Kể đến Thiền phái Trúc Lâm không thể không bàn đến vai trò quan trọng của Thiền sư Pháp Loa với Thiền phái nói riêng và những đóng góp của cá nhân Ngài trong Giáo hội Trúc Lâm và cũng như tổng quan tiến trình phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ trước công nguyên, trải qua các thời kỳ lịch sử, yếu tố dân gian hóa, bản địa hóa văn hóa tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo là rõ nét. Từ thời kỳ Hai Bà Trưng phất cờ đòi chủ quyền và độc lập dân tộc, cho đến các triều đại Đinh – Tiền Lê- Lý – Trần – Lê- Mạc – Nguyễn, thời kỳ nào khi nghiên cứu Phật giáo, chúng ta cũng đều tìm thấy những yếu tố văn hóa đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Trong đó, đặc biệt nổi bật hơn cả ở triều Trần, có đức vua Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật trên đỉnh Yên Tử lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Kể đến Thiền phái Trúc Lâm không thể không bàn đến vai trò quan trọng của Thiền sư Pháp Loa với Thiền phái nói riêng và những đóng góp của cá nhân Ngài trong Giáo hội Trúc Lâm và cũng như tổng quan tiến trình phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm – Pháp Loa xuất hiện đã làm rạng danh cho lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Hành trạng sự nghiệp tu hành của Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330)
Thiền sư sinh ra trong dòng họ Đồng, có tên khai sinh là Đồng Kiên Cương, sinh giờ Mão, ngày 07/05/Giáp Thân (1284) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La xã Phù Vệ ở gần sông Nam Sách, cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Trưởng thành và được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình và văn hóa dòng họ, theo dòng tương tục nhân duyên, ngay từ thuở bé Thiền sư đã có những đức tính khác thường, không nói lời ác, không ăn thịt cá và các thức ăn cay nồng. Năm 1304, Trúc Lâm đi du hành khắp miền thôn quê, phá bỏ các dâm từ, thuyết pháp và bố thí, lại vừa có ý tìm người nối dòng pháp.
Khi Trúc Lâm đến sông Nam Sách thì Thiền sư Pháp Loa đang đi chu du vãn cảnh, thấy bồn chồn, liền quay về, vừa lúc gặp Trúc Lâm, Pháp Loa đỉnh lễ xin xuất gia. Trúc Lâm thoạt trông thấy lấy làm lạ, bảo: “Đứa bé này có đạo nhãn, ngày sau ắt sẽ thành bậc pháp khí”. Trúc Lâm đặt tên cho ngài là Thiện Lai và gửi Pháp Loa tu học với Hòa thượng Tính Giác.
Pháp Loa vốn được thừa hưởng sự thông minh của dòng dõi họ Đồng, đến lúc có cơ duyên gặp minh sư đã năng thưa hỏi mà học và hành cho trí não khai thông. Trong đó, đã nhiều lần vấn hỏi những điều liên quan đến văn hóa, truyền thống dân tộc với tiến trình phát triển của sự giác ngộ. Khi đọc kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn “Thất xứ trung tâm, hậu khách trần dụ: bảy lần trình bày tâm, cuối cùng đến ví dụ khách trần”, Pháp Loa suy nghĩ trong giây lát, bỗng được thể nhập, liền xin phép trở về thăm Trúc Lâm, gặp lúc Trúc Lâm thăng đường cử bài tụng Thái Dương Ô Kệ, thì trong lòng chợt tỉnh.
Pháp Loa trình Trúc Lâm một bài tụng Tâm Yếu, bốn lần cầu thỉnh, Trúc Lâm vẫn chưa chỉ giáo. Trở về phòng, nỗ lực Thiền quán, đến nửa đêm, nhận thấy hoa đèn rơi, Pháp Loa đại ngộ. Liền đem chỗ sở ngộ ấy trình lên Điều Ngự ấn chứng. Từ đó, Sư phát nguyện tu 12 hạnh đầu đà, theo gương của Trúc Lâm.
Năm 1305, Thiền sư được Trúc Lâm cho thụ giới Tỳ kheo và Bồ tát và ban hiệu là Pháp Loa. Suốt cuộc đời hoằng hóa Thiền sư Pháp Loa đã quan tâm Xiển dương phật sự & hoạt động xã hội. Thiền sư đã chú trọng diễn giảng, in ấn kinh sách là nhằm phát triển giáo dục, nâng cao trình độ tu học cho tăng, ni, phật tử, đồng thời Thiền sư cũng quan tâm đến việc củng cố niềm tin tôn giáo cho giới phật tử phổ thông bằng cách tạc hình, đúc tượng các vị Phật và Bồ tát, tôn trí tại các ngôi già lam để cho tín đồ tiện việc chiêm ngưỡng và lễ bái.
Sử sách còn ghi chép, năm 1314, Thiền sư đã cho đúc ba tượng Phật cao 17m; năm 1327 đúc xong pho tượng Phật Di-lặc cao 1 trượng 6 và tượng các Thánh Tăng. Để tạo điều kiện cho tăng, ni và phật tử có nơi thuận tiện tu học và lễ bái, Thiền sư đã đứng ra khai sơn các cảnh chùa, kiến tạo Tăng xá và xây dựng các ngôi Bảo tháp. Theo thống kê thì Thiền sư đã khai sơn hai cảnh chùa lớn, xây năm ngôi tháp và kiến tạo hơn 200 tăng xá.
Bố thí, trai đàn, cầu mưa, tháng 10 năm 1319 gặp trời hạn hán, dân chúng đói khổ, vua xuất của kho riêng hơn 100 lượng vàng và 500 lượng bạc, giao cho Thiền sư mở hội bố thí cho những người nghèo đói. Tháng 3 năm 1328, Thiền sư tập họp chư tăng 10 phương, thiết lễ Đại trai đàn khánh thành Đại Tạng kinh vừa in xong. Đại Tạng này bắt đầu in từ năm 1319, sau 10 năm, công việc mới hoàn tất.Ngoài việc lập đàn, chẩn tế, bố thí, Thiền sư còn chú trọng các hoạt động xã hội, từ thiện hướng đến nhân dân và người nghèo khó.Thiền sư là một người toàn diện, về mặt nào cũng tỏ ra đầy đủ bản lĩnh. Không những lưu tâm đến việc trao truyền giới pháp, thuyết giảng luật luận, soạn thuật kinh sách, mà Thiền sư còn chăm lo đào tạo tăng tài, mở mang tòng lâm thắng cảnh, lưu tâm đến việc cứu tế xã hội v.v… Người xưa nói, có ba việc bất hủ để tiếng thơm lại cho muôn đời, đó là: lập đức, lập công và lập ngôn. Nghĩa là để lại gương sáng đức hạnh, sự nghiệp lợi tha và công trình trước tác. Trong ba điều ấy, quả thực, Thiền sư đều hội đủ.
Những đóng góp của Pháp Loa với Thiền phái Trúc lâm Yên Tử và văn hóa Phật giáo Việt Nam
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Phật giáo giữ một vai trò quan trọng không chỉ bởi đã xuất hiện sớm, nhiều thế kỷ từng được coi là Quốc giáo mà còn được khẳng định ở sự gắn bó với quá trình xây dựng, phát triển quốc gia, phổ cập tới khắp mọi vùng, miền trong cả nước và trở thành một bộ phận cơ hữu trong đời sống văn hóa dân tộc.
Ðặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt. Trước hết cần đánh giá cao vai trò của đức Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) trên tư cách bậc sư tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm.
Nối tiếp Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa cũng là người am hiểu Thiền học, có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo. Qua hơn hai mươi năm lãnh đạo, Pháp Loa đã cho san khắc bộ Ðại Tạng kinh với hơn 5.000 quyển, xây dựng hàng trăm ngôi chùa như Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai và trực tiếp giảng dạy giáo lý, có tới ba nghìn đệ tử đến cầu pháp và đắc pháp. Ngài để lại các tác phẩm khuyên người xuất gia chăm lo việc tu đạo, khuyên mọi người hiểu sâu con đường tu thiền chân chính bằng việc học giới luật, thiền định và trí tuệ, chỉ rõ cách học cần sáng tỏ… Trong lịch sử các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, Thiền sư Pháp Loa là vị Thiền sư tiêu biểu nhất, đã quy tụ và chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình trong việc xiển dương Phật pháp. Ngài đã góp phần cùng với đức Trần Nhân Tông trong việc thiết kế nên Giáo hội Trúc Lâm với những đặc trưng mang đậm dấu ấn khai sáng, dấu ấn tôn giáo gắn bó với quốc gia xã hội và dân tộc Việt Nam.
Thiền sư Pháp Loa cũng là người đã đề xuất, kết tập và tiến hành in ấn bộ Đại Tạng kinh Việt Nam; Thiền sư cũng là nhà sư đầu tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên; Thiền sư cũng là người khởi xướng thiết lập sổ bộ tăng, ni và tự viện để quản lý tăng, ni, tự viện một cách khoa học, hệ thống trên khắp cả nước. Mặc dù đến hết triều Trần, Phật giáo không còn giữ được địa vị như giai đoạn trước, song tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành những giá trị văn hóa bền vững trước thời gian.
Nếu văn hóa là những gì còn lại trước thời gian thì chính các giá trị vật thể và phi vật thể liên quan Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hóa, bất chấp năm tháng và mọi thăng trầm thế sự. Theo một nghĩa rộng, di sản này đã tỏa sáng thành “tâm thức Trúc Lâm” trong lòng mỗi con người thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi vùng đất nước. Tất cả những điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của cá nhân Thiền sư Pháp Loa nói riêng và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung khi đã có những đóng góp lớn trong kho tàng các giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập được vào đời sống tinh thần tộc và đến với muôn vạn tấm lòng.
Phát huy giá trị văn hóa Yên Tử trong đời sống xã hội Việt Nam
Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng là một thành tố của văn hóa Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một thiền phái Phật giáo do các Thiền sư Việt Nam định vị mang yếu tố đặc thù văn hóa Phật giáo đặc trưng của tiến trình phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam, do các thiền sư Việt Nam đã chọn lọc và Việt Nam hóa được những tư tưởng cao đẹp từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Đóng góp to lớn của Thiền phái Trúc Lâm là ở chỗ, nó luôn đồng hành với dân tộc, là “điểm tựa tinh thần”, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của Đại Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử.
Do vậy, trải qua hơn 700 năm phát triển Thiền phái, Kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch, chúng ta hàng hậu học lại càng có dịp soi rọi những giá trị văn hóa mà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại vẫn đang và sẽ lan tỏa mạnh được các thế hệ nối tiếp, kế thừa và truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới với những tư tưởng mang đậm giá trị nhân văn.
Đông Triều có hai cụm di tích liên quan trực tiếp đến sự phát triển của tông phái Trúc Lâm là chùa Ngoạ Vân và chùa Hồ Thiên. Hồ Thiên (cõi Tiên an lạc) như một sự tiếp nối và biểu trưng cho kết quả khổ luyện, tu hành, cho cõi Niết bàn đối với những người đi theo con đường của Trúc Lâm Tam tổ. Yên Tử – Ngoạ Vân – Hồ Thiên như vậy có thể xem như “cõi Phật trời Nam” hết sức độc đáo ở nước ta.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là các Thiền Viện Trúc Lâm do Hoà thượng Thích Thanh Từ khởi xướng. Đây cũng là một hình thức tôn vinh, thăng hoa của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội. Những ai có dịp về thăm viếng các Thiền Viện Trúc Lâm như: Đà Lạt, Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… đều có cảm giác hài lòng vì hoạt động tu tập ở những nơi đó được tổ chức nghiêm minh, hình thức giảng đạo, hoằng dương giáo lý Phật giáo Trúc Lâm cũng như thực hành phật sự. Tuy có giản lược nhưng vẫn sâu sắc và gần gũi với văn hóa Việt Nam.
Mặt khác, kiến trúc các Thiền viện còn kết hợp được cả hai yếu tố hiện đại và truyền thống, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đáp ứng được công năng hoạt động của Phật giáo và các nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong nước và quốc tế.
Thiền sư Pháp Loa luôn tỏa rạng
Hôm nay, nhân dịp Kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch, có mặt tại đây hàng tăng, ni, phật tử tưởng nhớ tới Thiền sư Pháp Loa, Ngài đã phát nguyện dũng mãnh, quyết tâm thực hiện cho kỳ được sự nghiệp hoằng dương chính pháp, thiết lập nên một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm đã thống nhất các hệ phái Phật giáo, mang bản sắc và đặc tính dân tộc, dựa trên tinh thần nhập thế hành động, và thể nghiệm tu chứng ngay giữa lòng đời.
Nhắc đến thời kỳ cực thịnh của Phật giáo đời Trần nói chung, và một tổ chức có kỷ cương quy mô của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, thiết tưởng công lao của Thiền sư Pháp Loa luôn tỏa rạng. Hiện diện 47 năm trên cõi trần gian, ròng rã suốt 26 năm tận tụy quên mình phụng sự đạo pháp, việc tự lợi và lợi tha đều hoàn toàn viên mãn.
Cho dù tất cả các pháp hữu vi chung cục đều tan biến theo cát bụi của thời gian, nhưng tấm gương sáng mà Thiền sư đã để lại vẫn là một bài học quý giá, sinh động, khiến cho con cháu nghìn sau mãi mãi xem như một thứ gia tài bất diệt. Chúng tôi tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên, truyền thống tu học của bậc cao tăng đắc pháp như Thiền sư Pháp Loa – Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho tăng, ni, phật tử và hậu thế tự hào về truyền thống và lịch sử phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam, tự hào về Thiền phái Trúc Lâm và những đóng góp của Ngài vào sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1.http://tapchikhxh.vass.gov.vn/dong-gop-cua-phap-loa-doi-voi-phat-giao-viet-nam-n50235.html
2.http://www.truclambachma.net/thien-tong/380-bai-hoc-tu-to-su-phap-loa.html
3. Việt Nam Phật giáo Sử luận – Nguyễn Lang
4. https://phatgiao.org.vn/cuoc-doi-tu-hoc-cua-thien-su-phap-loa-d28625.html
5. http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensuvn/771-thin-s-phap-loa