Đó là câu chuyện trở thành tu sĩ Phật giáo và giấc mơ lan tỏa giáo lý, sự thực hành Phật pháp của sư Buddharakkhita tại Uganda và khu vực châu Phi, nơi mỗi đứa bé được sinh ra phần lớn chỉ biết đến Ki-tô giáo và Hồi giáo.
Nhân duyên đặc biệt với Phật giáo
Sư Buddharakkhita (53 tuổi, thế danh Steven Kaboggoza), được sinh ra và trưởng thành tại thủ đô Kampala (Uganda), lần đầu tiên biết đến Phật giáo khi là du học sinh ngành thương mại tại Đại học Panjab (Chandigarh, Ấn Độ) vào năm 1990. Tại đây, trong số các bạn đồng học của sư Buddharakkhita có hai vị sư đến từ Thái Lan.
Sư Buddharakkhita trong một lần gặp gỡ với Đức Dalai Lama
“Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành kế toán trưởng. Khi nhìn các nhà sư, tôi cảm nhận sự bình an nơi họ và sự kết nối giữa chúng tôi. Tôi thực sự bị cuốn hút, tiếp xúc gần gũi và họ dần trở thành những người bạn hiếm hoi ở trường của tôi. Từ chia sẻ của các nhà sư, tôi được truyền cảm hứng tìm hiểu Phật pháp; đặc biệt là những lời khuyên thiết thực cho hạnh phúc tối thượng và đích thực trong cuộc sống này” – sư Buddharakkhita kể về nhân duyên với Phật giáo.
Sau đó, sư dành nhiều năm đến các quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng và Thái Lan để quan sát, tìm hiểu giáo lý và sự thực hành Phật giáo. Sư trở về Uganda sau 8 năm ở nước ngoài, rồi lại lên đường đến Hoa Kỳ, tham dự khóa tu thiền 3 tháng tại Hội Thiền nội quán Barre (Massachusetts) – nơi nhà sư gặp gỡ vị thầy của mình, sư Henepola Gunaratana. Năm 2002, sư xuất gia tại California dưới sự hướng dẫn của ngài U Silananda (Trung tâm Thiền Tathagata), với chí nguyện cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình, phụng sự đạo pháp.
Bất kể đi đến nơi nào, trải nghiệm tu học với truyền thống nào, giấc mơ kiến tạo một trung tâm Phật giáo ở quê nhà vẫn tiềm tàng và thôi thúc sư Buddharakkhita một cách mạnh mẽ. Quay trở lại Kampala vào năm 2005, với sự hỗ trợ tài chính từ các nhà hảo tâm châu Á, sư Buddharakkhita mua một mảnh đất tại thị trấn Entebbe, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trung tâm Phật giáo Uganda (UBC).
Những năm đầu hành đạo trên quê hương mình, sư Buddharakkhita gặp phải không ít trở ngại. Với sắc phục tu sĩ, người dân địa phương từng nhầm tưởng nhà sư với thầy lang dân tộc thiểu số Maasai, luôn giữ khoảng cách và từ chối tiếp xúc. Những người hàng xóm cũng ngại giao tiếp, thậm chí nhà sư từng bị tấn công ngay tại trung tâm và thoát được phát súng nguy hiểm trong gang tấc vì những hiểu lầm về văn hóa. Tuy vậy, sư Buddharakkhita không nản lòng và “xem sự cố này là cơ hội để biến tổn thương thành sức mạnh lan tỏa Phật pháp”.
Dần dần, các thành viên trong gia đình của sư Buddharakkhita chuyển sang Phật giáo bởi rung động trước những pháp thoại, hướng dẫn thiền và sự tôn trọng của những Phật tử nhập cư từ Nam Á trong vùng dành cho nhà sư. Đặc biệt, thân mẫu của sư Buddharakkhita cũng xuất gia sau đó và hiện đang tu học tại trung tâm.
Một thời gian sau, trung tâm có thêm ba vị tu sĩ từ Uganda, Rwanda và Ai Cập – những người tìm đến học pháp và quy y với sư Buddharakkhita. Kể từ khi trung tâm được hoàn thiện, Phật pháp và thiền chánh niệm bắt đầu được giảng dạy tại đây. Hội Phật giáo châu Phi được sư Buddharakkhita thành lập năm 2005, nhằm kết nối những cá nhân yêu mến thực hành Phật giáo khắp châu lục này.
Song song với việc hướng dẫn tu học, sư Buddharakkhita cũng triển khai nhiều dự án an sinh xã hội tại địa phương. Trung tâm Phật giáo Uganda đã tiến hành khoan giếng, xóa bỏ tình trạng thiếu nước sạch ở địa phương và chia sẻ nguồn nước sinh hoạt cho các cộng đồng lân cận; trồng nhiều cây xanh và phát động nhiều chương trình khai mở tiềm năng kinh tế cho phụ nữ bản địa; xây dựng và phát triển mô hình trường học Phật giáo mang tên “Trường học Hạnh phúc” (với sự hưởng ứng và chung tay của hơn 1.500 người dân).
Sau nhiều năm hành đạo và phục vụ cộng đồng, sư Buddharakkhita đã chọn cho mình phương thức truyền tải Phật giáo gần gũi, dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức của người dân bản địa và sự tương đồng giữa Phật giáo, văn hóa Phi châu. “Tôi sử dụng kho tàng tri thức của đất nước như nền tảng của mọi sự thuyết giảng. Chẳng hạn, tôi sẽ bắt đầu pháp thoại về nhân-duyên-quả bằng một thành ngữ phổ biến có liên quan của người dân Uganda. Bởi lẽ, bạn không thể bóc một nắm cát, rải xuống một nơi rồi nói ‘Đây chính là Phật pháp’. Theo tôi, cần phải chuẩn bị một mảnh đất đủ màu mỡ; và sau đó mang hạt giống pháp, gieo trồng trên đó…” – nhà sư chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp của bản thân tại quê nhà.
Mang lại nhận thức đúng đắn và giúp cộng đồng hạnh phúc hơn
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Guardian về những ngày đầu hồi hương, sư Buddharakkhita nhắc lại: “Khi trở về từ Ấn Độ, thân quyến và xóm giềng nghĩ tôi đã là một doanh nhân giàu có. Tuy nhiên, điều họ nhìn thấy là một tu sĩ Phật giáo Buddharakkhita; rồi sau đó là quyển sách ‘Gieo hạt giống Phật pháp tại châu Phi’ (Planting Dhamma Seeds in Africa) do tôi viết.
Trung tâm Phật giáo Uganda được xây dựng vào năm 2005
Song song hướng dẫn tu học, sư Buddharakkhita cũng triển khai nhiều dự án an sinh xã hội tại địa phương
Người dân địa phương và trẻ em tham gia các sinh hoạt tại Trung tâm Phật giáo Uganda
Mỗi ngày, tôi đều thực hành tâm từ, yêu thương và bốn nền tảng của sự chánh niệm (thân, thọ, tâm, pháp) bên cạnh hai thời kinh sáng, tối. Thực hành thiền có thể giúp chúng ta vượt qua đau khổ, có được hạnh phúc chân thực. Và tôi nhận thấy rằng, lời Phật dạy về Bát Chánh đạo chính là sự dẫn dắt thực tiễn cho cuộc đời mình – nhà sư nói.
Trước khi về lại Uganda và kiến thiết cơ sở Phật giáo sau thời gian dài tu học ở nhiều nơi, sư Buddharakkhita đã kinh qua những tháng năm đầy thử thách và xem đó là những bài học quý giá về chính bản thân mình, về con người, trí tuệ và quyết tâm tiến về phía trước.
“Các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa ở châu Phi vẫn chưa nắm bắt nhiều về đạo Phật và triết lý Phật giáo. Nếu họ có hiểu biết đầy đủ và đúng đắn, con đường thực hành tâm linh này sẽ nhanh chóng được phát triển.
“Các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa ở châu Phi vẫn chưa nắm bắt nhiều về đạo Phật và triết lý Phật giáo. Nếu họ có hiểu biết đầy đủ và đúng đắn, con đường thực hành tâm linh này sẽ nhanh chóng được phát triển.
Tôi tìm đến thiền tập và lan tỏa sự thực hành này vì sức mạnh của thiền tập có thể chữa lành khổ đau của nhiều thế hệ. Hầu hết người dân Uganda đều bị sang chấn tâm lý bởi lịch sử thực dân và nhiều vấn đề phát sinh vẫn đang diễn biến.
Theo thống kê, hiện có khoảng 3.000 Phật tử tại châu Phi. Nam Phi là nơi có số lượng người theo Phật giáo cao nhất vì phần lớn người dân đến từ châu Á, làm việc trong các mỏ vàng và kiến thiết chùa chiền nơi đây. Cho đến nay, tại châu Phi sự hiện diện của tu sĩ Phật giáo vẫn còn hạn chế. Riêng Uganda, với dân số 40 triệu người nhưng hiện chỉ có hai nhà sư được đào tạo và có thể hoằng pháp cộng đồng. Trung tâm Phật giáo Uganda đang triển khai kế hoạch đào tạo 54 vị tu sĩ Phật giáo trong thời gian 5 năm tới; sau đó mỗi vị sẽ được cử đến 54 quốc gia khu vực Phi châu để lan tỏa thông điệp sống hạnh phúc của Đức Phật – một phần kế hoạch của sư Buddharakkhita trong nỗ lực hoằng pháp tại châu lục này.
“Vẫn còn nhiều người khổ sở tại Uganda và châu Phi. Tôi nhận thấy việc làm của mình có thể góp phần giúp người dân châu Phi hạnh phúc hơn, chuyển hóa khổ đau hiện tại để có được sự an lành trong tâm hồn.
Tôi chia sẻ Phật pháp theo cách của người châu Phi, với mong muốn mọi người hiểu đúng về Đức Phật và giáo pháp của Ngài, cũng như xóa bỏ những hiểu biết sai lệch về Phật giáo. Tại Uganda và châu Phi, không ít người cho rằng Phật giáo là của người châu Á hay người Trung Quốc, gắn liền với các môn võ kung fu, taekwondo và karate chứ không liên quan gì đến châu Phi”.
Thông qua các hoạt động hướng dẫn thiền tập, từ thiện xã hội và xuất bản sách Phật học, sư Buddharakkhita vẫn không ngừng tìm kiếm cách thức hiệu quả nhất để giới thiệu, phổ quát Phật giáo đến người dân trong bối cảnh xã hội, văn hóa của Uganda và các nước châu Phi.
Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ
(theo Tricycle, The Guardian)
- Advertisement -