Mọi người thường khuyên nhủ nhau rằng: làm người thì phải nhân hậu, nhưng cần phải sống như thế nào mới được coi là một người nhân hậu?…
Sự nhân hậu như dòng chảy ngầm dưới đáy sâu của lòng sông. Nó rất mạnh mẽ nhưng trên bề mặt lại vô cùng yên ả, không hề nổi sóng ào ạt. Sự nhân hậu của một người có thể tạo nên nhân cách của người đó, cũng là thể hiện của tâm thái cao quý.
Người nhân hậu là người không chiếm lợi của người khác
Bào Thúc Nha thời Xuân Thu trước sau không hề chiếm lợi của người khác. Ông đối đãi với người khác rất nhân hậu. Khi ấy ông cùng làm ăn buôn bán với Quản Trọng. Nhưng Quản Trọng luôn nhận lấy phần hơn về mình.
Người nhà nhắc nhở Thúc Nha nhưng ông không chỉ không so đo tính toán mà còn nói rằng: “Quản Trọng gia cảnh khó khăn hơn ta nên cần thông cảm cho hoàn cảnh của ông ấy”.
Điều này khiến tôi nhớ lại cha mình. Ông thường ghi lại số tiền mừng đám hiếu đám hỷ của họ hàng bè bạn. Ví như khi chị gái tôi xuất giá người nhà mừng phong bì bao nhiêu tiền, ông đều ghi lại rõ ràng. Đợi sau này khi họ gả con gái đi, cha tôi lại mừng lại cho người ta hậu hĩnh hơn một chút.
Người nhân hậu không chiếm lợi của người khác, dù trong hoàn cảnh nào thì họ cũng đều sống rất minh bạch, tiêu diêu tự tại.
Người nhân hậu luôn biết đặt mình vào vị trí của người khác mà lo nghĩ cho họ
Tương truyền, khi Khổng Tử tham dự tang lễ nhà người khác, ông đứng cạnh người nhà họ, mà trong lòng cũng cảm thấy đồng cảm như thể họ là người thân của mình vậy. Bản thân Khổng Tử cũng thương tiếc thay cho họ, ngay cả ăn cơm tâm trạng cũng không thấy thoải mái. Sự đồng cảm với người khác mọi lúc mọi nơi cũng là biểu hiện của tấm lòng nhân hậu.
Một câu chuyện hành thiện khác trong cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi.
Ông nội và ông cố của Dương Vinh thời nhà Minh từng lênh đênh sóng nước mưu sinh. Họ đều làm nghề chèo thuyền.
Một hôm con nước lớn dâng lên tại nơi con sông hai ông chèo thuyền. Vậy là hai ông hớt hải chèo thuyền, chỉ “một lòng cứu người”. Họ đã cứu được tính mạng của rất nhiều người dân trong làng. Nhưng khi nạn nhân và người nhà biếu quà cảm tạ thì hai ông đều từ chối không lấy. Có người trong vùng biết chuyện cười chê hai ông thật ngốc nghếch đã bỏ lỡ cơ hội kiếm cả một gia sản như vậy cũng không biết tận dụng.
Thậm chí sau khi cứu những người còn sống lên bờ, hai ông còn gồng mình trước con nước lớn vớt cả những xác chết nổi trên sông. Ngày xưa nếu không tìm được thi thể của người thân thì người nhà sẽ ôm hận cả đời. Đồng cảm và dốc sức cứu vớt người khác khi tính mệnh họ lâm nguy cũng là một biểu hiện của lòng nhân hậu.
Người nhân hậu biết cách đặt mình vào vị trí của người khác mà lo nghĩ cho họ. Họ sẽ dốc hết sức mình để làm những gì có thể được cho người khác. Vậy nên khi tiếp xúc với những người nhân hậu thì chúng ta không phải đề phòng. Họ sẽ luôn biết nghĩ tới bạn, tìm cách giúp đỡ bạn.
Người nhân hậu luôn biết nhớ ơn và đền ơn người khác
Có câu rằng “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”. Nghĩa là: “Đối đãi với cha mẹ đã khuất một cách cẩn trọng, luôn tưởng nhớ về tổ tiên từ thuở xa xưa. Làm được như vậy tự nhiên sẽ khiến bách tính trở nên trung hậu, thật thà”.
Muốn nuôi dưỡng lòng nhân hậu của bản thân mình, thì luôn phải nhớ ơn và đền ơn những người đã từng chăm sóc, giúp đỡ chúng ta. Không chỉ thường ghi nhớ ân nghĩa của họ trong lòng mà phải thường xuyên thăm hỏi, đền ơn những bậc trưởng bối từng chăm sóc chúng ta. Vào dịp năm mới hay những ngày lễ tết quan trọng chúng ta có thể gửi lời chúc mừng, đi thăm và cảm ơn họ.
Biết cảm ơn, luôn ghi nhớ trong lòng, không quên thầy xưa bạn cũ là điều đáng thừa nhận. Những kẻ tham mới bỏ cũ không phải là người nhân hậu mà là kẻ bạc bẽo.
Người hậu đãi bản thân ắt sẽ bạc đãi người khác. Người chỉ biết ngưỡng mộ, đề cao bản thân, ắt khó có thể dùng tình người ấm áp đối đãi với bạn. Cho nên, người có lòng nhân hậu luôn biết ơn và tìm cách đền ơn người khác, dùng tấm thâm tình của mình mà đối đãi với họ.
Người nhân hậu luôn biết nhớ ơn và đền ơn người khác (Ảnh sưu tầm)
Người nhân hậu biết bao dung và lượng thứ cho người khác nhiều hơn
Một người có địa vị rất cao thường không biết bao dung, chỉ cần nghe thấy lời phê bình của người khác họ sẽ đối đầu với người ta. Thậm chí họ còn kết bè kết phái, gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới cả một đoàn thể.
Cho nên địa vị của con người càng cao, thì nên càng cần có một tâm thái cao. Từng lời nói hành vi của họ, nhất cử nhất động đều cần khiến cho bộ mặt của đoàn thể ấy ngày càng tốt hơn.
“Thân ở nơi quan trường càng dễ tu hành”. Những người làm quan, có địa vị càng cao lại càng dễ tu hành. Bởi lẽ tầm ảnh hưởng của họ rất lớn. Nhưng xét từ một góc độ khác, nơi quan trường thường dễ tạo nghiệp. Những người có thái độ không tốt, không nhân hậu, mang theo nhiều tật xấu, phong thái không đẹp dễ ảnh hưởng tiêu cực tới người khác, nên trách nhiệm của họ càng lớn hơn.
Những người nhân hậu sẽ giảm nhẹ một phần trách nhiệm, khó khăn cho người khác. Sự khoan dung mới là cách tốt nhất để tránh xa những kết cục tiêu cực.
Người nhân hậu biết bao dung và lượng thứ cho người khác nhiều hơn (Ảnh sưu tầm)
Người nhân hậu không chỉ trích, không làm khó dễ người khác
Khi một sự việc đã xảy ra rồi mới ở đó mà trách mắng người khác cho hả giận sẽ làm tổn hại tới đức của mình, đồng thời cũng khiến người khác khó chịu.
Hàn Kỳ thời Bắc Tống cả một đời làm quan nổi tiếng nhân hậu. Một lần vào buổi tối ông đang đọc sách thì một binh sỹ cầm đèn đầu óc không tập trung, trong phút lơ đãng đã đốt cháy xém cả tóc của Hàn Kỳ.
Lúc đó ngửi thấy mùi khét, ông cũng chẳng quay đầu nhìn lại, chỉ tiện tay dập tắt đốm lửa. Một lúc sau, ông quay đầu nhìn lại thì cậu binh sỹ kia đã bị thay thế.
Ông hỏi người cầm đèn lúc nãy đi đâu rồi, người hầu mới nói rằng, cậu ta đã đốt cháy tóc của tướng quân, vậy nên đã đuổi cậu ấy đi rồi. Hàn Kỳ nghe vậy nói rằng: “Hãy tìm cậu ta về đây, giờ cậu ta đã biết làm sao để lửa không cháy vào người ta rồi”.
Nếu là một ông chủ khác, chắc chắn người binh sỹ kia sẽ bị phạt, thậm chí mất đầu. Nhưng Hàn Kỳ không nhẫn tâm chỉ vì một sai sót nhỏ mà trách phạt người khác, nên mới cho gọi cậu ấy về. Cậu binh sỹ cảm động, nguyện một lòng trung thành với Hàn Kỳ suốt cuộc đời.
Không chỉ cậu binh sỹ này xúc động trước sự nhân hậu của Hàn Kỳ mà những binh sỹ khác nghe được câu chuyện về lòng bao dung của tướng quân, thì chắc chắn là không một ai không bội phục. Như vậy chẳng phải sỹ khí của đội quân cũng nhờ đó mà tăng lên ngùn ngụt hay sao?
Đối xử nhân hậu với người khác chính là trí huệ thượng đẳng. Người nhân hậu biết cách chừa lại một đường lui cho người khác. Họ không chỉ trích quá mức, cũng không gây khó dễ cho người ta.
Người nhân hậu không chỉ trích, không làm khó dễ người khác (Ảnh sưu tầm)
Người nhân hậu có thể làm tròn chức trách của bản thân
Cổ ngữ có câu rằng: “Huynh hữu hảo, đệ cung kính”; “Cha từ bi, con hiếu thuận”. Ý muốn nhắn nhủ rằng, chúng ta cần có trách nhiệm với người thân của mình. Không chỉ cần hiếu kính và yêu thương đối với cha mẹ của mình mà còn cần mở rộng tấm lòng tới cả những bậc trưởng bối và những người thân khác.
Cách ngôn trị gia của Chu Tử có câu rằng: “Thấy người thân, hàng xóm gặp cảnh khốn cùng phải biết quan tâm, an ủi họ”. Đây chính là biểu hiện của một người trọn tình vẹn nghĩa.
Không chỉ giới hạn trong mối quan hệ cùng huyết thống, người nhân hậu còn biết đùm bọc cả những người xung quanh mình.
Để làm một người nhân hậu giống như những gì đã nói ở trên, thực ra cũng không phải là điều quá khó. Bởi chúng ta đều có thể làm được từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống này.
Theo NTDTV
Minh Nguyệt biên dịch