Thứ Hai, Tháng Mười Hai 23, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànDiễn đàn- thảo luậnAi được phép sử dụng tiền của Tam Bảo?

    Ai được phép sử dụng tiền của Tam Bảo?

    Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, ngay cả đàn kiến, bầy ong còn có tôn ti trật tự, thì nhà Phật có giới luật của Phật giáo. Mục đích của giới luật là “phòng phi chỉ ác” (Ngừa sai, dứt ác), rộng ra cho đến Giới luật của Bồ Tát thừa gồm Tam Tụ Tịnh Giới là:

    – Nhiếp Luật Nghi Giới là đoạn tất cả việc ác.

    – Nhiếp Thiện Pháp Giới là tu tất cả các việc lành.

    – Nhiêu Ích Hữu Tình Giới là phổ cứu tất cả chúng sanh. Giới luật là mạng mạch của Phật Pháp, nhằm duy trì đời sống thanh tịnh của Tăng Già. Vì Thế Gian Trụ Trì Tăng Bảo là quan trọng nhất.

    Nền tảng đạo đức học Phật giáo lấy giới luật làm phương tiện, giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, nhờ đó thành tựu chánh định và tuệ giác vô lậu. Chính tuệ giác này là chân lý bất di, bất dịch của đạo Phật. Vì những gì đức Phật trình bày là chánh tri kiến, ngài đã thực chứng sự thấy biết ấy. Đó là: “cái gì vô thường, cái đó vô ngã”. Xuyên qua tinh thần duyên sinh vô ngã ấy, Phật giáo Đại Thừa trình bày bản chất của tất cả hiện tượng là Không Tánh. Tức vô sở hữu. Vì “sắc tức thị không”. Đó là một cái nhìn toàn triệt mà không học thuyết nào đánh đổ được.

    - Advertisement -

    Tuy nhiên, “không” ở đây chẳng có nghĩa là đoạn diệt, hư vô chủ nghĩa, hư không hay có gì như chúng lầm tưởng vì “Không tức thị sắc”. Bản thể và hiện tượng là bất nhị, chẳng thể tách rời nhau. Như trong cây vốn có lửa vậy. Tìm lửa chẳng thể ngoài cái cây. Nếu khéo dùi mài, đủ duyên lửa sẽ phát ra. Vì vô tự tánh. Nên tất cả các pháp đều không thật, không có ngã và ngã sở. Nên trong kinh Đại Bát Nhã, đức Phật nói “các pháp vô sở hữu”. Cốt lõi của người Phật tử là thẩm thấu cái thấy này, để gột rửa mọi trần lao, phiền não trở về đúng bản chất thật của nó.

    Tất cả hình bóng của ngoại cảnh mà chúng ta đang tri giác, cảm thọ, ấn tượng, chấp ngã về nó đều được dựng nên bởi bóng dáng của tâm thức. Nên mọi quy ước thế gian về tốt xấu, phải trái, xanh, vàng, đỏ, trắng…đều trống rỗng.

    Tuy nhiên, do đang sống trong thế giới quy ước của sự phân biệt đối đãi thì buộc chúng ta phải tuỳ thuận. Chẳng phải thấy đạo rồi, là có thể lẫn lộn thiện ác, nhân quả báo ứng. Dù các pháp tuy huyễn, nhưng biểu hiện của nhân quả rốt chẳng không. Do đó, tuy Đức Phật dạy duyên sanh vô ngã, nhưng vẫn khuyến hoá thất chúng hành trì giới luật. Vì giới có công năng hộ trì cho chúng ta lìa bỏ chấp ngã và ngã sở.

    Thời Phật tại thế, tài sản chủ yếu của cá nhân quý thầy Tỳ Kheo gồm ba y, một bát, đảy lọc nước và toạ cụ. Vì đời sống chủ yếu là đi khất thực. Việc xây dựng tự viện tịnh xá, tứ sự cúng dường, đều có vua quan và các thương gia, trưởng giả bảo hộ, cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Nên các tài sản ấy, thuộc về mười phương Thường Trụ Tăng Bảo. Như vậy, không thể nói là từ thuở Đức Phật tại thế, không có kinh tế Phật giáo và tài sản của Giáo hội. Về việc sử dụng tài sản của Giáo hội được quy định rõ trong giới luật nhà Phật. Tất nhiên, những gì Đàn Việt dâng cúng cho Tam Bảo, thì thuộc về quyền sử dụng của Tăng đoàn. Ngoài chư Tăng ra, không ai có quyền can thiệp. Ngay cả tự ý chi dùng lẫn lộn, cũng mắc quả báo.

    Thiền môn, còn tương truyền một câu chuyện nhân quả về lạm dụng của Thường Trụ như sau. Thầy Tri Sự chùa nọ lâm bệnh, bèn lạy Bồ Tát Quán Âm sám hối. Thời gian sau ông nằm mộng thấy Bồ Tát quở: “Tại sao ông dám lấy của thí chủ cúng dường chúng Tăng đi cất chùa?”. Số là thầy nhận được tiền người ta cúng chia đều cho các thầy trong chúng. Nhưng nghĩ chùa dột, thầy không chia, mà giữ lại sửa chùa, thành ra trộm của chúng Tăng mà mắc quả báo.

    Nên tiền cúng cho Phật là dùng để chi sửa tượng Phật, cúng cho Pháp là để ấn tống Kinh điển, cúng cho Tăng là để chi dùng trong chúng. Ngay cả vật của chiêu đề, quý thầy cũng không được tự tiện lấy cho cha mẹ, hoặc người thân, trừ khi họ có chấp lao, phục dịch làm việc trong chùa, thì mới cho họ ăn, để tránh tổn phước họ. Vì ngay cả chư Tăng “học đạo không thông lý, thân sau đền ân tín thí”, có trường hợp đầu thai làm đầy tớ, trâu bò, nấm lạ để trả nợ. Huống chi kẻ tịnh nhân cư sĩ chẳng có chút công phu tu hành mà lạm dụng của Thường Trụ. Như Hoà Thượng Cua (Thiền Sư Tông Diễn), vì báo hiếu, tác bạch với đại Tăng, đem mẹ về nuôi, nhưng vẫn khuyên bà vừa nhổ cỏ, vừa niệm Phật. Chứ không dám trái luật.

    Thời Phật tại thế, có Tỳ Kheo đi khất thực đem về nuôi mẹ, chư Tăng biết được, trình lên đức Phật. Chẳng những Đức Phật không quở mà còn khen ngợi. Ngài cho phép chư Tăng được khất thực đem về nuôi cha mẹ với trường hợp song thân không người chăm sóc. Như vậy, nếu Phật tử cúng riêng cho cá nhân quý thầy, thì quý thầy mới được phép đem tài vật đó báo hiếu hoặc tuỳ nghi sử dụng. Nên Phật tử muốn hộ trì quý thầy, phải lưu ý điểm này. Đôi khi quý vị, cúng lo cho Tam Bảo, mà không cúng riêng cho quý thầy, thì quý thầy chẳng có tịnh tài để chi dùng cá nhân. Hoặc cúng không nhằm mục đích gì, thì để quý thầy tuỳ nghi sử dụng.

    Luật dạy, trường hợp quý thầy muốn sử dụng tiền thí chủ cúng vào mục đích khác, thì phải hỏi qua ý kiến thí chủ, để đổi mục đích sử dụng. Thí như chùa cần lợp ngói mà Đàn Việt lại cúng tạc tượng, thì nói rõ cho họ hiểu nhu cầu của bổn tự mà cân nhắc. Tránh trường hợp cúng cho Tăng mà làm cho Phật, cũng thành trộm của Tăng Bảo. Nếu không thông báo được cho thí chủ, thì chư Tăng làm phép Yết Ma. Nếu chùa không đủ bốn vị Tỳ Kheo, để làm phép Yết Ma, thì theo Hoà Thượng Minh Thông, do vị Tỳ Kheo đó, được Tăng cử trụ trì ngôi Già Lam đó, đại diện cho Tăng, làm việc Tăng sai, nên cũng có thể linh động. Chứ cứng ngắt thành ra ai cũng phạm. Tuy nhiên, giữ được như thế càng tốt, để tránh nhân quả về sau.

    Xưa có chú Sa Di, vì trộm của chùa hai cái bánh, kẹp vào nách, khi chết đoạ làm ngạ quỷ, có hai vòng lửa kẹp vào hai bên nách. Hoặc chú tiểu nọ, trộm của chùa tí muối, chết không siêu, đoạ vào địa ngục có núi muối lớn bằng núi Tu Di, đợi núi muối tan, lấy đó làm kỳ hạn giải thoát. Nên “của Tam Bảo mất một, phải đền bảy” là vậy.

    Sa Di Luật Giải nói: “Giữ của Tam Bảo như giữ tròng con mắt”. Do đó, không thể dựa vào lý tưởng giải thoát của Tăng sĩ hay tinh thần vô ngã của nhà Phật rồi nói, Tăng sĩ là vô sở hữu nên không được quyền sở hữu. Nội dung buông bỏ của nhà Phật là không tham đắm. Chứ không phải người xuất gia không cần kinh tế, nhà cửa, xe cộ, ruộng đất để duy trì đời sống. Vì chư Tăng còn phải đi học, trị bệnh, có nơi để tu hành và phương tiện đi lại hoằng pháp. Quan trọng là có tất cả mà không dính tất cả. Vì có ấy là huyễn có, tạm có, giả danh, không thật thể. Chứ không thể áp đặt bản chất thành hiện tượng rồi buộc người tu vô sở hữu. Chính Niết Bàn là tâm thanh tịnh vô sở hữu.

    Nên xưa nay, nhà chùa vẫn tạo ra kinh tế bằng chế độ nông thiền, vẫn duy trì các hoạt động Phật sự bằng tiền cúng dường của Đàn Việt. Mục đích của Đàn Việt cúng dường là để duy trì Tam Bảo. Nếu ngoài Tam Bảo ra, mà ai muốn trưng dụng của cúng dường, tức là người ấy trộm của Thường Trụ. Trộm của mười phương Tam Bảo thì ngàn Phật ra đời cũng không thể sám hối. Đó là tội ác cực trọng. Nếu biến của Tam Bảo thành của công, của tư nhân, sử dụng sai mục đích.

    Là người Phật tử, đến chùa dù một ngọn rau, cọng cỏ, không xin thì không được phép lấy. Huống chi có những người xem của chùa là của miễn phí, cứ muốn mó tay vào trục lợi mà xem thường nhân quả. Đó là cái họa về sau. Dù của chùa là của chung mười phương Tăng Bảo, thuộc quyền sở hữu của hiện tiền Tăng Bảo. Ngoài chư Tăng hiện trú bổn tự, không ai được quyền sử dụng.

    Do đó, người học đạo nên biết kiệm phước của mình. Không được lạm dụng của Thường Trụ. Nếu có tiêu xài, nên cúng dường hoặc làm công quả trả lại. Không được lạm dụng thế quyền, chức vụ, sự tín nhiệm của nhà chùa hay tiếp tay cho người khác trục lợi mà lấy của Tam Bảo, hoặc tiếp tay cho người khác trục lợi từ tài sản Tam Bảo. Vì các pháp tuy không, nhưng nhân quả chẳng không !

    Lý Diện Bích

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều