Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 21, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuNhững bằng chứng cho thấy luân hồi là có thật

    Những bằng chứng cho thấy luân hồi là có thật

    Luân hồi và nhân quả là hai sự kiện tương quan. Bởi chúng sanh còn nghiệp trái của nhân quả thiện ác nên mới bị luân hồi. Và sự luân hồi khổ vui trong sáu nẻo, đều do ảnh hưởng tốt xấu của nhân quả thiện ác.

    Việc luân hồi xưa nay, ở Ðông cũng như Tây phương rất nhiều, hoặc do sự truyền khẩu, hoặc ghi chép trong truyện báo chí. Như cách đây vài mươi năm, tờ báo Mai có chụp ảnh và đăng một câu chuyện như sau:

    1. Chuyện luân hồi ở Ấn Ðộ:

    Tại Ấn Ðộ, ở thành Delhi có một cô gái tám tuổi tên Phatidevin. Cô đã nhiều lần khóc lóc với cha mẹ đòi về thành Mita thăm chồng là một giáo viên. Thành Delhi cách Mita trên 200 cây số. Cha mẹ cô gái lấy làm lạ, mời một phóng viên nhà báo đến để nhờ anh điều tra giùm. Khi anh ký giả đến hỏi, thì được cô cho hay kiếp trước mình là vợ một giáo viên, ở với chồng có sanh một đứa con. Lúc đứa con lên 11 tuổi, thì cô lâm bịnh và từ trần. Người phóng viên hỏi xem cô ta có cái gì để làm bằng chứng không. Cô trả lời rằng khi chết mình có để lại vàng bạc và đồ đạc chôn ở một nơi trong nhà. Và cô còn nhớ rõ mình có cái quạt do người chị em bạn tặng, trên quạt có ghi mấy dòng chữ, rồi cô đọc mấy dòng chữ ấy cho vị phóng viên ghi chép vào sổ tay.

    Anh phóng viên liền đến thành Mita, tìm hỏi tên họ vị giáo viên, thì quả có thật không sai. Anh hỏi ông giáo:

    - Advertisement -

    – Ông có người vợ chết cách đây độ 8, 9 năm có phải không?

    – Thưa vâng. Từ khi vợ tôi chết đến nay đã chín năm. Chẳng hay ông hỏi có việc chi?

    Anh ký giả trình bày những lời cô bé đã nói. Ông giáo nghe đều cho là đúng cả. Anh lại lấy quyển sổ tay, đưa mấy dòng chữ cho ông giáo đọc và hỏi:

    – Khi vợ ông mất, có để lại một cây quạt, trên ấy có ghi mấy dòng chữ như thế này phải không?

    – Thưa, đúng y như vậy cả.

    Ảnh minh họa.

    Ảnh minh họa.

    Qua ngày sau, phóng viên lại mời cô Phatidevin và cha mẹ cô cùng đi xe đến thành Mita. Từ khi sanh ra đến tám tuổi, cô chưa từng đi xa, thế mà đường đi đến thành Mita, cô đều thuộc cả. Cô chỉ đường này là đường gì, đi về đâu, đường kia tên đường gì đi về đâu; và còn nói trúng cả tên những nhà quen ở hai bên đường nữa. Gần đến nhà ông giáo, cô bảo xe đi chậm lại và dừng ngay trước nhà ấy. Vào nhà, gặp ông lão độ 80 tuổi đầu tóc bạc phơ, cô vừa mừng vừa khóc mà nói rằng:

    – Ðây là cha chồng tôi.

    Lại chỉ ông giáo mà bảo:

    – Kia là chồng tôi.

    Rồi cô chạy lại ôm đứa con vừa khóc và nói:

    – Ðây là con tôi.

    Mọi người trông thấy, ai cũng đều ngạc nhiên và cảm động.

    Việc này đã làm sôi nổi dư luận Ấn Ðộ. Các báo chí thế giới cũng đều bàn tán xôn xao. Và những nhà bác học ra sức tìm tòi nghiên cứu, nhưng không sao giải thích được. Nhưng đối với những nhà đạo học Ðông phương đã rõ lý luân hồi, thì việc này cũng tầm thường không có chi lạ.

    2. Chuyện luân hồi ở Trung Hoa:

    Nước Trung Hoa, đời vua Thuận Trị nhà Thanh, có một học giả danh tiếng ở huyện Tế Ninh, là Thiệu Sĩ Mai. Ông đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, tự nhớ kiếp trước mình vốn người ở huyện Thế Hà, tên là Cao Ðông Hải. Bà vợ của Thiệu Sĩ Mai chết lúc tuổi hãy còn trẻ, khi lâm chung trối dặn chồng rằng: “Tôi có nhân duyên làm vợ anh ba đời. Kiếp này là một. Ðời sau tôi sẽ sanh vào nhà họ Ðông ở huyện Ðào. Ngày kia anh bãi chức, về trụ nơi chùa Tiêu xem kinh Phật, xin tìm tôi ở ngôi nhà thứ ba tại khúc quanh sông Tân thuộc vùng ấy”.

    Ảnh minh họa.

    Ảnh minh họa.

    Hơn mười năm sau, Sĩ Mai đổi về làm Giáo thọ ở phủ Ðăng Châu, gần huyện Thê Hà. Một hôm nhân rảnh rỗi, ông đến viếng ở chỗ ở kiếp trước, thì nhà của Cao Ðông Hải đã không còn. Hỏi thăm tìm được đứa cháu nội của Ðông Hải, ông giúp tiền cho gầy dựng ruộng nhà. Kế đó ông thuyên chuyển làm Tri huyện ở Ngô Giang, rồi cáo bịnh về nghỉ. Nhân lúc vô sự, Sĩ Mai đến thăm người bạn đồng niên ở huyện Ðào, và ngụ tại chùa Tiêu. Chùa này có bộ đại tạng kinh, trong khi vắng vẻ ông thường mượn để duyệt lãm. Một hôm, bỗng nhớ lại lời người vợ trước đã dặn bảo, ông ra Tân Giang đi dọc theo mé đến một khúc quanh tìm hỏi, quả thật có họ Ðông ở ngôi nhà thứ ba ven sông. Ông vào thăm thì nhà này có đứa con gái chưa gả, nhân thuật lại duyên cớ trước, xin cầu hôn, liền được gia chủ ưng thuận.

    Cưới vợ được mấy năm, cô gái họ Ðông lại qua đời. Khi lâm chung, lại dặn chồng rằng: “Lần giã biệt đây, tôi sẽ tái sanh nơi nhà họ Vương ở Tương Dương. Ngôi nhà này cũng ở ven sông, trước cửa có hai cây liễu, sau anh đến tìm tôi tại nơi đó. Cuộc tái hợp lần cuối cùng này, tôi sẽ sanh cho anh hai đứa con”. Thiệu Sĩ Mai nhất nhất đều xin ghi nhớ. Về sau sự việc diễn tiến quả đúng y như lời người vợ đã nói.

    Năm Kỷ Mùi đời vua Khang Hy, Thiệu Sĩ Mai ở tại kinh sư, đã đem việc này thuật lại rõ ràng với những bạn đồng niên như Vương Ngư Dương, Phan Trần Phục…

    Việc của Thiệu Sĩ Mai trên đây, thật đã đúng với hai câu thi: “Lưỡng thế đốn khai sanh tử lộ. Nhứt thân tằng tác cổ kim nhơn”. (Một thân từng diễn người kim cổ. Ðôi kiếp mở liền lối tử sanh). Cuộc thế bể dâu, thân người huyễn mộng, xem việc này, những ai có mối thâm tư, chi khỏi sanh niềm cảm khái.

    3. Chuyện luân hồi ở Việt Nam:

    Ảnh minh họa.

    Ảnh minh họa.

    Cách đây mấy mươi năm, ở Thủ Ðức có một nữ Phật tử tu tại gia. Vì vợ chồng cô là tín đồ thuần thành, trọng Phật kính Tăng, nên các sư thường đến ghé thăm, có khi được mời nghỉ đêm tại nhà. Thời đó, ảnh hưởng chánh pháp chưa được lan rộng, tuy cô đã thọ quy giới nhưng chưa hiểu rõ về đạo, nên trong nhà cũng có nuôi heo để thêm rộng rãi cho cuộc sống. Khi nọ, có một vị Hòa thượng đến nghỉ đêm tại nhà cô, nửa đêm chợt thức giấc nghe tiếng động dưới bộ ván mình nằm, và có giọng nói nho nhỏ rằng: “Tụi bây không biết, chớ tao tên là Nguyễn Thị Hòa (vì liên hệ gia đình xin giấu tên) bởi có thiếu bà chủ nhà này một số tiền, nên phải đầu thai ra thân xúc vật để trả nợ”. Hòa thượng nghe xong lấy làm lạ, sẽ lén nhẹ nhàng cúi xuống rình xem, thì thấy một heo nái nói chuyện với mười hai heo con đang bú.

    Sáng ra, Hòa thượng hỏi người tín nữ:

    – Lúc trước có cô Nguyễn Thị Hòa thiếu cô một số tiền như thế, có phải không?

    – Dạ thưa đúng như vậy. Nhưng cô ấy nghèo và bây giờ đã qua đời, nên con kể như bỏ luôn. Ủa! Mà chuyện này chỉ riêng mình con với cô ấy biết, ở nhà con cũng không hay, tại sao thầy lại hiểu rõ ràng như vậy?

    Hòa thượng đem chuyện đêm hôm thuật lại. Cô chủ nhà cả kinh, vội đem bán heo mẹ lẫn mười hai heo con, thì thêm một việc lạ, số tiền thu được đúng với tiền cô Nguyễn Thị Hòa đã thiếu mình khi trước.

    Trải qua sự này, cô tín nữ càng tin việc luân hồi nhân quả hiển nhiên là có thật. Từ đó cô tu hành thêm tinh tấn và cải gia vi tự, thành ra ngôi chùa Phước Trường hiện giờ. Tại chùa này, hiện nay linh vị thờ cô vẫn còn. Tiên đức đã bảo: “Súc sanh bản thị nhơn lai tố. Nhơn súc luân hồi cổ đáo kim!” (Súc sanh kia trước là người. Xưa nay người, súc luân hồi đổi thay!) Việc trên đây là một chứng minh cho lời này vậy. (Thuật theo lời Thượng tọa Thanh Từ, khi Thượng tọa đến diễn giảng và thăm chùa Phước Trường ở Thủ Ðức).

    Trích: Phật học tinh yếu

    Hòa thượng Thích Thiền Tâm

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều