Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiNhật Bản: Bí Ẩn Bên Trong Bức Tượng Bồ Tát Chùa Kozanji

    Nhật Bản: Bí Ẩn Bên Trong Bức Tượng Bồ Tát Chùa Kozanji

    Ẩn giấu bên trong một bức tượng Phật tại một ngôi chùa ở Nhật Bản là bản miêu tả đợt phun trào lần gần đây nhất cách nay ba thế kỷ trước của núi Phú Sĩ cùng với một trận động đất khủng khiếp đã tàn phá nước Nhật trước trận phun trào núi lửa hai tháng

    Bức tượng đứng Bồ Tát Jizo tại Chùa Kozanji.

    Bức tượng đứng Jizo Bosatsu (Ksitigarbha) – một tài sản văn hóa quan trọng của triều đình trung ương thời kì Heian (794-1185) – có một hốc rỗng hình chữ nhật được tạc trên lưng tượng, bao phủ bởi một “nắp” gỗ dài.

    Các miêu tả về thảm họa kép năm 1707, tức năm thứ tư thời Hoei, được viết lại bằng mực ở mặt sau thanh gỗ.

    - Advertisement -

    Một phần của các ghi chép viết, “Tháng 11, núi Phú Sĩ phun trào cả ngày lẫn đêm trong 15 ngày, tro núi lửa và các mảnh dung nham đã rơi xuống Edo (tức Tokyo ngày nay) và Suruga (thuộc Quận Shizuoka ngày nay) trong 20 ngày”.

    Vụ phun trào Hoei xảy ra vào ngày 16 tháng 12, tức ngày 23 tháng 11 theo lịch cũ, 49 ngày sau trận động đất Hoei. Trận động đất dữ dội với cường độ ước tính 8.6, đã làm hơn 20.000 người thiệt mạng, chủ yếu ở miền trung và phía tây Nhật Bản.

    Bản miêu tả cũng cho biết một ngọn núi có tên Kofuji (Tiểu Phú Sĩ) đã nhô lên dưới núi Phú Sĩ. Ngọn núi lửa này ngày nay chính là núi Hoeizan.

    Nắp gỗ hốc phía sau bức tượng ghi chép các miêu tả về thảm họa kép năm 1707.

    “Có rất ít tượng Phật, nếu có, chứa một bản ghi chép dài như vậy về một thảm họa”, đó là chia sẻ của Yoichi Hase, 58 tuổi, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Kansai, một người rất am hiểu điêu khắc. “Có thể xem đây không chỉ là một hiện vật nghệ thuật mà còn là một hiện vật lịch sử”.

    Bức tượng cao 154 cm, được tạc từ một cây anh đào nguyên khối, lưu giữ tại Chùa Kozanji nằm ở lưng chừng núi Kyogamaruyama cao 281 m ở phía tây tỉnh Okayama, gần biên giới với tỉnh Hiroshima. Ngôi chùa này được xây dựng từ thời kì Nara (710-784).

    Theo Shaku Gimyo, 57 tuổi, trụ trì của Chùa Kozanji, ban đầu bức tượng này được lưu giữ tại Chùa Aizenritsuin, ngày nay là Katano, tỉnh Osaka.

    Chùa Kozanji đã tiếp quản bức tượng khi Chùa Aizenritsuin bị phá bỏ vào đầu thời Minh Trị (1868-1912) trong phong trào phá hủy các tài sản Phật giáo của chính quyền Minh Trị.

    Các miêu tả về vụ phun trào núi lửa và trận động đất trên – được phát hiện vào năm 1954 – có thể được viết ra khi bức tượng còn ở Chùa Aizenritsuin.

    Giáo sư Yoichi Hase chia sẻ, chính điện của Chùa Aizenritsuin có thể đã bị tàn phá bởi trận động đất Hoei và núi Phú Sĩ có thể đã phun trào khi bức tượng hư hỏng đang được tu sửa.

    Cận cảnh các ghi chép.

    Nhiều loại hạt ngũ cốc như lúa và lúa mì cùng với vải gai dầu cũng đã được tìm thấy bên trong bức tượng.

    “Trụ trì ngôi chùa và các tín đồ Phật môn có lẽ đã cực kì hy vọng rằng các nạn nhân sẽ có thể yên nghỉ và một thảm họa như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, giáo sư Hase chia sẻ.

    Vị giáo sư của Đại học Kansai cũng tiết lộ, người ta chắc chắn đã quyết tâm miêu tả lại thảm họa trên cho hậu thế bằng cách ghi lại ở mặt sau của thanh gỗ, thay vì trên một tờ giấy.

    “Họ cảm thấy tiếc thương vì quá nhiều thương vong bởi sự thiếu chuẩn bị cho một trận động đất hoặc một cơn phun trào”, vị giáo sư nói.

    Sư trụ trì Shaku Gimyo chia sẻ: “Bồ Tát Jizo là vị thần Phật giáo gần gũi nhất với con người, giúp đỡ những người đã chết. Chúng tôi muốn truyền đạt những suy nghĩ mà mọi người gửi vào bức tượng cho các thế hệ mai sau”.

    Dân Nguyễn

    (Dịch từ The Asahi Shimbun)

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều