Theo lý, nhất thiết duy tâm tạo thì tất nhiên tin rằng có cõi Cực Lạc, Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Tuy nhiên về bản chất, “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” là lẽ thiết yếu rất gần với cuộc sống.
Nếu chúng ta tu tập, chỉ chờ đến chết được vãng sanh, buông lỏng trách nhiệm với xã hội, thì vô tình đẩy đạo Phật vào chỗ bi quan yếm thế. Trong khi, chúng ta có thể thiết lập tịnh độ ngang qua đời sống của mình, bằng cách thiết lập tình huynh đệ và mở rộng tâm hồn mình nhờ tưới tẩm hạt giống từ bi. Có buông bỏ là có Tịnh Độ hiện tiền.
Tất cả các đại nguyện của chư Phật, đều có thể đem ứng dụng vào các lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội, chứ không phải để chúng ta thấp mình cầu nguyện mà quên đi sự thiết lập tịnh độ nhân gian thông qua hạnh nguyện tiếp nối từ công hạnh của quý ngài.
Thí như học theo hạnh Bồ Tát Địa Tạng Vương là đem tin yêu vào nơi cùng cực khổ đau nhất, để giải phóng con người ra khỏi mọi áp bức bất công, bị chà đạp nhân phẩm. Tâm nguyện ấy phải được giữ vững như ngài A Nan: “nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật, con quyết không vào cõi Niết Bàn”. Cho nên, đạo Phật là đạo của hạnh nguyện Bồ Tát dấn thân và hành động, đem lại hạnh phúc cho tha nhân.
Nếu nghĩ như thế, chúng ta cần đọc kinh văn theo ngôn ngữ hiện đại. Tất nhiên, đạo Phật lấy sự giải thoát sanh tử làm trọng. Nhưng chẳng thể đưa đạo Phật về một thế giới khác. Mà chúng ta cần xây dựng Tịnh Độ Nhân Gian bằng cách Phật Hoá Gia Đình, nâng cao đời sống an sinh xã hội bằng công tác thiện nguyện xã hội.
Điều đáng nói là cần khôi phục lại hệ thống trường Bồ Đề Phật giáo, cũng như phát triển các cơ sở y tế, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhằm đào tạo nên những cá nhân Phật tử chân chính.
Vì muốn thiết lập Tịnh Độ, cần phải có những con người Tịnh Độ. Dù thời đại nào, bối cảnh xã hội ra sao, đạo đức con người được xây dựng từ Ngũ Giới và Bát Chánh Đạo vẫn là nền tảng.
Bởi tự thân Phật giáo là môi trường giáo dục toàn hảo. Chúng ta không thể tách vai trò giáo dục ra khỏi mái chùa, để biến Phật giáo thành nơi duy trì tín ngưỡng tôn giáo, được tồn tại bằng các lễ nghi, cúng kính, trong khi đó chỉ là thứ yếu.
Nếu Phật giáo chỉ gắn bó với Dân tộc thông qua hình thức tiễn người về bên kia cõi chết, thì chắc chắn đã diệt vong từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nên mỗi ngôi chùa là một mái trường, một trung tâm văn hoá, cũng như cơ sở phúc lợi xã hội nhân đạo có hệ thống, đây là điều thiết yếu.
Thực tế, cho thấy Phật giáo đã thành công rực rỡ thông qua các khoá tu mùa hè ngắn hạn, về việc định hướng giáo dục cho thanh thiếu niên. Nhưng điều ấy, chỉ mang tính chất thời vụ, không có giá trị lâu dài và bền vững để đào tạo lớp hậu lai kế thừa. Đã đến lúc cần có những lớp đào tạo dài hạn mà thiết thực nhất là hệ thống trường học Phật giáo từ mầm non tới đại học.
Thay vì đầu tư xây dựng chùa viện, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ làm sao để duy trì được số lượng tín đồ Phật giáo bền lâu. Chứ không thể tiếp t��c tin vào những số liệu mơ hồ, thiếu thực tế khách quan, như những người ngủ quên trên chiến thắng.
Trong khi hiện nay, tôn giáo bạn như Thiên Chúa giáo đã có hệ thống giáo dục tư thục đào tạo từ mầm non đến cao đẳng nghề. Nghĩa là, họ có tính chiến lược và tầm nhìn dứt khoát hẳn hoi. Truyền đạo trong thời đại mới, không thể giẫm chân tại chỗ, theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương được. Cần phải có hướng đi đúng đắn trong thời hiện đại.
Do đó, cần đề cao vai trò Phật giáo dấn thân, nhất là đối với Tăng Ni trẻ, cũng như giới cư sĩ, thanh niên Phật tử, cần được chú trọng quan tâm, như hình ảnh Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm. Phổ truyền Phật giáo bằng mọi phương diện vào trong ngóc ngách của đời sống.
Nhất là không thể gói hình ảnh đạo Phật trên núi cao, trong những chốn thiền môn tịch tĩnh, xa rời quần chúng. Mà cần phải tích cực đồng cam cộng khổ với nhân dân. Tuy nhiên, không vì thế mà quên mục đích chính của Phật giáo là giúp mọi người nhận thức được sanh tử là khổ và cần phải ra khỏi luân hồi.
Như vậy, cần phải ứng dụng đạo Phật ngay nơi đời sống. Có như thế, chúng ta mới tiếp xúc được cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Do đó, Tịnh độ là thiết lập một đời sống an sinh xã hội được đề cao, giáo dục và y tế được cải thiện, văn hoá đạo đức được xem trọng và phát triển bền vững. Nơi mà tiếng nói của mọi người được tôn trọng. Môi trường được gìn giữa và trong sạch. Về lý, người dân nơi ấy không còn ô nhiễm cả thân, tâm, cảnh.
Nếu chỉ đem mọi người về cõi Cực Lạc mà lãng quên trách nhiệm hiện tại, thì giáo lý Tịnh độ không thể ứng dụng thực tiễn. Trong khi đạo Phật là đạo giữa nhân gian. Đó là trách nhiệm của người Hoằng Pháp trong thời hiện đại.
Tận lực hy sinh, trang nghiêm Tịnh Độ bằng cách trang nghiêm thế tục. Rồi mới tự tại, tuỳ duyên sanh về cõi Phật. Do lấy nhân gian làm đạo tràng, lấy tam độc làm giải thoát, lấy tự tâm làm Phật đạo.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thích Như Dũng