Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànDiễn đàn- thảo luậnNhững luận cứ sai lầm của sư Pháp Tâm khi bài xích...

    Những luận cứ sai lầm của sư Pháp Tâm khi bài xích kinh điển Đại thừa.

    Ngày 7/12/2020, Sư Pháp Tâm Live Stream khẳng định một lần nữa: “Kinh Pháp Hoa và Kinh Địa Tạng là kinh ngụy tạo. Kể cả kinh A Di Đà cũng vậy” đây là lời nói này của kẻ vô trí hoàn toàn thiếu căn cứ.

    Theo sư Pháp Tâm, đối chiếu giữa kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên Thuỷ và Kinh A Hàm của Phật giáo Bắc Truyền, thì không có một đoạn nào đề cập đến có nhiều vị Phật mà chính Đức Phật đã khẳng định, chỉ có Đức Phật Thích Ca là duy nhất, qua đoạn kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Một Người, Như Lai như sau:

    “Một người, này các Tỷ Kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.”

    Sư Pháp Tâm cho rằng kinh nào đề cập đến nhiều vị Phật thì đó không phải Phật thuyết. Phật tử có quyền nghi ngờ rằng đó là kinh “ngụy tạo”. Vậy ngay trong Kinh Đại Bổn (P. Mahāpadāna, C. 大本經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Trường A Hàm, bộ 1, quyển 1, hoặc Kinh Thất Phật (七佛經) thuộc bộ 1, quyển 150; Kinh Tỳ Bà Thi Phật (毘婆尸佛經), bộ 1, quyển 540, Kinh Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự (七佛父母姓字經) bộ 1, quyển 159 hoặc Kinh Tăng Nhất A Hàm (增壹阿含, sa. ekottarikāgama) bộ 2, quyển 790. Đề cập đến lịch sử của sáu vị Phật ra đời trước Đức Phật Thích Ca.

    - Advertisement -

    Xem link tại>> https://www.youtube.com/watch?v=cf401aZFFmk&feature=youtu.be

    hoặc >> https://www.facebook.com/100026534076316/videos/739550470272749/

    Ngoài ra còn được ghi trong các kinh, luật: Tạp A Hàm (雜阿含, sa. saṃyuktāgama), 34, kinh Đại Bản , Kinh Hiền Kiếp 7, Phật Bản Hạnh Kinh Tập 11, Hữu Bộ Tì Nại Da Phá Tăng Sự, Kinh Du Hành Bản Khởi… về nhân thân, sự ra đời, dòng họ, cha, mẹ, thê tử, đệ tử, thị giả, nơi ở, đạo tràng, chúng hội thuyết pháp đầu tiên của bảy Đức Phật trong hiền kiếp, do Đức Phật Thích Ca nói ra.

    Hiện nay tại miền nam Nepal, cách vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) hơn 8 Km, vẫn còn một trụ đá của vua A Dục (Asoka ), tưởng niệm nơi Đản Sanh của Đức Phật Câu Lưu Tôn (Pi: Kakusandha, Sa: Krakucchanda), tại Gotihawa, thuộc quận Kapilavastu, trong vùng Lumbini. Đây là vị Phật đầu tiên của hiền kiếp (kiếp hiện tại), và là vị Phật thứ 4 trong số bảy vị Phật, được đề cập trong Phật sử (Buddhavamsa) của Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya), một phần của Kinh Tạng (Sutta Piṭaka), một trong ba bộ kinh sách của Kinh Tạng Pāli (Tripitaka).

    Bên cạnh đó, cả hai truyền thống Nam Truyền và Bắc Truyền đều thừa nhận rằng trong tương lai Bồ Tát Di Lặc (zh. 彌勒, sa. maitreya, pi. metteyya), sẽ hạ sanh thành Phật. Nên không thể cực đoan rằng chỉ có một vị Phật duy nhất. Vì kinh Nikaya đã đề cập đến bảy vị Phật là Phật Tỳ Bà Thi (hay Phật Bỳ Lư Thi, Vipasyin),

    Phật Thi Khí (Sikhin), Phật Tỳ Xá Phù (hay Phật Tỳ Xá Bà, Visvabhu), Phật Câu Lưu Tôn (hay Phật Câu Lâu Tôn, Krakucchanda), Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni),Phật Ca Diếp (Kasyapa) đã xuất hiện trước Đức Phật Thích Ca. Ngay cả kinh A Hàm cũng xác nhận điều đó. Theo kiến giải của sư Pháp Tâm, chẳng lẽ những bản kinh liên quan đến bảy Đức Phật Nguyên Thuỷ là kinh “nguỵ tạo” vì để cập đến nhiều vị Phật, tức là trong kinh Nikaya đã có sự “ngụy tạo”?

    Theo lịch sử triết học Phật giáo, các luận thư A Tỳ Đàm (Abhidhamma, Abhidharma, Vi Diệu Pháp, Thắng Pháp, Vô Tỷ Pháp…) đã xuất hiện ở một thời kỳ tối thiểu là khoảng bảy trăm năm (khoảng thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba trước công nguyên, đến thế kỷ thứ năm sau công nguyên). Được phát triển song song với hiện phân chia bộ phái phát sinh trong Phật giáo sơ kỳ. Nguồn gốc của A Tỳ Đàm vẫn luôn là đề tài tranh luận, dù giả thuyết truyền thống cho rằng, A Tỳ Đàm có thể được kết tập trong đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất ngay sau khi Đức Phật Diệt Độ. Hoặc A Tỳ Đàm do Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân, theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ. Trong khi A Tỳ Đàm được Phật giáo Nguyên Thuỷ xếp vào tương đương với Kinh Tạng, mà chưa làm rõ lai lịch của bộ luận này. Thì tại sao sư Pháp Tâm lại có quyền phủ nhận các Kinh Đại Thừa không phải của Phật nói? Khuyên mọi người nên nghi ngờ kinh Địa Tạng và Kinh Pháp Hoa, dù không hề nghiên cứu và tu học theo kinh điển Bắc Truyền nghiêm túc. Bởi kinh Đại Thừa là triết học áo nghĩa có khuynh hướng ẩn dụ. Nên chư Tổ dạy: ”Y Kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly Kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”. Muốn thấu hiểu được kinh Đại Thừa cần phải dụng tâm tu tập đến triệt ngộ. Chứ không phải hạng phàm phu vô trí chỉ đọc lem nhem vài ba câu rồi phán ẩu!

    Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngu:

    “Kẻ ngu dầu trọn đời,

    Thân cận với người trí,

    Cũng không hiểu Pháp vị,

    Như muỗng trong nồi canh”.

    Đã không nếm được pháp vị Đại Thừa mà quay lại phỉ báng, đó là hành động của người thiếu trí tuệ, những ai cho rằng Kinh Đại Thừa là “ngụy tạo” là đang phá hoại sự trường tồn của Phật giáo.

    Thật là ngạo mạn khi để chứng minh mình hoà hợp hệ phái, sư khuyên Phật tử rằng: “ít ra chư Tăng Bắc Tông cũng có niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng và giữ được năm giới?”. Như vậy là sư đã phủ nhận sự truyền thừa của các bộ luật Tỳ Kheo. Sư căn cứ vào đâu dám cho rằng chư Tăng Bắc Tông chỉ giữ được năm giới? Như vậy các vị Thiền Sư, Quốc Sư, Cao Tăng Phật giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại như Ngài Khuông Việt, Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Thích Quảng Đức … cho đến cụ Pháp Chủ Phổ Tuệ, chẳng là gì trong mắt sư, chỉ sánh ngang bằng một cư sĩ thường tình? Sư đã tu học tới đâu mà giương cờ ngã mạn? Đừng học theo những tư tưởng cực đoan của nước ngoài, đem về phá hoại nền Phật giáo nước nhà cũng như chia rẽ nội bộ Phật giáo, gây hoang mang cho tín đồ Phật tử. Hãy làm tốt phận sự của mình là một người xuất gia chân chính có sự tu tập, thúc liểm thân tâm, giảng kinh Nikaya thuần tuý.

    Theo Kinh Hiền Ngu, phẩm thứ mười, Xuất Gia Công Đức, ngay sau khi nghe Đức Phật thuyết công đức của sự xuất gia, trưởng giả Thi Lợi Bí Đề đến xin xuất gia nhưng không vị trưởng lão nào thu nhận, vì ông đã một trăm tuổi. Hơn nữa, ngay cả ngài Xá Lợi Phất quan sát ông già này chẳng có chút căn lành nên từ chối. Ông bèn khóc tức tưởi. Khi ấy, Đức Thế Tôn đi xa mới trở về, bèn an ủi ông rằng:

    – “Thôi chớ buồn nữa, ta sẽ cho xuất gia tu học, ông Xá Lợi Phất không phải là một người đã chăm làm những hạnh khổ trong ba đại kiếp A Tăng Kỳ và đã tu phúc trong trăm kiếp, ông không phải đời ấy đời khác đã chăm làm những việc rất khó, như: Chặt đầu móc mắt, chẻ xương lấy tủy, óc, cắt thịt chọc tiết, lột da, chẻ xương chân tay, cắt cái mũi bố thí, ông không phải là người đã đem mình cứu hổ đói nhảy xuống hố lửa sâu, đóng trên mình một ngàn cái đinh để cầu nghe đạo, khoét mình ra một ngàn lỗ để đốt đèn; ông không phải là người đã đem quốc, thành thê, tử, nô tỳ, voi, ngựa, thất bảo ra bố thí, ông không phải là người kiếp sơ A Tăng Kỳ cúng dường tám vạn bốn ngàn đức Phật, kiếp hậu A Tăng Kỳ cúng dường mười vạn ức đức Phật, xuất gia giữ giới đầy đủ đối với pháp tự tại ông Xá Lợi Phất không có thể nói: Người này được xuất gia, hay kẻ kia không được xuất gia, Ta một người đối với pháp tự tại cỡi xe Lục Độ, mặc áo giáp Nhẫn Nhục, ngồi tòa Kim Cương, dưới cội cây Bồ Đề hàng phục Ma Vương thành ngôi Vô Thượng Pháp Vương, không ai bằng ta, người an tâm theo ta về Tinh Xá, ta sẽ cho xuất gia”.

    Vậy sư Pháp Tâm đã thành Phật chưa mà dám phỉ báng kinh điển Đại Thừa do Phật thuyết? Vì kinh Đại Thừa là hiển bày trí tuệ và cảnh giới của chư Phật. Nếu biết tự trọng, tốt nhất sư nên dừng lại hành động phá hoại Phật Pháp của mình. Hãy làm những gì tốt nhất cho Phật giáo trong khả năng tu học của mình. Chưa nếm được vị canh thì đừng vội phê bình chỉ trích. Đó là lý do tại sao sư chuyển hệ phái, chứ chẳng phải lỗi tại kinh Đại Thừa, vì Đức Phật tuỳ theo căn cơ mà thuyết giáo.

    Lý Diện Bích

    Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều