Trong kinh Kim Cang nói: “Phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm”. Nghĩa là Bồ Tát nhìn thấy các pháp như huyễn, không thật có, mà làm tất cả lục độ, vạn thiện để độ sanh với tinh thần “dĩ huyễn độ huyễn”. Chứ chẳng phải vô công nhàn rỗi.
Nhiều vị tu học pháp môn Tịnh độ, cứ nghĩ rằng, phải ráng làm mọi công đức, để trang nghiêm y báo của mình nơi cõi Tây Phương, nhưng thật ra điều đó chẳng cần thiết. Vì cõi Phật thanh tịnh, tự trang nghiêm, thì đâu cần ai thêu hoa trên gấm?
Kinh A Di Đà nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”, nghĩa là: không thể dùng chút ít nhân duyên phước đức căn lành được sanh về cõi kia. Muốn được vãng sanh, thì ngay trong đời ngũ trược ác thế này, chúng ta phải dốc sức trang nghiêm thế tục. Dùng phước đức mà cải đổi nhân tâm, thay đổi xã hội, đó là tư tưởng Tịnh Độ Hoá Nhân Gian nghĩa là đem 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà đi vào đời sống của chính mình. Đó mới là thiết thực tu tập Tịnh Độ, không phụ bản hoài của chư Phật.
Nhưng rất tiếc, đa số Phật tử hiện nay ít chú trọng điều ấy, chỉ mãi lo niệm Phật cầu sanh Tây phương mà quên mất bổn phận trong đời sống hiện tại của mình. Dù việc sanh tử là rất thống thiết, nhưng đâu phải tu là buông xuôi tất cả để Chánh Pháp suy vi, biến bi nguyện tiếp dẫn của Đức Phật Di Đà thành ngoại giáo thần quyền.
Cõi Cực Lạc là cõi của chư Phật, Bồ Tát và chư Thượng Thiện Nhân câu hội, làm sao có thể dung chứa hạng người thất trách? Tuy kinh Tịnh độ diễn tả cảnh đẹp trang nghiêm thù thắng nơi cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nhưng đó cũng là biểu đạt cảnh giới của tự tâm. Người muốn tỏ bản tâm, phải thấu tất cả đều không, chẳng rời tự tánh.
Ấy là cảnh giới Thường Tịch Quang Tịnh Độ mà chư Tổ Sư Việt Nam, cực lực đề xướng. Như Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói: “Di Đà là tự tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc?”. Nên vãng sanh về cõi Tịnh độ, chỉ là thứ yếu hạ phẩm hạ sanh sau cảnh giới thượng phẩm thượng sanh trong tư tưởng Tịnh độ Phật Giáo Việt Nam, đó là trước kiến tánh, sau nguyện vãng sanh.
Thiền Tịnh bất nhị, hay nói cách khác Tịnh cũng là chỗ quy thú của Thiền. Nên một câu A Di Đà đồng với tiếng hét của Tổ Lâm Tế, đốn siêu ba cõi, bặt dứt vạn duyên, chỉ cần thâm tín. Đó là lý do, tại sao tư tưởng Tịnh độ của Việt Nam rất gần gũi với Thiền, phần đa chư vị Thiền sư cũng dùng pháp môn Niệm Phật để truyền pháp. Nên chi, trách nhiệm của người Phật Tử là trang nghiêm tự thân, trước khi trang nghiêm Tịnh độ. Vì không có cõi Phật nào ngoài tâm mình, lòng thanh tịnh là giải thoát.
Kinh A Di Đà được xét trong mười hai bộ kinh, là kinh Vô Vấn Tự Thuyết, do không cần người hỏi Đức Phật vẫn dạy rõ cho ngài Đại Trí Xá Lợi Phất, vì tầm quan trọng của nó. Nếu không có sự ra đời của Đức Phật Thích Ca nơi cõi Ta Bà uế độ này, thì vĩnh viễn chúng ta không thể biết đến Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc và pháp môn Tịnh độ.
Nên hiện tượng quý liên hữu chỉ thờ Đức Phật Di Đà hoặc Tây Phương Tam Thánh mà bỏ thờ Đức Phật Thích Ca là theo ngọn bỏ gốc, chưa qua cõi Cực Lạc đã phụ ân lớn của ngài. Nên nhất định trước khi thờ các vị Phật phương khác, phải thờ Đức Phật cõi này. Có như vậy, lâu ngày sự truyền bá đạo Phật không bị mất gốc và tránh những hiện tượng sai lệch trong giáo pháp, đó là khuynh hướng chống lại thần quyền trong lịch sử Phật Giáo.
Thậm chí đau lòng hơn, khi ngày lễ vía Phật A Di Đà được Phật Tử rủ nhau tổ chức rầm rộ mà quên mất ngày Đản Sanh của Đức Phật lịch sử cõi này. Trong khi, ngày khánh đản Đức Phật A Đi Đà 17/11 âm lịch hàng năm hoàn toàn không có trong kinh văn đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Bổn A Di Đà…
Thực ra, ngày 17 tháng 11 âm lịch là ngày sanh của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Tổ sư đời thứ sáu của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật Giáo Trung Quốc. Tương truyền ngài là hoá thân của Phật A Di Đà. Nên lấy ngày sanh của hóa thân Phật A Di Đà (Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ) được chọn làm ngày vía Khánh Đản Phật A Di Đà.
Theo truyện ký, vào thời Ngô Việt Vương, tại Hàng Châu có Hòa thượng Hành Tu trụ trì chùa Pháp Tướng, tham vấn với Tuyết Phong Thiền Sư, ngộ được tâm ấn nổi tiếng là vị Tăng có nhiều sự phi thường, linh dị.
Ngô Việt Vương nhân khi đến chùa lễ Phật, hỏi Đại sư Vĩnh Minh:
– Bạch Tôn đức! Thời nay có bậc chân Tăng nào khác chăng?
Đại sư đáp:
– Có Hòa thượng Hành Tu, đôi tai dài, chính là Phật Định Quang ứng thân đấy!
Vương y lời tìm đến ngài Hành Tu ở chùa Pháp Tướng, cung kính đảnh lễ, tôn xưng là Định Quang Như Lai ra đời.
Hòa thượng Hành Tu bảo:
– Đại sư Vĩnh Minh thật khéo nhiều lời. Ông ta cũng chính là Phật A Di Đà ứng thân đó! Nói xong, Hòa thượng Hành Tu ngồi yên mà hóa.
Ngô Việt Vương vội vã trở về chùa Vĩnh Minh định gạn hỏi cho rõ ngọn ngành thì Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ cũng vừa thị tịch”. Căn cứ theo sự thị hiện này, từ đấy lấy ngày sanh của Hòa Thượng Vĩnh Minh mà lam ngày kỷ niệm Đức Phật A Di Đà.
Nhưng suy cho cùng, chẳng lẽ trong tư duy của quý vị ngày đản sanh của một vị Tổ còn quan trọng hơn cả ngày đản sanh của Đức Phật lịch sử, được cả thế giới tôn vinh, Liên Hiệp Quốc tổ chức long trọng kỷ niệm? Vậy mà không ít liên hữu làm ngơ, chẳng biết đâu là nguồn cội? Đã chẳng tôn trọng Giáo Tổ Thích Ca của Tịnh Độ Tông thì làm sao vãng sanh Tịnh độ?
Ngay cả đức Phật A Di Đà còn phải thọ ơn Đức Phật Thích Ca, chính vì: “Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta Bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tất cả thế gian khó tin này” (Kinh A Di Đà). Nếu tu Phật, để sống theo lối đánh mất thực tại quên cả trách nhiệm của mình, thì có lẽ Phật Tử đã đi sai đường. Đó là người tà dùng pháp chánh, chánh cũng hóa ra tà.
Hơn nữa, ngoài việc ấn tống tượng Phật A Di Đà, treo cờ, thả hoa đăng mừng khánh đản hóa thân Tây Phương giáo chủ, thiết nghĩ quý Phật Tử tu Tịnh độ phải dốc lòng tạo tượng Phật Đản Sanh, in băng rôn biểu ngữ Phật Đản, thỉnh cờ Phật Giáo, làm đèn hoa sen tặng các gia đình Phật tử trong mỗi dịp chuẩn bị rằm tháng tư, nhằn phổ biến Phật Giáo nhân gian, để đáp ơn Giáo tổ.
Có như vậy thì mạng mạch Phật Pháp mới duy trì, pháp môn Tịnh Độ mới truyền được dài lâu, vì gốc đã vững thì ngọn mới mong thịnh đạt. Đấy là thay Phật Di Đà đền ơn Đức Phật Thích Ca, đã giúp cho ngài viên thành bản nguyện, rước chúng sanh từ nơi uế độ về Tịnh độ. Nếu phi Phật Thích Ca xuất hiện, còn ai dám nguyện đi vào nhân gian thành Phật trong đời này?
Đây cũng là cách tạo lập công đức Trang Nghiêm Tịnh Độ, hồi hướng vãng sanh Cực Lạc. Làm được như thế mới là lợi ích thiết thực cho chúng sanh, vì sự tồn vong của đạo Pháp.
Thiết tha lễ Phật Đản là Trang Nghiêm Tịnh Độ, chúng tôi rất mong quý Phật Tử thức tỉnh điều này.
Thích Như Dũng.