Chùa Trăm Gian (tên Hán-Nôm là Quảng Nghiêm tự) hay còn gọi là chùa Tiên Lữ. Đây là một ngôi chùa cổ, nằm trên ngọn đồi cao khoảng 50m, thuộc địa phận thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được biết đến nhiều với cái tên rất dân dã, mộc mạc – chùa Trăm Gian bởi chùa có tới 100 gian nhà theo cách tính 4 góc cột hợp thành 1 gian.
Tác giả viết những dòng này là một cựu chiến binh của Lữ đoàn 299 Công Binh, Quân đoàn 1, Quân đội nhân dân Việt Nam-còn giữ mãi những ký ức tuyệt vời của những ngày chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc.
Là một đơn vị Công binh hỗn hợp của một quân đoàn binh chủng hợp thành- binh đoàn Quyết Thắng. Do vậy các tiểu đoàn Công Bình công trình vừa phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng và sở chỉ huy tiền phương cho Bộ tư lệnh Quân đoàn lại vừa tiến hành thi công các hạng mục công trình tuyệt mật cho Đảng và Nhà nước Ở các vị trí trọng yếu xung quanh Thủ đô Hà Nội. Chùa Trăm gian là một trong những mục tiêu cần phải được bảo vệ tuyệt đối để giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc. Do vậy, bán kính xung quanh chùa Trăm gian hàng kilômét được xây dựng nhiều công trình ngầm để đề phòng trường hợp phức tạp diễn ra…Đây vừa là ý chí vừa là quyết tâm của Bộ Tư lệnh tối cao của dân tộc ta lúc bấy giờ.
Các tiểu đoàn Công Binh Công trình và các tiểu đoàn xe máy thuộc Lữ đoàn 299 Công Binh -Quân đoàn 1 ngày đêm âm thầm lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ với độ bí mật an toàn cao nhất. Chính quyền và nhân dân địa phương chỉ biết là bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ chỉnh sửa đường sá cầu cống và làm “nhiệm vụ kinh tế”.
Ở đây là một vùng bán sơn địa trù phú . Nhà nào cũng có những cây hồng xiêm trĩu quả,Thỉnh thoảng lại được các bác chủ nhà để dành những quả hồng xiêm chín mọng để bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ đang đóng quân tại nhà mình.
Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc rất độc đáo. Qua nhiều lần trùng tu thì hiện nay chùa có cả thảy 104 gian, nhìn tổng thể thì chùa gồm 3 cụm kiến trúc chính:
Cụm thứ nhất ở lối ra vào, gồm 4 trụ cột cao với 2 quán ở 2 bên, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày diễn ra hội. Gần đó là nhà Giá Ngự nhìn ra hồ sen, nơi đặt kiệu Thánh trong Lễ rước Thánh.
Cụm thứ hai là một tòa gác chuông, cách cụm thứ nhất khoảng một trăm bậc. Gác chuông chùa Trăm Gian được dựng năm 1693, là một trong số ít gác chuông cổ còn lại đến ngày nay, mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc độc đáo. Gác cao 2 tầng, 8 mái có hình chạm rồng xen lẫn mây lửa. Chuông được đúc năm 1974 cao 1.1m, đường kính 0.6m, có khắc bài minh của Phan Huy Ích. Nhìn từ xa tòa gác chuông trông giống như một bông hoa sen thanh thoát khổng lồ. Leo thêm 25 bậc đá xanh hình rồng mây sẽ đến sân trên, ở đây có kê 1 sập đá hình chữ nhật với nhiều hoa văn tinh xảo.
Cụm thứ ba là chùa chính gồm nhà bái đường, tòa thiêu hương, thượng điện, 2 dãy hành lang, nhà tổ và lầu trống. Chùa chính có 3 gian thờ: gian thờ Phật; gian thờ Thánh; gian thờ Quan Âm, gia đình Đô đốc Đặng Tiến Đông. Chùa đặt 153 pho tượng chủ yếu bằng gỗ, một số ít bằng đất nung phủ sơn. Nhưng đáng chú ý nhất về mặt lịch sử là tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông – tướng lĩnh của vua Quang Trung – người có công trùng tu ngôi chùa và tượng đức Thánh Bối có cốt đan bằng mây, ngoài bọc vải sơn, đặt trong khám gỗ, tương truyền là tượng đặt hài cốt của ông. Ngoài ra, tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm, bộ Thập bát La hán,… cũng là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bằng phù điêu gỗ sơn và đất nung.
Có tài liệu cho rằng chùa Trăm Gian được khởi dựng vào năm Trịnh Phù thứ 10, đời vua Lý Cao Tông. Qua nhiều triều đại chùa đã được trùng tu và xây dựng với quy mô như hiện nay. Ngôi chùa này gắn liền với truyền thuyết về vị cao tăng Nguyễn Lữ, quê ở Bối Khê, Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) được người đời tôn là đức Thánh Bối.
Truyền thuyết kể lại vào đời Trần, ở làng Bối Khê có người phụ nữ đã có giấc mộng thai thấy đức Phật, sau đó bà sinh ra một cậu con trai. Năm lên 6 thì cha mẹ mất, người con phải một mình chăn trâu nuôi bản thân. Còn nhỏ tuổi nhưng cậu đã rất mộ đạo Phật, năm 9 tuổi vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. 6 năm sau, cậu đi du vân khắp nơi, khi dừng chân tại thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay đã ở lại tu hành. Mười năm theo vị trưởng lão trong chùa học đạo, cậu bé ngày nào đã thấu hiểu mọi phép linh thông, có nhiều phép lạ. Vua Trần nghe tiếng liền sắc phong là Hòa Thượng, đặt đạo hiệu Đức Minh và mời về tu ở chùa trong kinh đô. Một thời gian sau, Ngài đã xin vua về làng dựng lên ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, Hòa Thượng Đức Minh ngồi vào một cái khám gỗ siêu thoát. Trước đó, Ngài dặn đệ tử một trăm ngày thì mở ra, nếu thấy thơm thì rút mây làm tượng thờ, còn không thì đổ ra sông Cái. Một trăm ngày sau, các đệ tử mở cửa khám, kim quang Ngài mùi thơm nức cả một vùng. Thấy vậy, dân làng và đệ tử liền xây tháp thờ phụng và tôn thờ là đức Thánh Bối…
Những ngày đóng quân và làm nhiệm vụ xung quanh di tích lịch sử “chùa Trăm gian” thật là tuyệt vời. Khi những dòng này, ký ức của 42 năm trước lại tràn về như mới hôm qua.
Ngày nay,chúng ta thường thấy những cụm từ “Giữ gìn sự đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”-Trong các Nghị quyết và văn bản hoặc hội nghị, nhưng mấy ai mà biết được gần nửa thế kỷ trước, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã tư duy và hành động cụ thể như thế nào cho câu nói mang tầm chiến lược lâu dài nói trên./.
28/11/2020, Luật gia TRẦN THÚC HOÀNG