Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuNhân VậtDanh tướng Trần Nhân Trứ và di tích văn hóa – lịch...

    Danh tướng Trần Nhân Trứ và di tích văn hóa – lịch sử Ðình – Chùa Ðô Quan

    Chùa Đô Quan tọa lạc ở thôn Am Bình, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Vốn thời Lý – Trần, nơi đây thuộc phường Quán Đổ, huyện Kim Xuyên; thời Hậu Lê thuộc huyện Vọng Doanh, phủ Nghĩa Hưng.

    HÀNH TRẠNG VÀ SỰ NGHIỆP DANH TƯỚNG TRẦN NHÂN TRỨ

    Cụm di tích đình – chùa Đô Quan tọa lạc ở thôn Am Bình, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Vốn thời Lý – Trần, nơi đây thuộc phường Quán Đổ, huyện Kim Xuyên; thời Hậu Lê thuộc huyện Vọng Doanh, phủ Nghĩa Hưng [1]; thời Nguyễn thuộc xã Đô Quan, tổng Thượng Đồng, huyện Phong Doanh, phân phủ Nghĩa Hưng.

    Ngọc phả [2] hiện còn lưu giữ tại di tích cho biết vào cuối thời Lý, có ông Trần Vạn Niên là người từ phương Bắc về đây dựng nghiệp. Con trai trưởng ông Niên là Nhân Trứ, sinh ngày mùng 10 tháng 2 năm Tân Tỵ (1220). Trần Nhân Trứ là người am hiểu binh pháp, giỏi võ nghệ và có sức khoẻ hơn người nên khi triều đình tuyển chọn nhân tài, ông được vua Trần Thái Tông ban chức Thượng đô túc vệ. Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 (1241), vua Trần tin dùng phong cho chức Thân Vệ Đại Tướng quân. Năm sau, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), Ông được cử đi trấn thủ vùng biên giới phía Bắc. Qua hàng chục năm giữ yên biên cương cho Tổ quốc, Ông lại có lệnh về triều. Năm Bảo Phù thứ 5 (1277), Ông phò tá vua Trần Thánh Tông đánh dẹp giặc ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình) [3].

    38

    Trong kháng chiến chống Nguyên – Mông, Trần Nhân Trứ đã góp phần cùng các tướng lĩnh bố phòng, tổ chức kháng chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Ông đã cùng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh địch ở cửa Đại Bàng (nay thuộc Thái Bình), góp sức làm nên chiến thắng lừng lẫy nơi đây. Trải qua nhiều năm làm quan dưới triều Trần, Trần Nhân Trứ đã có công lớn giữ gìn biên cương, thống lĩnh đội quân túc vệ giữ yên kinh thành, đánh giặc ngoại xâm và trừ nội loạn.

    - Advertisement -

    Năm Hưng Long thứ 7 (1299), Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành, Trần Nhân Trứ xin cáo quan về phường Quán Đổ, đồng thời mở mang điền địa, làm cầu đá [4], xây dựng phủ đệ. Thời gian ở quê hương, Trần Nhân Trứ còn cho xây dựng chùa để gia đình và nhân dân có nơi lễ bái. Tượng pháp và đồ thờ của ngôi chùa cũ do thân phụ Ông xây dựng còn đơn sơ hoặc bị hư hỏng, Ông đã bỏ tiền thuê thợ về sơn thếp lại, đồng thời cho làm thêm tượng Phật. Tuy công trình, tượng pháp của ngôi chùa thời Trần không còn, nhưng hiện vẫn còn bảo lưu một bệ đá hoa sen đặt tại tòa Thượng điện chùa Đô Quan.

    39

    Sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” có ghi chép như sau: “Xã Đô Quan tổng Thượng Đồng, có đền thờ thân vệ tướng quân Trần Nhân Trứ thời Trần. Xã này trước có tên là phường Quán Đổ, đền thờ nguyên sơ bằng đá, có đồ thờ bằng đá, tượng đá. Tương truyền thời Minh sang xâm lấn nước ta, chúng chất củi và thuốc súng phá đền, nay chỉ còn có bệ đá hoa sen và đôi cây đèn đá. Xã này khi xưa có nghề đục đá song đều do thợ đá An Hoạch dạy cả, hiện nay có họ Hoàng là gốc ở An Hoạch ở lại” [5].

    Trần Nhân Trứ mất năm 93 tuổi, vua Trần Minh Tông biết tin sai thừa chính sứ Nguyễn Từ Loa và Thiền sư Quách Nhẫn về làm chay, cầu cho ông được siêu thoát. Vua Trần còn phong cho ông làm Phúc thần và ban cho xã Dương Đường 36 mẫu ruộng để làm đền và tạc bia. Theo sự tích lập làng Đô Quan, tấm bia thời Trần này đã bị mài hết chữ và hoa văn để làm phi tang việc cấp ruộng hương hoả ở đây [6]; hiện bia đang đặt ở vườn cây phía trước di tích. Căn cứ trên thư tịch và di vật, có thể thấy đình và chùa Đô Quan vốn nằm trên đất của đền thờ Trần Nhân Trứ, có niên đại từ thế kỷ XIV.

    DI TÍCH VĂN HÓA – LỊCH SỬ ĐÌNH – CHÙA ĐÔ QUAN

    Niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông cùng đoàn quân dừng chân gần khu vực đền thờ. Đêm đó, nhà vua mơ thấy một vị tướng dâng thanh kiếm giúp vua đi trừ giặc. Lúc tỉnh giấc, vua sai quan Bồi tụng Nguyễn Phục Tựu vào đền tạ lễ, lại phong cho là “Nhập nội chiêu thảo” (Vị quan được gần vua và được tiễu trừ giặc giã). Khi thắng trận trở về, Lê Thánh Tông sai quan về phong sắc “Nhập nội chiêu thảo thượng đẳng tôn linh Đại vương” và cho đổi tên Quán Đổ thành Đô Quan.

    Trang trí Kim Sí Điểu ở góc thân bệ đá.
    Trang trí Kim Sí Điểu ở góc thân bệ đá.

    Hiện nay, bài vị thờ Trần Nhân Trứ được đặt trong khám thờ tòa Hậu cung. Tại đình vẫn còn nhiều câu đối đại tự được sơn son thếp vàng rực rỡ với nội dung ca ngợi công lao giúp nước giúp dân của ông, trong đó có đôi câu đối ở gian giữa Tiền tế:

    “Đại tướng phù Trần, trung nghĩa nhất tâm bình Nguyên khấu.

    Trung thần cứu quốc, anh hùng vạn cổ chấn Nam thiên”.

    (Đại tướng giúp nhà Trần, một lòng với vua đánh giặc Nguyên.

    Là bậc trung thần giúp nước, nghìn năm nêu gương anh hùng ở trời Nam).

    Bên cạnh tài năng quân sự, Trần Nhân Trứ còn có biệt tài đánh đàn và chơi cờ nên người đời tôn ông là “đàn tiên, cờ trạng”. Tương truyền, Trần Nhân Trứ từng đánh cờ với Trần Ích Tắc, Ích Tắc thua nên gán đất đồng Mía, đồng Cà, đồng Cồn cho Nhân Trứ. Dân gian trong vùng bởi vậy có câu: “Lẫm vàng chùa Cóc, lẫm thóc Đô Quan”. Nhân dân Đô Quan rất tự hào về Ông và để ghi nhận tài gảy đàn của ông, nên từ dòng sông, cánh đồng, chiếc cầu qua sông ở đây đều được đặt là Cầm (đàn) như sông Cầm, cầu Cầm, cánh mả Cầm để kỷ niệm một thời Trần Nhân Trứ đối với quê hương.

    Truyền thuyết địa phương không chỉ ghi nhận công lao làm bệ đá thờ Phật từ thời Trần của Ông, mà còn tôn Ông là người khởi xướng nghề đục đá cho dân Đô Quan có nghề cổ truyền. Nghề đục và chạm khắc đá đã đưa đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Chính vì vậy, tại đình và chùa Đô Quan còn một số đồ thờ như hương án, bát hương cũng được làm bằng đá, với sự gia công nghệ thuật điêu khắc công phu, tài nghệ. Tiếc rằng, nghề đá ở đây đã thất truyền từ vài chục năm trước.

    Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì di tích được các triều đại ban cấp nhiều sắc phong, nhưng do những biến thiên lịch sử mà phần lớn đã bị thất lạc, hư hỏng; đến nay chỉ còn ba đạo sắc: một đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767), một đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và một đạo sắc niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất (1787).

    Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783)
    Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783)

    Trước đây đình Đô Quan và chùa Đô Quan nằm trên khoảng đất rộng, xung quanh là vườn ổi. Nay diện tích đình, chùa nằm cạnh Ủy ban nhân dân xã, chiếc ao nhỏ trước cửa đình xưa có thuỷ đình để diễn múa rối nước, nay trở thành một vườn cây rậm rạp. Khuôn viên đình trước kia được bao bọc bởi tường bao, với cổng có hai cột đồng trụ đều bằng đá chạm khắc hoa văn rồng phượng. Năm 1965, những thành phần kiến trúc này chuyển dời để phục vụ cho việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Tại nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn thấy đôi rồng đá được người dân cho biết là thành bậc của ngôi đình xưa.

    Cho tới nay, chưa có bằng chứng về khảo cổ học nào cho chúng ta biết về mặt bằng kiến trúc ngôi đền cũ cũng như quá trình chuyển đổi công năng thành đình diễn ra vào khoảng thời gian nào. Dựa vào phong cách nghệ thuật của chân tảng hoa sen và những chạm khắc còn lại ở Hậu cung đình Đô Quan mới chỉ cho phép chúng ta khẳng định ngôi đình này được xây dựng muộn nhất vào khoảng thế kỷ XVII. Trong khi đó, chùa Đô Quan ngày nay chỉ là công trình xây mới hoàn toàn vào đầu thế kỷ XXI.

    Lối chính đi vào đình ngày nay thực tế là Tam quan gác chuông của chùa, qua cửa phía Tây là một khoảng sân nhỏ, hoàn thành vào năm 2002, lát gạch đỏ kích thước 0,3m x 0,3m theo mạch chữ Công. Kiến trúc đình chia làm ba cấp nền, cao dần từ ngoài vào trong. Trên ba cấp nền này, là bốn công trình kiến trúc gồm: Tiền tế và Ống muống ở cấp nền thứ nhất, Đại bái ở cấp nền thứ hai và Hậu cung ở cấp nền thứ ba, được dựng vào những niên đại khác nhau. Mặt bằng tổng thể hiện nay theo kiểu “tiền công hậu nhất”.

    Dựa trên những mảng chạm khắc ở đình Đô Quan cho thấy di tích đã qua nhiều lần tu sửa. Tòa Tiền tế này có niên đại khá muộn, trên thượng lương gian giữa có ghi: “Long Phi Ất Hợi mạnh Đông nguyệt cát nhật, lương thìn thụ trụ thượng lương đồng hợp tu tạo cung tiến”, nghĩa là: rồng bay, ngày tốt tháng đầu mùa Đông (tháng 10 Âm lịch) năm Ất Hợi, dựng thượng lương. Dựa theo phong cách chạm khắc, niên đại Long Phi Ất Hợi này có thể là năm 1925.

    Chạm khắc ở vì mái Hậu cung mang phong cách vào nghệ thuật thế kỷ 17
    Chạm khắc ở vì mái Hậu cung mang phong cách vào nghệ thuật thế kỷ 17

    Thượng lương tòa ống muống có niên đại rõ ràng hơn, đó là “Duy Tân lục niên Nhâm Tý mạnh đông nguyệt cát nhật trùng tu chính ngự đệ nhị toà” (ngày tốt tháng đầu mùa đông năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) sửa lại tòa đệ nhị). Ở tòa Đại bái, niên đại được ghi trên dạ câu đầu hai bên của gian giữa. Trên câu đầu bên phải ghi: “Tự Đức lục niên Quý Sửu thập nhị nguyệt nhật đồng xã tu tạo” và trên câu đầu bên trái ghi: “Tự Đức lục niên Quý Sửu thập nhị nguyệt cát nhật lương thời thụ trụ thượng lương”. Thông tin này cho biết công trình được trùng tu vào năm 1853.

    Cuối cùng là tòa Hậu cung, mặc dù không có niên đại chính xác, nhưng còn bảo lưu được cả những mảng chạm mang phong cách nghệ thuật vào thế kỷ XVII, ở vì nóc trước và cột cái cũng như giữa thế thế kỷ XIX ở hai vì nóc sau. Điều này cho thấy theo thời gian đình được trùng tu và mở rộng thêm về phía trước.

    Như vậy, dựa vào những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, cụm di tích đình – chùa Đô Quan cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, quá trình tu bổ nên có sự tham gia góp ý của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn để tránh xảy ra việc sơn công nghiệp PU lên các mảng chạm như đã xảy ra ở Hậu cung và hương án cách đây vài năm. Trước mắt, ban quản lý di tích và chính quyền địa phương cần chú ý những hư hỏng ở phần khung gỗ và lên phương án tu bổ, để tránh hư hỏng nặng và đảm bảo công trình được an toàn.

    Nguồn: phatgiao.org.vn

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều