Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật HọcÝ nghĩa đời sống hòa hợp thanh tịnh

    Ý nghĩa đời sống hòa hợp thanh tịnh

    Trong cuộc sống, bất hòa là mối nguy hiểm, gây chia rẽ giữa người với người hay một nhóm người, tạo sự mất đoàn kết, ganh ghét dẫn đến đấu tranh, tàn hại lẫn nhau, và đưa đến sự hủy diệt. Trong đời sống xuất gia, Tăng đoàn tu học chung cần có sự hòa hợp thanh tịnh, thì mới phát triển hưng thịnh.

    Nhân loại ý thức được mối nguy hại này nên trong một xã hội, một đoàn thể quốc gia hay trong gia đình luôn có phương pháp, định hướng, con người sống hòa thuận nhau, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó sống an ổn thanh tịnh cho từng cá nhân, gia đình, một tập thể, một quốc gia, hướng đến kiến tạo xã hội hòa bình, an vui, hạnh phúc.

    Cũng vậy, trong đời sống xuất gia, một Tăng đoàn tu học, sinh hoạt chung cần có sự hòa hợp thanh tịnh, thì mới phát triển hưng thịnh. Nhưng là con người có nhiều tập khí của tham, sân, si, khó tránh khỏi sự bất hòa trong hiện trạng xã hội hiện nay. Con người chạy theo nhu cầu về đời sống vật chất cho tự thân, quên sống hướng về nội tâm; quen với cách sống hướng ngoại, thờ ơ với những mối quan hệ, thiếu sự quan tâm tới những người xung quanh hoặc có chăng cũng chỉ một cách hời hợt lấy lệ. Con người chỉ sống trên những mối quan hệ giả tạo, bằng mặt nhưng không bằng lòng, với cách sống thiếu chân thật chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Cho nên, xã hội có nhiều hệ lụy xảy ra như hôn nhân ly tán, gia đình bất hòa, anh, chị, em, xung đột với nhau, bạn bè tranh chấp hơn thua nhau,… xã hội hỗn loạn, mất đạo đức. Vấn nạn bất hòa không chỉ xảy ra trong gia đình, xã hội, nhóm người, mà ngay cả trong Tăng đoàn cũng dẫn đến sự mất đoàn kết.

    Bất hòa là trạng thái tâm giữa người với người không đồng tình, biểu hiện qua lời nói, hành động, tranh đấu, tranh giành, hơn thua nhau,… Khái niệm bất hòa trong kinh điển nhà Phật gọi là “tranh giành”

    Bất hòa là trạng thái tâm giữa người với người không đồng tình, biểu hiện qua lời nói, hành động, tranh đấu, tranh giành, hơn thua nhau,… Khái niệm bất hòa trong kinh điển nhà Phật gọi là “tranh giành”

    Trước vấn nạn bất hòa giữa con người với nhau. Người viết muốn tìm hiểu sự hòa hợp thanh tịnh qua lời dạy của Đức Phật và hình ảnh thanh tịnh của các vị Tỳ-kheo sống hòa hợp như nước với sữa trong kinh Trung A-hàm và các bản kinh khác với đề tài “Ý nghĩa đời sống hòa hợp thanh tịnh”. Trong bản kinh Ngưu giác sa-la lâm (Kinh Trung A-hàm số 2, bài kinh 185 – Ngưu giác sa-la lâm (II)). Các Tỳ-kheo sống hòa hợp thanh tịnh được Đức Thế Tôn tán thán. Giữa con người với con người cần có sự hòa hợp thanh tịnh, thì cuộc sống an ổn, không có gì thiếu thốn.

    - Advertisement -

    1. Đời sống hòa hợp thanh tịnh của các vị Tỳ-kheo trong kinh Ngưu giác sa-la lâm

    Nhân loại luôn có nhu cầu bình an và hạnh phúc, mong muốn với cuộc sống an vui, không có gì thiếu thốn. Muốn xây dựng được đời sống như thế, mỗi người phải làm như thế nào? Qua hình ảnh Đức Thế Tôn đi đến khu rừng Ngưu giác sa-la với sự quan tâm đời sống và sự tu tập của các vị đệ tử Ngài hỏi rằng:

    “A-na-luật-đà, ông có thường an ổn, không thiếu thốn chăng?Này A-na-luật-đà, vì sao ông được an ổn, không có gì thiếu thốn?

    Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các vị đồng phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các vị phạm hạnh này tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này.’ Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn”.(1)

    Hình ảnh các vị Tỳ-kheo sống hòa hợp thanh tịnh như nước với sữa, bằng tâm từ với nhau được thể hiện trong kinh Ngưu giác sa-la lâm là một mô hình Tăng đoàn lý tưởng.

    Hình ảnh các vị Tỳ-kheo sống hòa hợp thanh tịnh như nước với sữa, bằng tâm từ với nhau được thể hiện trong kinh Ngưu giác sa-la lâm là một mô hình Tăng đoàn lý tưởng.

    Mỗi người trước hết phải sống hòa hợp giữa người với người, cần xóa bỏ rào cản của tâm tham, sân, si, kiểm soát hành động từ thân, khẩu, ý, thấy hay không thấy nhau. Xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm của các Hiền giả. Chúng ta cần hiểu rõ dụng ý của bài kinh hướng tâm mình đến các Hiền giả các vị phạm hạnh, học tập và thực hành theo, dần dần chuyển tâm mình theo tâm các vị. Pháp của Đức Phật xây dựng trên thực tại cuộc sống không mơ hồ, ảo tưởng, đó là một quá trình học tập và chuyển hóa tâm, trong cuộc sống hàng ngày bắt đầu từ thân từ hòa, khẩu từ hòa, ý từ hòa. Thông qua những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của ba Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la cùng sống chung khu rừng Ngưu giác sa-la: “Ba Tôn giả ấy làm như vầy. Nếu ai khất thực đi về trước thì trải giường, múc nước, mang đồ rửa chân ra, để sẵn ghế rửa chân, khăn lau chân, bình đựng nước, chậu rửa. Nếu có thể ăn hết đồ ăn đã xin được thì cứ ăn. Nếu còn dư thì cho vào đồ chứa đậy kín và mang cất. Ăn xong, cất bình bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào nhà ngồi tĩnh tọa. Nếu ai khất thực đi về sau, có thể ăn hết đồ ăn thì cứ ăn. Nếu không đủ thì lấy đồ dư của người trước đem ra ăn cho đủ. Nếu còn dư nữa thì đem đổ chỗ đất sạch hay trong nước không có trùng. Người ấy lấy đồ đựng của người kia rửa, lau thật sạch rồi đem treo một bên, dọn dẹp giường chiếu, nhặt ghế rửa chân, thâu khăn lau chân, cất đồ rửa chân, bình nước và chậu rửa, dọn dẹp nhà ăn sạch sẽ rồi thâu cất y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt trên vai, vào nhà tĩnh tọa.

    Ngồi đến xế, trong các Tôn giả ấy, nếu ai đang tĩnh tọa mà trở dậy trước, thấy bình nước và chậu rửa chân không có nước thì phải đem đi lấy. Nếu xách nổi thì tự xách, bằng không thì vẫy tay một Tỳ-kheo khác, hai người cùng khiêng, mỗi người khiêng một phía, không nói chuyện với nhau, không hỏi gì nhau”.(2)

    Đoạn kinh trên cho thấy ba vị luôn sinh hoạt trong chánh niệm qua từng hành động và giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau trong từ hòa, cả trước mặt lẫn sau lưng, không nói những lời không cần thiết. Cho nên, ba vị Tỳ-kheo sống trong hòa hợp như nước với sữa. Đây là mô hình sống hòa hợp thanh tịnh không chỉ cho người xuất gia mà còn là mô hình cho tất cả mọi người, học tập và thực hành.

    Trên đây là mô hình chung lý tưởng cho tất cả mọi người, còn khi giải quyết những vấn nạn do bất hòa xảy ra thì phải làm như thế nào? Con người thường chỉ nhìn kết quả trước mắt mà phán xét, nhận định, đánh giá,… rồi bám chấp vào quan điểm của mình dẫn đến tranh luận. Đối với sự vật, sự việc xảy ra, chúng ta quên tìm nguyên nhân tại sao? Do đâu, dẫn đến bất hòa, tranh luận, đấu tranh? Với tuệ giác của mình, Đức Phật thấu rõ nguyên lý duyên khởi vận hành tất cả các pháp thế gian. Bất hòa hay hòa hợp thanh tịnh,… cũng vận hành theo nguyên lý này: “Nhân cái này mà cái kia sanh, nếu không nhân cái này thì cái kia không sanh; cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt.”(3) Chúng ta cần truy tìm nguyên nhân nội tại hay ngoại tại dẫn đến sự bất hòa để giải quyết triệt để những vấn nạn trong đời sống thường nhật.

    Mỗi người trước hết phải sống hòa hợp giữa người với người, cần xóa bỏ rào cản của tâm tham, sân, si, kiểm soát hành động từ thân, khẩu, ý, thấy hay không thấy nhau. Xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm của các Hiền giả.

    Mỗi người trước hết phải sống hòa hợp giữa người với người, cần xóa bỏ rào cản của tâm tham, sân, si, kiểm soát hành động từ thân, khẩu, ý, thấy hay không thấy nhau. Xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm của các Hiền giả.

    2. Nguyên nhân dẫn đến bất hòa

    Bất hòa là trạng thái tâm giữa người với người không đồng tình, biểu hiện qua lời nói, hành  động, tranh đấu, tranh giành, hơn thua nhau,… Khái niệm bất hòa trong kinh điển nhà Phật gọi là “tranh giành”(4). Vì chúng ta sống không có chánh niệm, không có cái nhìn đúng bản chất của sự vật sự việc, không quan tâm đến những người xung quanh. Khi con người để tâm tham ái khởi lên, ngự trị và làm chủ dẫn đến thái độ tranh giành khởi lên, phát xuất từ tâm và thể hiện qua ngôn ngữ, hành động. Có hai loại cạnh tranh: kiến tranh và ái tranh. Kiến ở đây với ý nghĩa tà kiến, cố chấp cho rằng nhận thức của mình là đúng với cách nhìn chủ quan, dựa vào kiến giải của mình. Trong kinh Kim cang: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” gọi sự nhận thức này là điên đảo mộng tưởng.”(5)

    Vì không thấy rõ thực tướng của vạn pháp trên thế gian là không thật, vô thường, khổ, không, vô ngã, lầm chấp nhận thức đây là tôi, của tôi, sở hữu của tôi, dẫn đến tranh giành đều do tham ái, vì cái thấy, cái biết sai lầm. Người như thế xuất gia trong Tăng chúng thì tạo sự bất hòa, tranh cãi: “Các Tỳ-kheo ở Kosambī sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải.” (6) Câu chuyện bất đồng quan điểm và kiến giải của hai vị Tỳ-kheo một bên trì luật, một bên trì kinh, hai bên cùng tranh cãi về cái ghè nước, cả hai đều tự cho quan điểm của mình là đúng và không ai chịu nhận sai, phản bác ý kiến người khác. Sự bất hòa của các Tỳ-kheo bởi do sự thấy dẫn đến sự bất hòa hợp.

    Còn đối với người thế gian lấy ái tranh, tham dục và ái làm gốc, nên tạo ra sự tranh giành lẫn nhau, từng cá nhân trong gia đình, cho đến các mối liên hệ trong xã hội luôn tiềm tàng mầm mống, chiếm đoạt, hơn thua, xung đột là điều tất yếu. Vì mỗi người có tập nghiệp khác nhau, người nhiều lòng tham, kẻ nhiều sân hận,… tâm chúng sanh khó tương hợp lẫn nhau.

    Đức Phật dạy tham dục là vô thường, hư ngụy, giả dối, đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, khi cuống, ngu si. Dầu là dục của đời này hay là dục của đời sau.

    Đức Phật dạy tham dục là vô thường, hư ngụy, giả dối, đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, khi cuống, ngu si. Dầu là dục của đời này hay là dục của đời sau.

    Trong bài kinh Khổ uẩn, kinh Trung bộ, Đức Phật giải thích về những nguyên nhân tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt tấn công giữa con người với nhau đều bởi nguyên do chính dục làm nhân tố. Tất cả những ai tranh đấu hơn thua, không chịu hòa giải đều phải chịu khổ đau. Như lời Đức Phật đã dạy: “Như vậy, này các kẻ mê mờ kia, các ông sẽ phải chịu bất hạnh, đau khổ trong một thời gian dài”.(7)

    Ở đây, dục nghĩa là tham muốn, mong ước về quyền lực, danh dự, giàu sang, và sắc đẹp ngay cả quan hệ nam nữ làm đối tượng tranh đoạt. Chính vì lòng tham dục con người tranh đấu gây đau khổ lẫn nhau. Phải chăng sự tăng trưởng tri thức và vật chất là phương thuốc mầu nhiệm làm cho con người có cuộc sống hài hòa? Hay chính vì nguyên nhân nội tại thiếu vắng nền tảng đạo đức khiến xã hội mất ổn định. Trong mỗi người khi còn gốc rễ tham, sân, si ngự trị, thì khi ấy sự hòa hợp vắng mặt là điều tất yếu.

    Đức Phật dạy tham dục là vô thường, hư ngụy, giả dối, đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, khi cuống, ngu si. Dầu là dục của đời này hay là dục của đời sau. Tất cả đều là cảnh giới của ma, là miếng mồi của ma. Nhân những thứ ấy mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại cho sự tu học của thánh đệ tử. Lời dạy của Đức Phật đối với những Tỳ-kheo đang tranh cãi nhau ở Kosambi khiến chúng ta phải suy tư: “Các ông có thể tha thứ và tỏ từ tâm đối với nhau.”(8) Vì thế, mỗi người cần phải huân tập tâm từ bi, biết tha thứ, bao dung, phải có tinh thần yêu thương đoàn kết với nhau.

    3. Lời dạy của Đức Phật và ý nghĩa đời sống hòa hợp thanh tịnhTrên tinh thần hòa hợp thanh tịnh với từ tâm đối với nhau trước mặt cũng như sau lưng. Đức Phật dạy sáu pháp hòa kính cho các Tỳ-kheo dựa trên nguyên tắc “hành” còn gọi là sáu trọng pháp: “thân hành niệm từ, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ, được các thứ lợi lộc đúng pháp thì nên chia cho các phạm hạnh cùng hưởng, không tưởng tiếc rẻ có các giới cấm không hủ, không bại, cực kỳ hoàn hảo, không sứt, không thủng, được bậc trí quý trọng, lại muốn đem giới này được phân bố cho người khác cũng đồng một vị, chánh kiến của Hiền thánh dẫn đến xuất yếu; có kiến giải như vậy và muốn các vị phạm hạnh đồng tu cùng đồng pháp này.”(9) Thực hành sáu trọng pháp thành tựu sẽ đạt được đời sống hòa hợp thanh tịnh của bậc thánh được mọi người ca tụng. Với thân hòa cùng ở, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa cùng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân. “Nếu tất cả chư thiên, ma, phạm, Sa-môn, phạm chí từ người đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối, không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng, đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy.” (10) Đức Phật ca ngợi đời sống không đấu tranh và ly tham, chính Phật là tấm gương: “Này các Tỳ-kheo, Ta không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Ta”.

    Lục hòa là cốt lõi trên tiến trình xây dựng hạnh phúc. Tư tưởng hòa hợp có ý nghĩa sâu sắc và lợi ích cho xã hội con người hiện nay.

    Lục hòa là cốt lõi trên tiến trình xây dựng hạnh phúc. Tư tưởng hòa hợp có ý nghĩa sâu sắc và lợi ích cho xã hội con người hiện nay.

    Trong xã hội có những luật quy định đặt ra nhằm phục vụ cho con người, sống hòa hợp không tranh đấu lẫn nhau, nhưng thật sự xã hội đã có được bản chất của sự hòa hợp chưa? Hay vẫn còn tiềm tàng sự tranh đấu trong nội tại của từng cá nhân khi hội đủ nhân duyên sẽ bộc phát sự bất hòa và dẫn đến sự đấu tranh. Đức Phật với tuệ giác Ngài dẫn dắt nhân loại hướng về nội tâm xây dựng tâm từ bi với nhiều đức tính nhường nhịn, nhẫn nại, khiêm cung, yêu thương, giúp đỡ, đoàn kết với nhau. Ngài cũng đưa ra sáu trọng pháp. Các Tỳ-kheo tôn trọng thực hành trong đời sống hàng ngày cũng như tu tập, sẽ được an lạc và chứng những pháp của bậc thượng thiện nhân, hướng con người đến đời sống cao thượng, an vui trong hiện tại và an lạc trong tương lai. Kinh Kim cang cũng chỉ rõ tất cả chứa trong một, thấy một cũng là thấy tất cả, thì cái trong ta ở đây không chống trái với tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch. Con người sẽ không còn sợ hãi bất an vì sự chuộc lợi cho riêng mình. Đây là sự liên thông trách nhiệm, bổn phận và lòng thương người. Đó là tất cả trong một mà thấy một sẽ thấy tất cả. Cuộc sống hạnh phúc không thể xây dựng trên lòng ích kỉ và bất nhẫn. Cho nên, lục hòa là cốt lõi trên tiến trình xây dựng hạnh phúc. Tư tưởng hòa hợp có ý nghĩa sâu sắc và lợi ích cho xã hội con người hiện nay.

    KẾT LUẬN

    Hình ảnh các vị Tỳ-kheo sống hòa hợp thanh tịnh như nước với sữa, bằng tâm từ với nhau được thể hiện trong kinh Ngưu giác sa-la lâm là một mô hình Tăng đoàn lý tưởng. Con người xã hội hiện nay cần nhìn lại và học tập, nên có thái độ tôn trọng lẫn nhau, phương pháp sống hòa hợp, thấu hiểu bằng từ tâm và lòng bao dung tha thứ cho nhau. Mỗi người là nhân tố tạo nên sự hòa hợp “nhân hòa địa lợi”, hay “tâm bình thế giới bình”. Điều cốt lõi là yếu tố ở nội tâm của mỗi người, cần suy tư nhận thức với tâm tham, sân, si cần đoạn trừ và phát triển thiện tâm. Mọi người sống hòa hợp với nhau cùng thích nghi với môi trường xung quanh sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa, và có những mối quan hệ tốt đẹp hơn. Sống hòa hợp thanh tịnh mang lại lợi ích thiết thực đến đời sống hàng ngày, hướng đến một đời sống chân, thiện, mỹ, kiến tạo xã hội hài hòa và cân bằng trong nỗ lực giải thoát.

    Chú thích:

    1. Tam Tạng Tăng-già-đề-bà, Tuệ Sỹ dịch (2008), Kinh 185 – Kinh Ngưu giác sa-la lâm (II), Kinh Trung A-hàm Tập 2, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 298.

    2. Sđd, tr. 297.

    3. Thích Hạnh Bình (biên soạn) (2018), Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A-hàm, NXB. Hồng Đức, TP.HCM, tr. 314 – 315.

    4. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình (dịch) (2007), Phật giáo và cuộc sống, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 197.

    5. Tam Tạng Tăng-già-đề-bà, Tuệ Sỹ dịch (2008), Trung A-hàm Tập 2, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.

    6. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ 1, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 393.

    7. Sđd, tr. 394.

    8. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Tiểu bộ 7, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 238.

    9. Sa-môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại tập 8, Bộ A-hàm VIII, Kinh Tạp A-hàm Số 125 (Quyển 1 – 30), Kinh Tăng nhất A-hàm, Quyển 29, Phẩm 37: Sáu Trọng Pháp (1), NXB. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, tr. 776 – 777.

    10. Kinh Trung A-hàm Số 1, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tập III, NXB. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 891 – 892.

    Tài liệu tham khảo:

    1. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình (dịch) (2007), Phật giáo và cuộc sống, NXB. Phương Đông, TP.HCM.

    2. Thích Hạnh Bình (biên soạn) (2018), Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A-hàm, NXB. Hồng Đức, TP.HCM.

    3. Thích Hạnh Bình (2014), Đức Phật và những vấn đề thời đại, NXB. Phương Đông, TP.HCM.

    4. Thích Minh Châu (dịch) (2002), Kinh Tiểu bộ 7, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam TP. Hồ Chí Minh ấn hành.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều