tuy nhiên, quý HT. Bửu Chơn, HT. Giới Nghiêm, HT. Hộ Giác … vẫn sát cánh cùng chư tôn đức Phật giáo Bắc Truyền tham gia phong trào đấu tranh chống kỳ thị đàn áp Phật giáo 1963. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN) thành lập vào ngày 04- 1-1964, ngoài các vị Tôn túc nêu trên, trong lãnh đạo của Phật giáo Nguyên thủy còn có Hòa thượng Tối Thắng, Hòa thượng Thiện Luật tham gia vào Hội Đồng Lưỡng Viện.

    Ngày 07-11-1981, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thành lập, các Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm và Thượng tọa Thiện Tâm tích cực tham gia Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước cho đến lúc thống nhất Phật giáo cả nước. Chủ trương của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam là tôn trọng tính đặc thù của các hệ phái. Thiết nghĩ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam nên có biện pháp chế tài với những giảng sư, Tăng sĩ bài xích, chia rẽ giữa các hệ phái Phật giáo và giảng sai với kinh điển, không thể tiếp tục để những mầm mốn gây hoạ này thành vết dầu loang, gây ảnh hưởng đến sự trường tồn của đạo Pháp và Dân tộc.

    Không những vậy, chính những Tăng sĩ chủ trương Phật giáo Nam Tông mà bài xích Phật giáo Bắc Tông, là đi ngược lại với tinh thần của chư tôn túc xiển dương hệ phái ban đầu trong tình Linh Sơn cốt nhục. Đó là hạng “cha làm thầy con đốt sách” không xứng đáng là Tăng sĩ Phật giáo.

    Tư tưởng Phật giáo đại thừa đã có mặt ngay từ thời Phật tại thế. Vì sao? Vì ngay cả Phật giáo Nam Phương cũng nhấn mạnh Đức Phật là vị A La Hán có phẩm chất toàn hảo hơn tất cả các vị A La Hán khác. Mà tư tưởng Đại thừa hướng đến Phật quả. Tánh Không tức là bản chất Vô Ngã và Vô Ngã Sở của các Pháp, chứ không phải do tổ Long Thọ hay bất kỳ vị luận sư Đại thừa nào bịa ra.

    Thí như Sư Pháp Tâm tự bài xích Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, là cơ sở hành trì giới luật của Phật giáo Đại Thừa, ngoài giới Thanh Văn. Thử hỏi, sư đã thành Phật chưa mà dám bảo kinh này là Phật không có nói? Sự chứng ngộ của chư tổ Đại Thừa trong nước đến ngoài nước, chẳng lẽ, không đáng tin? Nếu không có sự tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức và chư vị Thánh Tử Đạo thì giờ này sư ở đâu, để bài xích ? Đừng tiếp tục phá hoại sự hoà hợp của Tăng đoàn.

    Trong Kinh Du Hành, Bộ Trường A Hàm, Đức Phật dạy:

    – “Chúng Tỷ Kheo không ban hành những luật lệ không thích hợp, những luật lệ không đáng được ban hành, và cũng không bãi bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước, sống đúng những gì đã được quy định bởi cộng đồng Tăng lữ”.

    Do học hành nghiên cứu chẳng tới đâu, nên phỉ báng là lẽ thường! Phật giáo Đại thừa đã gắn liền với lịch sử Dân tộc, nên họ muốn phá vỡ cấu trúc Phật giáo đã hình thành tại Việt Nam ngót 2000 năm phát triển. Quý ngài là ai mà dám phá bỏ truyền thống của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam?

    Điều Ngự Tử

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều