Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
Khác
    HomePhật HọcCó nguyện mà không cầu xin

    Có nguyện mà không cầu xin

    Sự cầu nguyện chân chính theo Phật giáo cũng không ngoài việc mong được Tam bảo soi sáng và thức tỉnh để thực hành Chánh pháp mà thôi.

    Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anà-thapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói với gia chủ Anàtha-pindika đang ngồi một bên: Có năm pháp này, này gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ; dung sắc; an lạc; tiếng đồn tốt; cõi trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được.

    Này gia chủ, nếu năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại héo mòn vì một lẽ gì? Này gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể do cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ mạng.

    Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

    Này gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc, vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

    - Advertisement -
    Ảnh minh họa.

    Ảnh minh họa.

    Này gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không có thể do cầu xin an lạc hay tán thán để làm nhân đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.

    Này gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu xin tiếng tốt hay tán thán để làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt cần phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên, hoặc loài Người

    Này gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có được Thiên giới, không có do cầu xin Thiên giới hay tán thán để làm nhân đem đến Thiên giới. Vị thánh đệ tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.

    (Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda).

    Suy nghiệm:

    Sống trường thọ khỏe mạnh, nhan sắc xinh đẹp, an vui thoải mái, tiếng tốt đồn xa, sau khi hết đời sống này tái sanh hưởng phước cõi trời là mong ước chính yếu của con người. Ai cũng mong ước như vậy, nhiều người thường cầu xin ơn trên ban cho như thế nhưng thực tế thì không phải ai cũng toại nguyện, như ý.

    Bởi vậy nên Thế Tôn khẳng định: “Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được” năm món yêu thích kể trên.

    Ảnh minh họa.

    Ảnh minh họa.

    Cũng như đem hai chiếc bình, một bình đựng đá cuội và một bình đựng dầu đổ xuống hồ nước, dầu nhẹ thì nổi lên và đá nặng thì chìm nghĩm. Dù cho có tập trung cầu nguyện cho đá nổi, dầu chìm vẫn không thể được vì bản chất của nó như vậy. Nên vấn đề không ở nơi cầu xin, ước nguyện mà ở sự thực hành, “khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

    Nhân quả rất chính xác và minh bạch. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Muốn có phước báo thì phải làm phước, tích phước, vun bồi cội phước. Cầu xin và cầu nguyện suông không phải là nội dung thực hành của người Phật tử vì không thể mang lại kết quả như ý, do trái ngược với quy luật nhân quả.

    Cho nên, người Phật tử chánh tín có cầu nguyện mà không hề cầu xin, vì cầu xin vốn không có cơ sở và không thể được. Sự cầu nguyện chân chính theo Phật giáo cũng không ngoài việc mong được Tam bảo soi sáng và thức tỉnh để thực hành Chánh pháp mà thôi. Thực hành Chánh pháp, cụ thể là Bát chánh đạo mới là cơ sở vững chắc nhất cho việc thành tựu mọi thiện pháp.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều