Căn cứ theo Sắc Tu Bá Trượng Thanh Quy, lễ Phật Thành Đạo theo truyền thống Phật giáo Bắc Truyền, được tổ chức vào ngày 8/12 Âm lịch hằng năm. Thiết nghĩ đây là Đại Lễ quan trọng nhất, trong các lễ hội Phật giáo.
Vì nếu không có sự thành đạo của Đức Phật Thích Ca sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề, chiến thắng ma vương thành bậc Chánh Giác, thì sẽ không có giáo pháp cho chúng ta tu học. Vì vậy, Đại Lễ Phật Thành Đạo phải được xem trọng như lễ Vu Lan và Phật Đản. Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Phật tử.
Bỏ qua vấn đề sự khác biệt về quan niệm Đức Phật Thành Đạo vào ngày nào giữa Phật giáo Nam Truyền và Bắc Truyền. Nếu Phật giáo Nam Truyền quan niệm Đức Phật Thích Ca Đản Sanh, Thành Đạo và Niết Bàn trong cùng một ngày 15/4 Âl, nên lễ Vesak còn được gọi là lễ Tam Hợp, thì Phật giáo Bắc Truyền cho rằng ngày Đức Phật Thành Đạo và Niết Bàn khác với ngày Phật Đản.
Sự truyền thừa khác biệt này, khiến cho các lễ hội văn hoá Phật giáo thêm phần đa dạng, nên không cần phải tranh cãi. Vì Phật giáo Việt Nam chủ đạo là Phật giáo Đại Thừa.
Tổ chức Lễ Phật Thành Đạo không chỉ thể hiện lòng tri ân đối với Đức Từ Phụ, mà đây chính là dịp chấn hưng văn hoá dân tộc, qua lễ hội cuối năm của Phật giáo. Đối với các tín đồ Phật giáo, thì lễ hội là nơi thu hút họ tham dự. Tuy là giới lễ nghi thủ nhưng không kém phần quan trọng. Vì đây chính là phương tiện hoá độ quần chúng Phật tử sơ cơ. Bởi chư Tăng Ni không thể mãi lên tiếng khuyến khích người cư sĩ Phật tử giữ Tam Kiết trong dịp lễ Noel, mà không hề có một lễ hội khác thay thế.
Vì vậy, đại lễ kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Thành Đạo chính là liều thuốc miễn dịch, chống lại trào lưu lai tạp văn hoá, bị cải đạo thông qua lễ Noel. Cho nên, cần phải được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quan tâm, trọng thị, nhằm tập hợp được quần chúng và giữ gìn số lượng tín đồ Phật giáo. Bởi nếu có sự tham gia của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì lễ Phật Thành Đạo sẽ diễn ra nhất quán ở tất cả cơ sở Phật giáo Bắc Truyền trong cả nước. Điều đó cần được thúc đẩy nhanh chóng để trở thành mùa hội Phật giáo cuối năm trước thềm Xuân Tết Di Lặc.
Ngoài Thiền Phái Trúc Lâm, hiện nay đã có văn bản tổ chức kỷ niệm lễ Phật Thành Đạo của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Khánh Hoà tiên phong, cũng như Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, Chùa Thiền Tông Phật Quang và rất nhiều tự viện khác đã hướng đến tổ chức kỷ niệm Lễ Phật Thành Đạo. Nhưng thiếu sự tổ chức đồng loạt của các tự viện Phật giáo Bắc Truyền trong và ngoài nước. Thiết nghĩ chư Tăng Ni Phật Tử cần bắt tay vào hành động hơn là kêu gọi miễn dịch văn hoá phi dân tộc.
Ngoài việc tổ chức lễ hội Phật Thành Đạo tại các tự viện, nên vận động tín đồ, Phật tử treo cờ Phật giáo, trang trí cây Bồ đề tại tư gia, song song với các pháp hội, nhạc hội, hội thi nấu ăn thực phẩm chay và cắm hoa dâng Phật, để lễ Kỷ Niệm Đức Phật thành đạo ngày thêm phong phú, để đáp ứng nhu cầu lễ hội của tín đồ, Phật tử. Vì đối với trách vụ hoằng pháp lợi sanh, điều quan trọng nhất là tập hợp được quần chúng, trước khi nói đến tinh thần giác ngộ, giải thoát.
Trong thời gian chờ đợi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam các cấp lưu tâm và ban hành quyết định tổ chức Đại Lễ Phật Thành Đạo trong toàn quốc. Rất mong chư tôn thiền đức Tăng Ni, quý Phật tử cùng thay đổi ảnh bìa, ảnh đại diện Kính mừng đại lễ Đức Phật Thành Đạo trên các phương tiện truyền thông cá nhân như Facebook, Zalo; cùng hướng về tổ chức lễ Phật Thành Đạo tại bổn tự và tư gia của mình, vì đây là truyền thống lâu đời của Phật giáo. Có thể nói, muốn chấn hưng Phật giáo phải bắt đầu từ Đại Lễ Phật Thành Đạo, Phật Đản và Vu Lan, song song với việc đào tạo Tăng tài. Vì nếu Phật giáo đồ bị cải đạo qua các lễ hội của ngoại đạo hằng năm thì chúng ta lấy lực lượng quần chúng nào để xiển dương Chánh pháp? Nên lễ Phật Thành Đạo, một khoảng trống đang còn bỏ ngỏ.
Thích Như Dũng