Chúng ta thường khó dung thứ những kẻ đánh đập tổn thương mình, và điều này cũng đúng khi ai đó nói lời nặng nề khiến chúng ta tổn thương hay đau đớn.
Thực chất, thị phi chỉ là cơn gió, hơi thở hay luồng khí thoảng qua. Tuy nhiên, với tập khí thế gian thông thường, chúng ta rất dễ giận dữ, bực bội và muốn đáp trả lại. Chúng ta thường có thói quen phản ứng trước những lời thị phi bằng những cảm xúc, lời nói và thậm chí cả những hành động tiêu cực.
Yêu mến những con người và hoàn cảnh dễ chịu là điều quá dễ dàng. Nhưng chính những lúc phải đối mặt với khó khăn hoặc tiếp xúc những người mà ta không ưa mới là một phép thử thực sự. Đây chính là cơ hội để chúng ta thực tập sự chú tâm. Điều quan trọng là bạn phải nỗ lực và tinh tấn. Chẳng hạn như, nếu ai đó nói xấu mình, bạn hãy đáp trả bằng lời nói tử tế về họ. Nếu không thể làm như vậy thì cách tốt nhất là bạn hãy giữ im lặng.
Nếu thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn, bạn sẽ giữ được sự điềm tĩnh, kiên định con đường của mình, ngay cả khi những người mà bạn luôn yêu thương che chở bỗng vô cớ quay lưng hay đối xử với bạn như kẻ thù. Chúng ta phải hiểu những điều tồi tệ như vậy là kết quả của những nghiệp nhân xấu ác mình đã gieo trong quá khứ chứ không phải vì bạn có khiếm khuyết, sai lầm gì. Nghiệp vận hành theo quy luật của nó, nếu nhìn từ hiện tượng bề ngoài, đôi khi nó giống như việc một cây nấm đột ngột mọc lên chẳng từ nơi nào cả. Do không thể lý giải nguyên nhân sâu xa, khi những tình huống bất như ý xảy ra, chúng ta thường vô cùng giận dữ, bực bội.
Nguyên nhân của tất cả đau khổ thực ra đều do con người luôn bị chi phối bởi sân hận, ghen ghét, chấp ngã, vô minh và rất nhiều điều vô nghĩa khác. Chúng ta hoàn toàn làm nô lệ cho những xúc tình tiêu cực song lại không hề ý thức được điều này. Chúng ta nghĩ mình có quyền làm tổn thương hoặc lạm dụng người khác trong khi thực tế đây chỉ là suy nghĩ của những kẻ mù quáng mê mờ.
Trên hành trình tìm cầu giác ngộ, dù khó khăn đến cỡ nào chúng ta cũng không được phép lấy hận thù đáp trả hận thù. Với sự cảm thông, chúng ta có thể hiểu tại sao người khác lại cư xử nghiệt ngã hoặc nói nặng lời với mình. Song nếu cũng đáp trả bằng hành động tương tự thì ta có đâu hơn gì họ? Chúng ta sẽ chẳng rút ra bài học gì cho mình?
Bây giờ bạn cũng cần kiểm lại xem đã có lúc nào mình vào hùa với việc chỉ trích hay đàm tiếu thị phi về người khác chưa. Hầu hết chúng ta đều rất thích thú việc này. Bất cứ khi nào bàn luận về một điều gì, chỉ sau vài phút, chúng ta bắt đầu phán xét, chê bai, bình phẩm. Chúng ta không cưỡng lại được thói quen tập khí này. Thế nhưng, làm sao ta có thể chắc chắn rằng mình đã hiểu thấu đáo về đối tượng bị chỉ trích? Rất có thể đó là một Bồ tát hay bậc Thầy đang thực hành mật hạnh, hoặc có thể đối tượng bị chỉ trích chẳng làm gì thực sự sai trái? Bởi vì những gì họ làm vốn ngoài phạm vi hiểu biết của mình nên ta hãy để họ yên ổn. Chúng ta cần từ bỏ thói quen phán xét và chỉ trích người khác. Tốt nhất chúng ta hãy học cách tự xét mình và giữ im lặng không xét lỗi người khác.
Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ có lời nói nhẹ nhàng hòa ái hơn. Với động cơ đúng đắn và thanh tịnh, chắc chắn chúng ta sẽ mang đến sự bình an, hoan hỷ cho mọi người. Ái ngữ rất cần thiết, nó giúp người khác được an vui, nhờ vậy mà bản thân ta cũng thư thái, nhẹ nhàng. Để làm được điều đó bạn cần luôn tỉnh thức hiểu rõ về bản thân, nếu thiếu tỉnh thức, cho dù một đôi lần bạn có thể giữ điềm tĩnh nhưng rồi sẽ có lúc bạn sao nhãng. Tâm tỉnh thức vô cùng quan trọng trong mọi tình huống. Tỉnh thức giúp bạn vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống, nhờ nó bạn có thể kiểm soát được những xúc tình phiền não thiêu đốt, giữ được cân bằng trên con đường Trung đạo mà không đi chệch hướng hay bị cuốn theo nẻo khác. Nhưng như vậy không có nghĩa bạn phải cứng nhắc hay bảo thủ trong cuộc sống. Hãy cứ vui cười và tận hưởng cuộc sống của mình. Chỉ có điều, cùng với tâm tỉnh giác, sáng suốt, bạn sẽ không bao giờ cười trên đau khổ và sự khó nhọc của mọi người.
Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày” – Ngài Gyalwang Drukpa