Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomeTâm Linh- Huyền BíTháng Thân Nói Chuyện Khỉ

    Tháng Thân Nói Chuyện Khỉ

    Trong 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Khỉ được xếp thứ 9. Năm  Canh Tý nhuận, có hai tháng nhuận (tháng 4 và 5 đều là tháng Tỵ). Nhân tháng Thân, nói chuyện Khỉ.

    Khỉ là một những loài động vật 4 chân thuộc lớp thú, bộ linh trưởng. Khỉ có ba nhóm lớn, là khỉ Tân Thế giới, khỉ Cựu Thế giới, khỉ không đuôi (Ape). Có khoảng 264 loài khỉ đã bị tuyệt chủng. Một số loài giống khỉ không đuôi, như tinh tinh hay vượn thường được gọi là khỉ trong ngữ cảnh bình dân, tuy rằng các nhà sinh học không xếp chúng vào các loài khỉ. Tuy nhiên, không có một đặc điểm nào là duy nhất mà tất cả các loài khỉ đều có mà các loài khác không có.

    Tôn Ngộ Không, một nhân vật trong truyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân, (văn học cổ Trung Hoa), vốn là khỉ được nhân cách hóa. Hanuman trong thần thoại Ấn Độ cũng là khỉ. Khỉ được coi là động vật tượng trưng cho tinh thần lạc quan. Khỉ cũng rất nghịch ngợm. Trong văn hóa dân gian Việt Nam có câu :

    ”Chuột chù chê khỉ rằng hôi

    - Advertisement -

    Khỉ mới bảo rằng: Cả họ mày thơm”!

    Mượn hình tượng con khỉ để răn dạy người đời. Đủ biết tổ tiên chúng ta “đánh giá” rất cao loài linh trưởng này, những câu cửa miệng như:”đồ khỉ”, “cái con khỉ”hoặc “khỉ già”,đều trong cái ngữ cảnh âu yếm, chứ hoàn toàn không hề có sự miệt thị khinh rẻ bao giờ… Đó chính là cái”Chân,Thiện, Mỹ” trong văn hóa dân gian Việt Nam! Tử vi và Kinh dịch, theo nhà nghiên cứu Lương Kim Định, thì đó là sản phẩm văn hóa và khoa học của người Việt cổ. Người Trung Quốc đã mạo nhận “đoạt khống” để cho rằng đó là sản phẩm văn hóa của họ(!) thế nhưng ngay cả các nhà nghiên cứu sử học và văn hóa học cũng không mấy ai để ý đến câu chuyện này . Thậm chí nhiều người còn cổ súy và tôn vinh cho văn hóa Trung Quốc (!?)

    Trong văn hóa Việt Nam và trong thi ca Việt Nam, khỉ được các tác giả nhắc đến rất nhiều như một sự ví von ẩn dụ về sự gần gũi giữa loài linh vật này với con người. Xin “sao chép,cắt dán” những dòng dưới đây của nhà nghiên cứu Vĩnh Hồ về những vấn đề liên quan đến văn chương, thi phú có yếu tố …Khỉ (!)

    “Một số từ, thành ngữ, tục ngữ có dính dáng đến khỉ như:

          Khỉ gió, khỉ khô, khỉ mốc.

          Đồ khỉ.

         Cầu khỉ: phổ biến ở miệt vườn đựơc làm bằng 1 cây tre bắt ngang qua mương, qua kênh rạch cho người qua lại. Cứ mỗi bước chân qua là cầu lắt lẻo đung đưa rất khó đi, chỉ có khỉ, chúa leo trèo mới đi được dễ dàng, vì thế nên người ta gọi là cầu khỉ.

    Bốn câu ca dao sau mô tả đúng bản tính nghịch ngợm của khỉ:

        Tuổi Thân con khỉ lao chao

        Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương.

          Trời sinh con khỉ ở lùm.

          Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông.

          Khỉ ho cò gáy: chỉ nơi hoang dã không có bóng người.

          Giết gà dọa khỉ.

          Làm trò khỉ: làm trò hề lố bịch vô duyên.

          Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà

          Khỉ lại hoàn khỉ, mèo lại hoàn mèo.

          Chuột chù chê khỉ rằng hôi

          Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm?

          Hứa hươu hứa vượn: hươu vượn ở núi nhanh nhẹn thấy đó mất đó, nên “hứa hươu hứa vượn” là hứa suông, hứa cho qua chuyện,  không có gì chắc chắn.

          Tránh khỉ bị hầu già: (hầu là khỉ ) tương tự như câu “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.

          Má ơi, đừng gả con xa

          Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?: Nỗi lòng cô gái hiếu thảo không muốn cha mẹ gả con xa, đồng thời có ý khuyên chúng ta không nên ép duyên, mà hãy để cho con cái được tự do lựa chọn hôn nhân dựa trên tình yêu.

          Mồ hôi nhễ nhại

          Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo

          Con ơi, mẹ dắt lên đèo

          Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia.

       Nói lên tình yêu chung thủy hi sinh vì chồng vì con của người phụ nữ dù phải đối diện với bao nghịch cảnh khó khăn, sầu não.

          Mặt nhăn như khỉ.

          Nhăn nhó như khỉ ăn gừng.

          Mặt nhăn như khỉ ăn ớt.

          Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi

    Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân.

          Tâm viên ý mã: Tâm ý tán loạn chạy như vượn như mã, không tập trung.

          Nuôi khỉ dòm nhà: khỉ ưa bắt chước, phá phách, ăn vụng, nên nuôi khỉ dòm chừng nhà chẳng khác nào “nuôi ong tay áo, “giao trứng cho ác”, có ngày sẽ bị nó đốt nhà.

          Rầu rĩ như khỉ mất con: khỉ nhất là vượn là động vật linh trưởng hao hao giống người, khi mất con cũng kêu gào thảm thiết như người. Vượn mẹ nuôi con tới 5, 7 năm mới xa con, lâu nhất trong loài động vật.

          Rung cây nhát khỉ: khỉ sợ người, gặp là nhảy thót lên cây cao, cho nên dù có rung cây cũng không làm gì được khỉ.

          Chim kêu vượn hú: chỉ nơi thâm sơn cùng cốc không 1 bóng người.

          Vượn lìa cây có ngày vượn rũ,

          Anh xa nàng mặt ủ mày chau.

       Vượn sống, ăn, ngủ trên cây, bắt phải lìa cây sẽ chết rũ. Tình yêu cũng vậy, buộc phải lìa nhau “quân tại tương giang đầu, thiếp tại tương giang vĩ” thì sẽ “muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi/ Thân tàn ma dại đi rồi/ Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan” (thơ Hàn Mặc Tử).

     Khỉ bồng con lên non kiếm trái

     Cảm thương nàng phận gái mồ côi.

     Vượn thương con như người. Chuyện kể có người thợ săn bắn vượn mẹ đang lúc cho con bú. Vượn mẹ bị tên, biết mình không thể sống được bèn vắt sữa ra cho con uống xong rồi chết. Người thợ săn mang về nhà, nhưng vượn con cứ nằm phục bên xác mẹ kêu gào thảm thiết rồi chết. Mượn hình ảnh này để tỏ tình với cô gái mồ côi quá là tuyệt!

     Chữ “vượn” xuất hiện từ thời Trần trong bài “Vịnh Hoa Yên Tự Phú” (Phú vịnh Chùa Hoa Yên) trong cuốn Thiền Tông Bản Hạnh.

       Thiền Tông Bản Hạnh: Bản in năm 1745, ở phần phụ ghi như sau:

       “Yên Tử sơn Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả Vịnh Hoa Yên Tự phú. (có nghĩa là: Phú Vịnh Chùa Hoa Yên của ngài Huyền Quang, tổ thứ ba Trúc Lâm núi Yên Tử).

       Bản Thiền Tông Bản Hạnh này gồm 798 câu lục bát do Hòa thượng Chân Nguyên biên soạn, ông Hoàng Xuân Hãn phiên âm, thuật lại đời tu hành của 3 vị vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng 2 vị Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang.

       Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726): từng trụ trì hai chùa lớn nhất của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử là chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động.

       Thiền Sư Huyền Quang (1254-1334): thi đỗ Trạng Nguyên làm trong Viện Nội Hàn, tiếp sứ Bắc triều… Lúc 51 tuổi treo ấn từ quan theo Vua Trần Nhân Tông đi tu, là tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Người ta xem Sư cùng Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa ngang hàng với 6 vị tổ của Thiền tông Trung Hoa và 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ. Lê Quý Đôn khen thơ Sư “ý tinh tế, cao siêu, lời bay bướm, phóng khoáng”. Tác phẩm của Sư gồm có:

    1.   Ngọc tiên tập
    2.   Chư phẩm kinh
    3.   Công văn tập
    4.   Phổ huệ ngữ lục

    Vịnh Hoa Yên Tự Phú: (Phú vịnh Chùa Hoa Yên) viết theo thể phú gồm 98 vế trong đó có nhắc đến vượn 2 lần, xin trích 3 đoạn như sau:

    Buông niềm trần tục

    Náu tới Vân Yên.

    Chim thuỵ dõi tiếng ca chim thụy. (thụy là lành)

    Gió tiên đua đòi bước thần tiên.

    Bầu đủng đỉnh dang hoà thế giới

    Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.

    Ngự sử mai hai hàng chầu rạp,

    Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.

    Phỉ thuý sắp hai hàng loan phượng, (cây phỉ thúy)

    Tử vi bày liệt vị công khanh. (bụi tử vi)

    Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng (óc là gọi)

    Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.

    Đua khoái lạc, chân bước lăm chăm;

    Nhuốm phồn hoa, đầu đà bạc tỷ. (bạc tỷ: bạc chút ít)

    Chẳng những vượn hạc thốt thề,

    Lại phải cỏ hoa cười thỉ.

    Thi sĩ Nguyễn Trung Ngạn (1289–1370): từ nhỏ nổi tiếng thần đồng, năm 15 tuổi đỗ hoàng giáp. Đỗ tiến sĩ cùng khoa với Mạc Ðĩnh Chi. Năm 24 tuổi làm Giám quân, năm 28 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Tính cương trực, tài kim văn võ, có công trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, làm quan qua 5 đời vua triều Trần. Ông có 5 tác phẩm:

       -Giới Hiên thi tập

       -Hoàng triều đại điển

       -Hình luật thư

       -Thanh chinh Đà Giang thực lục

       -Ma Nhai kỷ công bi văn

       Trong bài thơ “Yên Tử sơn Long Động tự” có tả tiếng vượn kêu trăng (viên minh nguyệt) ai oán buồn thảm sau đây:

    Yên Tử sơn Long Động tự

    Thương la hàn đặng khổ tệ phan,

    Tài đáo tùng môn tiện giải nhan.

    Nhất thốc lâu đài tàng thế giới,

    Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian.

    Cách lâm hữu hận viên minh nguyệt,

    Ỷ tháp vô ngôn tăng đối san.

    An đắc thân khinh trừ vật luỵ,

    Tử Tiêu phong đỉnh bạn vân nhàn.

     Nguyễn Trung Ngạn

    Vinh Hồ xin tạm dịch:

    Chùa Long Động ở núi Yên Tử

    Trèo lên bậc đá lạnh dây đan,

    Vừa đến tùng môn thấy nhẹ nhàng,

    Một cụm lâu đài lánh thế tục,

    Bốn mùa hoa điểu khác nhân gian.

    Im lìm tựa tháp sư nhìn núi,

    Oán hận bên rừng vượn gọi trăng.

    Tục lụy đứng ngoài thân nhẹ hẩng,

    Tử Tiêu phong đỉnh bạn mây nhàn.

                      Nguyễn Trung Ngạn

    Thi hào Nguyễn Trãi (1374-1442):

       Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét “Ông tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược đều am hiểu cả”.

       Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh làm quan triều Hồ. Sau có 10 năm phiêu dạt (1407-1417) trong văn thơ ông có nói nhiều đến “thập niên phiêu chuyển” (mười năm phiêu dạt) lênh đênh góc biển chân trời. Có người đoán ông đã từng sang Tàu trong thời kỳ này dựa trên một số thơ của ông có nhắc đến nhiều địa danh ở Trung Hoa

       Thơ văn Nguyễn Trãi gồm chữ Hán lẫn Nôm thuộc các lãnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi… song đã bị thất lạc sau vụ án Lệ Chi Viên. Các tác phẩm còn lại phần lớn được sưu tập trong bộ Ức Trai Thi Tập của Dương Bá Cung khắc in năm 1868.

        Ức Trai Thi Tập gồm 105 bài thơ chữ Hán. Quốc Âm Thi Tập gồm 254 bài chữ Nôm. Ông được xem như nhà thơ đầu tiên làm thơ chữ Nôm, cũng là người có số lượng thơ luật chữ Nôm nhiều nhất trong thơ cổ điển VN.

       Nguyễn Trãi có thời gian từ quan về ở ẩn tại núi Côn Sơn làm bạn với vượn hạc.

       Vượn hạc tượng trưng cho người quân tử được nhắc đến nhiều trong thơ chữ Nôm của ông:

     Thuật hứng bài 19

    Chụm tự nhiên một thảo am

    Dầu lòng đi Bắc liễn về Nam

    Rừng thiền định, hùm nằm trực

    Trái thì trai, vượn nhọc đem

    Núi láng giềng, chim bầu bạn

    Mây khách khứa, nguyệt anh tam

    Tào Khê rửa ngàn tầm suối

    Sạch chẳng còn một chút phàm.

     Nguyễn Trãi 

    Thuật hứng bài 15

    Ngại ở nhân gian lưới trần,

    Thì nằm thôn dã miễn yên thân.

    Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,

    Viên hạc đà quen bạn dật dân. (viên: vượn).

    Hái cúc ương lan hương bén áo,

    Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn.

    Đàn cầm suối trong tai dội,

    Còn một non xanh là cố nhân.

     Nguyễn Trãi 

    Mạn thuật kỳ 01

    Ngày tháng kê khoai những sản hằng,

    Tường đào ngõ mận ngại thung thăng.

    Ðạo ta cậy bởi chân non khoẻ,

    Lòng thế tin chi mặt nước bằng.

    Trì cỏ được câu ngâm gió,

    Hiên mai cầm chén hỏi trăng.

    Thề cùng viên hạc trong hai ấy,

    Thấy có ai han chớ đãi đằng.

    Nguyễn Trãi 

    Ngôn chí kỳ 20 

    Dấu người đi là đá mòn,

    Ðường hoa vướng vất trúc luồn.

    Cửa song dãi xâm hơi nắng,

    Tiếng vượn kêu vang cách non.

    Cây rợp tán che am mát,

    Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.

    Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn,

    Ủ ấp cùng ta làm cái con.

    Nguyễn Trãi

     Tự thán bài 1

    Càng một ngày càng ngặt đến xương,

    Ắt vì số mệnh, ắt văn chương.

    Người hiềm vì cúc qua trùng cửu,

    Kẻ hãy bằng quỳ hướng thái dương.

    Trà thủa tiên thì mình ghín nước,

    Cầm thì đàn khiến thiếp thiêu hương.

    Non quê ngày nọ chiêm bao thấy,

    Viên hạc chăng hờn lại những thương.

    Nguyễn Trãi

       Bài Tiên Du Tự trong Ức Trai Thi Tập tập thơ chữ Hán cũng có nhắc đến tiếng vượn kêu dồn sau đây:

    Tiên Du Tự

    Đoản trạo hệ tà dương,

    Thông thông yết thượng phương.

    Vân quy Thiền sáp lãnh,

    Hoa lạc giản lưu hương.

    Nhật mộ viên thanh cấp,

    Sơn không trúc ảnh trường.

    Cá trung chân hữu ý,

    Dục ngữ hốt hoàn vương (vong).

    Nguyễn Trãi (Trích Ức Trai thi tập)

    Nữ sĩ Ngô Chi Lan: tự Quỳnh Hương, không rõ năm sinh năm mất, là chị em họ với vua Lê Thánh Tông, một trong những nhà thơ nữ đầu tiên trong văn học sử VN, được Nguyễn Trãi nhận làm con nuôi cải thành họ Nguyễn tên là Hạ Huệ. Năm 1442, cha mẹ nuôi bị vu tội giết vua bị án tử hình, Bà liền cải dạng lấy lại tên thật trốn ở nhiều nơi cho đến khi thái tử Lê Tư Thành lên nối ngôi vua, bà mới dám trở về. Bà nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, giỏi thi ca, thông hiểu âm nhạc, viết chữ đẹp, nên được Vua ban hiệu là Kim Hoa nữ học sĩ cho dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn, đảm đương việc dạy lễ nghi, văn chương cho các cung nữ.

       Ngô Chi Lan có một tập thơ duy nhất là Mai Trang Tập (Tập thơ vườn mai) nhưng đã thất truyền, hiện chỉ còn trên dưới mười bài.

       Nhân câu chuyện Tô Vũ bị lưu đày chăn dê nơi tuyết giá chỉ còn biết làm bạn với cỏ cây cầm thú, và đã kết bạn tình với một nàng vượn-người (hầu nhân), sống với nhau như vợ chồng và đã có với nhau một đứa con. Sau 19 năm, Tô Vũ chia tay người vợ vượn-người trở về Hán.

       Trước cảnh chia ly chồng người & vợ vượn đầy cảm động này, nữ sĩ Ngô Chi Lan có làm 1 bài thơ tên “Tô Vũ Từ Hồ Phụ” (Tô Vũ biệt vợ Hồ) xin trích 8 câu:

          Ngập ngừng bưng chén ly bôi,

          Nghĩ mình muôn dặm thương người năm canh.

          Nhớ duyên kỳ ngộ ba sinh,

          Trăm năm xin gửi chút tình lại đây.

            ……

          Tình sum họp chiếu chăn càng mãi mãi

          Hay là cá nước chẳng ưa màu phấn đại

          Ðem duyên em buộc lại chàng Tô

          Xui nên kẻ Hán ngư  Ngô Chi La (trích Tô Vũ Từ Hồ Phụ)

       Thi hào Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585):  Năm 45 tuổi Ông mới chịu đi thi và đỗ Trạng nguyên, làm quan được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi là Trạng Trình.

    Khi Ấu Chúa tin dùng nịnh thần, triều chính nhiễu nhương chia bè kết phái, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin trị tội 18 lộng thần, nhưng không được chấp thuận, năm 1542 ông xin về quê trí sĩ (sau 8 năm làm quan) dựng am Bạch Vân, lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong… mở trường dạy học cạnh sông Tuyết, được các môn sinh tôn là “Tuyết Giang phu tử”, học trò có nhiều người hiển đạt như Phùng Khắc Khoan…

      Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang chất triết lý, suy tưởng, thời thế… gồm chữ Hán: Bạch Vân am thi tập có khoảng 1000 bài, nay còn lại khoảng 800 bài. Chữ Nôm: Bạch Vân quốc ngữ thi tập sáng tác từ khi qui ẩn hiện còn lại khoảng 180 bài. Ngoài ra, còn nhiều văn bia (bi ký), một số khắc vào đá đã được tìm thấy.

    Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm: còn gọi là “Sấm Trạng Trình” là những lời tiên tri bằng thơ về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (1509-2019).

    Bản Sấm ký của Trịnh Văn Thanh, Sài Gòn 1966 có 262 câu, gồm 14 câu “cảm đề” và 248 câu “sấm ký”. Hiện có 20 văn bản, trong đó 7 bản là Hán Nôm và 13 bản là quốc ngữ.

    Ngay trong phần đầu của tập Sấm ký có tựa đề “Trình tiên sinh quốc ngữ”, lần đầu tiên 2 chữ Việt Nam đã được nhắc đến:

           “Việt Nam khởi tổ xây nền”.

       Ông còn sử dụng 2 chữ Việt Nam thêm 3 lần nữa trong tập thơ Bạch Vân am thi tập.

       Trong các bản Sấm ký dịch ra quốc ngữ thì bản của Sở Cuổng là sớm nhất in trong Quốc học tùng thư (Nam Ký xuất bản, Hà Nội, 1930, in tại nhà in Trịnh Văn Bích). Xin trích 3 đoạn trong bản Sấm ký này có nhắc đến “Khỉ, Thân, Vượn” như sau:

    Khỉ ôm con ngồi khóc

    Gà chuồng vỡ tổ bay

    Chó vẫy đuôi mừng thánh chúa

    Lợn ăn no ngủ cả ngày.

          ……

    Long vĩ xà đầu khổ chiến tranh

    Can qua xứ xứ khởi đao binh

    Mã đề dương cước anh hùng tận

    Thân dậu niên gian kiến thái bình.

    ……

    Non đoài vắng vẻ bấy nhiêu lâu

    Có một đàn xà đánh lộn nhau

    Vượn nọ leo cành cho sỉ bóng

    Lợn kia làm quái phải sai đầu

    Chuột nọ lăm le mong cắn tổ

    Ngựa kia đủng đỉnh bước về tầu

    Hùm ở trên rừng gầm mới dậy

    Tìm về quê cũ bắt ngựa tầu.

    Nguyễn Bỉnh Khiêm

    Thi hào Nguyễn Du (1766–1820): sinh ra trong gia đình đại quý tộc, năm 10 tuổi mất cha, 13 tuổi mất mẹ, ở cùng anh cả, có lúc làm con nuôi của một vị quan, từmg đi giang hồ 3 năm ở Trung Hoa. Đỗ tam trường năm 19 tuổi, nhưng đời hoạn lộ thăng trầm bởi thời thế đổi thay. Có 10 năm phiêu bạt (1786-1796). Học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành…ở thể nào cũng có bài đặc sắc.

    Ngoài 4 tác phẩm bằng chữ Nôm, có 3 tác phẩm bằng chữ Hán trong đó có “Bắc hành tạp lục” gồm 131 bài viết trong chuyến đi sứ sang Tàu. Trong tập thơ này xin trích 3 bài sau đây có nhắc đến tiếng vượn kêu buồn:

    Vọng Quan Âm miếu 

    Y thùy tuyệt cảnh cấu đình đài,

    Phạt tận tùng chi trụy hạc thai.

    Thạch huyệt hà niên sơ tạc phá,

    Kim thân tiền dạ khước phi lai.

    Ðình vân xứ xứ tăng miên định,

    Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai.

    Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp,

    Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.

    Nguyễn Du (trích Bắc hành tạp lục) 

    Vinh Hồ xin tạm dịch:

    Trông lên miếu Quan Âm

    Đình đài ai dựng ở nơi này,

    Chặt hết cành tùng, trứng hạc bay.

    Hang đá năm nào vừa đục phá,

    Tượng vàng đêm trước mất còn đây?

    Mây ngừng chốn chốn sư yên giấc,

    Chiều xuống non non vượn oán ai?

    Ðốt nén hương đàn tiêu tuệ nghiệp,

    Quay đầu đã cách vạn trùng nhai.

     Nguyễn Du (trích Bắc hành tạp lục) 

    Tam Giang khẩu đường dạ bạc

    Tây Việt trùng sơn nhất thủy phân

    Lưỡng sơn tương đối thạch lân tuân

    Viên đề thụ diểu nhược vô lộ

    Khuyển phệ lâm trung tri hữu nhân

    Tứ vọng vân sơn nhân độc lão

    Ðồng chu Hồ Việt các tương thân

    Thập niên dĩ thất hoàn hương lộ

    Nả đắc gia hương nhập mộng tầm.

    Nguyễn Du (trích Bắc hành tạp lục) 

     Vinh Hồ xin tạm dịch:

     Ðêm đậu thuyền ở cửa sông Tam Giang

    Tây Việt trùng sơn, nước xẻ đôi,

    Đá chồng… hai ngọn núi chơi vơi.

    Vượn kêu cây rậm dường không lối,

    Chó sủa rừng sâu biết có người.

    Bốn phía núi mây, người độc lão,

    Cùng thuyền Hồ Việt, ta thân thôi.

    Mười năm quên mất đường về cũ,

    Giấc mộng quê xưa cũng rối bời?

     Nguyễn Du (trích Bắc hành tạp lục) .

     Trong bài Sơn Đường dạ bạc (Đêm đậu thuyền ở Sơn Đường) có  nhắc đến tiếng vượn kêu não lòng:

    Sơn Đường dạ bạc

    Ngọ mộng tỉnh lai vãn,

    Tà nhật yểm song phi.

    Phong kính duy thuyền tảo,

    Sơn cao đắc nguyệt trì.

    Ỷ bồng thiên lý vọng,

     Vinh Hồ xin tạm dịch:

    Ðêm đậu thuyền ở Sơn Ðường

    Ngủ trưa, tỉnh dậy muộn,

    Bóng xế dọi song tây.

    Gió mạnh, neo thuyền sớm,

    Non cao, thấy nguyệt chầy.

    Dựa mui, nghìn dặm ngóng,

    Chớp mắt, một năm đầy.

    Chớ đậu thuyền gần núi,

    Vượn hú đêm buồn lây.

    Nguyễn Du (trích Bắc Hành Tạp Lục)

    Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Hồ Tôn Hiến gạt Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, rồi tráo trở phục binh, Từ Hải vì nghe lời khuyên của Kiều mà chết đứng giữa trận tiền, đã thế Hồ còn bắt Kiều dâng rượu, đánh đàn: tiếng đàn sầu thảm đã được ví như “vượn hót ve ngâm” não nùng ai oán như sau:

    Bắt nàng thị yến dưới màn

    Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu

    Một cung gió thảm mưa sầu,

    Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!

    Ve ngâm vượn hót nào tày,

    Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

    Hỏi rằng: “Này khúc ở đâu?

    Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”

    Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này/

    Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ

    Cung cầm lựa những ngày xưa

    Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây

      Nguyễn Du(Đoạn Trường Tân Thanh)

    Thi sĩ Cao Bá Quát (1809 – 1855):

    Sau cuộc nổi dậy ở Sơn Tây thất bại, các tác phẩm của Cao Bá Quát đã bị thu đốt, cấm tàng trữ lưu hành, nên đã bị thất lạc nhiều. Hiện còn sót lại 4 thi tập có trên 1,000 bài thơ (có cả văn xuôi) được viết bằng chữ Nôm lẫn Hán. Cao Bá Quát nhà nghèo, thông minh, có khí phách anh hùng, dám nói dám làm, khinh kẻ quỳ gối khom lưng. Năm 1850, bị đày đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây xa xôi hẻo lánh ít học trò, Ông viết 2 câu đối dán ngoài nhà học đầy mỉa mai khinh bạt, trong đó có 2 chữ “đười ươi” như sau:

    Nhà dột một hai gian, một thầy, một cô, một chó cái.

    Học trò năm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

    Thi sĩ Nguyễn Công Trứ (1778-1858): nhà nghèo, có chí, làm quan nhiều lần bị giáng chức. Năm 80 tuổi còn dâng sớ xin cầm quân đánh quân Pháp xâm lược. Thơ văn của ông chỉ còn khoảng 150 bài, nhiều nhất là ca trù và thơ Nôm. Trong bài thơ “Thành Thăng Long” ở câu cuối có nhắc đến 2 chữ  “vượn hót” như sau:

    Thành Thăng Long

    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

    Hồi thủ khả lân ca vũ địa

    Đất Tràng An là cổ đế kinh

    Nước non một dải hữu tình

    Trời Nam Việt trước gây đồ đế kỷ

    Người thôn ổ dấu phong lưu thành thị

    Đất kinh kỳ riêng một áng lâm toàn

    Men sườn non tiếng mục véo von

    In mặt nước buồm ngư lã chã

    Hoa thảo kỷ, kinh xuân đại tạ

    Giang sơn do tiếu cổ hưng vương

    Đồ thiên nhiên riêng một bức tang thương

    Khách du lãm coi chừng thăm hỏi

    Đã mấy độ sao dời vật đổi

    Nào vương cung đế miếu ở đâu nào

    Mỉa mai vượn hót oanh chào

    Nguyễn Công Trứ

    Thi sĩ Nguyễn Khuyến (1835- 1909): tức Tam Nguyên Yên Đổ làm quan thanh liêm, chính trực. Sau nước mất vào tay Pháp, Ông cáo quan về ở ẩn, sống thanh bần, sáng tác thơ ca. Tác phẩm của ông gồm có: Quế Sơn thi tập, Yên Đỗ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.

    Quế Sơn Thi Tập gồm khoảng 200 bài bằng chữ Hán và 100 bài bằng Chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài Ông viết bằng chữ Hán rồi tự dịch ra chữ Nôm, hoặc viết bằng chữ Nôm rồi tự dịch sang chữ Hán, cả hai đều điêu luyện.

       Trong thơ Nôm vừa trào phúng vừa trữ tình. Thơ chữ Hán hầu hết là thơ trữ tình.

       Trong bài Anh Giả Điếc có 1 câu nhắc đến khỉ vói ý châm biếm:

       “Dạ lí phan viên nhĩ tự hầu”. (Đêm khuya leo trèo thì lanh lẹ như con khỉ.)

           Anh Giả Điếc

    Trong thiên hạ có anh giả điếc,

    Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!

    Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,

    Lối điếc ấy sau này em muốn học.

    Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc

    Dạ lí phan viên nhĩ tự hầu.

    Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.

    Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;

    Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc

    Điếc như thế ai không muốn điếc?

    Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!

    Hỏi anh, anh cứ ậm à.

    Nguyễn Khuyến

    Thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888): 

    Lúc 21 tuổi đỗ Tú tài  trường thi Gia Định, năm 1847, ra Huế học chờ khoa thi. Năm 1848, tin mẹ mất, Ông bỏ thi, về Nam chịu tang mẹ… Vì quá khóc thương ông bị mù, đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851 mở trường dạy học, làm thuốc ở Gia Định. Sau đưa gia đình về sống ở Cần Giuộc quê vợ. Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, Ông cùng gia đình dọn về Bến Tre tiếp tục dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn suốt hơn 20 năm mù lòa.

    Lục Vân Tiên (gồm 2,082 câu thơ lục bát) sau thời gian truyền miệng, năm 1864 được khắc in lần đầu, được các nhà văn Pháp dịch ra tiếng nước ngoài.

    Truyện thơ Nôm Dương Từ -Hà Mậu (gồm 3.456 câu) trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen 33 bài thơ luật Đường và các thể khác.

    Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (Ngư tiều y thuật vấn đáp) thơ Nôm (gồm 3,642 câu) phần lớn là thơ lục bát, có xen 21 bài thơ Đường luật và một số bài phú…Ngoài ra, ông còn để lại khoảng 37 bài thơ và văn tế. Trong Lục Văn Tiên có 6 câu tả cảnh, tả tình đặc sắc, hình ảnh con vượn được nhắc đến buồn bã giống như tâm trạng của con người trước cảnh chia ly:

    Thôi thôi em hỡi Kim Liên

    Đẩy xe cho chị qua miền Hà-Khê

    Trải qua dấu thỏ đàng dê

    Chim kêu vượn hú tứ bề nước non.

    Vái trời cho đặng vuông tròn

    Trăm năm cho vẹn lòng son với chàng.

    Nguyễn Đình Chiểu (trích Lục Văn Tiên)

    Khỉ hiện diện trong tục ngữ, ca dao và thi ca Việt Nam khá phong phú, mang nhiều ý nghĩa, từ chửi mắng, chê trách, mỉa mai, trào phúng kể cả u buồn, ma quái, thê lương, đến thân tình, trân trọng, quý mến, thương yêu, bằng hữu…

    Nặng lòng với Khỉ nhất không ai khác hơn Bùi Giáng, vì Ông đã có 15 năm chăn dê trong rừng, đã sống gần với Khỉ, đã tự đồng hóa mình là Khỉ khi lấy bút hiệu “Đười Ươi Thi Sĩ” và đã viết những câu thơ về Khỉ đầy thương yêu qúy mến như đã trích dẫn ở trên.

    Cảm động đười ươi cũng sụt sùi.

    Để kết thúc bài này, năm 2000, tôi có làm một bài thơ mang tựa đề “Đười Ươi Thi Sĩ” để tưởng nhớ Nhà thơ Bùi Giáng đã mất 2 năm, nay xin ghi ra đây để quý đồng hương chia sẻ trong ba ngày Tết Bính Thân:

    Đười Ươi Thi Sĩ*

    Tưởng nhớ Nhà thơ Bùi Giáng.

    Làm thơ dịch sách xưng Đười Ươi,

    Đi giữa bể dâu khóc lẫn cười.

    Nhân-thế văn minh năm nói sáu,

    Vượn-người chất phác mười là mười.

    Nhớ thuơng gái núi đầu nguồn thẳm,

    Chăn dắt đàn dê đồng cỏ tươi.

    Bỏ phố về thành tâm bấn loạn,

    Miên trường, đại mộng, hồn đôi mươi.

    *Bùi Giáng có bút hiệu là Đười Ươi Thi Sĩ.

        Lão Tử nói:

       “Kiến tố, bảo phác, thiểu tư, nhi quả dục. (Trích chương 19 Đạo Đức Kinh).

       Có ghĩa là: Thấy nguyên sơ, giữ mộc mạc, giảm suy nghĩ, bớt dục vọng.

       Tương tự “Kiến tố, bảo phác” trong  Đạo Đức Kinh, Thiền học có “minh tâm kiến tánh” quan niệm đời là vô thường ảo ảnh, khi mây tan biến thì vầng trăng ló dạng, khi tư tưởng buông bỏ thì bản lai diện mục xuất hiện. Bản lai diện mục tức là tự tâm, bản tánh. Khi minh tâm kiến tánh thì sẽ hốt nhiên giác ngộ thành Phật”.

    Luật gia Trần Thúc Hoàng

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều