Được sự chỉ đạo của HT. Thích Trí Quảng – Viện trưởng HVPGVN tại TP. HCM, từ ngày 31/12/2020 – 03/01/2021 (nhằm ngày 18 – 21/11 năm Canh Tý), khoa Đào tạo từ xa (ĐTTX) Cử nhân Phật học đã tổ chức chuyến hành trình “Về miền đất Tổ” tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam và Hà Nội. Chuyến hành hương chiêm bái và tìm hiểu sâu về Phật giáo thông qua miền đất Tổ với các di tích Phật giáo lớn có niên đại hàng ngàn năm nhằm mở rộng kiến thức và làm phong phú cách tiếp cận với giáo pháp cho học viên.
Hành hương là một quá trình di chuyển trong không gian, thời gian và ngay cả trong tâm thức của hành giả tham gia. Trong một khía cạnh nào đó, hành hương còn là sự chuyển biến độc đáo làm cho cuộc sống nơi trần thế trở nên tươi đẹp hơn, hữu ích hơn và ý nghĩa hơn qua sự kết nối tâm linh, thiêng liêng, cao cả mà các giá trị lịch sử, văn hóa Phật giáo kết tụ lại. Trên cùng một con đường với những khoảnh khắc đặc biệt, các hành giả cũng được kết nối với những con người có cùng lý tưởng, niềm tin về một giá trị đạo đức.
Tham gia chuyến hành hương có chư Tôn đức lãnh đạo Khoa ĐTTX HVPGVN: Trưởng đoàn là TT.TS Thích Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS, Phó ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng HVPGVN tại TP. HCM, Trưởng khoa Đào tạo từ xa; NS.TS Thích Nữ Hương Nhũ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Ủy viên Thường trực PBNG TƯ, Phó trưởng Khoa ĐTTX HVPGVN làm Phó đoàn cùng 200 học viên hệ ĐTTX từ khóa 1 đến khóa 6.
Trong chương trình lần này học viên được tới thăm Khu Di tích đặc biệt Lam Kinh – kinh đô nhà Lê và Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng tại TP. Thanh Hóa; chùa Dâu (tỉnh Bắc Giang), chùa Giáng, chùa Đậu (TP. Hà Nội); khu thắng tích tâm linh chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam); Thiền viện Giác Tâm (Cái Bầu) tỉnh Quảng Ninh; khu Di tích đặc biệt Quốc gia danh thắng Phật giáo Yên Tử nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành hóa Phật và sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hơn 700 năm trước.
Sáng ngày 31/12/2020, chư Tôn đức cùng các thành viên phía Nam đáp chuyến bay từ TP. HCM tới Thanh Hóa để bắt đầu chuyến hành trình đầy ý nghĩa này.
Tại sân bay Thọ Xuân, trong không khí mùa Đông giá lạnh của miền Bắc với nhiệt độ ngoài trời là 15 độ C, nhưng quý Phật tử Thanh Hóa và học viên các khóa – hệ đào tạo từ xa của Học viện đã đón tiếp đoàn bằng tình cảm nồng nhiệt cùng những bó hoa tươi thắm trao tặng đến chư Tôn đức lãnh đạo của Học viện.
NS.TS Thích Nữ Hương Nhũ – Phó trưởng Khoa ĐTTX có nhiều năm công tác tại Học viện và đi làm Phật sự rất nhiều nơi nhưng đã rất xúc động với sự đón tiếp bằng tình cảm nồng hậu, chân thành của quý Phật tử nơi đây.
Từ sân bay Thọ Xuân đoàn đã di chuyển về tịnh xá Linh Sơn tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Đây là ngôi tịnh xá được TT. Thích Giác Hoàng đang tiến hành tôn tạo, kiến thiết và mở rộng.
Đoàn đã dâng hương đảnh lễ Tam bảo. Trong buổi gặp gỡ chân tình TT. Thích Giác Hoàng đã giới thiệu với đoàn về lịch sử của vùng đất thiêng Ngàn Nưa với thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi có long mạch quốc gia An Tiêm trên đỉnh núi Nưa. Trong tương lai tại đây sẽ xây dựng một ngôi tịnh xá để Tăng Ni và người dân địa phương tu học.
Dời tịnh xá Linh Sơn, đoàn hành hương tiếp tục đến thăm Di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh – kinh đô nhà Lê tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Di tích lam Kinh không chỉ có kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông của khu kinh thành cổ mà còn thu hút bởi những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các Vua chúa thời Hậu Lê. Tại đây, đoàn hành hương tham quan và tìm hiểu về lịch sử triều đại nhà Lê để giúp học viên có thêm những kiến thức lịch sử về kiến trúc xây dựng các công trình thuần Việt và các hoa văn họa tiết thời Lê. Đây là những tư liệu quý báu để phục vụ cho việc học tập của các học viên.
Buổi tối cùng ngày, đoàn hành hương đã đến Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng tại TP. Thanh Hóa để đảnh lễ Phật cũng như tham quan chiêm bái và tìm hiểu về thiền phái Trúc Lâm và lịch sử ngôi Thiền viện trên vùng đất anh hùng này.
Thiền Viện Hàm Rồng tọa lạc trên đỉnh ngọn núi thiêng – đồi C4 thuộc phường Hàm Rồng với tổng diện tích là 9ha, xây dựng từ năm 2010 đến năm 2017. Với vị trí đắc địa “tọa sơn hướng thủy” hướng ra sông Mã huyền thoại có cây cầu Hàm Rồng một thời oanh liệt với những chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ Quốc.
Tại đây, NS. Thích Nữ Hương Nhũ đã chia sẻ một bài pháp thoại tới bà con Phật tử của Thiền viện.
TT.TS Thích Giác Hoàng cùng chư Tăng Ni tại nơi trú xứ đã tổ chức chương trình thắp nến cầu nguyện cho dịch bệnh tiêu trừ, thế giới hòa bình và quốc thái dân an. Đêm hoa đăng thật trang nghiêm và linh thiêng trong ánh nến lung linh. Chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã tụng kinh cầu an, hoàn tất ngày đầu tiên trong chuyến đi chiêm bái các thắng tích Phật giáo trên hành trình về miền đất Phật.
Sáng ngày 01/1/2021 là ngày đầu năm mới Dương lịch tại Thiền viện Hàm Rồng và đoàn đã có buổi tọa thiền hồi hướng năng lượng tu tập đầu năm đến chúng sinh vạn loại. Dời Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, đoàn tiếp tục đi thăm các địa danh như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng đến với TP. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, một thành phố biển xinh đẹp với thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
11h trưa ngày đầu năm mới dương lịch đoàn đã đến Thiền viện Giác Tâm (chùa Cái Bầu) tọa lạc tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn trên vịnh Bái Tử Long. Đây là ngôi thiền viện do Ni giới quản lý trong hệ thống các Thiền viện trong cả nước.
Công trình văn hóa tâm linh này có kiến trúc cổ kính nhưng cũng rất hiện đại được xây dựng trên nền ngôi Phúc Linh cổ tự (cách đây trên 700 năm. Nơi đây thờ các vị tướng nhà Trần có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông từ thế kỷ XIII. Thiền viện được tôn tạo từ năm 2007 đến năm 2009 với tổng diện tích 20ha. Thiền viện mang dấu ấn giống các ngôi chùa cổ thuần Việt về cả kiến trúc, trang trí, phù điêu, hoa văn trang trí, mái cong các hàng cột tròn, không gian hài hòa, giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Viện chủ thiền viện – NT. Thích Hạnh Nhã đã đón đoàn trong niềm hoan hỷ.
Đoàn đã đảnh lễ Tam bảo và vấn an sức khỏe Ni trưởng Viện chủ trong không khí thắm tình đạo vị và TT. Thích Giác Hoàng đã thay mặt đoàn trao tặng Ni trưởng bức tranh thư pháp kỷ niệm với ý nghĩa nói lên một đời sống thanh bần, vượt bất nhị của một bậc Ni trưởng đã có nhiều cống hiến cho Đạo pháp.
Buổi tối cùng ngày là chương trình gặp gỡ giao lưu trong tình Linh Sơn pháp lữ tại giảng đường của thiền viện. NS. Thích Huệ Bảo – Trụ trì Thiền viện đã chia sẻ cảm xúc khi được vinh dự đón đoàn.
TT.TS Thích Giác Hoàng đã chia sẻ pháp thoại với chủ đề “Trung đạo” khuyến tấn Tăng Ni và đại chúng nên cân đối việc tu và học sao cho hài hòa giữa đời sống thực tại và quá trình tu tập của mỗi người.
Trong buổi giao lưu, TT. Thích Giác Hoàng trao tặng 3 học viên khóa 6 là Thông Trí, Đức Điền và Huệ Thảo những bức tranh thư pháp, tranh Phật mang thông điệp minh triết về giáo pháp của Đức Phật nhằm động viên khích lệ các học viên đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác hộ pháp cho chuyến hành trình về đất Tổ lần này. Đây là những phần quà kỷ niệm đầy ý nghĩa!
5 giờ sáng ngày 02/1/2021, đoàn dời Thiền viện Giác Tâm tiếp tục lên đường hành hương đến danh thắng Trúc Lâm Yên Tử – khu di tích Quốc gia đặc biệt tại xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nơi Ngài Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia tu hành và hóa Phật.
Núi Yên Tử là một khu rừng nguyên sinh. Quần thể Di tích này có tọa độ trung tâm từ 21005’ đến 21009’ vĩ độ Bắc và 106043’ đến 106045’ kinh độ Đông, phân bố ở địa bàn 03 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Độ cao trung bình trên 600m có đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử với độ cao 1.068m so với mực nước biển. Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa vẫn đang được bảo tồn.
Điểm đến đầu tiên là Cung Trúc Lâm – là công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo được xây dựng trong 2 năm và đã hoàn thành giai đoạn 1 trên diện tích rộng hơn 6.000m2 để phục vụ cho các hoạt động hành hương, hội họp, tham quan, lễ Phật, thưởng ngoạn, trải nghiệm, tu tập… ở Yên Tử.
Chiêm bái và viếng thăm khu lăng mộ nhà Trần, quần thể lăng mộ lớn nhất của khu danh thắng. Vượt qua hàng trăm bậc đá dựng đứng đến với Chùa Hoa Yên hay còn gọi là Chùa Cả ở độ cao 543m. Đây là ngôi chùa to nhất với tiền đường, hậu cung, có tả vu Lầu chuông, hữu vu Lầu trống và nhà thờ Tổ tạo nên không gian kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”.
Trải nghiệm tiếp theo là Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc liền khối bằng đồng nguyên chất trên bệ bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao 2,7m. Tổng thể tượng cao 12,6m, nặng 138 tấn được dựng trên khu đất rộng 2.200m2.
TT.TS Thích Giác Hoàng cùng với đại chúng đã niêm hương bạch Phật và tụng một thời kinh cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.
Cuối cùng là ngôi Chùa Đồng, một công trình độc nhất vô nhị không chỉ bởi kiến trúc, điêu khắc độc đáo mà còn bởi ý nghĩa tâm linh to lớn. Chùa nặng khoảng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Các hoa văn, họa tiết trên đầu đao, bệ mái mang đậm phong cách đời Trần. Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. Bốn đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên. Người ta vẫn truyền miệng nhau rằng ai đi Yên Tử được 3 năm liên tiếp thì ước gì được nấy và có câu:
Trăm năm tích đức tu hành,
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.
Tại đỉnh thiêng Chùa Đồng, TT. Thích Giác Hoàng và đại chúng đã có một buổi tọa thiền đặc biệt. Thiền trên đỉnh Yên Tử là một trải nghiệm vô cùng linh thiêng, bởi nơi đây là điểm hội tụ linh khí của đất trời. Hơn nữa phải được sự ủng hộ ưu ái của thời tiết để có đủ nhân duyên được một thời khắc tu tập chiêm bái tại chốn linh thiêng bậc nhất Yên Tử này. TT. đã chia sẻ, khích lệ đại chúng cảm nhận linh khí của đất trời sông núi hội tụ nơi đây. Lời chia sẻ của Thượng tọa tại chùa Đồng có giá trị về thực tế để các học viên cảm nhận một cách sâu lắng và linh thiêng.
Buổi chiều, đoàn tiếp tục di chuyển đến thành cổ Luy Lâu cách Hà Nội khoảng 30km. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng, hơn 2.000 năm trước và phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ.
Điểm kết thúc của ngày hành hương thứ ba là gia đình Phật tử Lê Phúc Tuấn (pháp danh Đức Điền) tại Ninh Hiệp, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình anh chị là Phật tử thuần thành và là học viên của Khóa 6 hệ ĐTTX.
TT.TS Thích Giác Hoàng đã giao lưu, chia sẻ một thời pháp với đạo tràng nơi đây và tán thán công đức của gia đình Phật tử đã dành một không gian thờ Phật và làm nơi tu tập cho Đạo tràng tại địa phương. Toàn thể đại chúng có một ngày hành hương chiêm bái và tu học đầy ý nghĩa.
Ngày 03/1/2021 (nhằm ngày 21/11/Canh Tý) là ngày cuối của cuộc hành trình “Về nơi miền đất Tổ”, đoàn đến với danh thắng Phật giáo chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km đường bộ. Ngôi chùa lớn nhất nhất thế giới được xây dựng trên nền ngôi Tam Chúc cổ tự hơn 1000 năm tuổi. Nơi đây được chọn làm địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019.
Đoàn xe được tập kết tại khu vực nhà hội trường trung tâm Thủy Đình. Sau đó, đoàn được lên thuyền qua hồ Tam Chúc để đến với các di tích trong quần thể tâm linh này. Trải nghiệm hành hương chiêm bái kiệt tác kiến trúc tâm linh chùa Tam Chúc bằng thuyền trên một hồ nước rộng lớn là một cảm giác thú vị đối với mỗi học viên. Qua ngôi đình thờ Hoàng hậu nhà Đinh – Dương Thị Nguyệt nằm giữa hồ nước rộng lớn, lưu giữ những dấu tích cổ từ thời Vua Đinh.
Chùa Tam Chúc có 3 chính điện là: Điện Tam Thế, điện Pháp Chủ và điện Quan Âm. Trên tường có các bức phù điêu đều mang một câu chuyện về cuộc đời Đức Phật và các giai đoạn phát triển của Phật giáo.
Tại Điện Pháp chủ, đoàn được chiêm bái pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (nặng 200 tấn). Bảo điện được thiết kế hai tầng mái cong, cao 31m, mặt sàn rộng 3.000m2.
Điện Tam Thế có ba pho tượng Phật lớn bằng đồng đen thờ ngay giữa chính điện. Đoàn thực hiện nghi lễ niêm hương bạch Phật và tụng một thời kinh. Hướng dẫn viên cũng truyền đạt các thông tin về cụm di tích, nét văn hóa địa phương, các công trình đã, đang và sẽ xây dựng tại đây.
Tạm biệt chùa Tam Chúc, đoàn tiếp tục đến thăm chùa Viên Minh hay còn gọi là chùa Giáng tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội.
Chùa Viên Minh có kiến trúc cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa tại miền Bắc được coi là Tổ đình của Phật giáo Việt Nam và là ngôi chùa nơi Đức Pháp chủ GHPGVN Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ hiện đang tu hành. Ngài là một bậc Đại lão Hòa thượng trên cương vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội, dành cả cuộc đời tu hành cống hiến cho đạo pháp.
ĐĐ. Thích Thanh Vịnh – Trụ trì chùa Viên Minh tiếp đón đoàn và cho biết: “Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ là một bậc chân tu, rất cần kiệm giản dị. Người rất siêng năng công quả, lúc nào cũng làm việc không ngơi. Khi xong công việc thì người dành thời gian cho việc đọc sách, viết kinh, giảng giải kinh pháp.”
Được duyên lành tới tận nơi, nhìn tận mắt ngôi chùa và đời sống tu hành giản dị của Đức Pháp chủ, các hành giả trong đoàn cảm nhận được năng lượng tích cực tại nơi đây và dâng trào niềm tôn kính bậc Cao tăng với đời sống thanh bần, tận tâm phụng sự Phật pháp hết sức mẫu mực. Mỗi người đều có những tâm tư lắng đọng trong tâm hồn và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đạo pháp.
Điểm đến cuối của ngày thứ tư là Di tích đặc biệt chùa Đậu tại làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội cách trung tâm Hà Nội 24km về phía Nam. Chùa Đậu còn có nhiều tên gọi khác như: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà.
Đây là di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia, hiện còn lưu giữ gác chuông tam quan, cuốn sách bằng đồng thi hóa lịch sử chùa từ thời đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200-210) cho biết rõ sự tích Phật giáo là từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam. Đặc biệt là tượng lưu cốt nhục thân hai vị thiền sư trụ trì chùa vào đầu và giữa thế kỷ 17. Xá lợi nhục thân của hai vị thiền sư thế danh là Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường này có thể xem là “Quốc bảo” của Phật giáo cũng như nền văn hóa của dân tộc Việt.
Chùa Đậu vốn thờ Tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (tức là mây, mưa, sấm, chớp).
Chùa Đậu được đại trùng tu vào đời Lý có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” “tiền Phật, hậu Thánh” theo cấu trúc hệ thống Tứ pháp nhà Phật. Nghệ thuật kiến trúc có nhiều nét độc đáo, đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh vào thế kỷ 17.
Hiện nay, trong cuốn sách đồng khắc chữ Hán nói về lịch sử chùa cùng một khánh đồng to đời Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772), một chuông đồng to thời Tây Sơn (Cảnh Thịnh thứ 9 – 1801), hai tấm gỗ tứ thiết sơn son thếp vàng có chạm hai bài thơ của Vua Lê Hy Tông (1680 – 1705) và Vua Lê Dụ Tông (1705 – 1719). Đây là những tài liệu quý về lịch sử mà các học viên được tìm hiểu thực tế.
TT.TS Thích Giác Hoàng – Trưởng đoàn cho biết:
“Hành hương Phật giáo hay hành trình tâm linh đến với những miền địa linh được thu nạp những năng lượng tốt tự nhiên, giúp con người có sức khỏe, thân tâm được bình an, và điều đặc biệt hơn đó là làm cho mình trở nên hoàn thiện hơn, bổ sung những tri thức hữu ích cho cuộc sống, hiểu biết nhiều hơn về những triết lý sống có giá trị đạo đức, văn hóa của đạo Phật, về lòng hướng thiện, niềm an lạc thật sự.”
Khép lại 4 ngày hành trình chiêm bái các thắng tích Phật giáo lớn tại miền Bắc của Khoa ĐTTX thuộc HVPGVN tại TP. HCM, đoàn đã được sự gia hộ của mười phương chư Phật nên thời tiết rất thuận lợi, thượng lộ bình an. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Ban tổ chức nên đoàn cũng đã gặt hái được những kết quả bất khả tư nghì.
Trải nghiệm thăm viếng, chiêm bái và giao lưu trong hành trình về miền đất Phật, các học viên có điều kiện tiếp cận các công trình kiến trúc hàng ngàn năm tuổi. Đó là kho tư liệu vô tận về lịch sử, về văn hóa nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Tiếp cận với các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội, giao lưu thảo luận với các thiện hữu tri thức tại các vùng miền khác nhau làm tăng thêm kiến thức hiểu biết, nhận thức và tạo nhiều cơ hội cho học viên trong quá trình nghiên cứu, học tập và tu tập.
Hành trình gần 3000km cả đường không và đường bộ tới thăm các thắng tích Phật giáo lớn để học viên tìm hiểu lịch sử hình thành các tông phái, các cơ sở tự viện tại miền Bắc đã thành công viên mãn trong niềm hoan hỷ của chư Tôn đức và toàn thể đại chúng.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
PV: Tronghaitb.