Trong không khí hân hoan mừng đại lễ Phật đản sanh khắp mọi miền Tổ Quốc, vẫn còn đó những ưu tư trăn trở của nhiều gia đình Phật tử về việc treo cờ Phật giáo, bởi trong lòng có chút trở ngại nên dù rất ao ước được thiết kế lễ đài Phật đản nhưng không dám làm. Vì sợ người thân trong gia đình và chòm xóm dị nghị. Bởi giữ năm giới chưa trọn vẹn, nhất là những người làm các nghề ca hát, đồ tể, săn bắn, chài lưới bán rượu… Dù trong thâm tâm họ vẫn thiết tha với đạo.
Vì quan niệm, nhà nào treo cờ Phật giáo thì phải là gia đình có nếp sống gương mẫu, nên không khí Phật đản ở các vài nơi, như các xóm chài lưới ven sông, hồ còn tẻ nhạt. Để tránh thái độ tự ti mặc cảm đó, chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa việc treo cờ Phật giáo trong những dịp đại lễ của đạo Phật như Phật Đản, Vu Lan và Thành Đạo.
Trước hết, phải khẳng định việc treo cờ Phật giáo là chứng tỏ đức tin của gia đình mình có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo. Không luận làm nghề gì, miễn có tín tâm đối với Tam Bảo là được quyền bày tỏ quan điểm, đức tin của mình. Chứ không nhất định phải giữ tròn năm giới trong sạch. Do đó, không ai được quyền tướt đoạt niềm tin ấy, chỉ cần họ không theo ngoại đạo, tà giáo là đủ.
Cho nên, từ niềm tin Phật, mà những người làm các nghề ca hát, đồ tể, săn bắn, chài lưới, bán rượu, v.v… tiến tới quy y Tam Bảo, đã là điều đáng trân trọng vô cùng. Tuy không thể thọ trì Ngũ Giới, nhưng căn bản của người cư sĩ là Tam Kiết, tức là:
– Quy y Phật rồi, không quy y trời, thần, quỷ, vật.
– Quy y Pháp rồi, không quy y ngoại đạo, tà giáo.
– Quy y Tăng rồi, không quy y thầy tà, bạn ác.
Do đó, Tam Quy tức là giới. Nên khi người cư sĩ, treo cờ Phật Giáo trên thuyền, trên bè, nhà nổi, hoặc trước nhà là biểu thị cho sự giữ gìn Tam kiết. Tức họ chỉ nương tựa Tam Bảo, không hề tin theo tôn giáo nào khác. Đó là thái độ tích cực đáng tuyên dương công đức.
Kinh Từ Bi Thuỷ Sám nói: “Con người ở đời ai mà không lỗi? Thánh giả ở trong giai đoạn tu tập, nếu hở chánh niệm, còn nổi phiền não, La Hán mà vì tập quán phiền não, có lúc còn động, thân nghiệp khẩu nghiệp. Huống chi phàm phu mà không tội lỗi?… Nếu biết hổ thẹn, phát lồ sám hối, thì thật không những hủy diệt tội lỗi, mà còn tăng thêm vô lượng công đức, xây dựng Niết Bàn mầu nhiệm như Phật”. ( HT. Trí Quang).
Do đó, nếu biết hổ thẹn khi treo lá cờ Phật giáo lên, nếu trong năm giới mà ta đã thọ còn chút khiếm khuyết, thì chính là động lực cho hành giả quán sát tiến tu đạo nghiệp. Tuy nhiên, người Phật tử sau khi thọ Tam Quy xong, không nhất định phải xin thọ trì đủ năm giới. Mà có thể tuỳ theo căn cơ, điều kiện, hoàn cảnh đời sống mà xin Giới Sư cho thọ từ một đến năm giới. Bao giờ có khả năng giữ được các giới còn lại, thì xin thọ thêm. Hoặc chỉ thọ Tam Quy Giới. Vì giới có nghĩa là biệt giải thoát. Giữ được giới nào, thì giải thoát với giới ấy. Nên nhất định cần phải uyển chuyển trong việc truyền thọ Tam Quy, ngũ giới. Cho nên, treo cờ Phật giáo tại tư gia là biểu hiện của Tam Quy Giới, chứ chưa tiến sâu về Ngũ Giới, như đa số người lầm tưởng, dẫn đến tâm lý tự ti, mặc cảm, e dè, không dám bộc lộ niềm vui mừng ngày Phật Đản Sanh.
Kinh Niết Bàn nói: “Nhất xiển đề có Phật Tánh”, nghĩa là họ có khả năng thành Phật. Trong khi hạng Nhất Xiển Đề là kẻ bất tín triệt để, kẻ ác tâm, kẻ làm việc tội lỗi mà chẳng biết hổ thẹn, chẳng chịu hối cải, không tin nhân quả, luân hồi, kẻ chẳng gần với thiện hữu. Kinh Niết Bàn quyển 9 lại nêu: “cũng có hạng Nhất Xiển Đề là bậc Bồ Tát thị hiện là vì lòng đại bi quyết ở trong chốn luân hồi mà cứu độ chúng sanh chớ chẳng muốn thành Phật, chẳng vào Niết Bàn. Đây là do Bồ tát vì hạnh nguyện”. Đó là nghịch hạnh Bồ tát.
Huống chi, quý Phật tử tại xóm chài, các nhà hàng, tiệm bán ăn mặn, quán nhậu hay những gia đình tín đồ Phật giáo, chưa phải là cư sĩ thuần thành, phạm vào ngũ giới hoặc các nghề tà mạng, vẫn còn có lòng hổ thẹn, thì vẫn có quyền biểu thị đức tin của mình. Bởi họ đã hướng về ánh sáng giác ngộ của Đức Phật và đang thực tập từ bỏ, nên không ai có quyền chỉ trích về đạo đức của họ, trừ khi vì lòng từ bi mà giáo hoá.
Trái lại sẽ làm họ thối tâm khi treo lá cờ Phật giáo, là phá hủy thiện căn của người khác, tội này rất nặng. Như kinh Pháp Hoa nói: “Tội mắng chửi Phật còn nhẹ hơn tội phỉ báng người trì kinh Pháp Hoa”. Vì sao? Vì người trì kinh Pháp Hoa, chưa thành Phật nên chưa buông xả được phiền não. Nên nói: “Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động lòng người tu Đạo”.
Cho nên phỉ báng họ, chính là làm cho hành giả thối thất Tâm Bồ Đề. Trong khi Tâm Bồ đề là căn bản thành tựu các pháp thế gian và xuất thế gian cho người Phật tử. Nhẫn đến thành Phật cũng nhờ vào sự phát Tâm Bồ đề. Hơn nữa, phỉ báng người trì kinh Pháp Hoa, tức là phỉ báng Phật vị lai. Vì kinh nói: “Tất cả chúng sanh, đều có Phật tánh”. Nên người trì kinh Pháp Hoa tức là tất cả hành giả đang tu học Đại Thừa chứ không riêng gì Pháp Hoa Tông. Nên Phật tử, thấy ai chưa đầy đủ đạo đức căn bản của người cư sĩ mà phát tâm treo lá cờ Phật Giáo, phải tán thán công đức của họ. Bởi hành động ấy góp phần làm lan tỏa thông điệp Từ Bi của Đức Phật, biểu dương tinh thần nhập thế của đạo Phật. Hơn hẳn những cư sĩ tự hào đã quy y Tam Bảo, thọ Thập Thiện, Bồ Tát giới, ăn chay trường, tham gia vào những công tác giáo hội mà đến ngày Phật Đản Sanh không treo nổi một lá cờ, miệng nói thiền nói đạo, nói kinh luật luận thao thao bất tuyệt, nhưng lại thờ ơ với sự trường tồn của Phật giáo. Chính họ mới không xứng đáng là Cư sĩ, Phật tử.
Như Đức Phật Thích Ca phát Tâm Bồ Đề nơi Địa Ngục A Tỳ, Đức Phật Phổ Quang phát tâm Bồ đề khi còn là tên trộm lẻn vào chùa, thì tại sao lại nhẫn tâm phỉ báng họ? Trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới dạy, không được nói: “Anh không có Phật tánh, không có khả năng thành Phật”, nói như thế là Đoạn Phật Chủng Tánh, tội ấy rất nặng. Bất kỳ ai treo cờ Phật Giáo là đã khẳng định phẩm tính giác ngộ nơi mình.
Vì năm màu cờ Phật giáo là màu hào quang của chư Phật và ngũ Căn của người Phật tử. Nên nơi nào có treo cờ Phật giáo, thì ở đó sẽ được chư Phật phóng quang gia bị. Ngoài ý nghĩa khẳng định mình là Phật tử còn là biểu hiện cầu nguyện sự cát tường. Do đó việc treo cờ Phật giáo với bất kỳ ai có niềm tin với Đức Phật, miễn không theo tôn giáo khác là việc làm mang ý nghĩa thiết thực trong mùa Phật Đản. Nếu người làm các nghề chài lưới, đồ tể, săn bắt …đã mạnh dạn treo cờ Phật Giáo tại nhà hay các phương tiện giao thông cá nhân, thì nên tiến đến làm lễ đài Phật đản lộ thiên tại tư gia. Bên cạnh đó phải phát nguyện ăn chay, làm phước, phóng sanh, hoặc tu tập một ngày vào dịp 15/4 ÂL, để tri ân Đức Phật.
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Điều Ngự Tử