Ngày 26/12/2020, Báo Mới – Tin Nóng 24h đưa tin về một hiện tượng giả sư đang làm chao đảo trên mạng xã hội. Vì trong hình thức Tăng sĩ người này tuyên bố:” Ăn tất cả các loại thịt”. Khiến cho cộng đồng Phật giáo bức xúc. Những người bàng quang chưa tìm hiểu kỹ vội lên án Phật giáo, phỉ báng Tam Bảo, dù trước đó ngày 17/10/2014, Trên báo Người Phật Tử Online, Thượng Tọa Thích Chân Tính chùa Hoằng Pháp Hóc Môn, Tp. HCM đã ra thông cáo đây là giả sư. Vậy tại sao Báo Mới lại cố tình giật tít câu view hạ thấp uy tín Phật giáo trong dịp lễ Giáng Sinh?
Được biết, người này tên là Nguyễn Minh Phúc (tự đặt pháp danh Thích Tâm Phúc) sinh 08/03/1983 hiện trú tại số nhà 144/45 (tự đặt tên nhà riêng của mình là chùa Hoằng Pháp Trung Ương), đường Giòng Cát, tổ 8, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp.HCM, lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để trục lợi, làm nhiều người lầm tưởng đây là chùa, do y đặt tờ giấy treo trước cửa: “Đạo Phật cho phép tu sĩ ăn thịt động vật. Chùa nhận các loại thịt động vật. …”Trong đó gồm: thịt trâu và tam tịnh nhục. Đã gây phẫn nộ trong dư luận.
Vấn đề ăn chay và ăn chay ngọ trai, Tam Tịnh Nhục trong đạo Phật là tuỳ thuộc vào truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ, Đại Thừa hay Kim Cang Thừa hoặc tuỳ theo quốc độ. Đó là hoàn cảnh văn hoá, tập tục bản xứ mà tiếp thu Kinh Luật Phật giáo theo từng giai đoạn khác nhau. Nên nếu không hiểu biết sẽ dễ sanh tâm phỉ báng,vì tầm nhìn hạn hẹp.
Ở các nước Phật giáo hiện nay là Quốc giáo như: Srilanlak, Myanmar , Thái Lan, Lào, Campuchia, hay vài địa phương của Ấn Độ, Việt Nam, theo Phật giáo Nguyên Thuỷ (Nam Tông), hoặc các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Nga…dù theo Truyền thống Kim Cang Thừa, chư Tăng đều ăn Tam Tịnh Nhục. Còn các nước theo Phật giáo Đại Thừa (Bắc Tông) như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Bu – Tan, đa số chư Tăng đều ăn chay. Duy chỉ có tại Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam, tuy theo Phật giáo Đại Thừa chư Tăng ăn Tam Tịnh Nhục là chủ yếu, nhưng vẫn khuyến khích ăn chay, tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Truyền thống chung của Phật giáo là tôn trọng Giới Luật Phật chế. Tuy nhiên do lịch sử truyền thừa, mà các Tông phái Phật giáo ứng dụng các bộ Luật khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh địa lý. Chung quy chia thành giới Thanh Văn, giới Tỳ Kheo và giới Bồ Tát. Riêng hành giả tu Mật Tông có giới luật riêng. Đó là tại sao lại có sự khu biệt giữa ăn chay và ăn mặn trong từng vùng miền và hệ phái trong lòng Phật giáo.
Giới luật Phật giáo chia ra làm hai truyền thống chính là Thanh Văn giới và Bồ Tát giới. Thanh Văn giới là dành cho người xuất gia nên gọi là Biệt Giải Thoát Giới. Còn Bồ Tát Giới dành cho cả hai chúng xuất gia và tại gia, nên gọi là Đạo Tục Thông Hành Giới, trong đó chỉ có Bồ Tát Giới là khuyến khích ăn chay. Bên cạnh đó còn có các kinh điển Đại Thừa như Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Kinh Lăng Nghiêm, cấm ăn thịt và buộc phải trường chay, vì nuôi dưỡng lòng Từ Bi.
Trong các bản giới Bồ Tát đang lưu hành hiện nay, duy có giới bản Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, gồm 10 Trọng 48 Khinh lưu hành tại Việt Nam và Trung Quốc do ngài Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch là cấm ăn thịt, điều này được Vua Lương Võ Đế khuyến khích và ứng dụng triệt để trong Phật giáo Trung Quốc. Nên chư Tăng thọ giới Bồ Tát theo giới bổn này, các kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già Tâm Ấn được xem trọng, nên đa số chư Tăng đều trường chay. Do đó, ăn chay đã trở thành nét đặt trưng của Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc, đó là do tập quán truyền thừa.
Tuy nhiên, trong các bản giới Bồ Tát khác như Kinh Ưu Bà Tắc Giới (Đại Chính, tập 24), gồm 6 trọng và 28 giới khinh, hay giới Bồ Tát trong Phật giáo Tây Tạng, Nhật Bản đều không nhắc đến việc cấm ăn thịt. Nên những ai thọ giới Bồ Tát theo các giới bổn còn lại, đều không bắt buộc phải trường chay. Bên cạnh đó các xứ Phật giáo Đại Thừa, Kim Cang Thừa như Tây Tạng, Mông Cổ khí hậu khắc nghiệt, nên tuy theo Phật giáo Đại Thừa, nhưng buộc phải ăn mặn vì khan hiếm rau củ.
Ngoài ra, tất cả truyền bản của giới Tỳ Kheo, tức Thanh Văn Giới thuộc cả hai truyền thống Nam Tông 227 giới, Bắc Tông 250 giới hoàn toàn không cấm ăn thịt. Trong Kinh Jivaka Sutta, Đức Phật cho phép chư Tăng được ăn Tam Tịnh Nhục. Đó là: “Không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng kêu la của con vật bị giết, không nghi ngờ con vậy đó vì mình mà bị giết”. Hoặc thêm hai điều kiện : “ là thịt động vật đã chết, hay thịt động vật đã bị loài khác giết chết ăn còn thừa lại”, thành Ngũ Tịnh Nhục. Đa phần các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ, trung thành với các điều kiện này do chỉ chấp nhận giới Thanh Văn nên ăn Tam Tịnh Nhục và giữ Ngọ Trai, nghĩa là không ăn phi thời. Tại đất nước Tích Lan tuy Phật giáo Nguyên Thuỷ là Quốc giáo, nhưng do ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa trong quá khứ, nên vẫn tồn tại cả hai hình thức ăn chay và Tam Tịnh Nhục.
Ngay cả chư Tăng miền Bắc Việt Nam, dù theo Phật giáo Đại Thừa, nhưng quý ngài đa phần do thọ giới Thanh Văn nên ăn mặn là chủ yếu. Tại Nhật Bản tuy truyền thống thọ giới Thanh Văn đã bị gián đoạn do hoàn cảnh lịch sử. Tuy nhiên chư Tăng phái Tân Tăng chỉ thọ Bồ Tát Giới, ăn mặn và lập gia đình. Riêng Phật giáo Tây Tạng chỉ có phái Mão Vàng của Đức Đạt Lai Lạt Ma là thọ giới Tỳ Kheo. Còn lại các truyền thống mật giáo khác đa phần đều lập gia đình. Hiện nay Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, khuyến khích chư Tăng Tây Tạng ăn chay vì nuôi dưỡng lòng Từ Bi và góp phần tránh biến đổi khí hậu. Riêng Ngài hiện tại vì lý do sức khỏe nên mỗi năm trường chay 6 tháng.
Xét về mặt lịch sử, sở dĩ quý sư Nguyên Thuỷ bác bỏ việc ăn chay vì y cứ theo Kinh tạng Pali, điều này do Đề Bà Đạt Đa trình lên Đức Phật, tuy nhiên bị Đức Phật bác bỏ. Vì Đề Bà Đạt Đa phạm tội Phá Hoà Hợp Tăng, gây ra sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Tuy nhiên, đứng về góc độ kinh điển Đại Thừa thuộc Hán Tạng và Phạn Tạng thì Đức Phật khuyến khích. Vì lợi ích của sự ăn chay là hạn chế được tâm sân, nuôi lớn tình thương. Do đó, việc ăn chay hay mặn trong đạo Phật là không bắt buộc, tuỳ theo truyền thống mà có văn hoá ẩm thực khác nhau. Dù vậy, theo sự nghiên cứu khoa học hiện nay vì lý do sức khỏe, bảo vệ môi trường và sống an lành thì ăn chay chiếm ưu thế hơn. Do đó, ăn chay chính là nét đặc trưng tiêu biểu của văn hoá ẩm thực Phật giáo, nhất là giúp hành giả dễ tĩnh tâm hơn.
Mục tiêu của đạo Phật là giải thoát sanh tử. Bất kỳ truyền thống nào của Phật giáo đều tôn trọng giới cấm không sát sanh. Dù là ăn Tam Tịnh Nhục hay Ngũ Tịnh Nhục. Tuy nhiên, xét về quan hệ cung cầu, nhân quả, nghiệp báo, nên trong kinh điển Đại Thừa mở rộng thêm việc ăn chay là hạn chế tối đa sự giết hại. Do đó, ăn chay hay ăn Tam Tịnh Nhục trong Phật giáo, đó là do ảnh hưởng của văn hoá vùng miền và sự tiếp thu Kinh Luật trong từng giai đoạn giáo hoá của Đức Phật, vì vậy cần được tôn trọng bình đẳng.
Qua đó, đủ thấy hiện nay tại nước ta tuy Phật giáo Đại Thừa phát triển chủ yếu, nhưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam gồm rất nhiều hệ phái khác nhau, do đó, vẫn tôn trọng sự hành trì đặc trưng của các sơn môn. Vì vậy, chư Tăng Việt Nam tuỳ theo hệ phái mà việc ăn chay hay mặn có khác nhau. Trước khi muốn kết luận một vị nào phạm giới do ăn uống thì phải biết rõ vị ấy sinh hoạt theo Phật giáo miền nào? Thuộc Nam Tông hay Bắc Tông? đã thọ giới nào? Chứ không thể đánh đồng vì thiếu hiểu biết.
Vì ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa trong suốt chiều dài lịch sử, nên việc ăn chay tại nước ta đã trở thành phổ biến. Đây là cái cớ cho ngoại đạo lợi dụng sự thiếu hiểu biết của quần chúng, giả hình thức Tăng sĩ để xuyên tạc Phật giáo. Như trường hợp Nguyễn Minh Phúc là ví dụ điển hình. Ngay cả tờ giấy in ngoài cổng của y, cũng sai hoàn toàn. Vì Đức Phật không hề cho phép chư Tăng ăn tất cả loại thịt như y nói, nếu đó trái với Tam Tịnh Nhục. Trong Kinh Jivaka Sutta, Đức Phật dạy: “Jivaka, Ta nói rằng thịt có ba trường hợp không nên dùng, khi nhìn thấy, nghe thấy hoặc khi nghi ngờ (có một con vật đã bị giết cho một Tăng sĩ). Ta nói trong ba trường hợp này thịt không nên ăn. “Ngoài ra đức Phật cũng cấm không được ăn 10 loại thịt: “thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu.”
Như vậy, đã bộc lộ rõ bản chất lưu manh của sư giả Thích Tâm Phúc là tên vô học. Chưa kể, việc mạo danh là chùa “Hoằng Pháp Trung Ương”, trong khi đó không phải cơ sở thờ tự hợp pháp. Điều đáng nói tại đây là tại sao Ban Trị Sự Phật giáo huyện Hóc Môn và chính quyền địa phương chưa chịu kết hợp xử lý, để diễn ra tình trạng bất ổn như hiện nay làm tổn thương Phật giáo và lừa gạt tín đồ, gây bất ổn xã hội? Rất mong Ban Trị Sự Phật giáo Tp.HCM vào cuộc, buộc phải di dời tất cả tượng Phật của Nguyễn Minh Phúc về cơ sở hợp pháp. Cần phối hợp điều tra về tội danh lừa đảo nếu y đã mạo danh Tăng sĩ để vận động trục lợi. Nhất là những ai đã bị y lừa đảo cần phải lên tiếng, viết đơn tố cáo gửi về công an huyện Hóc Môn, để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Bên cạnh đó, Ban Biên tập Báo Mới – Tin Nóng 24h, phải chịu trách nhiệm về hành vi xuyên tạc Phật giáo của mình. Khi cố tình đánh lận con đen bằng caption: ”Mọi người xem và nhận xét có đúng với GHPGVN không, chùa Hoằng Pháp Trung Ương”, trên clip siêu hot của giả sư Tâm Phúc để trục lợi, câu view bất chánh. Phải chăng Báo Mới có dụng ý bất hảo, tiếp tay cho ngoại đạo đánh phá Phật giáo? Rất mong GHPGVN, chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử trong và ngoài nước kiên quyết lên án Báo Mới và giả sư Tâm Phúc. Ban Biên Tập Báo Mới phải xin lỗi Phật giáo, cũng như giả sư Nguyễn Minh Phúc, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Lý Diện Bích