Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật Tử Ngày NayĐạo tràngHà Nội: Lễ Rót Đồng Đúc Chuông & Quy y Tam Bảo...

    Hà Nội: Lễ Rót Đồng Đúc Chuông & Quy y Tam Bảo tại Chùa Long Hưng

    Kinh Tăng Nhất A Hàm có chép: “Mỗi khi nghe tiếng chuông ngân lên thì các hình phạt trong ác đạo đều dừng nghỉ, chúng sinh nào đang chịu hình phạt cũng được tạm thời yên vui. Nghe được tiếng chuông là phiền não nhẹ vơi”.
    Tiếng chuông cùng lời kệ vang vọng thấu cõi địa ngục sẽ giúp chúng sinh chuyển hoá nghiệp lực và thức tỉnh lương tâm, bỏ ác làm lành, quay về nẻo giác.
    Chính vì vậy, Chuông Đại Hồng được coi là một trong những pháp khí quan trọng của Phật giáo, giúp chúng sinh lắng đọng và thức tỉnh tâm hồn.

    Với mong muốn hoằng dương Phật pháp, giúp chúng sinh thức tỉnh quay về với chân như, ngày 03/01/2021 (nhằm ngày 21/11 năm Canh Tý), Chùa Long Hưng – Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội long trọng tổ chức “Lễ Rót Đồng Đúc Chuông và Quy y Tam Bảo” cho quý Phật tử thiện nam, tín nữ gần xa.

    Dưới sự chú nguyện của quý Chư Tôn thiền đức Tăng – Ni, sự nhất tâm cầu nguyện và phát tâm tịnh tài, tịnh vật của hàng Phật tử, Lễ Rót Đồng Đúc Đại Hồng Chung nặng 1 tấn và Đúc Khánh 500kg đã thập toàn viên mãn trong niềm hoan hỷ của hội chúng.

    Quang cảnh lễ Đúc Đại Hồng Chung tại Chùa Long Hưng

    - Advertisement -

    Từ nay, mỗi khi tiếng Chuông Đại Hồng Chùa Long Hưng được vang lên, khắp giới chúng sinh đang chịu cảnh khổ đau sẽ được an vui, những ai đang u mê, lầm đường lạc lối sẽ nương vào tiếng chuông mà về miền tỉnh thức, bỏ ác làm lành. Những não phiền của kiếp nhân sinh cũng từ đây mà tiêu tan. An yên, thanh tịnh được hiện hữu nhiều hơn trong cuộc đời này.

    Để buổi lễ thêm phần ý nghĩa, buổi chiều cùng ngày, Đại đức Thích Quảng Lâm – Phó trụ trì Chùa Long Hưng đã quang lâm thuyết giảng và trao truyền Tam Quy – Ngũ giới cho gần 100 quý Phật tử phát nguyện Quy y Tam Bảo, nương tựa vào Phật pháp, trở thành đệ tử Phật

    Thời pháp thoại “Ý nghĩa của việc Quy y Tam Bảo” đã giúp hàng Phật tử hiểu rõ hơn về các cách hành trì 5 giới của Phật tử tại gia sao cho hài hoà với đời sống hiện tại. Đại đức chia sẻ: Tam Bảo là ba ngôi báu, Phật – Pháp – Tăng, người đệ tử Quy y Phật chính là nương tựa vào Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni; Quy y Pháp chính là nương tựa vào những phương pháp tu hành mà Đức Phật đã dạy; Quy y Tăng là nương tựa vào đoàn thể những vị Thầy đã nguyện xuất gia làm đệ tử Phật. Người đệ tử quy y Tăng là quy y tất cả những vị Tăng sĩ, không quy y riêng biệt cá nhân một vị Thầy nào cả. Chính vì vậy, dù là vị Tăng ở nơi nào, chùa nào, hoàn cảnh nào người Phật tử cũng đều nên tôn kính. Vị Thầy đại diện cho Tăng đoàn truyền giới cho Phật tử trong lễ quy y được gọi là vị Thầy Bổn Sư.

    Đại đức Thích Quảng Lâm thuyết giảng về “Ý nghĩa Quy y Tam Bảo” cho Phật tử

    Sau khi quy y, nếu không đủ điều kiện thân cận nơi chốn Thầy Bổn Sư của mình, người Phật tử có thể tuỳ duyên với hoàn cảnh để tìm một chốn tu tập phù hợp. Nên tìm một người Thầy, một môi trường tu tập đúng chính pháp để được hướng dẫn. Sau một thời gian tu tập phải thấy mình có sự an lạc, có sự thay đổi tốt đẹp hơn, cuộc sống an vui hơn.

    Đã là quy y Tam Bảo rồi người Phật tử phải thường xuyên niệm Phật, nghĩ tưởng đến Phật, tu sửa suy nghĩ, lời nói, hành động của mình sao cho xứng đáng là người con Phật.

    Trước khi kết thúc buổi lễ, hàng Phật tử đã cùng chụp những bức hình lưu niệm và tham dự lễ cúng thí thực

    Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ:

    Chu Lan Anh

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều