Chiều ngày 11/11/2020 (tức ngày 26/9/Canh Tý), tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, hơn 800 vị thiện nam, tín nữ đã phát tâm quy y Tam Bảo trong khóa lễ quy y của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.
Khóa lễ quy y Tam bảo là một trong các sự kiện tâm linh thuộc chuỗi các hoạt động của chương trình “Yên Tử – Về miền đất Phật mùa thu năm, tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2020”, nhằm thu hút đông đảo nhân dân, Phật tử về với miền đất Phật linh thiêng, tìm hiểu về Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Đại đức Thích Vân Phong – Ủy viên Thường trực Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN, Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Kạn; Đại đức Thích Khai Từ – Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cùng Chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển đại vị chư Tăng đã giảng rõ ý nghĩa của “Quy y Tam bảo” và 5 giới người Phật tử tại gia cần gìn giữ để hiểu rõ trước khi chính thức phát nguyện thọ trì.
Quy y Tam bảo là quay về nương tựa vào ba ngôi báu ở thế gian, đó là Phật, Pháp và Tăng. Chúng sinh vì mê mờ đã trầm luân trong muôn kiếp không có người dẫn lối, quanh quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Nương tựa Tam bảo là bước đầu tiên để chúng ta nguyện quay về với con đường tỉnh thức, con đường sáng có thể đưa chúng ta về nẻo an vui, giải thoát. Phật là bậc đã giác ngộ, giải thoát, Ngài chỉ cho chúng ta lối ra. Pháp là ngọn đuốc sáng soi đường, là phương thuốc chữa lành căn bệnh khổ đau của chúng sinh. Tăng là những vị thầy đang đi trên con đường tỉnh thức và hướng dẫn chúng ta đi đúng đường. Cho nên, chúng ta cần phải quy y Tam bảo để cứu mình ra khỏi đường khổ đau.
Năm Giới là nền tảng của trí tuệ, đạo đức, tình thương và hạnh phúc của tự thân, gia đình và là chất liệu của chí nguyện lợi tha.
Giới thứ nhất là Không sát sinh. Chẳng những không nên sát sinh mà phải khởi lên tâm từ bi với tất cả loài vật, năng sám hối và phóng sinh. Giữ giới này thì được phúc báo tăng tuổi thọ, mạnh khỏe, ít bệnh tật, tăng trưởng lòng từ bi.
Giới thứ 2 là Không trộm cắp. Từ tất cả những vật quý báu cho đến các vật nhỏ như cây kim, trái ớt cũng không được lấy. Mình tôn trọng tài sản của người thì người sẽ tôn trọng tài sản của mình. Phật tử chẳng những không được trộm cắp mà nên làm bố thí, giúp đỡ người khác, biết cúng dường Tam bảo… giữ được giới này thì được quả báo là giàu có, sung túc, con cháu cũng nhờ phước lành của cha mẹ.
Giới thứ 3 là Không tà dâm. Nghĩa là Phật tử phải sống chung thủy một vợ một chồng, không ngoại tình, làm tổn thương hạnh phúc gia đình. Những hành động dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép, ngoại tình, bỏ tiền mua… để thỏa mãn tình dục đều gọi là tà dâm. Chẳng những không được tà dâm mà con phải biết bao vệ tiết hạnh của người khác. Giữ được giới này thì được quả báo dung mạo đẹp đẽ, trang nghiêm, cuộc sống hạnh phúc, yên ổn.
Giới thứ 4 là Không nói dối. Người Phật tử không được nói dối với ý đồ xấu, nói lời thêu dệt, bịa đặt, nói lưỡi hai chiều, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, hay nói lời thô ác, chửi mắng người. Vì nói giả dối nên bị mất lòng tin cậy. Phật tử chẳng những không được nói dối mà còn phải thực tập nói lời hay, ý đẹp, an ủi, yêu thương người khác. Giữ giới này thì được phúc báo là được mọi người tin cậy, giúp đỡ, mến yêu.
Giới thứ 5 là Không uống rượu. Người Phật tử không được để minh say xỉn các thứ rượu bia, ma túy, các chất kích thích gây nghiện khác. Sử dụng những chất kích thích độc hại này sẽ làm con người mất kiểm soát, gián tiếp gây nhiều tai hại khác, hơn nữa, say xỉn rượu chè, ma túy làm mất đi hạt giống trí tuệ, trở nên si mê, ngu dốt. Phật tử nên giảm dần cho đến từ bỏ, đồng thời nên khuyên người khác từ bỏ rượu và các chất kích thích độc hại. Giữ được giới này thì sẽ được qua báo là thông minh, trí tuệ, tài năng, sáng suốt.
Người có nhận thức rõ ràng nhân quả tội báo mới giữ giới luật được, nên gọi là người có trí tuệ. Người không phạm vào các hành động trộm cắp, tà dâm, uống rượu là người có đạo đức. Người không có tâm sát hại chúng sinh người có tình thương. Người giữ giới luật nghiêm túc sẽ không gây tạo ác nghiệp, không bị quả báo luân hồi trong ba ác đạo, là nhân của giải thoát. Giới, Định, Tuệ là nền tảng của giải thoát. Như vậy, người giữ giới luật đầy đủ là người có trí tuệ, có đạo đức, có tình thương và giải thoát. Một người giữ trọn vẹn năm giới này là một người an vui hạnh phúc. Một nhà giữ trọn vẹn năm giới này là một nhà được hạnh phúc. Một xã hội giữ trọn vẹn năm giới này là một xã hội hạnh phúc. Một đất nước giữ trọn vẹn năm giới này là một đất nước hạnh phúc. Cả thế giới giữ được năm giới này thì cõi Ta bà trở thành Tịnh độ chứ không cần đi đâu xa.
Sau khi quý vị thiện nam tín nữ thọ trì Tam quy – Ngũ giới, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cũng đã nhắc nhở các Phật tử về bổn phận của một người Phật tử tại gia. Khi đã chính thức trở thành Phật tử tại gia, phải biết kính tin Tam Bảo mười phương, tinh tấn, siêng năng học hỏi giáo lý của Phật dạy, rồi y theo đó mà tu hành, gieo hạt giống phúc lành, trồng nhân tốt, để xứng đáng là những người con trai và con gái dễ thương của Đức Phật.