Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuHành trạng của quốc sư Minh Không

    Hành trạng của quốc sư Minh Không

    Từ vị quốc sư đầu tiên của nhà Lý là thiền sư Vạn Hạnh, nhiều triều vua sau của nhà Lý đều có lệ phong các vị sư lỗi lạc có công phò vua giúp nước làm quốc sư. Trong số các vị quốc sư đó, có quốc sư Minh Không – Tổ sư của chùa Lý Triều Quốc Sư.

    Truyện về quốc sư Minh Không có nhiều dị bản, nhưng trong đó có hai tài liệu có cơ sở nhất là Đại Việt Sử ký Toàn thư và Thiền Uyển Tập Anh.

    Quốc sư Minh Không được sách Đại Việt Sử ký Toàn thư nhắc đến 3 lần:

    Sự kiện thứ 1: “Thiên Thuận năm thứ 4 (tức năm 1311), Mùa hạ […] Dựng nhà cho đại sư Minh Không” [1]

    Đến năm 1136, “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này)” [2].

    - Advertisement -

    Sự kiện cuối cùng: “Mùa thu, tháng 8, quốc sư Minh Không chết (sư người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, rất linh ứng, phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả)” [3]

    Tôn tượng Quốc sư Minh Không.

    Tôn tượng Quốc sư Minh Không.

    Tác phẩm thứ hai ghi chép về quốc sư Minh Không là Thiền Uyển Tập Anh. Khi liệt kê thế hệ thứ 13 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tác phẩm kể ra tên của bốn vị thiền sư là Tăng thống Huệ Sinh, thiền sư Thiền Nham, quốc sư Minh Không và thiền sư Bảo Tịnh.

    Theo đó, quốc sư Minh Không sinh năm 1066, tịch năm 1141, là đệ tử của thiền sư Từ Đạo Hạnh tức sư tổ ở chùa Láng [4]. Sư tổ Từ Đạo Hạnh được thờ ở nhiều nơi, trong đó ba nơi lớn nhất là chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), chùa Đại Bi (Nam Trực, Thành phố Nam Định).

    Tại chùa Lý Triều Quốc Sư còn giữ lại một số ghi chép của các Phật tử cố cựu về lịch sử của chùa và quốc sư Minh Không. Khi tôi (tác giả bài viết-ND) về kế đăng Hòa Thượng Thích Thanh Định tự Quang Huy để làm trụ trì năm 1992, lần giở sách vở trong chùa thì thấy chép quốc sư sinh vào ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ (năm 1066). Như vậy ghi chép này trùng khớp với bộ Thiền Uyển Tập Anh.

    Từ các tư liệu trên, dưới sự hướng dẫn của trưởng lão Hòa Thượng Thượng Trí Hạ Quảng, đương kim Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội Đồng Chứng Minh, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch thì chùa kỷ niệm ngày khánh đản quốc sư Minh Không.

    Theo khảo cứu của chúng tôi ở địa phương, kết hợp với sử liệu từ Thiền Uyển Tập Anh, quốc sư Minh Không tên húy tại gia là Chí Thành, họ Nguyễn và là người làng Điền Xá, phủ Đại Hoàng, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

    Chùa Lý Quốc Sư - Hà Nội.

    Chùa Lý Quốc Sư – Hà Nội.

    Tại bản quán của quốc sư, có hai làng thờ ngài và tôn quốc sư Minh Không là Đức Thánh Nguyễn do công lao và hành trạng của ngài đối với nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực y học cổ truyền (người còn lại được thờ phượng là Đức Thánh Trần, tức Hưng Đạo Đại vương). Điều thú vị là người ở xã Gia Thắng ngày nay vẫn kiêng húy chữ Thành mà đọc trại đi là “Thiền”. Như “Thành tâm cúng dàng”, đọc ra “Thiền tâm cúng dàng”. Đây có lẽ là theo tục “nhập gia vấn húy” thời xưa.

    Ở làng Điền Xá, người dẫn vẫn còn có thể chỉ ra khu nhà của quốc sư Minh Không khi xưa, quen gọi là nền nhà Thánh Nguyễn.Một địa điểm khác có thờ quốc sư Minh Không là chùa Bái Đính cổ, xưa thuộc cố đô Hoa Lư. Tương truyền ngài đã tu tập tại nơi đây đồng thời hành y, cứu độ nhân dân trong vùng. Ở làng Địch Động, người dân thờ quốc sư Minh Không làm Thành hoàng của làng.

    Tượng của quốc sư Minh Không ở các nơi được tạc khác nhau. Như tại chùa Viên Quang hay đền Thánh Nguyễn, ngài được thể hiện ở tư thế thiền sư tọa thiền. Ở chùa Lý Triều Quốc sư, ngài được tôn tạo ở tư thế đội mũ Tỳ Lư, tay cầm đóa sen. Trong chùa Quán Sứ, tượng thờ quốc sư Minh Không ngồi trên ngai. Làng Ngũ Xã (Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) thờ ngài làm Tổ nghề đúc đồng. Lại, ở làng Địch Động, vì là Thành hoàng nên ngài được phối vận triều phục như một vị tể tướng hoàng triều. Đặc biệt ở chùa Keo trong làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, Nam Định), người dân thờ cả quốc sư Minh Không và thiền sư Không Lộ trong cùng một tượng, gọi chung là Thánh tổ.

    Chú thích:

    [1] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển III, tờ 35a, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

    [2] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển III, tờ 39a, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

    [3] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển IV, tờ 2b, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

    [4] Ngày nay nằm trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội).

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều