Luận về thiền học ngày nay, nếu hành giả không tỉnh giác, sẽ rơi vào phá kiến. Do đó, người học, cần phải cân nhắc. Để tránh rơi vào ngộ nhận, lầm xưng “ Vọng ngôn chứng Thánh”.
Thiết nghĩ:
1. Thấy nghe hiểu biết là cái dụng của tâm. Gọi là tánh thấy, tánh nghe chỉ là giả lập, bởi vì chúng không thật có, theo duyên biểu hiện. Nên chấp có tánh thấy, tánh nghe là lầm. Chẳng qua cách vách thấy sừng biết có trâu.
2. Dạy thiền mà dạy mọi người trụ vào trong cái biết ấy là còn kẹt vào tình thức, chìm trong sanh tử. Tri vọng là rõ vọng tức chơn. Chứ không phải là có cái vọng tưởng để cho hành giả tự tri. Như thế thì tâm phân biệt phát sinh. Làm sao gọi là kiến tánh?
3. Nếu nói giữa hai vọng niệm luôn có kẽ hở, nên tranh thủ nhảy vào đó sống thì lầm. Làm sao hành giả đủ sức phản quang ngay nơi đầu niệm vì sát na tâm đã có vô lượng vọng niệm sanh diệt? Hơn nữa, khoảng cách giữa hai niệm tức là vô ký không. Đó cũng là vọng thức. Vì niệm trước, sau, khoảng giữa đều không thật. “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” mà Lục Tổ đề cập là cảnh giới ngã pháp câu đoạt, tâm cảnh bất nhị, hoàn toàn dứt bặt ngã và ngã sở trình hiện Tánh Không. Chứ không phải kẹt trên thức tình tu tập.
4. Bất cứ tư tưởng thiền nào, do người sau tự chế, không tương ưng với Tánh Không, đều chẳng thể giác ngộ giải thoát. Điều quan trọng nhất là tự tịnh tâm mình. Đó là cốt lõi của sự giác ngộ. Trái lại, tất cả lý thuyết đàm huyền nói diệu chỉ là vọng kiến. Không giải quyết được sanh tử. Càng nói, càng cách xa đạo, mở đường tắt, thẳng vào địa ngục.
5. Phải chân thật với chính mình. Đừng chạy theo danh lợi. Tâm cong vậy thì không thể hành đạo. Muốn lợi ích chúng sanh trước phải lợi ích chính mình. Phải lo giải thoát, niệm Phật chẳng phải là pháp môn thấp kém. Khi đã tịnh tâm thì Chơn Như Tam Muội, Như Huyễn Tam Muội tự hiển bày. Lo gì không ngộ thiền cơ, cùng tột lý Bát Nhã? Nên một câu niệm Phật siêu vượt tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử, đồng với tiếng hét Lâm Tế đốn phá vô minh chẳng phải hư dối vậy. Vì tâm phân biệt nên mới thấy pháp sai biệt.
Phật tức là tâm mình. Chưa tịnh được tâm thì chỉ nói mê, nói sảng. Liền thành kiến chấp ngoại đạo. Dối Phật, dối Tổ, lừa gạt tín thí, khiến cho Chánh pháp ngày một suy vi. Nên nói:
“ Ngoài mồm nói suốt trăm phần diệu.
Dưới đất không ly một điểm trần”.
Do đó, phải nên tự xét!
Lý Diện Bích