Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 29, 2024
HomeÝ Kiến- Diễn ĐànChuyên đề sự kiệnTín đồ, Phật tử và căn cước công dân

Tín đồ, Phật tử và căn cước công dân

Thời gian gần đây, các kênh thông tin của Chính phủ đã công bố số lượng tín đồ các tôn giáo căn cứ kết quả điều tra dân số toàn quốc, theo đó, số lượng tín đồ Phật giáo tại Việt Nam giảm từng kỳ điều tra.
Tại buổi họp giao ban trực tuyến về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu trước ngày 1-7-2021, cấp 50 triệu thẻ CCCD mới đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ trên toàn quốc

Đợt gần đây nhất, thông cáo báo chí Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 đăng trên kênh thông tin của Chính phủ cho biết: “Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo ‘Công giáo’ là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo ‘Phật giáo’ với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước”.

Số liệu trên khi được phổ biến, lập tức tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề đó cũng được đặt ra tại một số hội nghị của Trung ương GHPGVN và từng được đưa vào nghị quyết: Giáo hội sẽ thống kê lại số lượng tín đồ Phật giáo tại Việt Nam. Do vậy, việc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành Công văn 52/HĐTS-VP1 về việc điền mục 7 trên Tờ khai Căn cước công dân (CCCD) vào ngày 16-3-2021 vừa qua khiến dư luận quan tâm, trong đó có ý kiến cho rằng phải chăng nhân đây Giáo hội sẽ tiến hành thống kê lại tín đồ, Phật tử?

Là một tôn giáo gắn bó với dân tộc suốt mấy ngàn năm, từ kết quả thống kê chính thống của Chính phủ, so sánh với thực tiễn đã cho thấy đến nay, dường như vẫn tồn tại những nhập nhằng trong khái niệm giữa “người theo Phật giáo”, tín đồ đạo Phật và Phật tử, kể cả trong các văn bản pháp quy.

Tín đồ, Phật tử và căn cước công dân ảnh 1

Mục 7 trên Tờ khai Căn cước công dân

Từ vấn đề mục 7 trên Tờ khai CCCD…

- Advertisement -

Gần đây, trong một bài viết đăng trên tuần báo Giác Ngộ số 1085 (15-1-2021), nhà báo Chu Minh Khôi đã ghi nhận câu chuyện thực tế của chính bản thân về việc khai tôn giáo khi đi làm CCCD. Trong phần kê khai thông tin, ở mục “Tôn giáo”, anh khai “Phật giáo”, và sau đó được cán bộ tiếp nhận yêu cầu xuất trình “giấy chứng nhận xuất gia”. Khi anh Khôi giải thích mình chỉ là Phật tử tại gia nên không thể có “giấy chứng nhận xuất gia”, vị cán bộ nói rằng phải có “giấy chứng nhận xuất gia” thì mới được công nhận tôn giáo là “Phật giáo”.

Cũng với bài viết này, nhà báo Chu Minh Khôi tiếp tục nêu lên việc trước đó, vào năm 2020, trong cuộc tổng kê khai dân cư toàn TP.Hà Nội nhằm phục vụ cho việc “số hóa” thông tin dân cư, anh cũng được cán bộ thực hiện yêu cầu đổi từ “Phật giáo” thành “Không” tại mục kê khai “Tôn giáo” với lý do “người có tôn giáo Phật giáo thì phải ở chùa, dân ở chung cư thì không nên ghi tôn giáo là Phật giáo”. Ngay sau đó, nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc gửi về báo Giác Ngộ cũng cho biết bản thân họ từng gặp tình trạng tương tự trong việc kê khai thông tin khi thực hiện các thủ tục pháp lý mà bài viết đã nêu.

Vấn đề chấp thuận kê khai tôn giáo theo đúng nguyện vọng của công dân tiếp tục được đặt ra khi việc đăng ký CCCD gắn chíp đang được triển khai thực hiện tại một số địa phương trên cả nước. Ngày 18-3, Công an TP.HCM tổ chức thông tin một số vấn đề liên quan đến cấp thẻ CCCD gắn chip. Tại đây, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định việc khai tôn giáo nào trong mục 7 tờ khai CCCD là quyền tự do của mỗi công dân.

“Người Khmer ở Nam Bộ đã theo đạo Phật từ hàng ngàn năm qua, họ cũng chỉ có Phật giáo là tôn giáo chính mà thôi… Phật tử Khmer chỉ đến chùa làm lễ chỉ quy y Tam bảo, mãi về sau này, cùng với sự tiếp biến văn hóa, Phật tử Khmer mới được thầy bổn sư cho pháp danh nhưng vẫn không có giấy tờ nào kèm theo cả. Chính vì vậy, nếu đòi hỏi một giấy tờ kèm theo thì mới được chứng nhận là tín đồ đạo Phật hay Phật tử sẽ gây nên khó khăn cho đồng bào Khmer”.

Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN

Về phía Giáo hội, dựa trên phản ánh từ Ban Trị sự các tỉnh, thành phố về việc một số Phật tử khi đi làm CCCD đăng ký mục 7 trên Tờ khai CCCD là “Phật giáo” nhưng không được cơ quan cấp CCCD chấp nhận, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ký và phổ biến Công văn số 52/HĐTS-VP1 hướng dẫn cho Phật tử khi đăng ký làm CCCD phải mang theo giấy chứng nhận Phật tử, giấy chứng nhận quy y Tam bảo… đồng thời đề nghị Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, BTS các cấp thực hiện cấp nhanh, dễ dàng trong việc cấp giấy chứng nhận Phật tử, chứng nhận quy y Tam bảo… cho người dân có niềm tin, tín ngưỡng và yêu mến đạo Phật.

Trong cuộc phỏng vấn với Giác NgộThượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có những giải thích cụ thể một số vấn đề liên quan đến văn bản này, theo đó nêu rõ: “Nếu nơi nào yêu cầu phải có giấy chứng nhận thì các Ban Trị sự các cấp, Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện cần nhanh chóng cấp cho mọi người để đạt mục đích tốt”. Về quy chuẩn cũng như thẩm quyền cho việc cấp chứng nhận tín đồ/ phái quy y phù hợp với yêu cầu trong việc khai CCCD, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết: “Việc xác nhận là Phật tử để có cơ sở khai mục 7 CCCD có thể do Ban Trị sự các cấp, Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện ký xác nhận. Giấy chứng nhận Phật tử này phục vụ cho việc làm CCCD. Còn thẻ Phật tử do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cấp cho các thành viên sinh hoạt thường xuyên các hoạt động Phật sự của Giáo hội”.

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ băn khoăn vì từ trước đến nay việc xác định tư cách Phật tử của họ chỉ là tự nguyện, thể hiện qua truyền thống gia đình, thực chứng với lễ quy y tại một ngôi chùa, tự viện thuộc các hệ phái khác nhau, và họ trưng dẫn “điệp”, “phái” quy y mỗi nơi cũng mỗi khác. Trả lời cho vấn đề này, cũng trong cuộc phỏng vấn của Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định: “Tất cả các hình thức chứng nhận quy y, các loại hình phái điệp quy y đều có giá trị như nhau khi xác nhận người đó là Phật tử”.

Tuy nhiên nếu chiếu theo khoản 6, Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, những điều nêu trên vẫn chưa đủ để chứng minh họ là “người tin, theo” Phật giáo khi chưa có sự thừa nhận của GHPGVN. Có lẽ đó là mấu chốt của thực tế mà Giác Ngộ đã phản ánh, cũng như nhiều bạn đọc cho biết và Thượng tọa Thích Đức Thiện đã xác nhận trong phần trả lời phỏng vấn rằng “Không phải địa phương nào cũng yêu cầu phải có chứng nhận Phật tử mới cho phép khai mục 7 là Phật giáo”.

Tín đồ và Phật tử

Để hiểu chính xác vấn đề nêu trên, một câu hỏi cần và nên được đặt ra một cách cụ thể, rõ ràng: Thế nào là một tín đồ Phật giáo?

Theo khoản 6, Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 do Quốc hội ban hành, quy định “tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận”.

Với Phật giáo, từ năm 1981 cho đến nay, GHPGVN là tổ chức duy nhất có pháp nhân, pháp lý, kế thừa lịch sử và đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử và đặc điểm đa dân tộc, còn có một số lượng nhất định người tin, có tín ngưỡng và thực hành theo Phật giáo, vì một lý do nào đó mà tổ chức GHPGVN chưa có sự công nhận.

Riêng với khái niệm người Phật tử, căn cứ theo các truyền thống Phật giáo, đó là những người đã quy y Tam bảo, thọ trì Tam quy Ngũ giới, được xác nhận cụ thể bằng Giấy chứng nhận Quy y Tam bảo hay còn được gọi là phái Quy y, đa phần do chính vị bổn sư làm lễ quy y cho người Phật tử đó cấp. Như vậy, tín đồ Phật giáo có thể không nhất thiết phải là Phật tử mà có thể chỉ là người tin, theo và có cảm tình với đạo Phật.

Trong một cuộc trao đổi với Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng II Trung ương GHPGVN, trụ trì chùa Chantarangsay (quận 3, TP.HCM), phóng viên Giác Ngộ đã ghi nhận một số băn khoăn của Hòa thượng xung quanh vấn đề cấp chứng nhận Phật tử.

Trên cương vị một giáo phẩm của Phật giáo Nam tông Khmer, Hòa thượng cho biết: “Người Khmer ở Nam Bộ đã theo đạo Phật từ hàng ngàn năm qua, họ cũng chỉ có Phật giáo là tôn giáo chính mà thôi. Đến những năm gần đây mới có một số rất ít trong gần hai triệu người Khmer Nam Bộ theo tôn giáo khác, còn đại đa số người Khmer sinh ra đã mặc định mình là Phật tử. Riêng với truyền thống Phật giáo Khmer, ngoại trừ các vị tu sĩ khi thọ giới mới được đặt pháp danh, có chứng điệp ghi cụ thể thông tin, thời gian thọ giới, thầy tế độ, thầy yết-ma gồm những ai, giới đàn tổ chức ở đâu… còn Phật tử thì hoàn toàn không có những cái như vậy. Phật tử Khmer chỉ đến chùa làm lễ chỉ quy y Tam bảo, mãi về sau này, cùng với sự tiếp biến văn hóa, Phật tử Khmer mới được thầy bổn sư cho pháp danh nhưng vẫn không có giấy tờ nào kèm theo cả. Chính vì vậy, nếu đòi hỏi một giấy tờ kèm theo thì mới được chứng nhận là tín đồ đạo Phật hay Phật tử sẽ gây nên khó khăn cho đồng bào Khmer”.

Đối với vấn đề khai tôn giáo khi thực hiện các thủ tục hành chính, cũng theo HT.Danh Lung, từ trước đến nay, cộng đồng Khmer ở Nam Bộ rất ít gặp vấn đề rắc rối khi thực hiện việc này. Khoảng đầu những năm 1980, khi thực hiện các thủ tục hành chính, vì trình độ dân trí của cộng đồng Khmer còn tương đối thấp, nhiều người chưa rành tiếng Việt phổ thông nên phải nhờ cậy người khác làm giúp việc kê khai thông tin cá nhân. Từ đây đã phát sinh tình trạng nhầm lẫn về thông tin trong giấy tờ tùy thân, trong đó có cả việc một lượng người Khmer khai tôn giáo “Không” theo mẫu có sẵn, thậm chí nhầm lẫn từ dân tộc “Khmer” sang “Kinh”…

“Thông qua trao đổi với Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ, Hòa thượng cho biết hiện nay ở Cần Thơ đã bắt đầu triển khai việc cấp đổi CCCD mới và cũng chưa thấy có ý kiến phản ánh nào về việc khai tôn giáo. Tuy nhiên, Hòa thượng cũng có ý kiến đồng tình với chúng tôi, mong muốn cơ quan phụ trách việc cấp CCCD đừng nên đòi hỏi giấy chứng nhận quy y Tam bảo hay chứng nhận Phật tử. Như đã nói, người Khmer đã theo Phật giáo hàng ngàn năm nay, truyền thống của họ là đi chùa, quy y Tam bảo từ xưa đến nay rồi và cũng chưa có cơ chế nào được đặt ra để cấp giấy chứng nhận Phật tử cho họ. Tôi nghĩ không riêng gì với người Khmer và kể cả người Kinh, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho việc khai tôn giáo, miễn người đăng ký thừa nhận mình theo đạo Phật, mình là Phật tử là đã được rồi và nên ghi nhận cho họ như vậy”, Hòa thượng Danh Lung bày tỏ.

Riêng nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, dưới góc nhìn của một người làm văn hóa, người sống qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, đồng thời cũng là một Phật tử tại gia ở tuổi “xưa nay hiếm” cũng nêu ý kiến cho rằng không thể đánh giá một người có phải là tín đồ đạo Phật hay không nếu chỉ dựa trên giấy tờ xác nhận.

Theo ông Sơn, cùng với phong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam đã có truyền thống thờ kính Phật từ xa xưa. Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền của người Việt, làng là chỉnh thể văn hóa tiêu biểu nhất cho nền văn hóa Việt Nam. Ở những làng cổ truyền từ Bắc chí Nam, bên cạnh ngôi đình là ngôi chùa làng. Dân làng không thờ Phật riêng rẽ trong từng gia đình mà chính ngôi chùa mà cả làng góp công tạo dựng đó chính là nơi lễ bái, nương tựa về mặt tâm linh cho toàn bộ người dân trong làng. Chính vì thế có thể nói ngôi chùa làng chính là biểu hiện cao nhất cho việc người dân Việt Nam vốn có truyền thống tin Phật, thờ Phật từ xa xưa, theo một lẽ tự nhiên nhất.

“Phật giáo là một tôn giáo lâu đời nhưng không phải tín đồ Phật giáo nào cũng là Phật tử, vì vậy nếu căn cứ trên phái quy y hoặc giấy chứng nhận Phật tử để khai tôn giáo sẽ tạo ra sự thiếu chính xác trong đánh giá tín đồ. Có những người có thể cả đời không làm lễ quy y Tam bảo, mà lúc sống cũng đi chùa, lễ Phật, rồi lúc qua đời thì làm tang lễ theo nghi thức Phật giáo, nếu những người đó có nguyện vọng được ghi tôn giáo là Phật giáo trên CCCD hay các giấy tờ khác, vậy chúng ta sẽ giải quyết cho họ như thế nào?”

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

“Theo quan điểm của tôi, dưới góc độ pháp luật, công dân tuân thủ các quy định của nhà nước là điều tất nhiên. Tuy Phật giáo là một tôn giáo lâu đời nhưng không phải tín đồ Phật giáo nào cũng là Phật tử, vì vậy nếu căn cứ trên phái quy y hoặc giấy chứng nhận Phật tử để khai tôn giáo sẽ tạo ra sự thiếu chính xác trong đánh giá tín đồ. Có những người có thể cả đời không làm lễ quy y Tam bảo, nhưng lúc sống cũng đi chùa, lễ Phật, rồi lúc qua đời thì làm tang lễ theo nghi thức ‘Phật giáo’, nếu những người đó có nguyện vọng được ghi tôn giáo là Phật giáo trên CCCD hay các giấy tờ khác, vậy chúng ta sẽ giải quyết cho họ như thế nào?”, ông Sơn nêu lên thắc mắc.

Đồng thời, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng bày tỏ lo ngại việc đặt ra quá nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục sẽ khiến tâm lý “ngại” khai tôn giáo tăng thêm, từ đó có thể dẫn đến những tình trạng đáng tiếc như việc công bố số liệu liên quan đến sự sụt giảm lượng tín đồ Phật giáo một cách bất thường như vừa qua.

“Đối với những người có giấy chứng nhận quy y Tam bảo/ giấy chứng nhận Phật tử, mọi thứ trở nên đơn giản. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho người dân được khai tôn giáo theo đúng nguyện vọng của mình. Người dân xác nhận họ theo đạo Phật thì nên ghi nhận theo nguyện vọng của họ. Giả sử nếu có trường hợp trước đây trên chứng minh thư ghi tôn giáo là ‘Phật giáo’ nhưng nay lại muốn ghi lại là ‘Không’ trên CCCD, vậy có cần đến giấy tờ gì để xác nhận họ không theo tôn giáo nào không?”.

Lương Hoàng/Báo Giác Ngộ

- Advertisement -
Tin tức khác
- Advertisment -

Xem nhiều