Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomeTin TứcSự KiệnTP.HCM: Hội thảo về tôn giáo ở Nam Bộ

    TP.HCM: Hội thảo về tôn giáo ở Nam Bộ

    Sáng 23-10, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, Khoa Nhân học phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức của trường tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tôn giáo ở Nam Bộ – Tiếp cận từ thực hành nghi lễ”.
    H05.JPGQuang cảnh hội thảo
    TS.Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS.Huỳnh Ngọc Thu, Trưởng khoa Nhân học; TS.Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo – đạo đức; HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Danh Lung, UV Thư ký HĐTS, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; NS.Thích nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; đại diện lãnh đạo Công giáo, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Baha’I cùng chư vị giáo sư, các học giả và gần 50 thính giả quan tâm tham dự.
    Phát biểu khai mạc, TS.Phan Thanh Định cho biết, Nam Bộ là vùng đất đa dân tộc, đa tôn giáo – chính điều này đã tạo ra những văn hóa đặc trưng nổi bật, cần được quan tâm và nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn.
    “Do các tôn giáo tại Nam Bộ đa dạng, nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến nhận thức, cũng như sinh hoạt của người dân tại đây”, TS.Phan Thanh Định nói.
    H01.JPGTS.Phan Thanh Định phát biểu khai mạc
    Theo Tiến sĩ Định, việc đi sâu tìm hiểu về các tôn giáo ở Nam Bộ cũng như tìm hiểu những ảnh hưởng của tôn giáo đến cộng đồng là cần thiết, có giá trị khoa học và thực tiễn.
    PGS.TS. Huỳnh Ngọc Thu phát biểu đề dẫn hội thảo, cho biết sau 6 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 60 bài tham luận từ các nhà khoa học đến từ các trường Đại học: Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Văn hóa, Trà Vinh; các Viện: Nghiên cứu khoa học xã hội Trung Bộ, Nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng các vị chức sắc các tôn giáo…
    Qua đó, có 34 bài được được các chuyên gia phản biện, chỉnh sửa để đưa vào kỷ yếu của hội thảo lần này và được chia theo hai nhóm chủ đề “Lý luận về nghi lễ tôn giáo” và “Thực hành nghi lễ tôn giáo ở Nam Bộ”.
    H03.JPGPGS.TS Huỳnh Ngọc Thu phát biểu đề dẫn
    “Với hai chủ đề này, hy vọng đại biểu sẽ thảo luận sâu về các vấn đề quan điểm, lý thuyết tiếp cận của các học giả về nghi lễ tôn giáo và những góc nhìn liên quan đến Văn hóa học, Nhân học, Tôn giáo học, Xã hội học… cũng như thảo luận sâu về cách thức thực hành nghi lễ tiêu biểu, đặc trưng tại cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng”, TS.Thu chia sẻ.
    Sau phiên khai mạc, các học giả đã trình bày và thảo luận nhóm chủ đề 1 – Lý luận về nghi lễ tôn giáo, do PGS.TS.Huỳnh Ngọc Thu và TS.Trần Hữu Hợp chủ tọa. Có 5 tham luận được trình bày và sau đó học giả và đại diện các tôn giáo tham dự đã có những nhận định cũng như trao đổi thẳng thắn để làm sáng tỏ các vấn đề được đặt ra.
    Chiều cùng ngày, phiên thảo luận thứ 2 về chủ đề “Thực hành nghi lễ tôn giáo ở Nam Bộ” do PGS.TS.Nguyễn Công Lý và TS.Nguyễn Thu Nguyệt chủ tọa. Tại đây, hội thảo cũng đã được nghe 5 tác giả trình bày các nghiên cứu của mình liên quan đến chủ đề. Sau đó, chủ tọa đã dành thời gian để các học giả, lãnh đạo các tôn giáo tham dự phát biểu và đóng góp ý kiến cũng như có những trao đổi với các diễn giả để làm sáng tỏ các vấn đề chưa thấu đáo trong nghiên cứu.
    Kết thúc hội thảo, Ban Tổ chức đã đúc kết và tiếp thu các ý kiến của cử tọa tham dự. Qua hội thảo lần này đã mở ra những hướng nghiên cứu và tiếp cận mới cho việc thực hành nghi lễ của các tôn giáo ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng.
    “Nếu các nghiên cứu chuyên sâu được áp dụng, việc tìm hiểu và thực hành nghi lễ của các tôn giáo sẽ có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp hơn trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, theo nhận định của nhiều lãnh đạo tôn giáo đề xuất”, Ban Tổ chức nhấn mạnh.
     
    H02.JPGHọc giả và đại diện các tôn giáo tham dự
     
    H04.JPG
     
    H10.JPG
     
    H11.JPGNhiều thảo luận sôi nổi sau khi các tham luận được trình bày
    Tin, ảnh: Quảng Hậu
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều