Audio bài viết>>
Chuyện phân hóa giàu nghèo không mới, một cực phát triển và cực kia tập hợp giai tầng dễ tổn thương làm nhức nhối những ai có tâm với cuộc đời.
Bên cạnh các doanh nghiệp có vốn la liệt con số 0 nhiều như nấm, còn nhiều hơn cả nấm là nỗ lực duy trì sinh tồn, mưu sinh lương thiện của bao người đồng vốn cộng dồn có khi không đầy một tờ bạc có mệnh giá lớn, hàng vạn người bán vé số hàng rong vất vả nắng mưa mưu cầu cơm gạo.
Tôi từng đi bán vé số, mòn chân khắp nẻo có khi chỉ bán được mấy tờ, nên hiểu tận cùng nơi cơ cực của nghề này. Lắm khi người ta mua giúp vì thương chứ không hẳn song phẳng bán mua như với hàng hóa thông thường. Người già, khuyết tật, trẻ em đi bán vé số khá đông, xấp vé số đống vai trò sợi dây mỏng mạnh nối những người nghèo khổ yếu thế với cuộc sống. Và, như đã viết, không ít người mua vé số vì thương thôi…
Đêm Sài Gòn sáng ánh đèn, ở một quán cà phê bên lề đường đầu phố Trần Bình Trọng, khách đang nhâm nhi các thức uống chế biến nhiêu khê lạ lẫm, một cụ bà lưng còng chống gậy rụt rè chào mời vé số, tôi mua hai vé, anh xe ôm chạy vào mua giúp 3 vé không cần lựa, chú khách ngồi cạnh lặng lẽ lấy mấy tờ và trao cụ mấy tờ bạc màu xanh đậm loại 100.000 đồng cùng câu nói rất khẽ: con biếu cụ. Rõ ràng, bà cụ bán vé số cho mấy người khách không ai có vẻ mặn mà chuyện chơi vé số, họ mua vì thương cụ già rồi phải chống gậy mưu sinh trong đêm thành phố rộn ràng thế này. Cụ gật đầu cảm ơn và chậm chạp đi ra, tôi dõi mắt nhìn đến khi cụ khuất hẳn.
Tính tiền ly nước và đi, nhưng vẫn không quên nghiêng đầu chào vị khách trẻ ngồi cạnh, cả hai nhìn đều thấu hiểu dù không ai nói ra.
Thế đấy, bạn hãy để ý xem, không chỉ vé số, bà con mình mua bao nhiêu loại hàng của cụ ông cụ bà, trẻ nhỏ, người khuyết tật, chỉ vì cái tình. Khi ấy chuyện bán mua chỉ còn là cái cớ mà thôi. Cuộc đời vẫn đẹp phải không?