Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomePhật Tử Ngày NayĐạo tràngTP.HCM: Khóa tu học bậc Lực một ngày cho Gia đình Phật...

    TP.HCM: Khóa tu học bậc Lực một ngày cho Gia đình Phật tử

    Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức lấy Từ bi – Trí tuệ – Dũng mãnh làm tiêu chuẩn phấn đấu, thấm nhuần tinh thần Tứ trọng ân, đào luyện Thanh thiếu đồng niên có niềm tin sâu sắc với đạo Phật, trở thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. Trên tinh thần đó, Phân ban Gia đình Phật tử (GĐPT) Trung ương đã mở các khóa học Huynh trưởng bậc Lực V – bậc học cuối cùng của Huynh trưởng GĐPT, gồm có 4 bậc: Kiên, Trì, Định và Lực.

    Để trang bị cho Huynh trưởng nắm vững thêm về giáo lý, củng cố kiến thức về nội điển và giải đáp thắc mắc trong quá trình vận dụng giáo lý tu học, phụng sự đạo pháp. Vào ngày 07/04/2019 (nhằm mùng 03/03 năm Kỷ Hợi), khóa tu học bậc Lực một ngày cho các huynh trưởng Gia đình Phật tử đã được tổ chức tại chùa Pháp Tạng (huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) với sự tham dự của hơn 20 vị huynh trưởng và đông đảo đạo hữu Phật tử gần xa.

    Sau phần phát nguyện một ngày tu học, Đạo tràng được hướng dẫn tu học của Đại đức Thích Trí Huệ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ GHPGVN, Trụ trì chùa Pháp Tạng.

    - Advertisement -

    Mở đầu buổi pháp thoại là chủ đề: “Tam Vô Lậu Học” – ba pháp thù thắng Giới -Định – Tuệ để đi đến đạo quả Bồ đề. Ba pháp này như kiềng ba chân, thiếu một pháp thì không thể đứng vững được. Nhờ sự hành trì và giữ Giới mà tâm hành giả được an trụ, nhiếp tâm nên Định phát sanh, từ Trí tuệ được mở khai.

    Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành trì giữ Giới để đạt được pháp thù thắng trên, hơn 2.500 năm qua, trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đã thiết tha dặn dò hàng đệ tử của mình: “Này các Tỳ kheo, sau khi Ta diệt độ, các vị cần phải tôn trọng kính ngưỡng Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới luật), như kẻ mù tối được sáng mắt, kẻ nghèo hèn được vàng ngọc. Phải biết Giới Luật là bậc Thầy cao cả của các vị, dù Ta ở đời cũng không khác gì Giới Luật ấy”. (Kinh Di Giáo)

    Tiếp nối bài giảng về Tam Vô Lậu Học là giải nghĩa kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Lịch sử về kết tập kinh điển và nguồn gốc xuất xứ kinh Kim Cang được  Đại đức Giảng sư trình bày thật cụ thể và hấp dẫn. Có thể nói, kinh Kim Cang chứa đựng tất cả tinh túy của Phật giáo Đại thừa với Tánh không trong tinh thần Bát Nhã. Đây là một bản kinh cao siêu, vi diệu và khó hiểu cho những ai khi chưa thấu suốt được nghĩa lý thâm diệu ẩn tàng bên trong bản kinh, như đại thi hào Nguyễn Du từng đề cập:

    “Kim Cang đọc tụng vạn lần

    Mà trong hư ảo như gần như xa

    Thạch Bàn vừa phát hiện ra

    Chơn kinh thật nghĩa hóa ra không lời”

    Đây là bản kinh giúp cho hành giả phá chấp thủ trong nội tâm, hàn phục vọng tâm sanh diệt và trở về an trú với chơn tâm, phát huy tâm từ bi hỷ xả. Với các phần phá chấp cụ thể mà Đức Phật khai thị cho Ngài Tu Bồ Đề cùng đại chúng:

    1. Lìa bỏ các tướng: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng – bởi vì các tướng đều là hư vọng.
    2. Một vị phát tâm và hành đạo Bồ Tát hóa độ nhiều người nhưng không chấp bất kỳ chúng sanh nào được diệt độ.
    3. Pháp cũng như chiếc bè, phải biết rời bỏ phương tiện sau khi qua sông.
    4. Không nên chấp trước vào âm thanh và sắc tướng mà tìm cầu sự giác ngộ qua câu kệ:

    Nếu lấy sắc thấy ta,
    Lấy âm thanh cầu ta,
    Người ấy theo tà đạo,
    Không thể thấy Như Lai.

    1. Xem tất cả các pháp đều không bền chắc, luôn luôn biến hoại, sanh diệt trong vô thường như huyễn mộng.

    Tất cả các pháp hữu vi,
    Như mộng, huyễn, bọt, ảnh,
    Như sương, cũng như chớp,
    Nên quán xét như vậy.

    Nghĩa lý kinh Kim Cang đã được Đại đức Giảng sư phân tích rõ nghĩa qua những câu chuyện, hình ảnh gần gũi, chân thật, dễ dàng áp dụng vào thực tiễn cuộc sống qua 2 thời pháp thoại.

    Song hành cùng những lời pháp thoại sâu sắc đó, Đạo tràng được trở về với tự thân thông qua sự hướng dẫn tận tình bằng phương pháp thực tập thiền trong kinh hành và thiền tọa.

    Thời vấn đáp, thắc mắc về nội dung của ngày tu học cũng như các vấn đề ứng dụng trong đời sống tu tập cũng đã kết thúc khóa tu học bậc Lực một ngày trong không khí vui tươi và an lạc.

    Toàn thể Đạo tràng gửi lời tri ân đến Đại đức Giảng sư đã tạo thuận duyên mở khóa tu học bậc Lực, củng cố những giáo lý cốt tủy của đạo Phật. Đặc biệt, những lời pháp nhủ đó sẽ làm nền móng để các vị Huynh trưởng tiếp tục phát huy tinh thần tự lợi, lợi tha, hoàn thành tốt sứ mạng của người Huynh trưởng GĐPT.

    Ánh sáng chánh Pháp sẽ trường tồn một phần nhờ những lực lượng Huynh trưởng không ngừng tu học, nâng cao kiến thức Phật giáo lẫn kiến thức ngoại điển từng ngày áp dụng vào việc hướng dẫn và sinh hoạt để giúp cho các em đoàn sinh GĐPT rèn luyện đạo đức và ý chí phấn đấu. Đó là hành trình dài lâu và rất cần các thế hệ huynh trưởng hôm nay mà mai sau kế thừa, vững bước trên từng nấc thang đạo – đời để cùng dìu dắt đoàn thể GĐPT vừa tu học vừa phụng sự đạo pháp và dân tộc, nhất là trong thời đại nền công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

    Chơn Niệm Nguyệt

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều