Hình ảnh vị vương tử rời bỏ vương thành Ca-tỳ-la hoa lệ, rời bỏ cung vàng điện ngọc, quyền uy và lạc thú trần gian để trở thành vị Sa môn đi tìm lẽ thật của cuộc đời là biểu tượng đã tạo nên bao niềm xúc động.
Trên lưng ngựa Kiền Trắc, ngài vượt qua dòng sông Anoma, ranh giới chia đôi bờ hư – thật. Đặt chân đến bờ bên kia, Thái tử Tất Đạt Đa cũng đồng thời bước vào đời sống của vị tu sĩ du phương lấy trời đất làm nhà, lấy việc tìm ra chân lý làm mục tiêu, đời sống mà trước đó ngài chưa từng một lần nếm trải.
Sự xả ly mà Đức Thế Tôn thực hiện đã đạt đến tột cùng dũng mãnh và vô úy, chúng ta có thể không ngại ngần khẳng định như vậy.
Bởi chăng, nếu không có sự dũng mãnh, Ngài làm sao dám từ bỏ tất cả những gì mà biết bao phàm nhân nhận làm chân lý của kiếp sống để lên đường? Nếu không có đức vô úy, làm sao vị vương tử chỉ vừa độ xuân xanh có thể dấn thân vào hành trình mà kể cả Ngài còn chưa biết được điều gì sẽ chờ mình ở bên kia dòng nước.
Cho đến tận hôm nay, cuộc đời và cuộc lên đường của thái tử Tất Đạt Đa vẫn là nguồn cảm hứng cho hàng con Phật và cho cả nhân loại.
Nếu không có tình thương và lòng bao dung rộng lớn, không mang trong mình đức vô úy, chí khí phi thường vượt lên trên mọi cám dỗ tầm thường, ngài ắt hẳn đã không làm được những điều lớn lao như vậy.
Và đức Phật còn là tấm gương của một người đã bằng năng lực tự thân, vượt thắng chính mình để trở thành bậc Đại Giác, nâng mình lên một địa vị cao hơn hết thảy mà suốt mấy ngàn năm lịch sử nhân loại vẫn còn tưởng nhớ.
Địa vị ấy của ngài, chúng ta có thể diễn tả một cách ngắn gọn, chân thực nhưng cũng không kém phần tôn quý: “Một Con Người vượt lên trên mọi con người”.