Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Khác

    Câu chuyện truyền thông

    1. Truyền thông và… tạo hóa:

    Ngày nay, trong một thế giới phẳng – vai trò của truyền thông cực kỳ kinh khủng! (kể cả nghĩa tích cực và nghĩa tiêu cực). Tuy nhiên, truyền thông vốn dĩ không phải là khái niệm mới – hay một ngành mới, bản thân của truyền thông gần như là được tạo hóa sinh ra cùng với muôn loài…Tiếng côn trùng, tiếng chim kêu, vượn hót, tiếng hú của gió, tí tách hay dầm dề của mưa, tiếng sấm sét và những vệt sáng tia lửa điện trên bầu trời… v.v và v.v. Tựu trung đó là những tín hiệu truyền thông! Theo chiều dài lịch sử. Loài người càng tiến hóa, càng văn minh – thì truyền thông càng đậm nét và càng chứng tỏ sức mạnh vô hình và hữu hình của nó. Lênin đã từng nói: “thông tin là sức mạnh – thông tin là quyền lực”!

    2. Truyền thông… muôn mặt

    Người viết bài này có lần ‘hầu’ chuyện cố giáo sư Vũ Đình Cự (1936 – 2011) – nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, vốn là một nhà khoa học – sau đó làm chính khách. Ông luôn luôn làm người nghiêm túc và khiêm cung. Ông kể rằng: bà cụ thân sinh ra ông và các anh em trai đều học hành thành đạt và đều là những nhà khoa học đủ mọi lĩnh vực.  Tuy nhiên, ông nói: “đều thua các cụ hết”. Ông kể tiếp, có lần về nhân dịp Tết, thân mẫu ông lúc đó đã ngoài 80 có dặn: “Làm gì thì làm, khi mẹ trăm tuổi, các anh nhớ rước phường bát âm về… để lo đám tang nhé…”. Cả mấy anh em ông đều chưa hiểu ý của cụ bà…

    - Advertisement -

    Một trong những người em trai của ông tếu táo với bà cụ: “cụ đã thọ ngần này tuổi mà còn ham mê văn hóa văn nghệ nhỉ”?! Thân mẫu ông rất minh mẫn và thông tuệ: “cha bố các anh – giáo sư với chả tiến sĩ! Mẹ hỏi các anh, có ai gửi thiệp mời đám ma không?!” Cố giáo sư Vũ Đình Cự kể tiếp: “thú thực với các cậu, chỉ đến khi bà cụ nhà tớ đặt câu hỏi như vậy, tớ mới ngộ ra vì sao lại có cờ tang và có phường bát âm – suy cho cùng đó là thông tin và truyền thông…”Thế mới biết kiến thức, tri thức của nhân loại như đại dương bao la. Còn hiểu biết của con người có chăng chỉ là hữu hạn…

    3. Truyền thông và chân, thiện, mỹ

    Các tôn giáo chân chính đều hướng tới chân, thiện, mỹ. Mọi nghệ thuật chân chính đều hướng tới chân, thiện, mỹ. Và truyền thông chân chính đương nhiên cũng phải hướng tới chân, thiện, mỹ!

    Truyền thông mà thiếu chân, thiện, mỹ thì sẽ trở thành ‘phản’ truyền thông hoặc ‘ngụy’ truyền thông. Chân, thiện, mỹ của truyền thông nói theo cách nôm na dễ hiểu của nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT khóa XLê Doãn Hợp là… “khen cái đẹp, dẹp cái xấu”! Không riêng ở Việt Nam, công thức chung của truyền thông quốc tế là: 5w + 1h (viết tắt những chữ cái đầu tiên trong tiếng anh của các từ: what (cái gì), when (khi nào) , who (ai), where (ở đâu), why (tại sao), how (như thế nào)…)

    Gần đây, dư luận rất bức xúc khi một vài sản phẩm của truyền thông (có cả báo viết, có cả báo hình) hoặc đưa tin sai sự thật, hoặc dàn cảnh, dựng phim bóp méo sự thật… làm dư luận hết sức bức xúc, báo chí thì tốn nhiều giấy mực… đến mức phải giật một cái tít rất ngắn gọn để nói về những hiện tượng này: ÁC TÂM! (báo Người lao động ngày 03/08/2016)

    4. Đạo đức nghề nghiệp.

    Cổ tích Phật giáo có câu: ”phàm trước khi làm điều gì, hãy nên nghĩ đến hậu quả của nó.” Mấy năm nay có những tin, bài trên báo viết đưa tin giật gân, không được kiểm chứng: nào là bánh phở phocmon, nào là bánh chưng nấu bằng pin, nào là ăn bưởi ung thư, nào là mực cao su, nào là trứng nhân tạo, nào là gạo bằng nhựa… v.v. Những ‘nhà báo’ đưa tin bài này đâu có biết rằng chỉ vì tin bài của họ vô trách nhiệm, sai sự thật mà dẫn tới những người sản xuất ra mặt hàng mà họ ‘bêu’ trên báo… phải khốn khổ, khốn nạn – thậm chí sạt nghiệp…??!!

    Báo viết thì đã vậy, báo hình cũng ‘lập thành tích’ không kém. Nào là dàn dựng sai sự thật về một câu chuyện trong chuyên mục “bảy điều ước”. Rồi thì người xây tổ ấm cũng bị… diễn!

    Cách đây không lâu,phóng sự”chổi quét rau ở Thanh Hoá… sai sự thật chưa dịu xuống thì gần đây phóng sự truyền hình về nạn chặt phá rừng… chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc thì mới lộ nguyên chân tướng những ‘kịch sĩ’… vu oan cho lương dân…!

    Tai hại nhất là thể loại phóng sự và ký sự truyền hình – là thể loại cần tính thời sự, tính trung thực và tính khách quan… mà cũng bị dàn dựng – quả là hết chỗ nói!

    ‘Nhân sinh bách nghệ’. Nghĩa là con người ta sinh ra có hàng trăm thứ nghề!

    Tuy nhiên nghề nào cũng phải có đạo đức nghề nghiệp của nghề ấy.

    Nếu nghề thầy thuốc đánh mất đạo đức thì sẽ giết chết một mạng sống.

    Nếu nghề thầy giáo đánh mất đạo đức nghề nghiệp thì giết chết cả một thế hệ… Còn nghề truyền thông và báo chí nếu không tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp và không lấy “chân, thiện, mỹ” làm kim chỉ nam – thì nguy hiểm vô cùng đối với quốc gia đại sự! Có câu: “lặng như ao, động như bể”. Nghĩa là, khi không có tác động của dư luận thì cuộc sống phẳng lặng như mặt ao. Ngược lại, khi có tác động của truyền thông làm dư luận dấy lên… thì đó là động như bể – có nghĩa là sẽ dậy sóng, sóng sẽ gầm lên, sóng sẽ gào lên… và sóng sẽ cuốn phăng tất cả những ai trái với đạo lý!

    Luật gia Trần Thúc Hoàng.

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều