Thứ Ba, Tháng Chín 17, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiHướng dẫn về một tang lễ Phật giáo đúng đắn

    Hướng dẫn về một tang lễ Phật giáo đúng đắn

    “Không bao lâu thân này

    Sẽ nằm dài trên đất

    Bị vứt bỏ vô thức

    Như khúc cây vô dụng”

    (Kinh Pháp Cú, phẩm Tâm số 41)

    - Advertisement -

    Đời người ngỡ tưởng rất dài nhưng sự thực lại quá đỗi mong manh, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ vỏn vẹn trong một hơi thở. Sinh – lão – bệnh – tử là quá trình ai cũng phải trải qua, không thể phủ nhận, không thể chối bỏ. Chúng ta giống nhau khi cất tiếng khóc chào đời nhưng lại khác nhau ở cách thức lìa xa cõi hồng trần, trả lại thân xác giả tạm cho thế gian.

    Đứng trước nỗi đau mất đi người thân, con người ta thường hoảng loạn và cố gắng làm đủ mọi cách, mong sao cho người quá cố được tái sinh về một cảnh giới an lành. Người chọn cách lặng lẽ tiễn người về với đất, kẻ “khua chiêng gõ mõ” chọn cách rình rang, ai cũng loay hoay không biết làm thế nào để có một đám tang trọn vẹn, mang đến điều tốt đẹp cho người đã khuất. Đặc biệt, đối với những người Phật tử đã có tín tâm với đạo Phật thì một tang lễ đúng với tinh thần Phật giáo là điều vô cùng ý nghĩa mà ai cũng mong cầu.

    Thấu hiểu và đồng cảm với trăn trở trước việc hệ trọng mà đời người ai cũng ít nhất một lần trải qua này, với sự trợ duyên hiệu đính từ Đại đức Thích Đồng Lực, Sư Cô Thích Nữ Nguyên Tịnh đã dày công nghiên cứu và chọn lọc tư liệu từ Hiệp hội hợp tác Phật giáo Malaysia để biên dịch thành cuốn sách “Hướng dẫn về một tang lễ Phật giáo đúng đắn” dành cho cư sĩ Phật tử Việt Nam.

    Cuốn sách dày 78 trang, chia làm 8 phần ngắn gọn, súc tích; nội dung phác thảo đầy đủ các bước tiến hành cho một tang lễ như: Những việc cần làm khi một thành viên trong gia đình bị bệnh nặng; Những khoảnh khắc cuối cùng; Khi cái chết xảy ra; Chuẩn bị cho tang lễ; Bày tỏ sự tôn trọng cuối cùng; Nghi thức cuối cùng; Lễ chôn cất/hỏa táng; Dịch vụ tưởng niệm… giúp độc giả ở mọi tầng lớp đều có thể dễ dàng tiếp cận và thực hành.

    Trong cuốn sách, tác giả bày tỏ: “Mặc dù đức Phật không đưa ra những quy tắc về các nghi thức riêng dành cho hàng cư sĩ, nhưng Ngài cũng đặc biệt không cấm giới đệ tử tại gia, những người vẫn còn bị dính mặc rất nhiều vào của cải vật chất, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn của họ, nhất là khi phải đối mặt với cái chết và sự chia ly…”

    Tập sách nhỏ này – như tiêu đề ngụ ý, không phải là một nghiên cứu học thuật mà là một cẩm nang hướng dẫn việc cử hành tang lễ Phật giáo một cách đúng đắn dành cho những người cư sĩ. Bên cạnh việc duy trì tính đơn giản như chủ trương của trường phái Nguyên thủy, tập sách cũng kết hợp các yếu tố của truyền thống khác.

    Giai thoại của một kiếp người sẽ kết thúc bằng một đám tang. Kẻ khóc, người đưa, kèn trống, tràng hoa… có nhiều đến đâu cũng trở nên vô ích nếu người còn sống không biết thực hành điều lợi ích, thiết thực, không biết tạo dựng công đức cho người đã quá cố để trợ lực cho họ được về với cảnh giới an vui. Tổ chức một tang lễ Phật giáo đúng đắn dựa trên tinh thần Phật dạy chính là việc làm thiết thực mà quý độc giả có thể thực hiện để tiễn đưa người quá cố trên hành trình cuối cùng của kiếp sống này.

    Kính mời quý độc giả tìm đọc cuốn sách “Hướng dẫn về một tang lễ Phật giáo đúng đắn” tại Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế – Vĩnh Nghiêm Tùng Thư.

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều