Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Khác
    HomeTin TứcLễ Phật Thành Đạo Tại Chùa Trí Nghiêm (Hạnh Nghiêm), Tân Thành...

    Lễ Phật Thành Đạo Tại Chùa Trí Nghiêm (Hạnh Nghiêm), Tân Thành BRVT- PL 2564- DL 2021

    Hằng năm cứ mỗi độ đông về, khi tiết trời còn se lạnh, những bông hoa dại ven đường đã cùng nhau khoe sắc dưới ánh nắng ấm áp của buổi bình minh. Từng đàn bướm dập dìu bên những bông hoa mới nở, như tô điểm cho bức tranh thiên nhiên càng thêm rực rỡ sắc màu. Hòa cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên của đất trời, lòng người cũng hân hoan vui mừng đón ngày trọng đại của Phật giáo trên toàn thế giới, đó là ngày Bồ Tát Tất Đạt Đa Viên Thành Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

    Ngược dòng lịch sử hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, nơi đất nước Ấn độ, Đức Bổn Sư của chúng ta đã chứng đạo dưới cội Bồ Đề, thuộc vùng Ưu Lâu Tần Loa, gần thị trấn Gaya, tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn Độ. Sự giác ngộ, chứng đạt chân lý tối thượng của Ngài là một sự kiện vô cùng trọng đại, ánh quang minh trí tuệ đã bừng sáng, xóa tan bóng tối si mê, ánh sáng của từ bi, trí tuệ, của sự giác ngộ đã soi chiếu dẫn đường cho chúng sanh ra khỏi dòng sanh tử luân hồi.

    Hôm nay nhân kỷ niệm ngày Thành Đạo của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Hòa chung với niềm vui của nhân loại trên thế giới nói chung cũng như đất nước Việt Nam nói riêng. Chúng ta, những người đệ tử Phật tại hai ngôi chùa Trí Nghiêm và Hạnh Nghiêm cũng long trọng tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày Thành đạo của Đức Phật.

    Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh này, chúng ta bồi hồi xúc động nghĩ nhớ lại quá trình tìm cầu đạo quả của một vị thái tử, sống trong giàu sang nhung lụa, chăn ấm nệm êm. Nhưng vì ai? vì sao mà Thái tử đã không hưởng thụ, không tự mãn mà Ngài đã bỏ lại ngai vàng, bỏ lại tấc cả những dục lạc của thế gian, để Ngài chọn lối sống khổ hạnh nơi rừng già, sống trong sự thiếu thốn cùng cực. Ngài đã trãi qua sáu năm khổ hạnh, đói rét và vô số cái khổ về thân. Cơ thể có thể héo mòn đến sức cạn lực tàn nhưng mà tinh thần và ý chí ngút ngàn Ngài không từ bỏ chí nguyện tìm cầu sự giác ngộ giải thoát. Rồi trãi qua 5 năm tìm thầy học đạo Ngài cũng chứng đắc được một số tầng mức thiền định, nhận thấy chưa đạt đến sự giải thoát viên mãn như ngài mong đợi. Cuối cùng ngài đã tự mình thiền định dưới cội cây bồ đề suốt 49 ngày đêm. Với nghị lưc phi thường chiến đấu với ngoại ma và giặc phiền não trong tâm, cuối cùng Ngài đã thành tựu viên mãn đạo quả bồ đề, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

    - Advertisement -

    Qua đó chúng ta cũng có thể cảm nhận được giá trị vô cùng to lớn của đêm Thành Đạo. Chỉ có tinh tấn, thiền định mới khai mở trí tuệ, mà trí tuệ mới chính là ánh sáng của sự Giác Ngộ.

    Sau khi Thành Đạo, Đức Phật đã trãi qua một quá trình hành đạo xuyên suốt trong 49 năm không ngừng nghĩ. Ngài đã độ vô số chúng sanh tu hành chứng quả và tạo duyên lành cho vô số chúng sanh biết được Phật Pháp. Là những người con Phật chúng ta phải sống và hành trì theo những lời chỉ dạy của Ngài, hướng cuộc đời của mình về nẻo thiện, hành trì theo giới luật, hướng tâm mình về ánh sáng trí tuệ của đức Như Lai. Chúng ta xoay lại tự tâm để khai mở tuệ giác nơi chính bản thân mình, đó là trí tuệ của sự Giác Ngộ, là sự thành tựu đạo quả mà đức Phật đã hướng dẫn cho chúng ta. Làm được điều đó mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật, mới có thể đền đáp phần nào trong bốn trọng ân mà người xuất gia luôn mang nặng bên mình.

    Nhờ có đêm Thành Đạo mà từ đây cả thế giới được thắp sáng bằng niềm tin bất diệt, được sưởi ấm bởi tình thương yêu và được nuôi lớn bằng những đạo lý nhiệm mầu. Với trí tuệ của bậc giác ngộ, Ngài đã dạy cho chúng ta thấy rõ thế gian là vô thường và vạn vật trên thế gian đều do duyên hợp mà có, nó chỉ là do quan hệ duyên khởi nên không có tự ngã. Những nỗi khổ đau của con người ở trong thế gian không do một ai có thẩm quyền áp đặt, mà chính là do lòng tham dục, tính hận thù và sự kiêu căng nơi tâm họ tạo nên. Tâm cũng vô thường như bất cứ những sự vô thường nào ở trên thế gian, nên những khổ đau của con người không phải là trường tồn mãi mãi. Nó có thể thay đổi khi nhân và duyên của nó được thay đổi. Vì vậy chúng ta phải biết cách làm chủ thân tâm mình, để sống đời vô ngã vị tha trên nền tảng của Phật Pháp.

    Kỷ niệm ngày Thành Đạo là tôn vinh giá trị của sự giác ngộ. Chúng ta cố gắng tinh tấn tu hành theo lời dạy của đức Từ Phụ để mong sớm thành tựu viên mãn đạo quả Bồ Đề Vô Thượng. Cầu mong tất cả chúng sanh ai ai rồi cũng sẽ có được một ngày thành tựu đạo quả nơi chính bản thân mình.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

       

    Sơn Thạch Lâm

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều