Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiLý tưởng Bồ tát của các bậc minh quân trong lịch sử...

    Lý tưởng Bồ tát của các bậc minh quân trong lịch sử Bhutan

    Lý tưởng Bồ tát nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng các phẩm chất từ bi, lòng nhân ái, bình đẳng, đã chinh phục trái tim, khối óc của hàng triệu con người trên nhiều quốc gia trong lịch sử.

     Các nhà lãnh đạo thực hành lý tưởng Bồ tát, là những người biết điều phục các phiền não và nuôi dưỡng từ bi tâm nơi mình để đưa ra các quyết định, chính sách mang lại sự thịnh vượng và an vui cho tổ chức và cộng đồng.

    Nhà lãnh đạo sáng lập vương quốc Bhutan

    Zhabdrung Namgyel Rinpoche sinh năm 1594, là một cao tăng đứng đầu tự viện Ralung dòng tu Drukpa tại Tây Tạng, ông đồng thời cũng là vị vua sáng lập nên vương quốc Bhutan. Zhabdrung Namgyel Rinpoche đã thiết lập một mô hình quản trị đặc biệt, trong đó ông đảm nhận vai trò là nhà lãnh đạo chung cả lĩnh vực thế tục và tôn giáo trên toàn vương quốc Bhutan. Dưới Zhabdrung Namgyel Rinpoche là Tể tướng phụ trách điều hành lĩnh vực thế tục và một vị Pháp chủ điều hành mọi vấn đề thuộc lĩnh vực tâm linh. Dưới sự lãnh đạo của ông, Phật giáo trở thành quốc giáo và trở thành nền tảng cho toàn bộ các lĩnh vực đời sống chính trị, văn hóa, đạo đức và luật pháp của vương quốc.

    Zhabdrung Namgyel Rinpoche

    Zhabdrung Namgyel Rinpoche

    Soạn thảo bộ luật Kathrim dựa trên triết lý Phật giáo

    - Advertisement -

    Để quản lý đất nước, ngài Zhabdrung đã soạn thảo và ban bố khắp toàn vương quốc bộ luật đầu tiên (có tên là Nga Chudruma) vào năm 1619 và được chỉnh sửa một số nội dung (lấy tên là Kathrim) vào năm 1629. Dựa trên triết lý Phật giáo và những điều luật quản trị tự viện Ralung, bộ luật Kathrim được ban bố điều chỉnh một loạt các vấn đề như vai trò của chính thể thế tục và tâm linh, phương thức quản lý đất nước và tiêu chuẩn của một nhà cầm quyền, bộ luật còn điều chỉnh mối quan hệ giữa cộng đồng tự viện, nhà nước, người dân, trong lĩnh vực luật pháp, xã hội và kinh tế.

    Quan niệm về phẩm chất của nhà cầm quyền trong bộ luật Kathrim

    Kathrim bao gồm những quy định cụ thể quản lý đất nước dựa trên triết lý và giới luật Phật giáo. Bộ luật ghi rõ, “người đứng đầu nhà nước phải là một vị Bồ tát, tức là một nhà lãnh đạo phải đầy đủ tâm từ bi và trí tuệ.” (1)

    Kathrim viết, đức Phật dạy “Một vị vua, nếu biết tôn kính giáo pháp sẽ tìm thấy được hạnh phúc trong đời hiện tại và những đời tương lai. Người dân sẽ làm theo như những gì nhà vua quyết định, và bởi vậy nhà vua phải là người chính trực và luôn nỗ lực nuôi dưỡng phẩm chất thiện lành này.”

    Kathrim đã nêu lên ba trách nhiệm chính của một nhà cầm quyền, thứ nhất là đảm bảo mọi người dân đều biết tri túc và được an lạc. Bổn phận chính của một nhà cầm quyền là đảm bảo phúc lợi cho người dân. Muốn như vậy họ phải sát sao với những điều kiện sống của người dân, để xem người dân đang hạnh phúc hay bất an, đang vừa lòng hay bất mãn. Bộ luật cũng viết rằng, nếu người dân không được hạnh phúc và bình an thì trách nhiệm của nhà cầm quyền là phải đảm bảo cho họ phải có được hạnh phúc. Nhà cầm quyền phải nỗ lực hết mình, tạo ra một môi trường thuận lợi để người dân theo đuổi hạnh phúc. “Nếu những nhà lãnh đạo, những người đang đảm nhận trọng trách mang lại hạnh phúc cho người dân, mà lại xao lãng bổn phận của mình, thì đâu là sự khác biệt giữa họ với loài quỷ dữ?” (2)

    Lý tưởng Bồ tát nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng các phẩm chất từ bi, lòng nhân ái, bình đẳng, đã chinh phục trái tim, khối óc của hàng triệu con người trên nhiều quốc gia trong lịch sử.

    Lý tưởng Bồ tát nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng các phẩm chất từ bi, lòng nhân ái, bình đẳng, đã chinh phục trái tim, khối óc của hàng triệu con người trên nhiều quốc gia trong lịch sử.

    Thứ hai, đảm bảo mọi tầng lớp từ quan lại, tới dân thường đều phải tôn trọng pháp luật và thực thi pháp luật một cách công bằng.

    Trách nhiệm thứ ba của nhà cầm quyền là duy trì tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống chính trị – xã hội. Bởi vì nhà lãnh đạo là người thực hành giáo pháp của đức Phật, là hiện thân sống động khi đang thực hành các hạnh Bồ tát, cho nên họ luôn phải biết nuôi dưỡng những đức tính thiện lương và trí tuệ. Các điều luật khuyến khích một nhà lãnh đạo tôn trọng và thực hành hướng tới 10 phẩm hạnh của đức Phật và sáu công hạnh Ba la mật. Các phẩm hạnh này chủ yếu bao gồm sự rèn luyện nghiêm ngặt của tâm thức, nuôi dưỡng bi-trí-dũng.

    Bộ luật được soạn thảo dựa trên triết lý của Phật giáo, cho nên ta không thấy những tư tưởng vị kỷ chỉ phục vụ cho lợi ích của tầng lớp cầm quyền, mà những tư tưởng trong bộ luật đều nhằm hướng tới lợi lạc cho người dân trên khắp vùng miền của vương quốc. Ngoài ra, bộ luật còn giành những chương mục riêng quy định mục đích tồn tại của vương quốc là để trì giữ, bảo vệ và truyền bá giáo pháp của đức Phật, giúp Tăng đoàn trì giữ giới luật và tạo nền tảng đưa giáo pháp ứng dụng vào trong đời sống chính trị-xã hội. Một khi giới luật bị suy đồi thì vùng đất sẽ tràn đầy những kẻ phá bỏ lời thệ nguyện. Khi ấy những nhân lành mang lại hạnh phúc cho người dân sẽ bị phá bỏ. Một điều luật đã ghi rõ, “những ai lăng mạ người thực hành giáo pháp sẽ bị trừng trị nghiêm khắc”, thậm chí “họ chắc chắn sẽ bị trừng trị nghiêm khắc tại chính điện của các Hộ pháp phẫn nộ.” Mặt khác những người thực hành nghiêm cẩn theo điều luật sẽ được ban thưởng. Sự khích lệ này nhằm giúp thúc đẩy và lan tỏa những điều thiện lương trên khắp vương quốc cũng như tiềm năng từ bi-trí tuệ nơi mỗi người dân.

    Trách nhiệm của nhà cầm quyền là duy trì tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống chính trị – xã hội.

    Trách nhiệm của nhà cầm quyền là duy trì tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống chính trị – xã hội.

    Chuẩn mực giá trị đạo đức trong đời sống xã hội và mỗi cá nhân

    Bộ luật Kathrim ngăn cấm 10 hành vi bất thiện, đặc biệt ngăn cấm hành vi sát nhân, tội ăn cướp và trộm cắp tài sản nhất là của các tự viện Phật giáo thì đều phải trả lại và bị trừng trị nghiêm khắc. Quy định phải trả gấp 80 lần trong trường hợp ăn cắp tài sản của vua, và trả gấp 8 lần trong trường hợp ăn cắp của người dân nói chung. Tội ngoại tình cũng bị phạt tiền rất cao và trừng trị nặng.

    Kathrim cũng quy định 10 hành vi thiện lành trong xã hội. Quy định cũng đòi hỏi phải tôn trọng và chu toàn đạo làm con, biết tôn trọng người hơn tuổi. Con người phải biết tôn trọng lẫn nhau, tránh sự bất kính và dùng các biện pháp lừa gạt người khác. Hành động phạm pháp bị xử phạt rất nghiêm khắc.

    Trước khi Kathrim được soạn thảo và có hiệu lực, chưa từng có một bộ luật nào ở đất nước này. Mỗi vùng đều có những quy định, luật lệ riêng và có hệ thống tôn giáo, hay thực hành theo những dòng tu khác nhau. Chưa có một hệ giá trị và những lợi ích chung để gắn kết người dân. Bởi vậy khi bộ luật được đưa vào thực thi, nó trở thành điều luật chung điều chỉnh mọi quan hệ xã hội và chính trị của vương quốc.

    Những giáo pháp hành trì được ngài Zhabdrung Namgyel Rinpoche hoằng dương tại vương quốc Bhutan

    Dòng tu Phật giáo Drukpa được thiết lập bởi ngài Tsangpa Gyare (1161-1211) tại Tây Tạng. Là tăng sĩ được giáo dưỡng, rèn luyện trong dòng tu Phật giáo Drukpa, Zhabdrung Namgyel Rinpoche rất coi trọng việc hoằng dương các pháp tu của dòng. Sau thời Tsangpa Gyare đã có rất nhiều các cao tăng dòng Drukpa đã tới các vùng miền của vương quốc Bhutan để hoằng dương Phật pháp nhưng chỉ đến khi Zhabdrung Namgyel Rinpoche kiến lập nhà nước Bhutan thì giáo pháp của dòng Drukpa mới chiếm vị trí chủ đạo trên toàn bộ vương quốc. Hệ thống Giáo hội Phật giáo Bhutan từ trung ương tới địa phương đều đặt dưới sự quản lý của các tăng sĩ dòng Drukpa. Ông cho xây dựng thêm rất nhiều tự viện, trường học Phật giáo của dòng tu Drukpa. Đây cũng là một trong những lý do tại sao vương quốc Bhutan cũng được gọi là Drukyul, có nghĩa là vương quốc của Rồng thiêng, người dân Bhutan được gọi là Drukpa có nghĩa là những phật tử thực hành theo truyền thống Drukpa.

    Những pháp tu được truyền thừa từ thời ngài tới nay vẫn được trì giữ nguyên vẹn trong truyền thống Phật giáo Bhutan như: Pháp thực hành nền tảng, Sáu pháp vị Bình đẳng, Đại Thủ Ấn, các hành trì Bản tôn… (Tham khảo bài viết: Các pháp thực hành chính trong truyền thống Phật giáo Bhutan, Tạp chí NCPH số tháng 07 năm 2020).

    Nền văn hóa Phật giáo thấm đẫm vào mọi khía cạnh của đời sống, lan tỏa sâu sắc ở các nhà lãnh đạo, ở phương thức quản trị của chính phủ.

    Nền văn hóa Phật giáo thấm đẫm vào mọi khía cạnh của đời sống, lan tỏa sâu sắc ở các nhà lãnh đạo, ở phương thức quản trị của chính phủ.

    Vương triều Jigme Wangchuck

    Người con trai của lãnh chúa Jigme Namgyel là Ugyen Wangchuck (1862-1926) đã kế tục địa vị của người cha mình. Ông trở thành lãnh chúa của cả vùng Paro và Tongsa, và củng cố địa vị của mình khi chinh phục hết các lãnh chúa vùng miền khác. Năm 1907 ông đã được hội đồng đại diện của nhân dân, các quan lại triều đình và các lama cao cấp trong giáo hội lựa chọn và suy tôn là vị vua đầu tiên của vương quốc. Ông lấy danh hiệu là Druk Gyalpo. Jigme Wangchuk (1905- 1952) là vị vua thứ hai triều đại Jigme. Dưới sự lãnh đạo tài năng của hai đời vua thứ nhất và thứ hai, Bhutan đã tránh được các hiểm họa chiến tranh xâm lược của các nước thực dân, vương quốc trải qua thời kỳ an bình, thịnh vượng.

    Vị vua thứ ba triều đại Jigme, Dorji Wangchuk (1929-1972) được tôn kính là người cha của Bhutan hiện đại. Với tầm nhìn rộng lớn do thấu hiểu xu hướng phát triển của thời đại, ông đã tiến hành cải cách đưa Bhutan xóa bỏ tình trạng khép kín. Dưới sự lãnh đạo của ông, hệ thống đường mô tô đầu tiên được xây dựng, đã giúp thay đổi đáng kế đời sống người dân toàn quốc. Hệ thống giáo dục hiện đại được xây dựng tới toàn thể người dân và nhiều chương trình hợp tác nhận trợ giúp kỹ thuật từ Ấn Độ, Anh quốc và nhiều nước khác được khởi xướng, giúp phát triển nông nghiệp, năng lượng thủy điện và hệ thống quản lý đất nước hiện đại.

    Những nhà lãnh đạo Bhutan kế tiếp

    Vị vua thứ tư Jigme Singye Wangchuk kế ngôi vị vào năm 1974. Sự kiện lễ đăng ngôi đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều hãng truyền thông quốc tế lần đầu tiên đã tới Bhutan, đưa tin, ảnh, các bài báo được in và xuất bản trên các ấn phẩm quốc tế phản ánh một vương quốc đặc biệt như trong vườn cổ tích. Ngay sau lễ đăng ngôi, nhà vua đã tuyên bố chủ thuyết phát triển đất nước trong tương lai. Ông cho rằng sự phát triển và tăng trưởng của Bhutan sẽ được định hướng và định lượng không phải bằng chỉ số Tổng sản phẩm quốc gia mà bằng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH). Đây là một khái niệm mang tính cách mạng và khi ấy đã gây sự kinh ngạc cho rất nhiều nhà kinh tế cũng như chuyên gia phát triển nhiều lĩnh vực. Ngày nay, sự thành công của chủ thuyết GNH được ghi nhận rộng rãi và trở thành mẫu hình sự hoạch định chính sách cho nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

    GNH dựa trên triết lý Phật giáo, cho rằng chỉ tích lũy tài sản vật chất không mang lại hạnh phúc hay đảm bảo sự mãn nguyện cùng phúc lợi của người dân; sự tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa không nên đánh đổi lấy chất lượng cuộc sống và các giá trị truyền thống. Để đạt được Tổng hạnh phúc quốc dân, các ưu tiên chính sách được đưa ra như sau: sự phát triển kinh tế-xã hội công bằng được phân phối đều cho các khu vực vùng miền trong cả nước và trong mọi lĩnh vực; bảo tồn và duy trì di sản văn hóa độc nhất vô nhị của đất nước; bảo tồn và bảo vệ môi trường tự nhiên nguyên sơ, kiến lập nền quản trị khoa học giúp mọi người dân có cơ hội cùng tham gia quản lý đất nước.

    Tác giả (thứ 2 từ trái sang) cùng nhà vua và các tu sĩ.

    Tác giả (thứ 2 từ trái sang) cùng nhà vua và các tu sĩ.

    Nền văn hóa Phật giáo thấm đẫm vào mọi khía cạnh của đời sống, lan tỏa sâu sắc ở các nhà lãnh đạo, ở phương thức quản trị của chính phủ. Thiết chế Giáo hội Phật giáo hiện có khoảng 5000 vị tăng, đứng đầu là Pháp chủ Je Khenpo, vẫn được duy trì nguyên vẹn. Ngày nay chư tăng vẫn đóng vai trò thiết yếu trong đời sống cộng đồng, cử hành các nghi lễ và nghi thức, tư vấn, hướng đạo, chỉ dẫn cho mọi tầng lớp người dân, nhà lãnh đạo quản lý cả trên lĩnh vực tâm linh và đời sống thường nhật. Ngoài ra có khoảng 3000 vị tăng khác đang tu tập tại các tự viện và am thất độc lập, không thuộc sự quản lý của Giáo hội trung ương. Ở miền Đông Bhutan, là vùng núi cao xa xôi, có một hệ thống các cư sĩ, hành giả có tri thức Phật pháp thâm sâu, có kinh nghiệm tu tập, nhập thất và có năng lực cầu nguyện, cử hành các nghi thức Phật giáo cũng như giảng pháp cho đại chúng. Bởi vì được rèn luyện, tu học và có trình độ cao nên các vị rất được tôn trọng trong xã hội không chỉ trong tu tập mà các vị còn tham gia rất hiệu quả các dự án xã hội trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và ngăn chặn, phòng ngừa bệnh AIDS.

    Trong lĩnh vực chính trị, vào năm 1981 nhà vua đã chủ động bắt đầu tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị bằng việc trao quyền tự chủ cho mỗi quận huyện được tự quyết định các ưu tiên phát triển của mình. Vào năm 1991, ông mở rộng quyền tự quyết này tới các thôn làng. Tiếp tới vào năm 1998, trao quyền lực cho Quốc hội, ông tự mình giới hạn quyền lực của nhà vua và chuyển giao cho một hội đồng các bộ trưởng. Ông cũng thúc đẩy một bộ luật cho phép Quốc hội quyền được kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm với Vua bởi ông cho rằng điều này giúp đảm bảo cho phúc lợi tương lai của đất nước. Năm 2001, ông đưa ra đệ trình một điều luật cho phép Bhutan có hệ thống hai đảng tồn tại độc lập. Năm 2019, Bhutan đã có bốn chính đảng tham gia tranh cử thành lập chính phủ. Ba đời thủ tướng tới nay đại diện của ba chính đảng khác nhau.

    Vào năm 2006, nhà vua đã chủ động rời ngôi vị như đã tự hứa. Nhà vua trẻ đời thứ năm kế tục các triết lý vương quốc từ lâu đời. Cũng giống như vua cha, ông đã giành khá nhiều thời gian viếng thăm từng vùng miền trên khắp đất nước, để trực tiếp đánh giá những dự án phát triển.

    Tiến trình đổi mới trong hòa hợp, an lạc của vương quốc Bhutan đã làm kinh ngạc rất nhiều giới học giả, chính khách trên thế giới. Có rất nhiều lý giải được đưa ra nhưng cốt lõi chính là bởi tâm nguyện vị tha, không bị lợi ích vị kỷ chi phối của những nhà lãnh đạo đã mang lại cho người dân Bhutan niềm tin tưởng vào Kỷ nguyên vàng của đất nước.

    Tác giả Gyalwa Do Khampa Rinpoche.

    Tác giả Gyalwa Do Khampa Rinpoche.

    “Trong suốt thời gian ở ngôi vị này, tôi sẽ không bao giờ lãnh đạo quý vị như một nhà vua. Tôi sẽ phụng sự quý vị như một người con đối với cha mẹ mình, chăm sóc quý vị như tình huynh đệ, bảo vệ quý vị như những bậc làm cha, làm mẹ. Tôi sẽ mang lại cho quý vị mọi điều và không giữ gì cho mình cả…tôi không có bất kỳ mục đích cá nhân nào ngoài mong muốn làm viên mãn mọi mong nguyện của quý vị. Tôi sẽ luôn phụng sự quý vị, cả ngày lẫn đêm, bằng tình thương, sự nhẫn nại, công bằng và bình đẳng….Bhutan không muốn tách mình khỏi thế giới bên ngoài và trở thành một ốc đảo ở thế kỷ XXI. Chúng tôi muốn sự thịnh vượng nhưng không phải bằng sự trả giá cho những truyền thống và văn hóa tôn quý của mình. Chúng tôi mong muốn lợi ích của công nghệ hiện đại nhưng phải phù hợp với nhu cầu và năng lực nội tại của mình.”

    Đây là một phần bài diễn thuyết đầy xúc cảm, hùng biện về mong nguyện của nhà vua khi đăng ngôi. Đây cũng là tâm nguyện của những nhà lãnh đạo thực hành con đường Bồ tát, luôn biết điều phục các dòng tâm tham lam, ích kỷ, trưởng dưỡng những năng lực làm lợi ích tối đa cho tha nhân và chúng sinh. Đây có lẽ là lý do chính mà Liên Hiệp Quốc quyết định đưa chỉ số GNH, trong đó có lý tưởng phụng sự của nhà lãnh đạo, trở thành một mẫu hình mới trong kỷ nguyên phát triển ngày nay.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Tsa Yig Chenmo (English Translation), Sikkim and Bhutan: 21 years on the Northeast Frontier, 1887-1908, Translated by John White, p.02.

    2. Sđd, Translated by John White, p.03

    .3. Yonten Dargye, History of The Drukpa Kagyud School in Bhutan (12th to 17th Century A.D), National Library of Bhutan, 2001, p.32.

    4. Seiji Kumagai, Bhutanese Buddhism and its culture, Vajra Book- Dragon Pub., 2014, p.68.

    5. Karma Phuntsho, The History of Bhutan, Random House India Pub., 2013, p.115.

    6. Wangchuck Dynasty, 100 years of Enlightened Monarchy in Bhutan, Lhama Dorji.

    CHUYÊN ĐỀ BHUTAN: Chuyên đề được thực hiện bởi dịch giả La Sơn Phúc Cường, sự đóng góp tư liệu và lược dịch bởi Cư sĩ Anh Vũ và Nguyễn Thị Trang (Học viện Tài chính), sự cộng tác của cư sĩ Cát Khánh Công ty Lantours.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều