Nếu bước ra đường đêm Noel mà Phật Tử còn biết ưu tư trăn trở làm sao cho đạo Phật được vững chãi thì hay biết mấy. Chính tâm lý hưởng ké, vui lây của Phật Tử đã làm lễ Noel trở thành hiện trạng xã hội, nhưng trái lại vào dịp Phật Đản nếu nhà chùa cho cờ Phật Giáo, băng rôn, tượng Phật sơ sanh cũng hiếm có nhà nào chịu làm. Chẳng biết họ sợ gì, trong khi Phật Đản là ngày lễ chung của nhân loại.
Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến trách nhiệm người Phật Tử, chứ không bài bác lễ Noel cực đoan, tuy nhiên Phật Tử mà hưởng ứng làm cây thông Noel, mừng Noel tại nhà thì đó là điều khó chấp nhận.
Nguyên nhân để Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời năm 1940, do sự khai sáng của Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là nhằm gầy dựng tầng lớp Thanh, Thiếu. Đồng niên trở thành người Phật tử chân chánh, là những cư sĩ Phật Tử nòng cốt cho Phật Giáo và miễn dịch trào lưu Tây hoá ở nước ta thời bấy giờ để tránh văn hoá bản địa bị xâm thực và vong bản. Nhưng rất tiếc, đến nay trong đêm Noel cũng dễ dàng nhận thấy một hai huynh trưởng trẻ tuổi nhiệt tình đi chơi lễ.
Tất nhiên, giới trẻ sẽ hưởng ứng trong khi Noel đã trở thành một hiện tượng xã hội, nhất là giới Phật Tử tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, càng không thể bỏ qua một cơ hội làm giàu, nên đâu thể nói bất kỳ ai hưởng ứng Noel cũng vì tin vào Thượng Đế.
Tuy nhiên, đó là nỗi đau cho sự làm đạo chưa hiệu quả của Tăng Ni trẻ. Phật Giáo đã đi qua một giai đoạn bỏ quên tuổi trẻ, đến nay nhiều chùa vẫn chưa có những lớp giáo lý và hoạt động dành riêng cho lứa tuổi thanh thiếu niên, đó là một thiếu sót lớn.
Thực trạng, quý thầy, quý sư cô trụ trì không muốn thành lập Gia Đình Phật Tử trong bổn tự, cũng không hoàn toàn lỗi của Tăng Ni, mà do một số anh chị huynh trưởng không khéo trong việc cư xử với quý vị trụ trì.
Đó là thiếu đức khiêm cung, hoặc là huynh trưởng nhưng thiếu mẫu mực. Có nơi, huynh trưởng quá lớn tuổi, không phù hợp và hiểu tâm lý các em. Nên nhiều chùa không muốn duy trì mà thay vào đó là Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử, vẫn dạy giáo lý, kỹ năng, sinh hoạt có phần thông thoáng hơn.
Điều đáng nói là hầu như với tâm lý Phật tại tâm, nên nhiều chùa cử hành và chăm lo lễ Phật Đản rất đơn giản. Cũng không khuyến khích, phổ biến cho Phật Tử làm lễ Phật Đản tại nhà, quý thầy quý sư cô không tổ chức trao giải thưởng cho lễ đài nào đẹp nhất, cũng như tổ chức lễ tắm Phật luân phiên cầu nguyện cho các gia đình Phật Tử, dẫn đến thực trạng như hiện nay, lễ đài Đản Sanh trong mắt quần chúng là việc làm của quý sư, trừ tư gia của một số Phật Tử thuần thành. Ngay cả việc treo cờ, băng rôn và làm lễ đài Phật đản chưa được số đông Phật Tử hưởng ứng mạnh mẽ thì làm sao dám nói Tịnh Độ Hoá Nhân Gian?
Đã đến lúc ta phải nói pháp thực tế hơn, trước khi bàn đến việc vãng sanh Cực Lạc. Từ vấn nạn Phật Tử không hiểu đạo, hoặc chỉ cực đoan lo vãng sanh chẳng đoái hoài đến sự tồn vong của Phật Pháp là trách nhiệm hoằng dương Chánh Pháp của Tăng Ni. Nhưng gánh nặng ấy, không thể chỉ đổ cho riêng các bậc xuất sĩ. Mà chính yếu vẫn là cư sĩ tại gia, vì học đạo, hiểu đạo và hành đạo luôn là bổn phận của người cư sĩ.
Quý vị hưởng ứng lễ Noel, mang tính chất xã hội, không ai có quyền cấm, nhưng nếu để mất lòng tự trọng của bản thân thì nên xem lại. Tại sao phải đợi tới Noel xem hang đá nhà thờ nào đẹp rồi chạy đến chụp hình sống ảo, trong khi Phật đản treo một lá cờ cũng ngó chừng cũng sợ người ta quở là sao? Đức tánh hổ thẹn ở đâu? Viện lý do hoà đồng để tổ chức ăn mừng Noel trong chùa cho các Phật Tử lại càng phi lý.
Chúng ta vẫn tôn trọng đạo bạn, vẫn vui niềm vui chung ấy, nhưng cái vui của đạo Phật niềm vui Giải Thoát, là cái vui của sự Tịch Diệt.
Nếu đi, để tự hỏi lòng mình rằng:” tại sao họ làm đạo thành công như vậy?” thì nên đi. Để thấy các vị chưa hoàn thành trách nhiệm của người con Phật. Bằng nhân cơ hội này chè chén, thì Tam quy – Ngũ giới các vị để ở đâu? Đây là một thực trạng đau lòng…
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thích Như Dũng