Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác

    Hạnh phúc

     Anh Phương uể oải tắt máy, dựng xe dưới bóng râm cây xoài, lặng lẽ kéo ghế ngồi.
    Bà Liên mắt lơ đễnh, rót một ly trà đá đẩy về phía anh, cất giọng buồn buồn:
    – Dịch bệnh hoành hành, không biết đến bao giờ mới yên được?
    Anh Phương không nói gì, nâng ly nước lên hớp từng ngụm chậm chạp. Cả tháng nay, khu di tích này ngày càng vắng khách, nghề xe ôm của anh cũng ế dài. Ngày cùng lắm chỉ hai ba chuyến. Dịch bệnh hoành hành, người ta sợ, cũng ít đi chơi, đi tham quan. Anh nhìn ra phía con đường vắng, thở dài:
    – Cứ như thế này chắc đói dài mất, bà ơi!
    – Ừ, tôi sống đến gần sáu chục tuổi đầu rồi, bao nhiêu thứ bệnh gặp cả rồi mà chưa bao giờ thấy cái thứ bệnh gì nó khiếp như con cô-vi này.
    – Vâng, vừa lây nhanh kinh khủng vừa chưa tìm ra thuốc chữa nên mới sợ chứ.
    lang que thanh binh.jpg
    Hạnh phúc đến từ những điều bình thường… – Ảnh minh họa
    Con đường lên khu di tích trước đây tưởng như nhỏ hẹp bởi người qua lại, giờ vắng vẻ, thấy rộng thênh thang. Nắng chiếu vàng cả mặt đường, lâu lâu vài chiếc lá rơi từ trên cành cây xuống, cuộn tròn xao xác. Vừa thấy có mấy người bước vào quán, bà Liên vui vẻ rót vài ly trà, nhưng chưa kịp mời họ đã nói chỉ mua mấy chai nước. Bệnh dịch, họ cũng ngại ăn uống nơi công cộng thì phải. Bà biết ý, không mời thêm. Trước đây, quán nước của bà người ra người vào nườm nượp, vui lắm. Họ vào quán của bà ngồi nghỉ, uống nước trà, ăn cái kẹo, cái bánh, chuyện trò rôm rả. Vậy nhưng từ ngày có dịch viêm phổi Vũ Hán, khách e dè hẳn.
    – Bác ơi, ở đây có xe ôm không nhỉ?
    – Có tôi đây!
    Anh Phương mừng như bắt được vàng khi có người hỏi đến. Anh dắt chiếc xe ra, đưa mũ bảo hiểm cho khách đội. Chờ cho khách ngồi ngay ngắn trên xe xong, anh nổ máy và chầm chậm chạy ra khỏi con đường nhỏ rồi phóng ra đường lớn. Tính anh Phương vui vẻ, trên đường đi, anh thường trò chuyện với khách cho đỡ buồn, nhất là những chặng dài như thế này. Nhưng lần này, anh chỉ kịp mừng khi có khách đi, vừa đủ vậy thôi, rồi anh giữ im lặng trong suốt quãng đường dài hơn chục cây số bởi khách cũng không hề có ý nói chuyện.
    *
    – Mấy hôm nay chú làm gì mà không chạy xe vậy?
    Vừa thấy anh Phương tới, bà Liên đã cất tiếng hỏi rồi rót luôn ly trà đá chờ sẵn. Anh ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bà, quay nghiêng ra ngoài, cau mày khi gặp ánh nắng rọi vào mặt rồi thở dài ngao ngán:
    – Cứ tình hình này vợ chồng cháu đói dài răng, bà ạ!
    – Thế công việc của cô ấy có ổn không?
    – Từ ngày dịch bệnh đến giờ, quán xá ít người ăn, chủ quán bữa bán bữa nghỉ. Mà vợ cháu cũng sắp sinh, cháu tính để cô ấy nghỉ ở nhà, mình cháu chạy xe được rồi. Ai dè dịch dữ quá, khách ngày càng ít. Mấy hôm nay cháu đi tìm việc gì đó làm thêm chứ chạy xe giờ không ăn nữa rồi.
    – Vậy chứ chú đã kiếm được việc gì chưa? Tôi thì bán chả được mấy, nhưng cứ dọn ra đây cho vui, nhỡ ra có người cần.
    – Cháu xin làm cửu vạn dưới cảng. Bốc vác có nặng nhọc hơn nhưng tiền công cũng khá, bà ạ! Họ hẹn hai ngày nữa sẽ gọi mà không biết thế nào?
    Nghe anh Phương thở dài mà bà Liên não hết cả ruột. Những buổi vắng khách, ngồi trò chuyện dông dài như thế này khiến bà càng hiểu rõ hơn về vợ chồng Phương. Bà thương đôi vợ chồng trẻ bôn ba nơi đất khách, thương họ không có cha mẹ để tựa nương. Rồi bà lại chợt nhớ đến người chồng và đứa con vắn số của mình. Cha con họ bỏ bà đi trong đợt lũ lớn hơn hai chục năm về trước, khi thằng con bà mới lên ba. Bà thương họ rồi lại xót xa cho phận mình, giờ về già lúc nào cũng lủi thủi. Bà Liên đang nghĩ ngợi vẩn vơ chợt giật mình khi nghe mấy hàng quán bên cạnh họ xúm lại bàn tán gì đó. Anh Phương nghe ngóng xong cũng mở điện thoại ra xem.
    – Bà ơi, bên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh vừa ra thông báo khẩn là dừng mọi hoạt động tham quan du lịch, đóng cửa tất cả các điểm du lịch, các khu di tích đây này! Họ lo ngại… Mà cũng đúng bà nhỉ, chứ giờ mà cứ đón khách thì dịch bệnh lây lan khó kiểm soát… Bà dọn hàng thôi. Mấy hàng quán bên kia họ cũng dọn hết rồi kìa!
    – Ờ! Ờ!
    Bà Liên tay chầm chậm xếp mấy thứ đồ gọn lại. Bà chẳng vội, về nhà cũng làm gì đâu.
    – Thế chú tính sao?
    – Cháu chưa biết, chờ dưới cảng họ gọi. Không được phải tính đường khác bà ạ! Dịch thì dịch, vẫn phải làm mới có ăn chứ. Tiền điện, tiền nước, tiền trọ, rồi rau, dưa, mắm, muối… đủ các thứ phải lo. Vợ cháu lại sắp sinh. Nhiều lúc cháu cứ rối như tơ vò.
    Anh Phương vừa phụ bà Liên dọn hàng vừa than thở. Anh không hề biết bà lão hàng nước không họ hàng thân thích với mình đang lặng lẽ lấy tay áo chấm giọt nước mắt nóng hổi vừa rỉ ra hai kẽ mắt. Bà Liên từ lâu đã rất thương vợ chồng anh Phương, nay nghe vậy càng xót. Bà ngẩng lên nhìn người thanh niên, vừa định nói ra cái ý định bấy lâu nay thì anh Phương có điện thoại.
    – Alô. Ừ! Sao? Được rồi! Anh đến ngay đây!
    Phương cúp máy rồi quay sang bà Liên, vẻ mặt đầy hốt hoảng:
    – Vợ cháu bị đau bụng, hôm đi siêu âm còn hai tuần nữa mới sinh, không biết thế nào! Cháu về đã.
    – Ừ, con đầu cháu sớm. Chắc chuyển dạ rồi đấy!
    Bà Liên đậy vội mấy thứ hàng rồi vẫy Phương:
    – Chờ bác đi với! Chú đàn ông đàn ang lóng ngóng, để bác đi cùng, xem có gì bác giúp cho.
    Phương phụ y tá đẩy xe đưa vợ về phòng sau sinh. Bà Liên đón đứa bé từ nữ hộ sinh rồi đi theo. Đặt thằng bé nằm bên cạnh mẹ nó, bà nói Phương đi mua cây quạt nhựa để bà quạt cho mẹ con nó, mua bình nước nóng, hộp sữa bò pha để mẹ nó uống cho sữa nhanh về, mua gói bông gòn cho mẹ nó nhét vào tai, đôi tất đeo chân cho khỏi lạnh,… Bà dặn cái gì Phương dạ vâng cái đó. Giá không có bà chắc anh cũng chẳng biết đường nào mà lần. Người phụ nữ giường bên cạnh xuýt xoa:
    – Anh chị sướng thật, sinh đẻ có mẹ ở bên. Chẳng bù cho em, bố mẹ hai bên đều ở xa, nên vợ chồng phải tự lo liệu hết. Thằng bé nhìn giống bà nội quá cơ!
    Câu nói của người phụ nữ kia gây chú ý mạnh mẽ với vợ chồng Phương và bà Liên. Từ ngỡ ngàng, mọi người lại cảm thấy vui vui. Tiếng mẹ như một thanh âm dịu ngọt rót vào lòng bà Liên rồi lan tỏa sang hai vợ chồng Phương. Họ bất chợt bắt gặp ánh mắt của nhau đầy âu yếm, yêu thương. Thật khó dùng từ để gọi tên chính xác cảm xúc của họ trong khoảnh khắc đó. Họ im lặng mất một lúc lâu. Bà Liên ngồi bên cạnh giường, vừa phe phẩy quạt cho hai mẹ con Thu – vợ Phương – vừa nhẹ nhàng nói:
    – Mấy hôm nữa xuất viện, hai vợ chồng dọn về ở với bác nhé. Nhà bác không rộng nhưng cũng đủ che mưa nắng cho chúng bây, lại đỡ được khoản nhà trọ. Tiện đợt dịch này, hàng quán đóng cửa, bác ở nhà chăm hai mẹ con nó cho mà đi làm.
    Nghe bà Liên nói vậy, hai vợ chồng Phương nhìn nhau rưng rưng rồi nhìn bà Liên lặng lẽ gật đầu:
    – Vâng!
    *
    – Mẹ ơi! Vợ ơi!
    Anh Phương vừa đi làm về đã gọi toáng lên, định bước vào nhà nựng thằng con thì nghe tiếng bà Liên:
    – Be bé cái mồm thôi cho cháu tôi ngủ. Dịch bệnh mà không có cẩn thận gì hết! Thay đồ, rửa chân tay bằng xà bông trước mới vào nhà chứ. Mà tiện thể, anh xách nước tưới mấy luống rau giúp mẹ đã.
    Bà Liên vừa đưa võng cho cháu ngủ, vừa lật túi muối đang chườm trên bụng Thu. Bà nói nhỏ:
    – Cứ nằm yên đó, bao giờ túi nguội mẹ rang lại mẻ mới. Mỗi ngày chịu khó chườm mấy tiếng, bụng sẽ nhanh gọn hơn.
    Bà Liên đi ra ngoài, lấy ít thóc cho đàn gà ăn, nhìn Phương thoăn thoắt xách nước từ giếng ra tưới mấy luống rau, tự nhiên thấy ấm lòng. Bà thầm cảm ơn ông trời đã cho bà những năm cuối đời lại có một gia đình hạnh phúc.
    Truyện ngắn của Lê Phượng

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều