Chiều 6-12 (tức 22 tháng 10 âm lịch), tại Đền Thái Tổ Trần Thừa, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), đã diễn ra lễ dâng hương, khởi hành cung rước và an vị Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trong dịp Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, được sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt… sẽ tổ chức Lễ cung rước và an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đức Vua Trần Nhân Tông là vị Hoàng Đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, là nhà văn hóa xuất chúng, nhà tư tưởng vĩ đại, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao. Ngài đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đậm bản sắc Việt.
Hào khí Đông A được kết tinh trong con người Phật hoàng với chiến tích hai lần chỉ đạo quân và dân Việt đánh thắng quân Nguyên; hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Sau chiến thắng, Ngài cởi Hoàng bào lên Yên Tử tu hành và hóa Phật.
Giáo lý Phật hoàng nổi bật tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời, đậm nét dân tộc và là một thành tố văn hóa Việt; ngời sáng tâm thế lấy lợi ích dân tộc và chúng sinh làm căn bản, tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục. Thiền Trúc Lâm là sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học siêu nhiên Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo. Thiền phái này không phân biệt tu sĩ ở chùa và cư sĩ tại gia, việc tu tập nhằm khơi tính Phật trong tâm.
Vị thế của Ngài được nhiều nước trên thế giới tôn vinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lấy ngày 01-11 âm lịch hằng năm là ngày Quốc giỗ Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.
Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm và cung rước, an vị Tôn tượng Phật hoàng năm nay, ông Michael Croft, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã gửi thư chúc mừng và tôn vinh sự kiện, thể hiện sự quan tâm của thế giới tới một sự kiện văn hóa, tôn giáo và truyền thống của Việt Nam thông qua Phật sự mang nhiều ý nghĩa.
Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được cung rước trong dịp này làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi cao 2,2m, lớn nhất từ trước đến nay. Tượng do Nghệ nhân – họa sĩ Nguyễn Đăng Vông cùng các đồng sự thực hiện sau nhiều tháng lao động nghệ thuật công phu tác tạo, thể hiện hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông cởi bỏ hoàng bào bên suối quy Phật.
Hành trình cung rước và an vị Tôn tượng Phật hoàng trải dài gần 2.000km, từ Nam Định vào Tiền Giang với nhiều hoạt động lễ, hội được tổ chức từ ngày 6 đến 20-12. Tại lễ khởi hành cung rước, an vị, các đại biểu và tăng ni, Phật tử đã làm lễ dâng hương cúng Vua và các vị tiền hiền nhà Trần tại Đền Thái Tổ Trần Thừa ở thôn Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (Nam Định).
Sau lễ khởi rước, Tôn tượng Phật hoàng sẽ được rước qua các địa phương và được an vị để nhân dân chiêm bái vào ngày 14-12 tại Đại lễ tưởng niệm 712 năm Ngài nhập Niết bàn tại Việt Nam Quốc Tự ở quận 10 (TP Hồ Chí Minh).
Ngày 20-12 (7 tháng 11 âm lịch), Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông an vị theo nghi thức Phật giáo tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), cùng ngày sẽ tổ chức Lễ đặt đá xây dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt tại Thiền viện.
Bên cạnh không gian trưng bày chân dung, bia đá và các bài kệ của những vị thiền sư Việt Nam nổi tiếng trong hơn 2.000 năm, tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sẽ phục dựng am Ngọa Vân, nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật bằng chất liệu gốm cổ Luy Lâu do các kiến trúc sư và nghệ nhân nổi tiếng thiết kế và thực hiện.
Tại lễ khởi rước và an vị Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tối 6-12, đã diễn ra chương trình nghệ thuật – võ thuật “Ngút trời hào khí Đông A” tại Đền thờ Thái Tổ Trần Thừa. Chương trình được đầu tư công phu với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ đến từ nhiều đoàn nghệ thuật cùng nhiều võ sư tiêu biểu và 100 võ sinh đến từ các võ đường nổi danh trong cả nước.
Các đại biểu và nhân dân tham dự đã được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật tôn vinh Đức Phật hoàng và Phật học Việt Nam, và các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân tộc đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, do các nghệ sĩ biểu diễn cùng những màn trình diễn thiền học và võ thuật, võ nhạc, thư họa hào hùng, tái hiện hào khí Đông A tôn vinh võ công, văn trị một thời của ông cha.