“Khi nào những niềm vui, hạnh phúc, bình yên… và tất cả những gì của mình còn phụ thuộc hết vào người khác, khi đó nhất định còn phải khổ đau.
Khi mọi việc do mình tự quyết, khi đó mới thật sự tự tại và bình yên.”(1)
Con đường dài xa nhất và khó khăn nhất là con đường tìm lại với chính mình. Chỉ quay về là gặp, chỉ tĩnh tâm là thấy, chỉ dừng lại là đến, nhưng có kẻ mất cả nửa đời mới làm được, có kẻ phải mất cả nửa đời mới có thể lấy lại được hết giấc mơ bình yên mà ngày trước đã lỡ đặt vào tay người, để mang về rồi tự mình giữ lấy.
Cách nhanh nhất đánh mất bình yên của mình là đi tìm bình yên trong tâm người khác. Thứ trong tâm mình đôi khi còn khó giữ, huống chi thứ nằm trong tâm của người.
Người nghĩ thất bại lớn nhất trong cuộc sống này là gì?
Thất bại lớn nhất trong cuộc sống là việc đánh mất chính mình.
Chúng ta chỉ cảm thấy cô độc khi còn muốn tựa vào ai đó bên ngoài, cảm thấy buồn khi còn cần đến ai đó để vui, và cảm thấy mất tự tin khi đang chờ mong sự thừa nhận từ một người nào đó.
Sống tựa vào người khác là sống tựa vào bất an.
Có kẻ bình yên vì ngoại cảnh bình yên, có kẻ bình yên vì tâm họ đã bình yên. Nếu bình yên vẫn còn phụ thuộc vào người khác hay một điều gì đó bên ngoài, chúng ta hoàn toàn không chủ động được với bình yên đó.
Phần nhiều những mệt mỏi của người đời là do bản thân thiếu nội lực và để mình bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của những người chung quanh.
Đến một ngày, khi đủ hiểu biết về nguyên lí nhân quả, và nhận thấy rằng tất cả những vui buồn trong cuộc sống đều do chính mình tạo ra, khi đó, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi mọi hoàn cảnh bên ngoài.
Có thể nhiều người sẽ không tin: bình yên của chúng ta đang ở ngay nơi chúng ta đang đứng.
[1] Kinh Đại bát Niết bàn
Nguồn: Cuộc Sống Nhìn Từ Ô Cửa Thiền