Thực sự đây là một ý tưởng đầy táo bạo, mang đậm nét truyền thống của Nhật Bản trong thời đại công nghệ mới.
Về nhiều mặt, Daigoji tại Kyoto là một trong những ngôi chùa lớn và quan trọng nhất của Nhật Bản. Daigoji nằm ở phường Fushimi, thành phố Kyoto. Công trình này được thành lập vào năm 874 và nhiều yếu tố cổ điển như ban thờ Benten ở giữa ao và một điện thờ chính cao năm tầng.
Với tuổi đời hơn 1.100 năm, không ngạc nhiên khi Daigoji là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất của cố đô Kyoto và được coi là bảo vật quốc gia của Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc Daigoji là báu vật quốc gia hay là công trình được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới không có nghĩa là ngôi chùa này luôn khoác trên mình một lớp áo cổ điển, đầy hoài niệm về quá khứ. Mới đây, các nhà sư của Daigoji đã khiến mọi người phải nhìn nhận ngôi chùa bằng ánh mắt khác. Thậm chí, với sáng kiến mới nhất của mình, ngôi chùa hơn 1.100 năm tuổi này còn đang trên đường tiến ra ngoài không gian.
Cụ thể, các nhà sư của Daigoji đề xuất tạo ra một ngôi chùa mới ở ngay trong không gian. Họ sẽ cố gắng thực hiện điều này với sự giúp đỡ của Terra Space, một công ty nghiên cứu và phát triển vệ tinh có trụ sở tại Kyoto.
Ngôi chùa trên vũ trụ sẽ chia sẻ không gian với vệ tinh truyền thông IoT. Trong đó, một nửa không gian sẽ dành cho các hình ảnh Phật giáo như tượng Phật cùng các vật phậm tôn giáo khác. Vệ tinh sẽ bay ở quỹ đạo thấp, cứ 90 phút lại xuất hiện một lần ở độ cao khoảng 450km (278 dặm).
Ngôi chùa mới trong không gian này sẽ được gọi là Jotenin Gounji. Trong đó, Joten có nghĩa là “thiên đường trong lành” còn Goun là ký tự kanji tượng trưng cho các khái niệm Phật giáo về dòng chảy của thời gian và sự tồn tại của nhân loại.
Đặc biệt, vào ngày 8/2 tới đây, Daigoji sẽ tổ chức “buổi lễ cầu nguyện ngoài không gian” đầu tiên, cầu nguyện cho hòa bình và an toàn khi nhân loại tiếp tục vượt ra khỏi giới hạn của Trái Đất. Còn trong tương lai, các buổi lễ như vậy sẽ có những hình ảnh được phát từ vệ tinh. Dự kiến chùa Jotenin Gounji sẽ được phóng lên quỹ đạo cùng vệ tinh vào năm 2023.
Nguồn: Dân Trí