Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Khác
    HomeSống ĐạoGóc suy ngẫmNgười giàu và kẻ nghèo, ai mới có đủ tư cách để...

    Người giàu và kẻ nghèo, ai mới có đủ tư cách để tự hào?

    “Sử ký – Ngụy Thế gia” ghi chép: Vào thời Chiến Quốc có một người tên là Điền Tử Phương được Ngụy Văn Hầu dùng lễ đối đãi. Nước Ngụy đánh chiếm được một lãnh thổ tên là thành Trung Sơn, Ngụy Văn Hầu cử Thái tử Lục tiếp quản…

    Cuộc đối thoại giữa Thái tử Lục và Điền Tử Phương

    Một hôm, Thái tử Lục ra ngoài, trên đường gặp được Điền Tử Phương bèn nhường cho xe ngựa của Điền Tử Phương đi qua trước. Điền Tử Phương chẳng thèm nhìn, một đường đi thẳng qua.

    Thái tử Lục tức giận nói: “Người giàu sang có tư cách đối xử với người khác một cách kiêu hãnh hay là người nghèo hèn?”.

    Điền Tử Phương đáp rằng: “Chỉ những người nghèo mới có tư cách nhất và dám đối xử với mọi người một cách kiêu hãnh. Người giàu làm gì có tư cách đó. Nếu bậc quân vương đối với người khác kiêu ngạo, thì sẽ mất đi phong quốc của mình; nếu quan đại phu đối với người khác kiêu ngạo, thì sẽ đánh mất lãnh địa của mình. Người thông minh sợ mất đi phong hiệu, sẽ không dám lấy sự kiêu ngạo ra mà đối đãi với người khác. Kẻ thông minh sợ mất đi lãnh địa cũng sẽ không dám đối đãi người bằng sự kiêu ngạo!

    - Advertisement -

    Đối với người bần tiện, dù anh ta có nói lời trung thành hoặc hiến kế hay cũng sẽ không được áp dụng; dù là làm việc chính nghĩa cũng khiến bậc quân vương không hài lòng, cuối cùng chỉ đành rời đi. Nhưng dù có đi tới đâu chẳng phải cũng đều phải trải qua cuộc sống bần hàn hay sao? Cơ bản là chẳng quan trọng! Cho nên người nghèo mới có tư cách để kiêu ngạo nhất!”

    Thái tử Lục được giáo huấn, bình tĩnh ngẫm lại, cảm thấy đối phương nói rất có lý, bèn hướng Điền Tử Phương thành khẩn hành lễ tạ lỗi!

    Tư Mã Quang ‘cước đạp thực địa’

    “Thiệu thị văn kiến lục” của Thiệu Bá Ôn triều Tống ghi lại: triều Bắc Tống có một danh thần tên Tư Mã Quang, tự là Quân Thực, là người huyện Hạ, Hiệp Châu (nay thuộc Sơn Tây), ông là nhà chính trị kiêm nhà lịch sử học nổi tiếng thời bấy giờ. Tư Mã Quang từ nhỏ hiếu học, từng đọc qua rất nhiều sách, ông đặc biệt rất thích đọc sách sử. Bấy giờ Tư Mã Quang đã lập hùng tâm tráng trí sau này lớn lên sẽ trở thành một nhà lịch sử học, truyền bá kinh nghiệm lịch sử cho mọi người. Đến thời Tống Anh Tông, Tư Mã Quang cuối cùng đã có cơ hội để ghi chép lịch sử, phụng mệnh vua tuyển chọn và biên tập ra cuốn sách “Tư trị thông giám”.

    Dưới sự hỗ trợ của các sử gia đương thời như Lưu Thư, Phạm Tổ Thông, sau 19 năm, cuối cùng Tư Mã Quang đã hoàn thành bộ biên niên sử vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bộ sách này bắt đầu từ thời Chiến Quốc và kết thúc vào thời kỳ Ngũ Đại, ghi lại một cách rõ ràng chi tiết từng sự kiện trọng đại của lịch sử Trung Hoa trong suốt 1362 năm. Cả bộ sách tổng cộng có hơn 3 triệu chữ, nội dung vô cùng phong phú đa dạng.

    Trong quá trình biên soạn bộ sách, Tư Mã Quang cần mẫn nghiên cứu, phân rõ thật giả, thường xuyên làm việc đến đêm khuya mới đi nghỉ. Ông lo sợ thời gian ngủ nghỉ quá dài sẽ làm lỡ công việc nên đã đặc biệt làm một chiếc gối cảnh báo bằng gỗ hình tròn. Mỗi khi ông ngủ say, đầu sẽ trượt từ trên gối cảnh báo xuống, ông sẽ lập tức tỉnh lại. Biện pháp này khiến ông ngủ không được ngon giấc, nên dành nhiều thời gian cho công việc hơn.

    Người ta nói rằng những bản thảo bỏ đi và những bản thảo không hoàn chỉnh của “Tư trị thông giám” xếp đầy hai căn phòng ở Lạc Dương. Điều này cho thấy Tư Mã Quang đã nghiêm túc và cẩn thận thế nào khi làm việc.

    Mọi người đánh giá rất cao thái độ khiêm tốn học hỏi của Tư Mã Quang. Một lần,Tư Mã Quang hỏi nhà triết học Thiệu Ung: “Thiệu tiên sinh, ông cảm thấy con người tôi thế nào?”. Thiệu Ung cười nói: “Con người ông ấy à, đúng là người cước đạp thực địa” – đôi chân đứng vững vàng trên mặt đất, chỉ người làm việc cẩn trọng.

    Theo Epoch Times
    Quỳnh Chi biên dịch

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều