Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật HọcÝ nghĩa niệm Phật Di Đà

    Ý nghĩa niệm Phật Di Đà

    Đức Phật đưa ra nhiều pháp môn tu khác nhau để thích ứng với nhiều nghiệp chướng trần lao của chúng sinh ở Ta bà. Tuy nhiên, các pháp môn tu không ngoài mục tiêu ngăn chận phiền não, trần lao cho chúng sinh và giúp mọi người được giải thoát.

    Đức Phật Thích Ca giới thiệu trong mười phương có nhiều Đức Phật và nhiều thế giới Phật là những Tịnh độ khác nhau. Chúng ta xem nhân duyên và hoàn cảnh mình thích hợp với Tịnh độ nào, với vị Phật nào, thì nương theo thần lực của vị Phật đó mà tu hành để được giải thoát.

    Trong tất cả các Đức Phật mười phương, Đức Phật Thích Ca cho biết chúng sinh ở Ta bà có duyên lớn với Đức Phật Di Đà. Vì thế, Ngài khuyên chúng ta nên niệm hồng danh Phật Di Đà và vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà. Đó chính là con đường tu của pháp môn Tịnh độ được truyền bá rộng rãi; nhưng nhiều người tu theo pháp môn này, mà ít người đạt được kết quả tốt. Vì đa số người không hiểu lời Phật dạy ẩn chứa ý sâu xa bên trong để ứng dụng vào cuộc sống tu hành. Họ tu theo cách bắt chước, nghe nói chỉ niệm hồng danh Phật mười tiếng cũng vãng sinh; trong khi thực tế niệm Phật cả vạn tiếng, nhưng nghiệp vẫn tràn đầy trong cuộc sống là đã hiểu sai lời Phật dạy, tu sai pháp.

    Niệm Phật Di Đà, nghĩ đến Ngài là nghĩ đến cái vui cao tột ấy, đương nhiên chúng ta được an vui.

    Niệm Phật Di Đà, nghĩ đến Ngài là nghĩ đến cái vui cao tột ấy, đương nhiên chúng ta được an vui.

    Một trong những cách tu Tịnh độ là pháp niệm hồng danh Phật Di Đà. Nhiều người không hiểu, tưởng niệm Phật là miệng kêu tên Phật và tay lần chuỗi. Niệm là nhớ nghĩ; niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật, lấy tâm chúng ta gắn liền với Phật. Vì thế, không cần niệm ra tiếng, nhưng niệm Phật trong lòng, lúc nào cũng nghĩ đến Phật thì 84.000 phiền não trần lao sẽ bị diệt trừ.

    - Advertisement -

    Trần lao là tất cả những việc phức tạp, gây trở ngại khó khăn cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta niệm Phật thì phiền não trần lao bị tiêu diệt, nghĩa là hoàn cảnh xấu ác không tác hại, làm tâm ta khổ. Tu trên căn bản này là tu tâm. Hoàn cảnh khổ, nhưng tâm không khổ, vì ta đang nhiếp tâm nghĩ tưởng đến Phật và thế giới Phật, làm sao khổ được.

    Loại bỏ khỏi tâm mình tất cả hình ảnh xấu, người xấu, những việc hơn thua phải trái trên cuộc đời; vì nhớ nghĩ đến những thứ đó làm tâm chúng ta bất an. Người niệm Phật chủ yếu đem hình ảnh cao quý của Phật, Bồ tát, Thánh chúng vào tâm, sẽ được an lạc liền.

    Dù hoàn cảnh có khó khổ đến đâu, nhưng tâm không khổ; vì tâm đang hướng về Phật và đang làm việc của Phật, tu hạnh Bồ tát. Tu như vậy, được Phật lực gia bị, cuộc sống chúng ta sẽ thay đổi tốt đẹp. Thay đổi trước tiên là người niệm Phật phải được tâm an vui.

    Thật vậy, thế giới của Đức Phật Di Đà có tên là Cực Lạc tiêu biểu cho cái vui cùng cực. Niệm Phật Di Đà, nghĩ đến Ngài là nghĩ đến cái vui cao tột ấy, đương nhiên chúng ta được an vui.

    Niệm Phật Di Đà, tất yếu phải nghĩ đến công hạnh của Ngài.

    Niệm Phật Di Đà, tất yếu phải nghĩ đến công hạnh của Ngài.

    Và tâm được an lạc, luôn hướng về Phật, về đức tánh trọn lành và việc làm cao quý của Ngài, chắc chắn Phật cũng nghĩ đến ta. Trên bước đường tu, hay trong thực tế cuộc sống, chúng ta có thể nghiệm thấy rõ điều này. Người nghĩ đến ta, thương ta, ta nhận được tín hiệu an lành. Người nghĩ ghét ta, ta nhận được tín hiệu bất an.

    Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nếu cảm thấy bất an là biết đang nhận tín hiệu xấu đưa tới, đó là oan gia nghiệp chướng tội lỗi đã tạo đời trước sẽ đến đòi. Biết rõ phút giây đó, nghiệp ác mình sinh ra thì phải nhiếp tâm niệm Phật. Nếu không ngồi yên, nhiếp tâm niệm Phật được, nên lạy sám hối. Cả ba nghiệp thân khẩu ý đều tập trung về Phật, miệng niệm Phật ra tiếng, thân lạy Phật, tâm nghĩ đến Phật, tự động trần lao nghiệp chướng, tức ám ảnh tâm lý biến mất. Nhưng khi tu hành tốt rồi, nghiệp chúng ta đã thanh tịnh, hễ nghĩ đến Phật hay Tịnh độ, thì Phật và Tịnh độ liền hiện ra, tín hiệu xấu tự mất.

    Để hình ảnh Phật in vào tâm, quý Thầy thường để tượng Phật Di Đà hay tam Thánh, hoặc hình ảnh thế giới Cực Lạc ở trước mặt để hàng ngày  chiêm ngưỡng. Và nhìn tôn tượng Ngài đến độ nhập tâm thì các Thầy nhìn đâu cũng thấy Phật, thấy thế giới Cực Lạc, là thấy bằng tâm. Không nhiếp tâm niệm Phật, không tạo thành thói quen, trần lao nghiệp chướng dễ sinh khởi. Người niệm Phật phải có độ cảm sâu sắc về Phật, về thế giới Phật và niệm Phật thuần thục, dù đang sống ở Ta bà, vẫn an vui, tự tại, vì trấn áp được phiền não, trần lao nghiệp chướng. Niệm Phật, sống với thế giới Phật, tâm chúng ta an lành, thì hiện tướng giải thoát, dễ thương; chắc chắn không ai gây khó khăn cho ta.

    Vì vậy, khi đến nơi nào không vui là biết tâm mình chưa tốt, chưa an, nên không được người thương mến, quý trọng. Gặp tình huống như vậy, tôi thường ngưng ngay công việc, để tâm tiếp cận với thế giới Phật. Vì tiếp cận chúng sinh, tâm chúng ta chưa thanh tịnh, gặp việc không vừa ý, phiền não phải phát sinh.

    Thí dụ tu hành phát tâm thương người, muốn giúp đỡ, bố thí, cúng dường là tâm tốt sinh ra. Tâm muốn cúng dường, sẽ có nhiều Thầy đến quyên góp; tâm muốn bố thí, có vô số chúng sinh đến xin. Khi khởi tâm thì tốt, nhưng khi ứng dụng thì tâm xấu sẽ sinh ra. Thật vậy, có ý cúng dường, hay giúp đỡ, mà nhiều người đến xin, đến quyên góp vượt quá sức, khiến chúng ta bực tức, khó chịu; nghĩa là nghiệp và phiền não đã phát sinh trong khi làm việc tốt. Để tâm xấu không sinh ra, tôi theo lời Phật dạy:

    “Làm việc tốt, đừng cho người biết và đừng nói chúng ta tốt”. Chúng sinh sai lầm vì làm không bao nhiêu, sức có giới hạn, lại muốn khoe cho mọi người biết mình là người số một, nên phần nhiều bị thất bại. Tu Tịnh độ, khởi tâm bố thí, cúng dường, không cho người khác biết; âm thầm đi khắp nơi, thấy nơi nào muốn cúng, người nào muốn giúp, chúng ta làm. Nếu khoe rằng đã cho chỗ này một số tiền lớn, chỗ khác biết đến xin, không cho cũng phiền. Tỏ ra ta đây có nhiều phước, tự chuốc họa vào thân. Sống bình thường, nhưng tu hành làm được việc phi thường và từ giã cõi đời, ra đi nhẹ nhàng, là biết người này đã được vãng sinh Tịnh độ. Phật dạy Bồ tát tu hành nên dấu kín hạnh Bồ tát, bên ngoài hiện tướng phàm phu; nghĩa là Bồ tát cũng sống bình thường như mọi người, nhưng thành tựu những việc khó làm.

    Niệm Phật Di Đà, tất yếu phải nghĩ đến công hạnh của Ngài. Một trong những công hạnh cao quý trên bước đường khởi tu của Đức Phật Di Đà là không màng phú quý lợi danh. Niệm hồng danh Ngài, chúng ta cũng tập từ bỏ quyền lợi vật chất thế gian. Trong kinh Bảo Tích có nói về tiền thân của Đức Phật Di Đà là vua Vô Tránh Niệm đã bỏ ngai vàng đi tu và được đổi danh hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo; nghĩa là Ngài tiêu biểu cho kho pháp của Phật. Niệm Phật Di Đà, liên tưởng đến hạnh của Ngài như vậy, tôi đọc kinh không biết mệt mỏi, mong thu nhiếp được tạng pháp vào trong tâm trí, mong có được trí tuệ bao la như Ngài. Chúng ta niệm Phật Di Đà, từ bỏ vật chất để phát huy sự nghiệp tinh thần như Đức Di Đà xưa kia bỏ vương vị được Vô thượng Bồ đề; không phải bỏ vật chất để rồi trắng tay.

    Niệm Phật Di Đà, tu Tịnh độ đúng pháp, tâm an vui, thân khỏe mạnh, trí sáng suốt, tạo được nhiều công đức, người nhìn thấy phải phát tâm.

    Niệm Phật Di Đà, tu Tịnh độ đúng pháp, tâm an vui, thân khỏe mạnh, trí sáng suốt, tạo được nhiều công đức, người nhìn thấy phải phát tâm.

    Đức Phật Di Đà có vô lượng công đức, chúng ta niệm Ngài thì được vô lượng công đức của Ngài gia bị. Chúng ta không lo lắng, tính toan, cuộc sống vẫn tốt. Tôi chứng nghiệm điều này rất rõ. Dù hoàn cảnh khó mấy, dù Giáo hội giao nhiều việc, tôi cũng không lo; vì lo cũng không tới đâu. Niệm Phật có Phật lo, mọi việc tự tốt. Thật vậy, tôi thấy rõ tất cả Phật sự mà được Phật lo, Phật sẽ khiến người tốt tự động tìm đến hỗ trợ. Từng bước niệm Phật, quán tưởng tu hành, được Phật lực gia bị, thường có quyết định đúng hơn người khác. Hòa thượng Trí Tịnh cho biết Ngài chuyên tâm niệm Phật, không suy nghĩ, tính toán thì thấy việc trần gian chính xác hơn; còn để tâm theo dõi lại không thấy đúng. Vì thế, việc càng khó, càng phải nhiếp tâm niệm Phật, sẽ vượt qua được mọi chướng ngại và cuối cùng, bỏ xác thân này, cần nhiếp tâm niệm Phật hơn nữa để được vãng sinh về thế giới Phật.

    Điều thứ ba là niệm hồng danh Phật Di Đà, nghĩa là niệm trí tuệ của Ngài, vì Di Đà còn có nghĩa là Vô lượng quang. Nhờ ánh quang hay trí tuệ của Đức Phật Di Đà rọi vào tâm, làm tâm ta sáng tỏ; từ đó, ta nhìn việc, nhìn người chính xác. Người tu Tịnh độ đúng, mỗi ngày tâm sáng suốt thêm, biết việc chưa từng biết; nhưng biết theo Phật, khác với cái biết theo chúng sinh. Biết theo chúng sinh thì phiền não. Biết theo Phật, không cần suy nghĩ, nhưng có ánh quang Phật soi sáng tâm, biết mọi việc từ nguyên nhân đến kết quả. Biết người đến với ta là người xấu, hay người oan gia nghiệp chướng đến đòi nợ, hoặc là người tốt đến giúp đỡ, thì tùy theo đó mà giải quyết một cách đúng đắn nhất; không bị họ lừa dối, không bị họ ám hại, hoặc không bỏ lỡ cơ hội gieo trồng căn lành cho người tốt cũng như người xấu… Không được Phật lực gia bị,  không nhận ra người tốt, kẻ xấu, chắc chắn bị thất bại.

    Điều thứ tư là niệm Phật đến nhất tâm, được Phật lực gia bị, không còn sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, tâm chúng ta được bình ổn, thân mới khỏe mạnh. Niệm Phật, có sức khỏe tốt, làm việc nhiều, nhưng không bệnh đau là biết đã tiếp nhận được công đức lực của Phật Di Đà. Vì niệm Phật đúng pháp, sẽ nương được lực của Phật ở Cực Lạc mà làm việc ở Ta bà thì người thường sao có thể sánh kịp.

    Tóm lại, niệm Phật Di Đà, tu Tịnh độ đúng pháp, tâm an vui, thân khỏe mạnh, trí sáng suốt, tạo được nhiều công đức, người nhìn thấy phải phát tâm. Người niệm Phật như vậy, ở cuộc đời đã làm được nhiều việc lợi ích cho người, Tịnh độ đã hiện hữu với họ ngay trong cuộc sống hằng ngày và khi từ bỏ thế giới mộng huyễn này, chắc chắn họ sẽ trở về thế giới vĩnh hằng bất tử là Tịnh độ của Đức Phật Di Đà.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều