Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 21, 2024
Khác
    HomeSống ĐạoChia sẻTám phương cách giữ tâm được bình an trong cuộc sống

    Tám phương cách giữ tâm được bình an trong cuộc sống

    Hằng ngày chúng ta phan duyên theo trần cảnh, phóng túng theo dục lạc không thấy sự biến thiên từng giây phút của tâm, vậy nhưng chúng ta lại vọng cầu, vọng tưởng một cách điên đảo, cầu cho cuộc sống bình yên.

    “Phúc thọ khang ninh, nại nhân tâm chi kỳ nguyện, tai ương hạn hách bằng Phật lực dĩ giải trừ…” theo tâm cầu, sở nguyện nhưng chúng ta lại vọng cầu mộng tưởng, trong khi đó ta quên mất luật nhân quả rành rành, nhân nào qủa đó, chúng ta quên mất lời dạy của Đức Phật đó là bình an cũng ở ta, vận hạn cũng ở ta, “tâm bình thế giới bình”….

    “8 phương cách giữ tâm được bình yên” đó là chủ đề thời pháp thoại của Hòa thượng.

    1, Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực với người tiêu cực.

    2, Đừng ôm ấp hận thù, học cách quên lãng và tha thứ.

    - Advertisement -

    3, Đừng ganh tỵ với người khác.

    4, Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi.

    5, Hãy học tính kiên nhẫn hơn, bao dung hơn.

    6, Đừng nhìn nhận sự vật, sự việc dưới quan điểm cá nhân,phiến diện từ một phía.

    7, Đừng chìm đắm vào quá khứ mà bỏ quên hiện tại và làm ảnh hưởng đến tương lai.

    8, Học cách thả lỏng tinh thần, mỗi ngày hãy dành cho mình 10 phút để nhìn lại, thư giãn giữa cuộc sống hối hả.

    Dù ai đó có thể tìm ra các phương cách khác tối ưu nhất, nhưng tất cả cốt yếu là không thể xa rời giáo lý Đức Phật. Người học Phật cần đứng trên bình diện nhãn quan nhìn lời Phật dạy để áp dụng trong cuộc sống của mình theo phương cách diệu dụng – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định.

    Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

    Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

    Trong cuộc sống điều làm ta đau khổ nhất là phiền não, đoạn trừ phiền não là một trong những lời nguyền của hàng đệ tử Phật chúng ta. Trong bốn hoằng thệ nguyện, lời nguyện phiền não nằm ở nguyện thứ hai. Phiền não làm cho ta chìm đắm trong luân hồi sinh tử. Phiền não làm cho ta mất hết tất cả công đức. Một tàn lửa của sân hận phiền não khởi lên thì đốt cháy tất cả rừng công đức. Phiền não phát khởi trong lòng, phát khởi ra miệng đánh tan bao công đức tu hành. “Ba năm tích đức tu hành, một lời thất đức công trình đổ đi”.

    Thân, Khẩu, Ý, luôn hành động tạo tác phiền não. Vậy phiền não là gì? Là khách trần. Khách, tức là không thường trực, đến rồi lại đi. Có người đến nhà được chủ nhà đón tiếp cẩn thận, còn có người thì miễn cưỡng…Tóm lại, đón “khách”, đón phiền não như thế nào đó là thuộc về sự quán xét và quyết định của “chủ nhà”…

    – Biết buông bỏ hận thù, bỏ tâm sân hận hay chúng ta thường nghe “giải oan cắt kết”. Vậy cắt kết là gì, kết là buộc mối nó lại. Điều quan trọng với người Phật tử cần thực tập, là hãy buông bỏ và đừng bao giờ sân hận oán ghét ai cả. Mỗi hận thù chồng lên hận thù thì tội ác lại ngày càng thêm chồng chất.

    Hòa thượng lấy ví dụ về câu chuyện vị cao tăng Ngộ Đạt Quốc Sư từ một sự sai lầm ở  kiếp trước mà oán thù kéo dài đến 10 đời sau mới báo ứng.

    Từ, Bi, Hỷ, Xả hay còn gọi là “Tứ vô lượng tâm” được tu tập theo chánh trí. Lòng Từ trừ diệt sân tâm; lòng Bi trừ diệt hại tâm; lòng Hỷ diệt trừ bất lạc; và lòng Xả trừ diệt hận tâm.

    Khi có lòng bi mẫn đối với người khác thì sẽ hạnh phúc khi sống với bất kỳ ai. Cho dù bạn sống đơn độc một mình thì bạn cũng sung sướng, trong hiện tại có hạnh phúc và sự thoải mái (nhân) thì tâm thái này của bạn cũng sẽ có tương lai (quả) tốt đẹp nhất.

    Hòa thượng cho rằng: Chúng ta muốn có tâm an bình hoan hỷ, không gì hơn ngoài buông bỏ hận thù, học cách bao dung, tha thứ. Hãy nhớ, không ai cho ta bình yên ngoài chính ta.

    Biết buông bỏ hận thù, bỏ tâm sân hận sẽ giúp chúng ta an yên, hạnh phúc hơn.

    Biết buông bỏ hận thù, bỏ tâm sân hận sẽ giúp chúng ta an yên, hạnh phúc hơn.

    Khi ganh ghét, tật đố là một trong những tâm phiền não được phát sinh bởi lòng ích kỷ, tham lam. Để có tâm bình an chúng ta luôn luôn hoan hỷ với những thành tựu của người khác cùng nhau xây dựng tịnh độ nhân gian ngay hiện tiền, đem lại tâm an bình cho cuộc sống của mình.

    Ngoài những ý pháp nêu trên, Hòa thượng chia sẻ và đi sâu vào những phương cách thực tế. Hãy chấp nhận với những gì không thể thay đổi, sự vật có thể thay đổi, đổi thay biến thiên theo cuộc sống. Không chấp vào cái ta, con nguời vì si mê nên cứ tưởng thân tâm nầy là thật có, có nghĩa là chấp mình có một cái Ta riêng biệt trong vũ trụ nầy.

    – Hòa thượng tiếp tục chia sẻ với quý Phật tử phương cách thứ 5.

    Theo đó, đạo đức của người Việt, nếp sống của Thiền môn là luôn tôn trọng bậc trượng thượng, trên kính dưới nhường.Người được yêu mến nhất là người có đức tính khiêm cung nhẫn nại.

    – Trong Giới kinh Đức Phật dạy: Nhẫn nhục đệ nhất đạo Phật thuyết vô vi tối.

    Với người xuất gia, nhẫn nhục là đạo đệ nhất. Người thầy tu nào không nhẫn nhục mà làm cho người khác đau khổ thì đó không phải là người thầy tu – Hòa thượng nhấn mạnh về hạnh nhẫn nhục. “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng, Ai mà nhẫn được vừa sang vừa giàu”.

    Hòa thượng giảng sư nhắc lại tấm gương nhẫn nhục, khiêm cung bậc nhất nhì của PGVN đó là Đức trưởng lão Hòa thượng thượng Thanh hạ Bích.

    Trong phương cách thứ 6 để có tâm bình an. Hòa thượng đã nhấn mạnh về giáo lý trung đạo.

    Nếu luôn giữ trung đạo thì tâm ta sẽ luôn được bình an. Hòa thượng ví dụ về một người mới xuất gia. Tránh tình trạng khi mới vào chùa như thiết như tha, như trác như ma, dần dần lười biếng, thoái đạo.Tóm lại người tu đạo nên thực hành thuyết trung dung, phải tự sắp xếp cho mình quy trình thời khóa cụ thể để kiên trì miên mật. Để không bị động trước biến thiên thay đổi, giúp ta tâm được bình yên, cuộc sống tu tập sinh hoạt được an lạc.

    – Phương cách thứ 7 được Hòa thượng rút ra từ kinh nghiệm tu tập phương pháp “Hiện pháp lạc trú” trong lời Đức Phật dạy.

    Hòa thượng gói gọn và dẫn chứng, ngày nay có rất nhiều người đang muốn khước từ hoàn cảnh hiện tại để mơ ước hạnh phúc tương lai. Đối với những người không tu thì họ nghĩ rằng tương lai thế nào cũng sáng hơn, và họ bám lấy cái hy vọng đó để sống.

    Nên sống chậm lại, sống an trú, và luôn luôn để tâm tỉnh giác, luôn làm chủ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý...

    Nên sống chậm lại, sống an trú, và luôn luôn để tâm tỉnh giác, luôn làm chủ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý…

    Theo Hòa thượng, quả hiện tại chúng ta đang hưởng thì đã biết nhân ngày trước đã gieo, vậy nhân hiện tại sẽ biết quả tương lai. Thầy ví dụ: Đáng ra lúc này (21h) mọi người đang ở nhà vui chơi, nam thì có thể tà dư tửu hậu.., nữ thì có thể ca nhạc, phấn son…Nhưng đã gạt bỏ tất cả đến chùa lễ Phật nghe giảng kinh. Như vậy, nhân đã gieo hôm nay là nhân tu tập, vậy quả sẽ là giải thoát và an vui. “Ngay chốn này Cực lạc rồi đây; Không cần đợi đến sau này; Thân về an dưỡng tháng ngày thanh cao…”

    Và cuối cùng trong 8 phương cách để có tâm bình an, Hòa thượng giảng sư gợi ý cùng đại chúng rằng: Trong một ngày hãy dành cho mình 10 phút thôi để thư giãn tinh thần, không nên chạy theo cuộc sống hối hả. Nên sống chậm lại, sống an trú, và luôn luôn để tâm tỉnh giác, luôn làm chủ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Chúng ta kiểm soát được 3 thứ ấy thì tâm ta luôn có được an lạc, hạnh phúc và sẽ nhận ra chân giá trị của cuộc sống chẳng bao giờ khổ đau.

    Thời pháp hơn một giờ đồng hồ tại chánh điện chùa Thanh Lương của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã mang lại tư lương, kiến thức và lợi ích thiết thực cho việc tu tập của những Phật tử, giúp họ đi đúng con đường để luôn có tâm bình an trong thời đại đầy biến động. Và đây cũng là những kinh nghiệm được chắt lọc để họ có cái nhìn sáng suốt không bị lạc vào đường mê ngõ tối mà có bước đi đúng đắn và chín chắn trên đạo lộ giải thoát.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều