Nhặt nhặn những câu chuyện cực ngắn trong cuộc sống…
1.Thay bóng đèn:
Nơi ngôi chùa miền quê. Chú Sa di vào thưa Sư phụ: Bạch Thầy, đêm qua, bóng đèn treo trước cổng chùa đã bị ai đó đập bể. Sư phụ trả lời: vào kho lấy bóng khác thay vào.
• Suy ngẫm:
Nhờ điện năng mà đèn sáng. Nếu có bóng đèn nhưng không có dòng điện đi qua thì bóng đèn cũng không thể chiếu sáng.
Bóng này hư thì thay bóng khác, không nên quá nặng lòng ai làm hư vìmọi việc đều có nhân quả.
Mỗi ngày chỉ cần làm tốt công việc của mình thì sau này sẽ không bị vướng vào nghiệp chướng hay quả báo xấu.
2. Nguồn gốc
– Đất sinh vạn vật, tâm sinh vạn pháp.
– Vậy ai tạo ra đất? Ai sinh ra tâm?
Câu trả lời có sẵn trong thực tế: Do nhân sẵn có kết hợp đủ duyên nên pháp hiện ra dưới muôn hình vạn trạng. Đất nước gió lửa, vốn rỗng không, nhưng tùy nhân duyên kết hợp nhau mà tạo ra vạn vật ở trên nhân gian: nhà cửa, xe cộ, cây cối…
• Suy ngẫm:
Khi hiểu được lý Duyên khởi và luật Nhân quả người ta sẽ không vướng bận chuyện nguồn gốc: Cái này có mặt cái kia có mặt, cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt. Nhân nào quả đó; trong nhân có quả trong quả có nhân; Một nhân không thể sinh quả; Có sự nhanh hoặc chậm từ nhân đến quả.
Ví như những hạt nước luân chuyển muôn nơi dưới nhiều dạng thức, thế nhưng người ta vẫn thấy những con sông và các đại dương luôn ở yên một chỗ.
3.Vớt trăng
Thấy trăng trên mặt nước, trẻ nhỏ cùng nhau thi vớt Trăng. Cả nhóm chia nhau khơi mặt nước nhưng không thể vớt được trăng, chỉ làm cho sóng ánh sáng lan khắp dòng sông.
• Suy ngẫm:
Trăng vốn là một hành tinh bên ngoài trái đất.
Ở đời, có những việc thấy vậy mà không phải vậy, vì bản chất cuộc sống là trùng trùng duyên khởi, thiên biến vạn hóa. Đừng nên bỏ hình bắt bóng như trẻ nhỏ tìm trăng trên mặt nước.
Minh An